Thursday, August 12, 2010

8:- Xoay nghề 1. (Bức chân dung xấu xí.)


Hình chụp vó bè.

Trong cùng thời gian này, thấy tôi cứ lang thang theo đuổi nghề báo. Tiền không có, mà chẳng chiụ lo làm ăn gì. Ông nhạc tôi lo cho hai đứa cháu ngoại, sợ chúng bị bỏ đói mất. Ông mua cho tôi 5 sào ruộng nước ở lô 11 đồng Sông Mây, cùng sắm cho tôi một cái vó bè, tưởng là cột chặt chân tôi vào cái nghề nông ngư nghiệp. Tội nghiệp cho cụ, tiếng là mua cho tôi để tôi làm, nào ngờ đâu gặp thằng rể quý hoá, nó ỷ vào cụ nên cụ phải lo hết, từ đi chặt đà vó, gọng vó, dựng lều, đan sời, tìm chỗ dựng vó, nhất nhất mọi việc đều phải có bàn tay ngài dính vào. Còn tôi như người phụ giúp, chẳng biết mô tê gì, kể cả năm sào ruộng nữa chứ, mà chẳng có công việc nào nhẹ nhàng cả. Nghĩ lại mới thấy thương ông cụ nhạc tôi, cả đời chỉ lo làm ăn, chân lấm tay bùn, vất vả nhưng được cái tâm hồn ông thanh thản và rất khoẻ mạnh. Nhờ ông bày ra các công việc trên mà tôi đã hiểu thêm về các công việc như chặt được một cây tre già khó khăn cỡ nào. Hàng năm qua năm sào ruộng tôi cũng có gần tấn thóc. Còn cái vó bè cũng cho anh em bạn bè vài ba bữa gỏi cá thòm thèm vào mỗi mùa mưa.

Năm 1973, Chị Ký thấy tôi chẳng thành công trong công việc gì. Nhân Bùi Chu có cánh đồng Sông Mây hứa hẹn nhiều thóc lúa, lại chưa có ai mở nhà máy chà xát cho nông dân. Chị hỏi tôi có thể chung mở máy chà với chị. Nghe chị hỏi vưà có lý lại thấy rõ cái tương lai có khả năng thay đổi cuộc đời tôi. Tôi muốn lắm, mặc dù chẳng có xu teng nào dính túi tôi cũng liều đồng ý. Không ngờ sự liều lĩnh đó do nhờ ở chị mà đã chuyển hẳn đời tôi sau nàỵ. Thế là chị cùng tôi đi Sài Gòn hỏi giá các loại máy, hỏi thủ tục xin phép ra máy. Sau khi hỏi và làm bản kế họach dự toán cho công việc này, chúng tôi ít nhất phải có số vốn không dưới một triệu đồng. Con số nghe qua tôi tối sầm mặt ngay, tìm đâu ra nửa số tiền to lớn ấy bây giờ? Tôi đã tính bỏ cuộc vì ngay bản thân còn thiếu hụt mọi bề mà anh em thì chẳng có ai hơn gì mình cả. Hai vợ chồng chúng tôi cứ bàn tính với nhau, hết ngày này, qua tháng nọ mà cứ loay hoay dậm chân một chỗ. Cuối cùng bà cụ nhạc tôi nghe rõ chuyện đã giúp tôi bằng cách bầu chủ mượn dùm tôi số tiền nửa triệu bạc với phân lời 3% tháng. Thôi thì cũng nhắm mắt liều một phen vậy! Không biết làm ăn sẽ ra sao nhưng mỗi tháng chúng tôi phải chi ra 15 ngàn cho riêng số tiền lời, chỉ riêng số tiền lời trên cũng đã là số tiền lớn với hoàn cảnh tôi lúc ấy. Mọi chuyện rồi cũng được giải quyết ổn thỏa, chúng tôi quyết định mua máy loại trung bình, dùng gầu tải lúa, có bàn xàng ngăn đá và tạp chất, đòi hỏi mặt bằng rộng. Hai bác vì thương chúng tôi, đã đồng ý dọn vào nhà trong, chiụ khó hy sinh hít thở không khí đầy bụi bặm và tiếng ồn, nhường căn nhà ngoài cho chị em chúng tôi kinh doanh. Tình thương bao la ấy chắc chẳng bao giờ tôi có dịp đền đáp lại vì: Chúng tôi thuê xe chở máy về được đến nhà hôm trước thì hôm sau bác trai qua đời. Máy chưa có ráp, còn trong thùng. Như mọi ngày, bác dậy sớm đi lễ sáng, người rất còn khoẻ mạnh. Lễ về bác như bị lẫn, đi lạc hết nhà nọ qua nhà kia. Bà con thấy lạ đưa bác về nhà, nghỉ ngơi một lúc, thấy bác khác lạ hẳn, mạch yếu dần rồi bác đi luôn trong sự thương tiếc của mọi người, hôm đó là ngày 30 tháng 10 năm 1973. Chị em tôi ngơ ngác, sững sờ vì sự ra đi đột ngột này, một sự mất mát to lớn đối với chị.

Sau khi lễ an táng bác xong. Mấy ngày sau chúng tôi bắt tay vào việc lắp ráp máy. Để tiết kiệm, chúng tôi tự lắp ráp lấy vì thợ họ đòi mấy chục ngàn đồng. Mà chúng tôi thì chẳng dư giả gì, trong lúc đang cần vốn. Chúng tôi lại muốn xắp xếp sao cho máy ráp thật gọn lại, còn cỡ khoảng 2 phần 3 của căn nhà ngoài. Mọi việc tiến hành đều tốt đẹp cả. Chúng tôi đi xem qua nhà máy của ông Ký Khoa và Minh ở Bắc Hòa. Cũng là dạng máy như của chúng tôi, vậy mà khi chạy thử bị nhiều trục trặc khiến chị em tôi cũng hơi lo. Nhưng may mắn, máy chúng tôi khi chạy thử không bị trục trặc như họ. Ngày khai trương, chúng tôi có làm mấy mâm cơm và mời một số người thân và chính quyền điạ phương đến dự. Đặc biệt tôi có mời anh em ở toà soạn báo Sóng Thần về chơi, có anh Hà Thế Duyệt và Trung về. Rất tiếc cả hai đi lạc, tiệc tàn đã lâu hai anh mới tới được. Sự có mặt của các anh cũng đã rất quý với chúng tôi, xin cảm ơn các anh.

Hoạt đông được chừng hơn tháng trờì thì trong ấp có người em ông trùm Điển về mở thêm máy, sau đó tới ông Phương. Họ ra sau mua máy của Nhật loại nhỏ rất gọn. Thế là chúng tôi bị cạnh tranh, thôi thì đủ cả tiếng bấc, tiếng chì, đồn thổi chê bai. Công việc bị chia ra, chỉ bận rộn được mấy ngày mùa, còn những ngày thường trong năm thì cầm chừng cho qua ngày đợi mùa tới. Ngày đó, một năm chỉ làm có một vụ mùa. Tôi chẳng còn biết làm gì, khi xay lúa, lúc làm ruộng, mưa đi cất vó, rảnh lại đi làm báo. Chẳng có công việc gì cố định được cả. Đôi khi ở nhà làm máy thì không có việc. Vào ruộng, đang lúi húi làm cỏ lại có người vào gọi về xay lúa. Cứ như vậy lập đi, lập lại. Năm tháng sau, cha tôi qua đời ngày 13 tháng 3 năm 1974. Theo người ta nói, gặp tang chế khó làm ăn lắm. Chúng tôi không tin, nhưng thấy cũng có khó làm ăn thật. Chúng tôi làm mà khi tính sổ, trừ chi phí đi còn lại chỉ đủ trả tiền lời cho số vốn chúng tôi phải vay để làm ăn. Tết đến, khi tính sổ với nhau, chị em nhìn nhau ái ngại, tiền đâu tiêu tết bây giờ?

Cho đến đầu tháng Tư năm 1975, khi chiến cuộc gần kết thúc. Người ta bỏ nhà bỏ cửa để chạy về nơi nào mà chưa có tiếng súng giao tranh. Họ mang theo những gì mà họ có thể mang theo được. Thế là thóc lúa heo gà được mang theo. Cồng kềnh quá, họ chở đến nhà máy chúng tôi chất đầy lên sát trần nhà. Còn heo gà giết mổ bán rẻ hơn bèo. Lúc này chúng tôi chẳng có sức mà xay xát lúa. Ai cũng muốn mình xay cho được để lấy gạo bán cầm tiền cho chắc ăn, mà lại nhẹ nhàng, gọn gàng nữa. Thế là tranh giành nhau, trách móc chúng tôi, đủ thứ. Đang thiếu tiền, thấy công việc đưa lại cho chúng tôi nhiều tiền, chúng tôi làm chẳng lo tới bỏ đi. Ai chạy mặc họ, sống chết cũng chẳng màng. Chúng tôi cứ làm, làm đến độ mô tơ chiụ không nổi cháy luôn, tôi lại lo tìm mua thêm mô tơ khác thay thế. Lúc này bà xã tôi sắp sinh đứa con thứ ba, vậy mà tôi cũng chẳng có thời giờ chăm sóc. Mọi sự trông cậy cả vào ông bà nhạc. Chị tôi đưa bác gái và các cháu về Sài Gòn tránh chiến tranh. Tôi ở lại lo việc làm ăn và coi dùm chị con heo nái mới sanh được gần 10 con heo con bụ bẫm. Cũng may, gia đình tôi bình an trong suốt cuộc chiến, chứ nếu có gì không may xẩy ra, có lẽ tôi phải ăn năn suốt đời mình.

Tôi túi bụi lo làm ăn, quên hết cả những an nguy của bản thân và gia đình. Nhà có cái xe Vespa ba bánh, nếu gấp có thể chở cả gia đình chạy bất cứ lúc nào. Mẹ tôi có bầy heo 4 con, thịt được rồi, mẹ tôi tính mổ heo bán thịt, may kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó, tôi thấy rẻ quá không cho bán. Tiếc rằng bầy heo bị chết cháy với căn nhà tôi. Đã không bán được đồng nào, còn phải nhờ người ta mang xác heo đi chôn. Bác Ngoạn gái chân bị đau, không chạy trước. Thấy tôi có xe, bác nhặn:
“Hễ mày chạy, cho bác đi nhờ xe với nhá,’’ tôi vâng với bác. Tối hôm 26 tháng 4, những người đi làm ruộng về nói trong rừng nhắn bà con nên tránh đi vì có thể đêm đấy có pháo kích. Tôi đi làm về, ở nhà cho biết như vậy, tôi nói nhà chuẩn bị rồi vội vàng trở lại nhà máy, đổ đầy máng cám cho heo của chị, tắt các cầu dao điện, rồi rất vội tôi chở gia đình lên nhà bác tôi ở Bắc Hải gần đó ngủ qua đêm. Thề có trời đất, vì quá vội vàng, tôi chẳng còn nhớ được ai cả, kể cả lời dặn dò của bác tôi.

No comments:

Post a Comment