Tuesday, August 10, 2010

Tuổi vác kiếm cung 2. (Bức chân dung xấu xí.)


Hình chụp tại bãi biển Long Hải.

Đầu năm 1966, ông Trần Kim Lâm, Phó An Ninh ấp rủ bọn tôi gia nhập lực Lượng Nghiã Quân. Đây là một đơn vị Quân Đội mới thành lập, nhằm thay thế cho các lực lượng bán quân sự như: Thanh Niên Chiến Đấu, Dân Vệ. Được huấn luyện và trang bị đầy đủ như các đơn vị quân đội khác, đúng nghĩa người lính. Chỉ khác là được ở gần nhà, lâu lâu đi công tác trong quận. Thế là chúng tôi cùng gia nhập. Đơn vị có tên Trung Đội BHA. 20 thuộc Chi Khu Đức Tu. Chúng tôi được đưa đi làm thủ tục tại tỉnh Biên Hòa, sau đó được đưa đến Trung Tâm Huấn Luyện Điạ Phương Quân & Nghiã Quân Vùng 3 tại Bủu Long, Tỉnh Biên Hòa để học Căn Bản Quân Sự 3 tháng. Giờ thì chúng tôi đã quen với đời sống quân ngũ nên học tập cũng thoải mái hơn trước, khi còn được gọi là lính con so.

Sau khoá học, chúng tôi trở về đơn vị. Nói cho đúng ra chúng tôi trở về nhà, ngày ngày chơi quanh quẩn, tối mới tập trung nhau lại đi công tác theo yêu cầu của xã. Đôi khi chúng tôi phải đi tăng cường quân số cho các xã lân cận, nhiều lần nhất là Yếu Khu và Xã Trảng Bom. Chúng tôi được bố trí gác đồn chính hoặc vào trong ấp Vườn Ngô để làm nhiệm vụ canh gác. Nói là như vậy thôi chứ chúng tôi đâu có phải ở thường trực suốt thời gian tăng cường đâu. Cứ chiều chiều, chúng tôi đón xe quá giang lên Trảng Bom. Đi bộ vào Vườn Ngô cách lộ chính chừng 1 cây số đường lô cao su, sáng nào không phải trực, chúng tôi lại rủ nhau về. Thường thì mỗi đợt tăng cường có thời gian tối đa 1 tháng và một lần chỉ đi có tiểu đội. Cũng có khi chúng tôi được tập trung đi hành quân phối hợp với các đơn vị bạn, hay với cả lính Mỹ. Nhưng cũng chỉ giới hạn trong điạ bàn quận Đức Tu mà thôi.

Chẳng có thứ lính nào lại được tự do như bọn tôi, ngày ngày phè phỡn chẳng phải làm gì cả. Thế nên, có một dạo nọ, anh Kiều ở Quân Cảnh được đổi về kiểm soát tại đồn Quân Cảnh ở ngã ba xa lộ ngay Ấp Hà Nội, Hố Nai. Sáng nào thấy tôi rảnh, rủ tôi đi chơi với anh. Thế là tôi cứ theo anh những ngày không có công tác gì, lên đồn đứng ngó người qua kẻ lại. Ở nhà có mình Đạt buồn mà không phiền trách gì tôi cả, cho đến cuối năm 66, lúc này cha tôi đã có việc làm ở hãng RMK. Trong phi trường Biên Hòa, gia đình cũng có chỗ mà trông, bỗng tôi ngã bịnh. Tôi cứ ngỡ mình bị bệnh qua loa thôi lên không đi bệnh viện. Ai dè tôi bị sốt thương hàn nặng. Tưởng đã đi luôn về bên kia thế giới rồi vì tôi phải nằm liệt giường đến hai tháng trời. Sau này nghe bạn bè kể lại: Một buổi tối rất khuya, các bạn còn ngồi ở đường chơi, đã nghe đến tiếng chim heo kêu vang ở xóm tôi. Một người trong bọn hỏi: “Uả ở đây có ai đau yếu gì không mà nghe tiếng chim heo kêu vậy?’’ Bạn Đạt trả lời liền: “Thằng Minh chứ ai.’’ Người ta nói rằng loại chim heo thường đánh hơi thấy mùi tử khí ở đâu, chúng bay đến đó kêu như báo trước cho người ta biết. Nhưng riêng tôi có lẽ con chim kia đã bị bé cái lầm nên tôi thoát khỏi bàn tay của tử thần lần ấy.

Sau khi tôi hồi phục sức khoẻ nhưng người còn xanh mét, anh Kham (Tiến) rủ tôi đóng kịch. Anh có vở kịch thơ: Diêm Vương Xử Án có nội dung giáo dục hài. Anh giao tôi vai Diêm Vương, còn bạn Thiêu thì vai Quỷ Xứ. Tập tành xong thì ông giáo Lâm dạy học ở trường Khiết Tâm, Biên Hòa, nhân lễ quan thầy của cha Sum hiệu trưởng, nhà trường tổ chức đêm văn nghệ mừng cha. Để giúp vui trong dịp văn nghệ này, ông Lâm có mời bọn tôi cùng đóng góp vào chương trình. Ngoài vở Diêm Vương Xử Án ra, chúng tôi còn tập thêm vở nói về sự tích thánh Tôma đi truyền giáo vì thánh Tôma là quan thầy cha hiệu trưởng. Vở diễn coi như thành công. Đấy là lần đầu tiên, ban văn nghệ của bọn tôi đi lưu diễn, và lên tận tỉnh để diễn nữa, bọn tôi rất hãnh diện về lần trình diễn này. Vì tôi chưa khoẻ hẳn, lại phơi sương, phơi gió, tôi về bị cảm lại và khi bọn tôi chính thức diễn trong xứ cuối năm ấy, vai do tôi thủ diễn, tôi không tham dự được, anh Kham giao cho Hoàng Minh Hùng thay thế. Cũng về văn nghệ, một lần khác, anh Ngọc và Quang, người trong xóm cả, rủ tôi tập hát nhạc của ban AVT. Anh Ngọc lấy cái mẹt giả làm đàn, tôi cũng được anh chế biến cho cây đàn gáo bằng cái nồi đen thui. Chúng tôi chơi bản gì mà có các câu như (chuyên môn hàn xoong ư ừ ừ) khi diễn rất hào hứng và vui vẻ và được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Sự nghiệp văn nghệ của tôi chỉ có thế là ngưng hẳn.

Giữa năm 67, tôi được xã đề cử đi học khoá Tiểu Đội Trưởng. Cầm Sự vụ lệnh vai đeo ba lô từ giã bạn bè đến Trung Tâm Huấn Luyện Bửu Long trình diện. Đến nơi vưà đúng giờ nghỉ trưa. Người gác cổng nói tôi đi đâu đó cỡ 2 giờ trở lại. Tôi vác ba lô lên núi Bửu Long gần đó leo lên núi chơi. Ở đây có ngôi chuà cổ kính rêu phong, xây dựng lâu đời. Đứng ở các điểm cao chung quanh núi có thể nhìn thấy mọi cảnh vật của phi trường và Thành Phố Biên Hòa. Ngồi trên ghềnh đá ngắm trời xanh, mây trắng lờ lững bay thấp thoáng trên các ngọn cây, xa xa, dòng sông Đồng Nai xanh biếc, uốn lượn quanh các mảnh ruộng xanh rì, cảnh trí thật thơ mộng và hữu tình, làm cho lòng tôi chùng lại. Tôi chợt nghĩ về bạn bè đang vui đuà với nhau ở nhà. Bỗng tôi đổi ý, không tham dự khoá học nữa. Tôi vác ba lô xuống núi, đón xe thay vì vào Trung Tâm Huấn Luyện, tôi quay trở về đơn vị cũ, để sinh họat vui chơi cùng bạn bè.

Ngày 12 tháng 11 năm 1967. Làm sao tôi có thể quên được ngày này cho được? Đó là ngày cưới của Lâm Văn Khái. Chúng tôi tham dự đông đủ cả. Vui vẻ quá nên tối hôm ấy Liêm sún không có xe qua Tam Hiệp để đi làm, nhờ Toán chở lên chỗ bọn tôi đóng đồn là Cầu Suối Điả, để bọn tôi gửi nhờ xe cho Liêm. Lúc đó chỉ có Toán là có xe Honda, tôi với Đạt cứ chê trách Toán mãi về chuyện này là làm sao Toán không chở Liêm qua Tam Hiệp luôn cho tiện. Đêm hôm đó đồn bị tấn công, Đạt và bốn người nữa tử thương. Tôi như người mất hồn. Chúng tôi cùng sống với nhau nhưng thân nhất chỉ có tôi và Đạt. Vậy mà nay hắn chết rồi!!! Trong chúng tôi, có lẽ Đạt là người đầu tiên chết vì chiến tranh, và Đạt cũng là người đi truớc kéo theo sau là một số anh em cùng trang lưá. Cả tháng sau tôi mới hoàn hồn được, lúc này trên bắt tôi phải đi học khoá Tiểu đội Trưởng lại, cùng học với tôi có anh Trần Thanh Tài. Tôi không thể từ chối được vì lệnh trên bắt buộc.

Mùa Giáng sinh năm 67. Tại nhà anh Trịnh Viết Ngọ. Đó là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức lễ mừng Giáng Sinh với nhau và đó cũng là mốc điểm của những ngày họp mặt truyền thống anh em bạn bè tôi, từ ngày đó cho đến tận bây giờ. Hôm đó, tôi có dẫn thêm mấy người bạn cùng khoá với tôi, nhà ở tận bên Phước Thành về chơi luôn. Năm đó, cũng là năm bọn tôi biết thế nào là say rượu, anh nào còn tỉnh thì mặt mũi còn sáng láng sạch sẽ. Còn anh nào say, sáng hôm sau ngồi dậy, cứ ngó mặt nhau mà cười. Tưởng rằng mặt người đầy lọ chảo, còn mặt mình sạch lắm. Sau mới hiểu là mặt ai cũng như vậy cả nên cùng kéo nhau đi rưả mặt, cười vang vui vẻ.

Tết Mậu Thân 68, tôi ngủ ở nhà Liêm sún. Sáng dậỵ bọn tôi còn nằm trên giường đọc báo xuân Con Ong cười với nhau. Chẳng biết gì đến các mặt trận nổ bùng khắp mọi nơi quanh chúng tôi. Mãi sau mới nghe mọi người nói, chúng tôi còn không tin. Sau kiểm chứng lại chúng tôi mới biết là có đánh nhau thật. Thế nhưng chỗ chúng tôi trách nhiệm chẳng có gì xẩy ra, do đó mà chúng tôi cũng cứ bình chân như vại, chẳng phải lo nghĩ gì nhiều về chiến tranh cả. Rồi mọi việc đều trôi qua, đến tháng 5 năm 68, nhân giỗ bác tôi, anh tôi theo ban Quân Nhạc về thổi trong lễ giỗ. Vậy mà chỉ có hơn mấy ngày sau anh tôi cũng tử trận, trong năm này bạn bè tôi phải lià xa gia đình về bên kia thế giới hơi nhiều vì chiến tranh.

Giữa năm. Cha tôi cho tôi tiền, ông nói tôi đi Sài Gòn mua cái xe Honda, để chở ông đi làm và tôi dùng xe đi công tác. Tôi nhờ bạn bè chở lên Ngã Bảy Sài Gòn, vào tiệm bán xe mua một cái xe SS 50 đời 67 mới tinh với giá 36.000 đồng. Thế là tôi và bạn cưỡi xe tà tà chạy Roda trên xa lộ về nhà. Chắc chẳng phải nói về cảm nghĩ của tôi lúc đó thì ai cũng phải biết là rất ư sung sướng, sướng đến lịm người. Sướng như không thể tin vào mình được, tự tôi đã làm chủ được chiếc xe, niềm mơ ước từ lâu mà tôi hàng ấp ủ nay đã thành sự thực. Còn nỗi vui nào bằng, cho nên tôi quý nó lắm, giữ gìn và lau chùi rất ư là kỹ lưỡng. Sáng ở đồn hay nơi công tác, tôi về sớm, chở cha tôi lên chỗ làm ở Phi Trường Biên Hòa, xong tôi về nhà chơi đợi đến chiều khi tan sở tôi lại lên đón ông về. Sau này mẹ tôi mở cái sạp nhỏ bán bánh mì ở gần cổng trường học, tôi cũng về sớm, đi lên lò bánh mì cũng ở Biên Hòa lấy bánh cho mẹ tôi và các em tôi bán.

Một lần, tôi chở cha tôi đi làm. Đến ngã tư Tân Phong, gần rừng cao su tôi trật tay lái ngã, còn cái xe thì lại văng ra giữa đường, bánh trước chui vào bánh xe tải đang chạy ngược chiều với tôi. Chiếc xe tôi bị hư toàn bộ giàn đầu. Cha con tôi đón xe lam chở xe về nhà sửa. Đến năm 69, tôi bán chiếc xe này cho anh Tư Tốt ở Thanh Hoá. Trả tiền lại cho cha tôi, còn dư tôi mua chiếc Kawasaki cũ làm chân chạy.

Cũng trong thời gian này. Thấy tôi rảnh rỗi, ban ngày chẳng làm gì, tôi xuống nhà bác Ngoạn phụ ông, ông làm nghề rèn dao kéo. Thường ông làm hàng dao nhỏ mà người ta gọi là dao bổ cau, để bà mang bỏ mối cho bạn hàng, và đi các chợ bán. Đôi khi có ai đặt rèn dao bự, liềm, hái chi, thì ông cần tôi phụ để quai buá phụ với ông. Việc cũng chẳng bảo đảm gì. Tôi phụ bác để giết thời giờ và có thể học nghề này được không? Rồi Hòang Văn Đát, nhà ở Thanh Hoá, cùng tiểu đội tôi rủ tôi đi làm máy cưa cho ông Sùng ở Long Lạc. Sáng sáng, chúng tôi lên nhà máy cưa lăn cây vào xẻ theo yêu cầu của chủ, nhờ vậy mà tôi biết quay cỡ, căn phân, tấc thay lưỡi cưa vv. Sau anh Mạnh người cùng đơn vị. Có chiếc Lambro chở cây mướn cho lái buôn cây ở Thái Bình cũng kiếm ăn được, rủ tôi mua xe để làm chung với anh. Nghe cũng có lý, nhưng tìm ở đâu 100 ngàn để mua xe đây? Cuối cùng, bác tôi ở Phương Lâm nghe tin tôi muốn làm ăn lên giúp tôi liền, cùng mượn thêm của vài người quen trong ấp. Chỉ trừ tiền của bác không phải lo tiền lời, còn lại tôi phải trả tiền lời 3% cho số tiền mượn của bà con trong ấp. Thế là tôi mua lại chiếc xe Lambro của cô Táu, về gỡ thùng xe xuống, chế lại xe để đi chở cây mướn. Chúng tôi làm chung với nhau có anh Tần ở Thanh Hoá, anh Toản, anh Mạnh, anh Thép và tôi.

Hàng ngày, lái kêu chúng tôi chạy lên Bàu Cá chất cây 2 mét chở về Thái Bình đổ cho máy cưa. Xe thì ngắn mà cây thì dài, chúng tôi phải kìm đầu xe bằng mấy bao cát để đầu xe khỏi dỡ lên cao. Vậy mà khi leo dốc, xe chúng tôi chỉ chạy có hai bánh sau. Lái xe mà đôi khi có cảm tưởng như mình lái máy bay vậy. Cứ bập bềnh khi chúng tôi phải chạy tắt đường lô cao su để tránh trạm Kiểm Lâm Trảng Bom. Khổ là chúng tôi chở gỗ lậu mà không có che giấu ngụy trang được, vì như đã kể ở trên, xe ngắn mà cây thì dài. Do đó, tôi thì chưa mà các anh khác thì đã bị bắt xe mang về Biên Hòa, bị phạt và xe bị giam một vài lần. Có một lần, chúng tôi bị Cảnh Sát tuần cảnh hỗn hợp chặn lại. Khi Cảnh Sát hỏi giấy tờ, thấy tôi là Quân Nhân họ đưa giấy tôi cho Quân Cảnh. Họ bắt tôi lái xe về đồn. Tôi đạp máy xe, sang số thay vì từ từ nhả tay ambraya ra, tôi buông tay mạnh, chiếc xe chồm tới, người Quân Cảnh ngồi cạnh nhảy xuống, đầu xe cất cao lên rồi lao xuống lề ngay chỗ có cái hố. Người Quân Cảnh chỉ mặt tôi nói tôi coi chừng anh. Rồi cả toán bắt tôi lái xe lên, họ phụ đẩy, nhưng cuối cùng xe cháy luôn ambraya mà xe không lên được. Họ dong mấy xe của các anh kia đi, còn tôi họ cầm giấy tờ về đồn, còn xe cây của tôi họ chiụ, đành bỏ lại. Hôm sau, nhờ có anh Tá lấy dùm giấy tờ trả lại cho tôi, còn tôi chờ đến tối, lên bỏ cây xuống, đưa xe lên rồi chúng tôi chất cây lên xe giao cho chủ. Thấy làm việc này cũng khó khăn quá tôi bán xe đổi nghề, chuyển qua chung với anh Khái sửa Honda.

Lúc này anh Khái đã có gia đình. Ông nhạc của anh cho anh miếng đất để vợ chồng anh lập tổ uyên ương. Nhà ngay mặt đường, vách gỗ lợp tôn. Đang không có việc làm, hai anh em rủ nhau cùng bỏ vốn sửa xe Honda. Khái lúc đó không biết gì về xe cả, còn tôi nhờ có xe Honda, xe Lambro nên cũng biết chút đỉnh. Nếu có ai hỏi tôi phải giải thích về lý thuyết giữa máy hai thì và bốn thì khác nhau ở chỗ nào, hay máy bốn thì gồm những thì nào? Tôi chiụ chết, không nói được, vì tôi có được ai chỉ bảo hay học ở đâu đâu! Chỉ biết sơ sơ vậy thôi. Để chắc chắn hơn, tôi mua thêm cuốn sách dậy sửa chữa xe Honda, mang về gặp ca nào khó, chúng tôi mang ra tham khảo.
Nhà Khái lúc đầu dùng làm nhà ở. Thế cho nên muốn mở tiệm, chúng tôi phải trổ cửa rộng ra. Thế là gian kế bên, chúng tôi gỡ ván gỗ ra, làm lại thành cửa lớn. Sáng sáng, chống cái cửa lên xe cộ có thể chạy thẳng vào nhà. Nhờ có Tống Bá Đoài biết làm mộc chút đỉnh anh em phụ nhau, chẳng mấy chốc chúng tôi có cái tủ đựng đồ phụ tùng, cái cửa tôn lớn chống lên, và cái bảng hiệu và chúng tôi khai trương. Vui lắm, anh em rảnh rỗi cứ quy tụ về đây ngồi tán gẫu hay chuyện trò. Có khách sửa xe, tụm lại giúp, có khi người ngồi đọc sách hướng dẫn cho người sửa. Công việc nhì nhằng chúng tôi sống qua ngày. Cho đến một ngày, tôi bị hậu quả của các việc làm của mình trước kia mà liên quan đến luật pháp. Tôi bị Quân Cảnh Tư Pháp tìm hoài, tôi bị lệnh đổi về đơn vị Tổng Quản Trị. Tôi bỏ không đi trình diện mà chuyển qua lính TQLC.

Sau khi thụ huấn quân sự lại, tôi được chuyển về TĐ. 1 TQLC. Và chuyển ngay ra Quảng Trị. Đầu tiên, chúng tôi trấn ở Bích La Thôn, trong một xóm nhỏ chung quanh là ruộng, chiếc Thiết Vận Xa M 113 chở chúng tôi đi tắt qua cánh đồng đến chỗ đóng quân. Chiếc lườn xe như bị lâng lên vì đất xình. Sau một tháng, chúng tôi lại trở ra Quảng Trị, nằm ngay trường Bồ Đề đối diên Ty Công Chánh. Ở Quảng Trị vào cuối năm 1972, tôi mới thấm thiá cái lạnh của mùa Đông Miền Trung. Quần áo lạnh và đủ thứ hết được mang ra dùng để chống lạnh, nhưng người cứ rét căm căm. Lại mưa phùn dai dẳng suốt ngày, cực nhất là đêm đang ngon giấc bị dựng dậy đổi gác. Mà nào có gần! Để đến vọng gác chúng tôi thường còn phải lội qua con suối nước đến ngang lưng. Quần áo không giặt giũ kịp, cho nên luôn luôn phải giữ cho khô mới không bị chết rét. Do đó, mà khi đi gác, chúng tôi cởi bỏ hết quần áo rồi ôm vào người đến vọng gác bận lại, sau khi gác xong, có người thay thế. Chúng tôi lại cởi đồ ôm về lều bận lại nằm ngủ. Nói tới ngủ, chẳng biết có phải do lạ nước không mà tôi ngủ bao nhiêu cũng không đã con mắt, ăn xong là ngủ, buồn nằm xuống là ngủ, ấy vậy mà đêm có hai giờ gác cũng chẳng bao giờ thức trọn, mặc dù hiểm nguy rình rập mọi giây, cái chết đến rất dễ dàng.

Hết thời gian dưỡng quân ở cánh A. Chúng tôi lại được điều vào Quận Triệu Phong, ngay bờ Nam Sông Thạch Hãn thay cho TĐ. 6 ra nghỉ. Cỡ hơn tháng đóng quân ở đây, tôi bị nguyên 1 trái 62 ly nổ sau lưng. Cũng may là còn có một số bao cát che chở, thế mà tôi cũng lãnh miểng văng vào suốt từ đầu đến chân. Chiếc M113 chuyển tôi ra trạm dã chiến của Lữ Đoàn 147, ở đó họ xin trực thăng tải thương tôi về Bịnh Viện Nguyễn Tri Phương ở Thành Mang Cá Huế. Tôi được đưa vào phòng giải phẩu mổ lấy hết mảnh bom trong người ra, tuy nhiên, cũng còn sót lại vài miểng trong người. Hôm sau, bên đơn vị qua đón tôi về Binh Viện Dã Chiến của Sư Đoàn và sau khi khám. BS. Hải cho chuyển tôi về Bịnh Viện Lê Hữu Sanh ở Thủ Đức, Sài Gòn vào đầu năm 1973. Sau khi điều trị xong, tôi rời quân ngũ, sau 8 năm khoác áo chinh y. Chẳng biết mình đóng góp được bao nhiêu công sức giữ gìn yên bình cho đất nước nhân dân? Nhưng chắc chắn là tôi đã đóng góp phần mình trong thời chiến bảo vệ tự do cho Miền Nam. Và tôi đã làm xong bổn phận, giờ về làm dân và làm kinh tế chung với bà chị.

No comments:

Post a Comment