Friday, November 16, 2007

Vẫn còn chuyện Melbourne tiếp theo(bài 4)..

*Có một số những điều tối kị của dân Úc khi nói chuyện là: không nên hỏi tuổi phụ nữ, hỏi nhau về tiền bạc, lương bổng và về gia cảnh, tốt nhất là chờ họ tự động nói ra, người Úc cũng rất thực dụng, họ tổ chức ăn uống khi mời mình mà có kèm theo câu nhớ mang theo mình một cái điã, khi đọc câu này bạn chớ cầm cái điã không đến nhá, mà phải mang theo đồ ăn đến đóng góp cho bữa ăn. Người Úc cũng có những cái đặc thù riêng họ nói: Người Úc chính cống phải lái xe Holden, UTE (pick up) ăn bánh Pie, uống Foster (bia).

Còn đời sống của người Úc? Thì cũng như mọi người dân các nước khác, sinh ra trong độ tuổi 15 thì bắt buộc phải được học hành, trong độ tuổi này đi đến bất cứ nhà trường nào xin vào học đều được thu xếp chỗ học tử tế, không mất tiền. Trẻ em tuổi này trong giờ học mà thấy lang thang ngoài đường mà gặp cảnh sát thì thế nào cũng bị chận lại hỏi lý do sao không đi học? Ngược với bên mình, trường công thì lại dễ vào học, còn trường tư vừa mất tiền học phí mà cũng hơi khó xin vào học, thường trường tư là các trường thuộc các tôn giáo, kỷ luật cũng nghiêm hơn. Qua đến đại học thì được chính phủ giúp cho mượn tiền để đóng học phí học tiếp cho đến khi tốt nghiệp, còn tiền ăn ở thì được cấp cho không và chỉ khi nào học xong, ra trường kiếm được việc làm và lương phải trên 25 ngàn một năm mới phải trả lại tiền học phí, đâu cỡ 2% tiền lương cho đến khi trả xong, thế nên, ai có chí thì học cho đến gìa cũng được. Chả thế mà có các sinh viên 60, 70 tuổi đấy à.

Trong độ tuổi lao động, tuổi này được tính từ 18 cho đến 65. Ai có nghề nghiệp gì thì làm nghề đấy, ai không có nghề thì đi làm mướn. Nói tới nghề thì phải công nhận là nghề ấy phải được huấn luyện đàng hoàng. Có chứng chỉ của trường lớp và nghề nghiệp ấy phải được bảo hiểm, để khi có trục trặc còn có nơi mà bám víu vào. Lao động chân tay và làm việc bên ngoài thì tiền lương cũng cao hơn, và người có bằng cấp thì đương nhiên tiền lương cũng khá hơn người lao động chân tay. Tuy vậy, cũng có những trường hợp ngoại lệ, ở đâu cũng thế thôi. Làm đến khi về hưu, ôm một đống tiền hưu trí, dùng tiền để đi du lịch hay hàng ngày lái xe mới coóng đến các câu lạc bộ thể thao chơi dưỡng già, xài không hết thì tặng các cơ quan từ thiện làm phước.

Có nhiều luật mà nếu ở bên mình thì thật là lạc hậu, như luật bảo vệ súc vật, ai có máu mê đá gà coi chừng! Nếu bạn nuôi chó, nuôi mèo bạn phải đăng ký với hội đồng thành phố, đớng lệ phí để họ cấp giấy phép và thẻ bài cho chó, cho mèo đeo, rồi bạn phải lo mà chăm sóc cho chúng như đi chích ngừa, tắm rửa cẩn thận, nếu chó mèo bạn nuôi mà bạn để chúng đói, chúng bệnh không được chăm sóc, ai đó họ biết mà báo cho hội bảo vệ súc vật thì bạn cũng bị phiền với pháp luật đấy! Đừng có đùa ạ! Còn quyền bình đẳng, bảo vệ đủ thứ nữa, nhiều cái luật rất ngược với bên nhà, nhưng nhập gia phải tùy tục.

Thế những người không có công việc thì sao? Thưa ở Úc có hệ thống An sinh xã hội thuộc vào một trong các nước lo việc phúc lợi cho dân cao nhất trên thế giới. Khi bạn bị thất nghiệp, Bộ an sinh xã hội có trách nhiệm giúp bạn đủ sống, và họ cũng có trách nhiệm tìm việc, huấn luyện nghề nghiệp cho bạn, họ cũng tìm những khoá học nào mà bạn thích kể cả cho bạn đi học thêm Anh văn để giúp bạn có nhiều khả năng giao tiếp với xã hội và dễ dàng tìm công việc. Vì thế đi đâu cũng thấy nhắc nhở câu: “Ăn cắp là trọng tội, ăn xin là phạm pháp.” Nói thì nói vậy chứ nào có được hết như vậy, nhiều người đi ăn cắp như là cái bệnh, không lấy không được. Mà ăn xin cũng thế, thấy cảnh sát thì họ né là xong. Còn leo vào nhà chôm đồ cũng đâu phải ít, nhưng ai có bảo hiểm thì chẳng phải lo, đã có bảo hiểm phải lo mà trả cho thân chủ đồ đạc bị mất rồi!

Khi bạn được vào Úc, bạn có quyền được hưởng ngay hệ thống y tế công miễn phí, hệ thống này rất tốt, nó chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, bạn được cấp cho một thẻ y tế gọi là Medicare, bạn có quyền chọn một bác sĩ cho bạn, cho gia đình bạn mà không phải lo một khoản lệ phí nào, trừ phi bạn phải đến một bác sĩ chuyên khoa cho một khám nghiệm đặc biệt nào đó. Bạn cũng có thể gia nhập một qũy bảo hiểm y tế để được phục vụ tốt hơn, thế nhưng việc này không bắt buộc. Nếu ốm đau phải nằm bệnh viện, bạn được phục vụ chu đáo mà cũng chẳng tốn một xu, ấy vậy mà nào đã hết, khi bạn phải chăm sóc thân nhân, bạn còn được hưởng thêm phụ cấp nuôi dưỡng người bệnh nữa chứ. Nói chung về y tế, bạn chẳng phải lo lắng gì nếu bạn sống trên đất Úc. Mới đây, để khuyến khích sinh đẻ, mỗi em bé chào đời cha mẹ còn được thưởng trên 5.000 Dollars nữa chứ.

Về truyền thông giải trí, có hai đài truyền hình nhà nước, ba đài thương mại chiếu 24/24, báo chí thì nhiều, báo chí điạ phương phát không cũng đến 2 hay 3 tờ ở mỗi vùng được mang đến tận nhà. Có tới 5 đài phát thanh Việt ngữ, một đài truyền hình tuần phát một giờ, còn báo chí tiếng Việt, thật không nhớ hết và đếm được. Đặc biệt nhất ở đây là hệ thống thư viện, quanh khu tôi ở có đến ba thư viện với đầy đủ sách báo với đủ mọi loại ngôn ngữ, bạn có thể đến đó ngồi đọc hay mượn mang về các loại sách báo bạn thích, bạn cũng có thể nhờ họ kiếm giúp những cuốn sách bạn đang cần và muốn đọc, họ có trách nhiệm phục vụ bạn miễn phí cả, Thư viện cũng có cả máy vi tính cho bạn truy cập trên mạng những thông tin theo nhu cầu của bạn. Nói chung chẳng có thứ gì dành cho lãnh vực truyền thông mà họ không phục vụ cho bạn được.

Có những công trình văn hóa nổi tiếng thế giới, như viện bảo tàng, khu trưng bày nghệ thuật, có tòa tháp cao thuộc vào loại có hạng trên thế giới và được xếp vào loại những tòa nhà cao của vùng Nam bán cầu. Những trường đại học nổi tiếng thế giới như Đại học Melbourne, Đại học Hoàng gia, Đại học Monash vv. Melbourne cũng là một thành phố có đường xe điện duy nhất ở nước Úc này. Ngoài những kiến trúc tân kỳ, Melbourne cũng còn có những công trình kiến trúc cổ kính như nhà thờ chính tòa, nhà tù cổ, nhà ga trung tâm, các loại cầu cống, công viên nằm hai bên dòng Sông Yarra thơ mộng còn một sân vận động tối tân với sức chứa hơn 80 ngàn người, vòng đua xe F 1 thế giới.

Đi xa hơn, có những farm rượu, với những nhà máy sản xuất nằm giữa vườn nho, những cây nho gốc lớn đặc kín những chùm nho mầu nâu sậm bám đầy, bạn có thể thử rượu ở quầy và vào trong hầm rượu với hàng triệu chai rượu, hay những thùng chứa rượu bằng gỗ đặt trong hầm tối, những thùng bằng Inox to cao ngoài trời chứa rượu trong thời gian chuyển hóa. Ở nơi thôn dã, bạt ngàn những loại trái cây, như táo, như cam, như dâu, lê vv. phủ trên những ngọn đồi bất tận.

Về thể thao, người Úc mê football, họ coi như là một tôn giáo, nhưng không giống môn bóng đá chung của thế giới. Đá banh như mình ở Úc gọi là soccer, còn Úc họ dùng banh bầu dục như trái cà na, khi chơi, cầu thủ được dùng cả tay lẫn chân, để vừa bắt banh vừa cầm trên tay để đá banh, nhiều pha tranh banh rất bạo, cầu thủ nhảy và leo cả lên vai bạn hay đối phương để lấy đà nhảy cao để chộp banh trên không. Khi chộp được banh, không được để rớt ra mới có quyền ưu tiên để đá trực tiếp vào khung thành. Á à.. nói tới khung thành cũng khác à nha, không có thủ môn, người ta cho dựng 4 cột để làm thành ba cửa, hai cột giữa cao đến 6, 7 thước gì đó, trên cột không có xà ngang, đá cao bao nhiêu cũng được, miễn là vào giữa các cột gôn, đá banh vào chính cửa giữa được 6 điểm, ở hai bên thì chỉ được có 1 điểm, đá vào mà cầu thủ đối phương bắt được thì không có điểm. Sau mỗi trận đấu số điểm kể có hàng trăm.

Họ mê lắm, cứ có đá banh là thấy lũ lượt người từ lớn tới bé, già trẻ gì đều mê hết, mùa banh vào mùa Đông, có bốn hiệp một trận đấu. Người mình chắc không ai có đủ sức để chơi môn này, nó chạy như ngựa và tranh banh kịch liệt, va chạm cũng dữ dằn, hiếu động lắm, vì họ phải hoạt động dữ dội, không hoạt động chắc cũng chẳng chịu nổi cái lạnh ngoài sân, chưa kể những ngày mưa. Chỉ nghĩ tới cũng đủ rùng mình, không mê mệt, chắc chẳng ai lại áo mũ, ô dù, áo mưa, áo lạnh, khăn quàng cổ để đến sân vận động ngồi xem, rồi hò hét, chưa kể còn gia nhập làm ủng hộ viên đội mình thích nữa. Ngoài trọng tài sân, trọng tài bàn, sau những trận đấu, có những khiếu nại, cầu thủ còn phải ra tòa thể thao để phân xử, và phạt vạ những cầu thủ chơi xấu. Còn các môn chơi khác thì cũng đều đều như các nước.

Còn người Việt ta sống ở Úc ra sao? Người Việt sống đông nhất ở hai thành phố lớn của Úc đó là Sydney và Melbourne, hai thành phố này có đến hơn phân nửa tổng số người Việt trên đất Úc, số còn lại sống ở các thành phố khác như Adelaide, Brisbane, Perth. Ở Úc có chừng hơn hai trăm ngàn người Việt. Thói quen của những người Việt là luôn luôn muốn ở gần nhau, nhờ vậy mà các sinh hoạt tương đối gần gũi với những tập quán ở quê hương. Bạn đi chợ? Thôi thì thượng vàng hạ cám, chẳng có gì ở quê nhà có mà ở bên đây lại không có. Bạn cũng chẳng cần phải dùng tiếng Anh ở các khu thương mại này, vì những sinh hoạt buôn bán mang đậm nét đặc thù của dân tộc Việt, cũng rao ới ới mại dô vang vang cùng khắp chợ. Mới đầu thấy cũng hơi kỳ kỳ, nhưng riết lại thấy quen quen mà lại nhộn nhịp, mà lại còn thấy vui là đàng khác.

Thế người mình làm gì nhỉ? Thưa cũng bình thường như mọi người, từ lao động chân tay đến công nhân, viên chức chính phủ, các em nhỏ nay học đã thành danh cũng đã trở thành giám đốc, tổng giám đốc, thậm chí có người đã nhảy vào chính trường với chức Thượng nghị sĩ của quốc hội tiểu bang. Còn các vị dân cử của các hội đồng thành phố, thị trưởng cũng đã có năm ba vị. Mới đây có người Việt ở Nam Úc được đề nghị giữ chức phụ tá toàn quyền tiểu bang, thay mặt nữ hoàng nữa đấy, cũng rất vinh dự. Nói chung ngành nào nay cũng có người Việt, với gần 30 năm hội nhập, kể như người mình đã bước những bước khá xa. Bạn có biết không, ở chỗ tôi ở trong niên giám điện thoại, họ Nguyễn là họ đứng vào hàng thứ tư của các họ đông nhất đấy, chứ bộ dỡn chơi sao.

Công việc chân tay, thường người mình hay làm và làm đông nhất là may, ai làm cũng được vì việc làm này đơn giản, phổ thông, dễ kiếm việc, bạn chỉ cần mua cặp máy may và vắt sổ công nghiệp, nhờ ai đó chỉ cho mấy tiếng đồng hồ làm quen, rồi cứ từ khó đến dễ, từ hàng rẻ tiền đến hàng đắt tiền, cứ chịu khó cũng dễ tậu nhà, tậu xe lắm. Quần áo do hãng cắt sẵn, mình nhận về ráp may lại thành sản phẩm giao lại cho chủ, từ mấy mươi xu đến năm, mười đồng, thứ nào cũng có, tùy theo khả năng và tay nghề, có điều làm nghề này vất vả lắm,muốn có nhiều tiền thì sáng làm sớm, tối nghỉ trễ, chưa kể những công việc ngoài dự tính, như phải sửa, kéo theo bao việc khác tồn đọng lại, tự nó trở thành hàng gấp, để mất ăn mất ngủ vì nó.

Còn đi làm nông nghiệp, việc này thì đi làm xa nhà, sáng dậy sớm, có người đến đón, đi làm xa nhà cả trăm cây số, làm lương trả theo giờ hoặc làm khoán tùy theo công việc, như đi tỉa cành, tỉa trái, hái nho, hái dâu, hái táo, hái nấm. Toàn những việc không cần đến khả năng chuyên môn, có điều đi làm những công việc này, thường là làm ngoài trời, mưa nắng, và cái lạnh mùa Đông cũng gây cho những ai ngại khó, ngại khổ không thể theo được, và đi làm suốt một tuần lễ chẳng gặp ai, và cũng chẳng ai gặp được. Cũng còn nhiều việc làm không cần chuyên môn như dọn vườn, cắt cỏ, nhưng những việc này thu hút không nhiều người làm, nói chung, muốn làm gì thì làm, mọi công việc ở đây đều tính theo năng suất, tiền nào của ấy, chứ không tà tà như ta làm ăn ở quê, việc nhà nên muốn làm sao cũng được, còn đi làm thuê, chủ họ bỏ tiền thuê nên cũng theo sát công việc ta làm, chứ ai mướn những người đến chơi vườn nhà người ta.

Còn cái này tôi không thể nào mà lại không kể cho bạn nghe, đó là khu vực dành riêng cho các bác thằng bần, các vị chủ nhân lớn đã hùng nhau hàng tỉ bạc để xây một khu gọi là Crown Casino, hòng có chỗ mà phục vụ các bác của thằng bần. Nơi này được chính phủ ưu tiên cho mở cửa 24/24 giờ mỗi ngày, thế nên có nhiều bác vào đây quên luôn cả đường về, thôi thì đủ cả mọi môn chơi, tôi không rành rẽ lắm, nhưng chưa có bác nào chê bai cách thức phục vụ của sòng bài này, ai cũng có ý định lên đó để lấy tiền về sài, khổ một nỗi chẳng một ai chiụ ăn non cho, vận đang may sao lại nghỉ cho được, mà lỡ thua thì phải gỡ chứ sao lại để cho nó ăn mất tiền của mình! Chính vì những lý do chính đáng như vậy mà chẳng một ai chịu về khi túi còn chút tiền. Bù lại, chủ sòng chiều bạn hết cỡ, mỗi lần bạn đổi tiền thì bạn được thưởng điểm, mà ở điểm bao nhiêu thì bạn được ăn uống miễn phí, bao nhiêu điểm thì bạn được bao ở trong khách sạn 5 sao của sòng, thậm chí với các khách sộp, chủ còn thuê bao luôn máy bay đưa đón đến chơi, bao ăn bao ở, bao vui chơi giải trí. Tôi cũng đến một vài lần, phải công nhận họ xây dựng quy mô bề thế với lối kiến trúc tân kỳ, cùng những tiện nghi hiện đại bậc nhất, thế nhưng lại chỉ để phục vụ cho các bác của thằng bần mới chết chứ. Khi tôi viết thư này cho bạn, tôi đọc được trên báo nói là năm nay, nguyên tiền thuế phải đóng cho chính phủ cũng thu được hơn 2 tỉ rưỡi Dollars khiếp chưa, nên nhiều bác thằng bần không còn làm chủ nhà nữa, vì các bác đã bán đi để nộp vào cho chủ sòng!

No comments:

Post a Comment