Monday, August 23, 2010

10:- Bằng hữu cũ. (Bức chân dung xấu xí.)


Hình chụp ngày xưa: Rụ là người đứng sau cưả núi, tôi và anh Bách.
Trong suốt cuộc đời của một con người, nếu như cha mẹ đã sinh ra ta, cơm gạo nuôi ta lớn, thầy giáo dạy ta nên người thì bạn bè củng đã là niềm vui lớn mà ta không thể nào thiếu được.

Như cây, cỏ, hoa, lá, kể từ lúc đâm chồi cho đến lúc đơm bông kết nụ là cả một quá trình dài, mà mỗi giai đoạn của cuộc sống có những thay đổi khác nhau. Con người cũng không thoát ra khỏi cái định luật ấy, nên vào mỗi thời khắc của cuộc sống, có những thay đổi theo từng hoàn cảnh và môi trường luôn luôn gắn liền ta với một vài người bạn. Tôi cũng thế và hôm nay ngồi bên bàn phím chữ tôi hồi tưởng về họ, những người bạn của tôi kể từ ngày thơ ấu đến nay, còn sống hay đã đi về nơi vĩnh hằng. Tuy mỗi người mỗi khác nhau, nhưng họ đã để lại trong tôi ít nhiều kỷ niệm.

Đầu tiên chắc chắn là phải kể đến các ông mãnh trong xóm, cái xóm mà tôi sống ngày còn nhỏ được kể là cũng đông đúc lắm. Nhưng cỡ tuổi tôi chỉ có mấy người. Đã thế trong mấy người đó cũng chỉ có được vài người mà tôi thân thiết, đó là các bạn Rụ và bạn Khuất.

Rụ là con trai út trong gia đình có ba anh em trai. Hồi nhỏ, gia đình hay gọi Rụ bằng cái tên thân ái là Cu Con để phân biệt với người anh kế Rụ là anh Trụ đã được gọi là anh Cu Lớn. Rụ nhanh lắm, là con út nên được ba má và các anh thương yêu, chiều chuộng. Anh không đi học nhưng anh rất thông minh. Trong anh lại có nhiều tài, nhất là về âm nhạc. Thừa hưởng tí máu văn nghệ của cha, anh chẳng học ai cả, nhà sẵn các nhạc cụ dân tộc của ông bố thường dùng trong hội bát âm của xứ đạo, hay đôi khi buồn buồn mang ra giải trí, anh chỉ nhìn qua cách sử dụng, các bài bản mà bố anh vưà chơi xong, anh có thể chơi lại y boong. Các loại nhạc cụ dân tộc mà anh sử dụng thông thạo là đàn bầu và nhị (đàn cò). Thấy anh đàn được và dễ dàng tôi cũng cầm đàn tập, nhưng tôi chẳng có tí năng khiếu gì, cố gắng lắm cũng chỉ được vài nốt: Hồ, xang, xế, xứ, cống là tịt, mặc dù anh có chỉ dẫn cho tôi tận tình. Còn đàn Guitar, người ta ngồi chơi đàn, anh ngồi ngó, sau đó cũng chẳng chiụ kém chơi lại y boong, không sai một nốt, mặc dù anh chẳng biết tí gì về nhạc lý.

Bằng cỡ tuổi với nhau nên hôm nào không đi học là tôi lại mò vào nhà anh chơi. Nhà anh ở cuối xóm, nhà rộng rãi với ba gian lợp mái lá cọ sạch sẽ, thoáng mát. Nằm trên cao, phiá sau là triền dốc thoai thoải chạy dài tới bờ suối, xanh rì cây cỏ và rau lang. Nên vào nhà anh chơi thì mát lắm. Những buổi trưa hè vào nhà anh nằm trên cái giường kê bên cạnh cái cửa sổ thì thật là tuyệt vời, không thì ngồi xem anh đẽo quay, làm giàn thung bắn chim, cùng những món đồ chơi khác. Anh rất khéo tay, cái gì anh cũng làm được, hay là rủ nhau chơi đủ trò, có khi kéo nhau ra suối bắt cá.

Có một lần, anh cả cuả Rụ là anh Kỳ ở trong Quân đội về phép. Anh mang về nhà một số đồ hộp Quân đội, Rụ rủ bọn nhóc trong xóm chúng tôi chơi trò lính. Chúng tôi phong và gọi anh là Trung Úy, số nhóc tỳ còn lại được phong cấp bậc thấp hơn, chúng tôi tuân hành lệnh anh răm rắp, không phải chúng tôi ý thức được cái kỷ luật thép của Quân đội, mà chỉ vì các hộp đồ ăn anh có đã hấp dẫn và bắt chúng tôi tuân theo. Sau này khi đã lớn hơn, nhờ nhà có tậu được xe bò kéo, anh đi làm rừng, còn tôi đi làm mướn, nhưng khi đến tuổi đi lính, chúng tôi đã ở với nhau trong cùng một đơn vị thêm ba, bốn năm trời. Do thân thiết nhau ngay từ hồi còn nhỏ, chúng tôi vẫn còn chơi với nhau cho đến tận bây giờ.

Còn có một thời gian, Ba Rụ được ủy thác trông coi Hội Trống Cà Rùng. Các cụ đi đặt về đâu hơn chục cái trống con gò bằng tôn thiếc, hông sơn màu đỏ, gắn hai quai để xỏ giây đeo, trống trông như cái thùng đựng nước lộn ngược đáy lên. Thế là Rụ phải rủ cả bọn nhóc trong xóm trong đó có cả hai anh em tôi gia nhập hội trống. Các ông trong xóm đứng ra tập cho bọn tôi đánh trống, có ông Ký Viên là người tập thường xuyên nhất, có mấy bài trống, mà bài nào thì cũng chỉ có mấy nhịp, gõ đi, gõ lại, dù đã lâu tôi vẫn còn nhớ như:
‘’Tụp, bung bung. Tụp, bung bung, bung, tụp bung bung, bung bung bung, bung tụp, bung bung.’’ Khi dùng cả hai dùi trống cùng đặt nhẹ lên mặt trống thì là tụp, còn dùng dùi đánh vào mặt trống là bung. Thấy chúng tôi hay đánh sai và để cho dễ nhớ, ông Ký Viên dậy bọn tôi học thuộc lòng, với lời hoá tiếng trống thành bài: (Dục quân ra như sau: Dục, quân ra, dục, quân ra, ta dục quân ra, quân ta ra, quân ta ra, ta dục quân ra.) Thế là cứ chiều chiều, chúng tôi lại tập trung kéo nhau vào nhà Rụ tập trống. Tiếng trống bập bùng ngày ấy mà bọn tôi gõ, giờ mà được nghe lại chắc hẳn là ngộ nghĩnh lắm!!!

No comments:

Post a Comment