Saturday, August 7, 2010

5:- Tuổi lâng nhâng, (TT) (Bức chân dung xấu xí.)


(Chiếc xe cẩu này ra đời đã cướp đi công việc cuả chúng tôi.)
B:- Bắt đầu kiếm cơm.
Một mùa hè tiếp, chúng tôi cũng được ông Sắc và bà con chòm xóm rủ đi phá rừng làm nương. Trong xóm có ông Sắc, bà Kiển, ông Cơ và anh em tôi, chúng tôi kéo nhau vào gần cầu một. Vì bên ngoài, người ta đã chiếm hết rồi, qua một ngã tư còn lại một khoảnh. Nó nằm giữa hai con đường xe bò, một phiá của Bùi Chu, phiá còn lại là đường bò vào rừng Thanh Hoá. Ngày đầu chúng tôi phát đường ranh làm mốc điểm và cũng để báo cho những người khác biết là đất đã có chủ. Sang các ngày kế tiếp, chúng tôi chặt các cây con, sau đó hạ các cây lớn hơn để tận dụng làm củi, làm cây xây dựng. Cây nào dùng được, chúng tôi phạt cành, phạt ngọn cho sạch sẽ, cùng nhau khiêng ra gần đường, hay chất lại thành đống, mướn xe bò vào chở về. Rừng chồi sau khi đã chặt sạch. Chúng tôi về, đợi cho cành lá khô, thật khô mới trở vào. Coi hướng gió rồi đốt, cây khô bén lửa, cháy hừng hực, khói bốc cao ngút trời. Đứng xa chúng tôi ngó vào, chỗ nào lửa bị gió đổi hướng không tới được, chúng tôi lại phải chạy vào, dùng mồi lửa, mồi cho cháy tiếp.

Thường người ta hay đốt rừng vào buổi xế chiều. Sau cái nắng ban ngày như thiêu như đốt, cây lá dễ bắt lửa. Khổ nhất là cây mới phát, còn xanh chưa khô, mà ai đó họ đi qua, ngưá tay châm lửa, cây không cháy được, mà lá thì bén cháy hết, trơ trụi lại mấy cành khẳng khiu, héo hắt, đốt chẳng được, mà dọn thì tốn công. Thế cho nên, rẫy ai mới phá, chiều chiều cứ phải quanh quẩn ở gần coi chừng, để ai có ngưá tay, ngưá mắt, họ thấy có mình họ không đốt. Ngày hôm sau, sau hôm đốt rẫy, chúng tôi quay vào, gom củi một lần nữa, còn lại các cây cháy dở dang, chúng tôi gom chất vào các gốc cây lớn rồi đốt, cây cháy, cháy luôn gốc cây, tro than làm tốt cho lúa. Sau đó chúng tôi phát lại và dọn sạch rẫy.

Chờ mưa xuống, bỏ hạt giống lúa nương. Khi lúa nảy mầm, mọc cao, thì cỏ cũng bắt đầu nhú mầm. Thế là phải hè nhau làm cỏ, để lúa không bị cỏ ăn hết màu. Chúng tôi phải sắm sạc lai. Loại dụng cụ làm nương của đồng bào Thượng, dùng sạc lai cạo cỏ như cạo lông heo khi cỏ vưà nhú. Suốt một vụ lúa, chúng tôi phải làm cỏ mấy lần, có khi đi từ đầu nương, tới cuối nương thì lại quay lại làm cỏ từ đầu. Sáu tháng sau, thì lúa cũng chín. Chúng tôi cũng liềm, cũng hái, đi gặt cho nhà, đi cắt thuê, đi mót lúa như ai. Về nhà đập lúa, phơi lúa, rồi đi chà gạo. Có người cũng đóng cối xay, cối giã gạo. Nhưng phần đông thuê xe chở lên tận chợ Đồn Biên Hòa cho máy xaỵ. Sau chủ nhà máy thấy có đông khách, nhà máy cho xe xuống chở lúa về xay và trả gạo lại cho khách. Cũng vài vụ mùa sau là nương hết màu, lúa èo oặt không lên nổi, chúng tôi bỏ rẫy.

Trở lại việc đi học của tôi thì học được hai năm, xong lớp đệ lục, trường hết lớp. Vì trường chỉ mở đến lớp đệ lục mà thôi. Thế là tôi phải lên trường Thánh Tâm, cách nhà 5 cây số. Ở đó có đến lớp đệ tứ. Sáng tôi phải đi nhờ xe đạp của bạn học cùng ấp, cùng lớp luôn. Được ít bữa, ông Giáp Ngọc, Lê văn Ngọc, quen với cha tôi, bạn ở lực lượng Thanh Niên Chiến Đấu. Thấy tôi cần xe đi học, ông có cái khung xe đạp, vành loại 700, khung cao không thông dụng. Ông đã tháo hết đồ phụ tùng, còn có cái khung dư không dùng, ông cho. Với tuổi tôi lúc đó, cái khung xe này kể là quá cao, nhưng có còn hơn không. Tôi vác về, đưa lên nhà ông Khảm, nhờ ráp hộ cho thành cái xe, để đi học. Khung xe thì cao, ngồi lên yên mà đạp, người tôi vặn qua, vặn lại như con sâu mà bàn chân còn phải rướn mới đạp hết vòng bàn đạp. Còn luồn qua khung xe thì chân phải cong hoài chiụ chi cho thấu!

Có câu chuyện vui về chiếc xe này xin kể ra cho bà con nghe chơi. Một hôm đi học, chúng tôi học lớp buổi chiều, tập họp đông đủ. Thường chúng tôi phải đợi nhau, hay gọi nhau cùng đi học, ở ấp cùng học với nhau có: Mai Văn Thinh, Đinh Quang Truật, Nguyễn Văn Thắng (Quy), Nguyễn Văn Hiệu, Trần Ngọc Khử và tôi Trần Văn Minh. Đường vắng, ít xe, chúng tôi đạp xe chạy song song nhau, hàng hai, hàng ba, vưà đi vưà trò truyện, cùng chọc phá nhau. Chạy đâu đến Long Lạc (nay là ấp Thái Hòa) trời đang nắng chang chang chuyển qua lất phất mấy hạt mưa. Chỗ này vắng, chẳng có căn nhà nào ở đây cả, vì hai bên đường là rừng chồi, cây mọc thấp lè tè, cao lắm cũng chỉ cao hơn đầu người. Nhiều chỗ chỉ có cỏ tranh, cỏ hôi, có muốn trú mưa cũng chẳng có chỗ nào trú cho cả bọn. Tôi rướn người đạp cố, may ra đến Ngũ Phúc mà trời chưa tạnh còn có chỗ để trú mưa. Gió thổi mạnh, vài hạt mưa rơi tạt vào mặt, vào tay rát rạt. Thấy tôi đạp xe nhanh. Bạn Hiệu có chiếc xe đạp đầm, rất chiến. Nhà hắn ráp sửa xe đạp mà. Tưởng rằng tôi ỷ xe khung cao, loại xe đua. Hắn đuổi theo, miệng nói:
“Mày ỷ xe khung cao à, muốn đua không?’’ Vưà nói hắn vưà ra sức đạp. Kịp ngang tầm xe tôi, hắn còn quay sang trêu:
“Ngon không?’’ Rồi rướn người đạp tới, tôi lúc đó đâu đã có tí kinh nghiệm chạy xe là bao, lại cũng đâu có ý đua với hắn, lại nữa, cái khung xe cao quá cỡ, đạp vặn vẹo nên xe chạy ngoằn nghèo như rắn trườn. Chúng tôi đạp song song với nhau được mươi thước thì cái bánh trước vẹo qua, móc vào bàn đạp xe của Hiệu, chiếc xe gục xuống cái rụp. Tôi văng xuống đường trong sự kinh ngạc của bạn bè. Tôi không sao, nhưng chiếc vành trước của xe tôi và bộ nan hoa không còn thương nhau nữa, chúng rời bỏ nhau, gẫy cụp. Thật đúng nghèo mà còn gặp eo! Chẳng biết làm sao bây giờ giưã khu đường vắng này. Bạn bè chia nhau tháo vành xe ra, rồi đứa đèo tôi, đứa lôi chiếc xe của tôi kịp đến trường, đúng giờ vào lớp.

Học được gần hết năm, tôi đành bỏ dở, nhiều nguyên do lắm, nhưng cái chính, cũng là tiền. Ở thời gian tôi học, tôi đã quen thêm được một số bạn mới. Vậy mà sau này, khi gặp lại nhau, chúng tôi phải hỏi mãi mới nhớ ra, như vợ chồng Phủ, Nguyệt, Phi vv. Thế mới biết thời gian làm cho trí nhớ dễ bị soi mòn, thoái hoá.

Cũng trong thời gian học. Khi còn ở Bùi chu, tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm về cái áo của cha tôi. Chẳng là hồi ấy, tôi được đi học. Cha mẹ tôi cũng phải may sắm cho tôi một bộ đồ viá để đi học chứ. Chiếc quần kaki và cái áo carô vải Việt can, lúc còn mới coi cũng được. Thế nên tôi quý nó lắm. Giặt khô là tôi ủi cẩn thận, chỉ đi lễ hay đi học mới dám vận. Kể ra mà nói văn hoa một tí thì là tôi chỉ có nhất y, nhất quẩn, nghĩa là chỉ có một bộ mà thôi. Thế là chẳng bao lâu sau. Chẳng cần phải dày vò gì, chiếc áo ấy cũng tự sạc và rách ra. Không có áo khác thay thế. Túng quá, hôm sau đi học, sẵn cha tôi mới may cái áo, vải phin kiểu nửa bà ba, nửa pyjama, có 3 túi, màu nâu gụ, mặc vào dài tới đầu gối. Nửa như đuà, nửa như thật, tôi vận vào và ung dung đi học. Gặp bạn bè ở trường ai nhìn cũng cười, họ cho là tôi tếu, tôi nghịch, chứ có ai biết đâu là tôi kẹt, tôi không có áo. Vậy mà vài hôm sau đã thành quen, chẳng còn ai cười mình nữa. Cứ thế tôi mặc hoài cho đến khi nghỉ học, trông tôi ngày đó chắc là tếu lắm?

Rồi đến một ngày, cha tôi đi làm chung với một số người, toàn là bạn bè trong nhóm Thanh Niên Chiến Đấu. Sáng đón đoàn xe từ thành phố lên rừng tận Ông Đồn, Suối Cát, Gia Rây, Bình Tuy. Để chất cây, chất củi lên xe chở về thành phố, toán có sáu người, gồm ông Trác, ông Thuỳ, ông Sơn, ông Mạnh và cha tôi cùng với một người phụ xe. Phải đủ sáu người mới chất nổi một xe cây. Tiền công chất cao nhất lúc đó là 100 đồng một xe, trong khi các xe khác chỉ có 60 đồng. Làm được vài tháng, bỗng một hôm cha tôi bị cảm, ông nghỉ không đi làm, xe đến không có ai thay thế được. Tôi mới 14, 15 tuổi, còn nhỏ quá. Nhưng kẹt người, các chú đồng ý cho tôi đi thay. Làm được vài ngày, cha tôi khoẻ lại. Nhưng ông không đi làm nữa, tôi phải tiếp tục thay ông. Thế là tôi đi làm luôn, chẳng bao giờ quay trở lại ghế nhà trường nữa.

Đi làm như thế cũng kỳ, các chú vì nể cha tôi không nói, nhưng cứ chấp nhận thì bị thiệt thòi. Tôi càng ngày càng lớn, và đủ sức để làm việc nhẹ hơn. Tôi xin nghỉ, để cùng bạn bè đi làm cùng nhau. Ngày ngày, anh em tôi cùng các bạn cùng trang lưá, gồm anh em tôi, anh Chấn, anh Khảm, Mãn, Hải, Bách, Cảnh, Ngọc, Cung. Sáng sớm, kéo nhau lên trên khu vực đầu ấp ngồi tán gẫu đợi xe. Có khi chúng tôi đi cùng nhau, có khi chậm chân, mỗi người đi làm riêng. Chẳng là khi ngồi đợi xe, khi có một xe chạy đến. Xe giảm tốc độ, cả đám vụt đứng dậy. Rượt bám vào bửng sau của xe. Rồi leo vào trong xe. Khi xe ngường lại, nếu là xe mối của toán nào, thì toán đó đi làm, ai không phải thì leo xuống đợi xe khác. Còn không phải xe mối, chủ hàng nói cần mấy người, đếm theo thứ tự, ai leo lên trước được ưu tiên. Ai dư ra leo xuống, đón xe khác. Trời sáng toét, không có xe nào đến rước, coi như ế độ, lủi thủi đi về.

Còn ai được đi làm. Xe chạy đến Hưng Lộc thì ngừng lại cho mọi người ăn uống, vì ở đây có nhiều quán bán cơm, từ sang trọng cho đến khách bình dân, đều được phục vụ chu đáo. Đang ở nhà ăn cơm thường, chặt to, kho mặn. Chúng tôi lần đầu được thưởng thức các món ăn miền Nam, như: Thịt kho tàu, dưa giá, gà cà ri xả ớt, gà nấu đậu. Những miếng ăn lạ, ngon nên nhớ đời, mà gía cả lại bình dân nữa. Chúng tôi chất xếp củi từ 3, 4 tấc, một xe 4 người, mỗi người 60 đồng, củi 6, 8 tấc 80 đồng.

Nhờ có thời gian đi làm này mà chúng tôi biết đến nhiều nơi như: Võ Đắc, Võ Xu, Chính Tâm (Trà Tân) 1,2,3, Gia Rây, Suối Cát, Ôn Cung, Bảo Chánh, Chứa Chan, Hàng Gòn, Rừng Lá, La Ngà, Định Quán, Túc Trưng. Toàn là các điạ danh nằm sát với rừng. Cứ sáng chúng tôi đi, chiều về, tắm rưả xong, chúng tôi lại tụ tập nhau lại, ngồi cạnh đường lộ tán gẫu. Xe cộ về đêm ít chạy lắm. Chơi với nhau đến 7, 8 giờ tối chia tay về ngủ. Ngày nào cũng chỉ có vậy. Chủ nhật nghỉ, chúng tôi đi lễ xong, kéo nhau lên quán phở ông Chiêm ăn bánh mì xiú mại, uống cà phê vợt. Còn kì dư thời gian, sau này anh Cung đề nghị chúng tôi tập võ. Anh học võ từ lâu, thế là sau khu trường học có một sân chơi, chúng tôi dựng một xà ngang treo bao cát tập đấm. Anh Cung dậy bọn tôi các thế đứng tấn, tay muá quyền, tập đánh, tập đá, tập đỡ. Tập vậy thôi chứ chúng tôi chẳng có khiếu gì về võ nghệ cả, đánh thì không giỏi, nhưng đỡ thì tuyệt vời, ai đấm vào mặt thì có mặt đỡ, đánh vào bụng thì có bụng chiụ, âu thế cũng hay.

Như thành một thói quen, và cũng chẳng có gì để chơi giải trí. Ngoài thời gian đi làm về, nhất định chúng tôi phải họp nhau lại tán gẫu. Trừ những lúc mưa gió ra, chúng tôi phải nằm nhà hay là đã tụ họp được ở nhà một người nào đó. Còn lại, trời mà không mưa hay những ngày trời đẹp. Chỉ cần ra khu trường học, nơi đối diện với nhà thờ là gặp chúng tôi. Ở điểm hẹn này, lúc nào cũng vui đáo để. Chúng tôi kể chuyện vui, chọc phá nhau. Đôi khi đặt lời tếu cho các bản nhạc thời thượng, phù hợp với hoàn cảnh điạ phương, những nhân vật trong làng, trong xã có tai tiếng, để cùng cười.

Chúng tôi toàn anh em học hành dang dở. Có biết nhạc, biết đàn gì đâu! Chỉ tếu vui với nhau vậy ý mà. Hết chuyện mới bày đặt ra đặt lời nhạc. Một bản mà sau này lớp đàn em nhắc lại chúng tôi mới nhớ là: (Có anh và em, cùng nhau ta đến ông Phần Băng, rờ ngay dô bia cô Mừng, rờ ngay vô rốn cô Hưng, rờ rốn, rờ bia, hai tay ta rờ lia). Chẳng còn nhớ tên bản nhạc và tác giả của nó. Chỉ biết hát theo điệu Twist, đang thịnh hành. Hát xong cả bọn cười hô hố, nham nhở.

Được đà, một lần khác, chúng tôi đi làm về. Ngồi sau xe hàng ngang một dãy sáu người. Xe đi ngang qua Suối Cát. Bỗng sau nhà ai có cô bé ra sau đi tiểu, khổ; có thấy gì đâu! Chỉ có vậy. Mà cả sáu người cùng thấy. Nhưng lúc đó, ai cũng tưởng là chỉ có mình mình thấy. Chiều về họp nhau lại, ngồi ôn lại chuyện trong ngày. Một anh mở đầu: Hồi chiều đi ngang Suối Cát, chúng mày có thấy, có con bé. Kể đến đấy, cả bọn cùng cười và đều kể lại vanh vách. Bỗng trong máy thâu thanh nhà ai gần đó vang vọng tiếng hát Hùng Cường với bản: Nhớ về Đà Lạt, thế là cả bọn cùng đổi lại lời điệp khúc bản nhạc thành: (nhớ tới hôm xưa ngày nào, Suối Cát ngay bên hàng rào, một cô em tụt váy xem sao, làm cho năm thằng tớ nôn nao, mà giờ đây nắng chiều phai màu). Hay bài Mình là thanh niên nước Việt Nam Cộng Hoà. Hy sinh vì dân ốm đau xin liều thuốc ho, sang bên nhà thương cố xin cho thì cho, không có lên trên nhà chú Chiêm sơi thịt bò kho. Hoặc bài hát hơi ủy mỵ một chút là bài: Nhớ Thành Đô mà chúng tôi đổi lại là: Tôi sang ông Thiều, gặp ngay anh cu Thiêu, đang ăn cơm chiều ngồi vẫn giữ cái liêu, vì bố thiếu tiền tiêu nên hay làm chuyện liều. VV.

Tôi thật tình mà nói, nếu có phải ăn nói việc gì có tính nghiêm chỉnh, thì e rằng tôi ngọng, tôi ú ớ, không cất thành lời, tôi cà lăm. Nhưng khi nói năng có tính khôi hài, trêu chọc, châm biếm thì i như rằng: Tôi như cá gặp nước, tôi nói luôn miệng, e khó có ai ngăn tôi nói được. Thế là trong bọn, có tôi và Mãn, thành một cặp bài trùng. Mãn cũng mồm miệng lắm, đầu óc đặc sệt chất hài. Họp được nhau lại rồi thì chuyện trên trời dưới đất, vô thưởng, vô phạt, nói vung mạng. Hết chuyện, moi cả những chuyện thiên hạ sự ra bàn luận, phê phán châm chọc. Tuy không có tính ác ý, chỉ có tính hài hước hoá mọi chuyện mà thôi, như thấy trong ấp, trong xứ nhiều chức sắc quá mà chúng tôi chẳng hiểu được hết các tước vị. Chúng tôi phong luôn cho nhau thành Nhiêu Minh, Nhang Mãn, Bạ Bách, Điểm Rụ vv. Thế cho nên trong con mắt tôi chẳng nhìn được những nét đẹp bao la của đời sống. Mà chỉ toàn nhìn thấy những nét hài dí dỏm của cuộc đời.

Tưởng chuyện của mình nói, việc của mình làm, chỉ mình mình biết, chỉ có bọn mình vui với nhau mà thôi. Ai dè đâu, sau này khi lớn lên, gặp các em nhỏ tuổi hơn, họ kể lại cái thuả bọn tôi hãy còn hay đuà cợt, cái chỗ mà bọn tôi hay ngồi, có sức thu hút mãnh liệt, hấp dẫn anh em trẻ đến chầu rià, nghe cọp. In vào trong trí nhớ non nớt của anh em, rất nhiều chuyện vui. Cũng may mà chúng tôi cũng chỉ để lại trong họ những điều vui mà thôi. Chứ mà như lại nói những điều bậy bạ, nay gặp họ kể lại cho nghe, hẳn là nhiều khi phải độn thổ mất!!

Làm như vậy được một thời gian. Chúng tôi bị sàng lọc ra thành một toán 6 anh em gồm có: Tôi, Mãn, Khảm, Chấn, Cảnh và một lơ xe và được chủ hàng là bà Trá thuê, chuyên bốc cây từ 2 mét trở lên, giá mỗi chuyến từ 100 đồng đến 150 đồng, bao cơm 3 bữa. Thuộc vào hàng có hạng trong đám công nhân bốc cây lúc đó.

Thoạt tiên, chúng tôi lăn cây 2 mét, tới 2 mét 2. Sau này vì nhu cầu xây dựng, lên cây 2 mét rưỡi, rồi 3 mét, và cuối cùng là 4,5 mét luôn. Lúc này cả bọn đều lớn, người đã lực lưỡng hơn, làm lâu chúng tôi đã có kinh nghiệm, cộng với tính hiếu thắng, chúng tôi chất cây nhanh lắm, chỉ loáng là đã xong công việc. Đang ngon trớn thì chiến cuộc leo thang. Tham nhũng phát triển, các hạt sở kiểm lâm bị mua chuộc. Cây lậu thuế chạy công khai ngờ ngờ và các loại xe cần câu ra đời. Chúng cướp dần công việc của chúng tôi. Lại do tuổi tác, đưa chúng tôi đến tuổi phải làm bổn phận là thi hành quân dịch. Ngày đó, tuổi Quân Dịch là 18 tuổi. Ai đến tuổi này, dù là con ai, gia thế như thế nào cũng mặc. Đến tuổi có bổn phận phải tự đi trình diện để làm nhiệm vụ Quân Dịch của mình. Trước khi đủ tuổi anh có quyền chọn thứ lính nào mà anh thích. Còn khi đã đủ tuổi, đi trình diện, thì anh được Quân Đội giao tránh nhiệm cho anh theo nhu cầu chung. Không làm nhiệm vụ này, coi như anh trốn Quân dịch, chẳng đi đâu được, phải trốn chui, trốn lủi. Thế là chúng tôi phải ở nhà.

No comments:

Post a Comment