Saturday, August 7, 2010

5:- Tuổi lâng nhâng, (Bức chân dung xấu xí.)


Hình bây giờ.
A:- Thời đi học.

Sau khi học xong tiểu học, tôi phải học trường tư thục. Trường tư thì phải đóng tiền. Đây là một khó khăn lớn cho gia đình. Anh tôi không đi học nữa. Còn lại tôi đi học được mấy tháng thì không có tiền đóng học phí. Trường của cha xứ mở, có các thầy Long, Thược, Thái, toàn là các thầy tu ở chủng viện về giúp. Tôi phải nghỉ học, đúng lúc ấy, chú út của thầy tôi nhà ở An Lạc, ngã ba Ông Tạ, Sài gòn, về chơi nghe tình cảnh của tôi lúc đó. Muốn giúp tôi, bằng lòng đưa tôi về nhà chú, để đi học với em Việt. (xem bài Những Ngày ở An Lạc) Nhưng tôi không được học như đã kể trong bài trên. Trở về nhà, tôi lại xin vào trường tư thục Bùi Chu học tiếp. Thời gian này, có chị tôi ở Phương Lâm xuống Bùi Chu trọ học. Chị ở nhà bác Tuyển cùng xóm. Nhưng lại ăn cơm ở nhà tôi. Chúng tôi đã biết coi truyện của các tác giả mà chúng tôi được học như: Nhóm Tự Lực Văn Đoàn vv. Có truyện nào hay chị em chuyền tay nhau đọc. Trường lúc này, đã thay đổi hàng ngũ giáo viên chuyên nghiệp, mướn ở nơi khác về gồm các thầy: Vinh, Thế, Kiều.

Chẳng có cái dại nào bằng cái dại nào. Có câu nói trên của người xưa để lại, hầu dùng để so sánh những cái dại đã xẩy ra trong đời người ta. Tôi cũng chẳng hơn gì, xin kể về một trong nhiều cái dại của tôi ngày còn đi học:

Năm ấy, tôi học lớp đệ lục. (lớp bảy ngày nay) Trường làng có ba thầy như mới kể tên ở trên. Hai thầy Vũ Văn Kiều và Vũ Hữu Thế là hai anh em. Nhà ở Tân Mai, Tam Hiệp. Sáng sáng, hai thầy chở nhau bằng chiếc xe Puck 3 đèn đến dậy, trưa về. Loại xe này có cái đặc điểm là cái đầu xe rất nhẹ. Hơi một chút lên dốc là nó cất đầu lên, vì thế mà khi hai thầy về, ra khỏi cổng trường là con dốc nhỏ để lên lộ chính. Một thầy ngồi lái, còn một thầy đẩy lên dốc, còn như cả hai thầy cùng ngồi thì xe lên không nổi dốc, mà tăng ga thì xe cất đầu lên và dễ bị té ngã.

Thầy Kiều thì người vưà, nhưng thầy Thế thì gầy, người mỏng đét, bù lại thầy có giọng nói sang sảng, rất nhiệt tâm trong giảng dạy, do đó khi nào thầy dạy 3 giờ liền thì thầy thường cứ kêu mệt.

Sở dĩ tôi phải dài dòng văn tự một tí là để dễ dàng nói tới cái dại của tôi. Nó như thế này: Sáng hôm đó, tôi vào lớp sớm, chẳng biết trong lòng hứng khởi ra sao mà tôi lại học đòi đi làm thơ! Sẵn bảng đen phấn trắng, tôi viết bài thơ tôi làm lên bảng. Khổ cho tôi, thơ chẳng ca tụng tình yêu, trăng, sao, trời, đất, gío, mây? Bao nhiêu nét đẹp của không gian, vũ trụ, nhân gian mà sao tôi chẳng cảm nhận được! Để làm thơ ca tụng, mà lại đi làm thơ trêu chọc người ta. Mà giá như chọc người khác cũng được đi, đàng này tôi lại lôi ngay hai ông thầy dạy mình ra mà chọc. Thế có chết không cơ chứ? Bài thơ như sau:

Họ , tên gì, phải Thế không?
Người gì lọc sát, kí thịt mông!
Thế thì ba láp không cùng tưởng.
Sử Điạ ông Kiều, kiểu mắt ve.
Hai người một chiếc xe cọc cạch.
Ì à, ì ạch cạch dốc cao.
Tuổi bao nhiêu hả, mà dậy học?
Cứ dậy ba giờ lại nhọc kêu.

Bài thơ làm xong thì bạn học chung cười dữ lắm. Tôi tính xoá đi. Mấy đứa xúi đừng. Có đứa lại còn xui tôi để cho thầy coi. Cuối cùng để tôi đừng xoá. Có đứa xoay úp bảng vào tường. Thế là khi đến giờ vào lớp, thầy Thế dậy, thầy xoay cái bảng lại và thầy đọc bài thơ. Thầy buồn lắm, thầy hỏi em nào? Còn ai vào đây nữa! Tôi bị mời lên văn phòng. Các thầy đã tính đuổi tôi, sau nghĩ lại và thầy tha cho tôi, xin cảm ơn thầy, thầy đã tha lỗi cho em.

Hè về, tôi đã lớn hơn. Theo ông Sắc đi làm mướn. Khi thì đi đào đất, đắp lò than. Khi đi trát vách thuê. Ông không có học, nhưng ông có nhiều kinh nghiệm làm việc chân tay. Ông chỉ cho tôi cách buộc nan vách, cách trộn rơm, cách vắt rơm đã trộn, cách xoa cho phẳng vách, cách cột lạt làm sao cho chắc, vì thấy tôi vụng về và cứ lúng túng với các mối lạt, sau khi cột cứ bị bung ra. Ông cầm lạt chỉ cho tôi, miệng thì nói tay làm: “Này nhé, chao thứ nhất, cháu luồn lồng lưng cái lạt vào bụng của mối lạt, sao cho nó khi rút lại tự nó siết chặt lại.’’ Ông cầm hai đầu lạt rút lại, rồi buông tay ra, cái lạt đã siết chặt mối buộc, không cần phải giữ gì cả mà nó không bị bung ra. Sau đó ông mới dùng tay soắn lạt, dắt mối lạt vào sao cho không chiã đầu lạt ra ngoài. Nhất nhất mọi việc ông đều phải chỉ cho tôi.

Có một lần, ông lấy ngón tay vẽ xuống mặt đất một nét ngoằn nghèo, rồi đố tôi đó là chữ gì? Tôi thấy ông không biết chữ mà lại viết một chữ chẳng giống chữ gì cả, tôi cứ cười cười. Không biết là ông đuà hay thật, và thật tình tôi cũng chẳng biết phải trả lời ông làm sao, nên cứ nhe răng ra nhìn ông. Cuối cùng, thấy tôi không trả lời được, ông mới nghiêm chỉnh nói: “Đó là chữ ngờ’’, tôi ỷ biết chữ cứ cãi lại ông. Sau này mới ngộ ra rằng ông đã dậy tôi mà tôi không biết, vì chữ ngờ có ai mà học được!!!

Và cũng theo ông đi đắp lò than cho mấy người chủ ở khu lò than. Chúng tôi đào lò sâu độ 1 mét, sau đó chất củi xuống xếp theo kỹ thuật cuả một người thợ hướng dẫn, chất củi nóc rồi lót lá lên trên và lấy đất trộn nhão và đắp um um, các góc có lỗ thông khói đúng với sự chỉ dẫn cuả thợ lò, sau đó họ đốt cho củi thành than.

Không đi làm với ông. Chúng tôi còn đi móc vét giếng cạn, vì giếng dễ hết nước vào mùa hè. Sau đó theo bạn bè đi làm rừng. Không có bò, không có xe. Chúng tôi thuê xe Lamberetta ba bánh, lên Trảng Bom cưa củi. Sau khu rừng trồng cao su, còn lại một số cây rừng, chúng tôi theo anh Bách, anh Trịnh viết Trang, cha tôi và tôi, hai anh đều đã đi làm rừng. Còn cha con tôi thì ngù ngờ lắm, chúng tôi đâu biết phân biệt cây, loại nào làm củi dùng để đốt than, loại nào người ta làm củi chẻ, anh Trang là rành nhất trong bọn, được coi như là người trưởng toán.

Thế mà có một lần, anh Trang coi da và lá cây, phán dứt khoát là cây Trâm đẻn, Trâm đẻn làm củi chẻ là được rồi! Thế là anh và anh Bách hạ cây xuống. Cha con tôi chưa có biết cách ngả cây, chỉ bảo sao làm vậy, như phát gốc, đánh dấu dành cây vv. Hạ cây xong, anh phân công cha con tôi dứt ra từng khúc, bốn tấc một, còn như mạch cưa ăn ngay, ăn xéo, chúng tôi lại phải réo gọi anh sửa cưa cho. Hai cha con tôi hì hục cưa từ sáng đến trưa, được mấy thước củi thì xe đến, chúng tôi hì hục chất lên xe, rồi hè nhau theo xe, đến những khúc đường dốc, cùng nhau đẩy cho xe lên, sao cho ra được đường lớn, dễ đi, chúng tôi mới quay lại, tiếp tục công việc của mình. Anh Bách thì theo xe về, để chỉ chỗ bán cho tài xế và bỏ củi xuống. Tôi còn nhớ như in, xe củi đó chở về bán cho chị Thưà. Anh Bách vưà lăn lống củi xuống, chị Thưà hỏi:
“Trường quánh mà mang về làm gì vậy?’’ anh Bách ú ớ, nói chữa:
“Mang về làm cái kê’’. Anh theo xe lên, nói chúng tôi ngừng cắt. Rồi nói với anh Trang:
“Sao mày nói Trâm đẻn, mà giờ lại là Trường Quánh!’’ Anh Trang coi lại cười khì khì, “Trường Quánh thật!’’ Phí toi một ngày công của cha con tôi. Nhờ đi làm rừng một thời gian ngắn mà tôi biết tên được của một số cây rừng.

No comments:

Post a Comment