Monday, August 16, 2010

Xoay nghề -3. (Bức chân dung xấu xí.)


Có một thời gian, tôi cũng lái chiếc máy xới "giống hình này lấy trên net."
Cuối năm 1975. Tôi nhớ hôm ấy, buổi trưa khi nghỉ ăn cơm, tôi ngồi ở bàn, bác tôi bê bát cơm đến bàn vưà ngồi ăn, vưà trò chuyện với tôi. Ăn mấy miếng, bác bị nghẹn. Bỏ bát cơm xuống, bác nói với tôi:
“Quái mày ạ; mấy ngày nay sao bác ăn cứ bị nghẹn hoài, không biết có điềm gì không?’’ Tôi nói:
“Chắc chẳng có gì đâu bác, lâu lâu ai lại chả bị nghẹn như vậy.’’ Rồi bác cháu cứ ngồi nói với nhau về chuyện làm ăn mãi cho đến khi tôi ra mở máy chà gạo cho khách. Đấy là lần cuối cùng tôi có diễm phúc còn được chuyện trò cùng bác. Tối đó, vưà ăn cơm tối xong, có người chạy xuống báo, bác đi lễ về, ngang đường bị xe tông, bác chết liền. Tôi chạy vội lên nhà bác, chị đi lễ về ghé chơi đâu đó chưa về nhà. Nhờ máy cha phát thanh chị cũng không hay biết, chuyện bình thường thôi, vì có ai ngờ được chuyện gì sẽ xảy ra đâu mà biết. Khi về chị rất buồn, hai người thân yêu nhất của đời chị, bỏ chị đi trong vòng có 2 năm, hôm đó là ngày 2 tháng 12, năm 1975.

Mọi việc, dù đau buồn mấy cũng dần nguôi ngoai, chị em tôi lại lo làm ăn, công việc đều đều. Lúc này Phòng Lương Thực Huyện Thống Nhất, ký hợp đồng xay gia công lương thực với nhà máy của chúng tôi. Mới đầu tôi không chiụ, nhưng sau khi tính toán lại, chúng tôi đồng ý. Mà chẳng đồng ý cũng chẳng được, vì khi chính quyền muốn, mình không chịu chỉ có thiệt mà thôi. Thế là nhà máy chúng tôi tràn ngập lương thực, bắp, lúa chất cao lên đến trần nhà. Chúng tôi chỉ còn xay được lúa cho bà con hạn hẹp thời gian lắm. Sáng sáng, khi mọi người đi lễ, tôi lên nhà mở máy xay lúa hoặc bắp. Xay có một chủ cũng rất dễ dàng. Chỉ việc đổ vào cho đầy rồi căn lấy ra. Đổ vào bao, khâu miệng lại. Rồi tôi cứ lăn lên xếp, theo giây, theo lớp. Khi chị đi lễ về, chị em cùng làm. Cầm tay chị để khiêng bao bắp, bao gạo. Thấy cánh tay chị gầy gò nhưng cũng đâu có yếu. Nhưng công việc nặng nhọc mà chị phải làm, cũng gây cho tôi nhiều áy náy, nhưng tôi không có cách gì hơn. Một người làm thì hơi cực, nhưng lúc đấy tôi còn khoẻ lắm. Một mình ngày xay 4, 5 tấn bắp ngon lành, gọn gàng đâu ra đó, với sự giúp sức bằng cánh tay gầy gò của chị, nên công việc trôi chảy, tiền bạc cũng ngày dùng đủ, nợ nần không còn phải lo nên làm được đồng nào ăn đồng đó. Sau này các em tôi đã có thể phụ việc với tôi, còn tôi đã tính làm ăn thêm qua các dịch vụ khác.

Đúng lúc ấy có anh Thân Văn Nam rủ mua máy cầy về làm. Anh nói có thể đi cầy ruộng, cầy rẫy mướn cho bà con nông dân, đi kéo thuê, tranh, lúa vv. Anh cũng nói, có ông Thống ở Quảng Biên có chiếc Renault 88 bán. Tôi chẳng biết nhiều gì về máy móc cả, anh Nam thì rành hơn vì nhà anh có xe hơi đủ cả, anh coi máy móc xong nói được, tôi lo tiền chung với anh mua cái máy ấy. Ai dè đi làm máy cầy cực ôi là cực! Cái máy mà chúng tôi mua nó cũ nên cũng hơi yếu, phụ tùng thay thế hơi hiếm vào thời điểm ấy, muốn mua phải tìm qua thị trường chợ đen mới có. Đi làm ruộng xuống xình xe dễ bị lầy, phải đi làm với nhau từng hai, ba máy, người nọ lo kéo người kia khi bị lầy. Thế nên chúng tôi phải theo đi làm với máy Hùng Râu, Quang, Diệp Tân Bình, Đức Bàu Cá. Đôi khi quần thảo với nhau đưa xe máy thoát khỏi khu lầy lội ở khu Suối Đòn Gánh, lên được bờ cũng 7, 8 giờ tối, về nhà cũng đã khuya lắc, khuya lơ.

Có một lần, tí nữa thì tôi đã mang họa với cái máy cày này. Chẳng là hôm đó tôi mang máy cày ra cày cái vườn sau nhà, con cháu tôi nó bu lại đòi leo lên xe ngồi trên hai bên dè xe. Thế mà tôi cẩu thả cho chúng leo lên đầy, ngồi bám quanh tôi coi tôi cày vườn. Cày được mấy đường, cuối đường cày tôi đạp thắng. Cháu Tí con cô Chinh rớt từ trên xe xuống ngay bánh. May mà xe đã ngừng hẳn, nếu không thì tôi chẳng còn biết nói làm sao? Đây cũng thêm một cái dại của tôi nữa cần phải ghi nhớ.

Làm máy cày tôi chẳng khá gì hơn, chỉ được mỗi cái là đen và gầy hơn, lo nhiều hơn. Cuối cùng tôi bán máy cày, mua cái xe Vespa Super. Đầu tiên được cưỡi cái xe 150 phân khối thích thật. Chỉ phải cái xe chạy hơi nghiêng nghiêng về phiá bên máy, còn lại thật chẳng chê vào đâu được. Vưà dọt lại vưà êm, đấy là tâm trạng tôi ngày ấy. Xe ngon, mà tính tôi cả nể, ai mượn cũng cho. Thấy tôi dễ, đến độ họ có xe Honda, nhưng khi đi đâu xa họ cũng mang xe của họ đến đổi xe cho tôi để đi xa cho khoái. Riết cái xe cũng bị nhão luôn.

Lúc này tôi chỉ còn làm ruộng và máy chà gạo. Vó bè giao lại cho anh Hải. Cánh đồng Sông Mây đông người làm nên trâu bò cày không xuể. Ba cha con tôi gồm: Ông nhạc, anh hai bên bà xã và tôi chung nhau mua cái máy xới về làm. Đi kiếm mãi mới mua được cái máy xới hiệu Yanmar loại 10 ngưạ. Về chế cày, chế rờ moọc chúng tôi đem vào ruộng làm. Vưà xới cho ruộng nhà vưà làm thuê cho bạn điền chung quanh. Vài tháng sau cái máy bị gẫy cốt. Mở ra coi mới biết cái cốt máy gẫy từ trước, họ hàn lại rồi chúng tôi không biết mua lầm. Tôi lại phải tìm mua máy khác thay thế. Còn máy cũ tôi đi nhờ thợ tiện, tiện cho cái cốt máy khác, ráp vào rồi bán lại cho người khác. Cũng vất vả lắm, nhất là cậu em vợ tôi, lội suốt ngày dưới ruộng xình, mặt mũi lúc nào cũng đầy bùn đất. Vài năm sau, tôi bán tất cả máy và ruộng, từ giã nghề nông từ độ ấy, quay về với nghề máy chà xát.

Các em tôi giờ đã lớn cả, chúng đã có thể làm thế cho tôi để tôi đi giao dịch làm ăn. Thế là ngày ngày, tôi cứ chạy xe phất phới ngoài đường. Cũng từ độ ấy tôi tập tành nhậu nhẹt, nhậu riết thành ghiền, rồi gia nhập cái hội nhậu luôn. Chỗ nào có nhậu là có tôi. Tôi vốn uống rượu không được nhiều. Chỉ nhấm qua môi một chút là mặt mày đã đỏ gay như con gà chọi. Thấy rượu là sờ sợ, không thích lắm, chỉ thích vui thôi. Mà uống rượu thì vui lắm, rượu vào lời ra mà. Không những lời ra không thôi mà uống rượu còn làm lắm trò lắm. Có cả những lần, chúng tôi uống vào mấy ly, hơi sừng sừng. Thế mà chỉ trần xì cái quần xà lỏn. Chúng tôi lấy cái trống tiểu, kéo nhau ra lộ chính trong ấp, vưà đi, vưà gõ trống bung bung, theo tuồng Ngao, Sò, Ốc, Hến, đoạn quan anh đi khám điền thổ. Cứ tưởng tượng ở nông thôn, cỡ 8, 9 giờ đêm, người người đã lên giưng đi ngủ, đêm khuya thanh vắng, mà bỗng nghe đâu đây vang vọng tiếng trống tiểu thì thật cũng phải giật mình. Vì tiếng trống tiểu thường dùng trong các cuộc rước, hay là đưa đám ma mà thôi. Thế mà uống rượu vào, chúng tôi đã dám làm cái trò nghịch ấy, sáng sau nghe kể lại cũng thấy kì kì, ngài ngại. Ấy vậy mà cứ tới chiều là chúng tôi lại ới nhau đi tìm cái gì đó đưa cay, xỉn với nhau, ngày này qua tháng nọ, mà tôi giờ đã có năm cháu rồi nhe. Được cái bà xã tôi cũng chiều, muốn nhậu nói một tiếng là bà ấy mua đồ về nấu nhiều món cho bọn tôi khề khà, thù tạc với nhau. Đã nhiều lần, tôi bị lôi đi xa nhậu, có khi lên tận Sài Gòn, nhậu xong về đến nhà 1 giờ sáng. Gọi nhà mở cửa, tôi mang xe vào nhà, dựng được cái xe, leo lên giường là chẳng còn biết sự gì. Sáng dậy, ngơ ngác, không biết hôm qua mình chạy về đường nào? Nghĩ lại thấy cái tật ẩu của tôi, phải gọi là quá ẩu. Chẳng còn biết đến hiểm nguy là gì! Mà nào có phải một lần đâu! Ngày sau nghĩ lại có sợ đấy, nhưng cứ đến chiều, ai hú là lại có em ngay.

Cho đến một lần, chị tôi và tôi ngồi trò chuyện với nhau, chị hỏi tôi có tính vượt biên không? Lúc đó, phong trào vượt biên đang lên, nghe chị hỏi, tôi hơi giật mình. Vì lâu nay, chưa bao giờ tôi có ý định gì cho vấn đề này, không có tí ý định gì nên cũng chẳng bao giờ lo hay chuẩn bị, nên gia đình tôi chẳng tích trữ được gì. Có làm được đồng nào thì ăn đồng nấy, hay cho vay cho mượn không tính lời lãi gì cả. Nay chị hỏi, tôi phải thú thật là không có tiền. Chị khuyên tôi nên nghĩ lại, chị truyền lại cho tôi lời dặn của bác về kinh nghiệm làm ăn, phải chắt bóp từng đồng thì mới có được. Chị cũng nói ý định của chị, chị sẽ vượt biên, nhà cửa chị không bán, máy móc chị cũng không bán, tôi có trách nhiệm coi sóc cho chị. Tôi đưa ý kiến, chị sang tên nhà cho tôi, chị đi được, tôi ở coi nhà, chị không đi được, trở về nhà của chị, chị vẫn ở. Chị em thỏa thuận với nhau như vậy, và thời gian sau, chị đã đi trót lọt. Tôi dọn lên coi nhà và tự làm ăn một mình, nhờ chị cho tôi tất cả nên làm ăn cũng đỡ hơn trước, nhớ lời chị dặn, tôi đã chắt bóp hơn xưa và cũng lo cho tương lai của gia đình, nhờ chị mà gia đình chúng tôi đã chuyển hướng để có tương lai tốt đẹp hơn. Để có ngày hôm nay, ngồi viết lại những dòng này, gia đình tôi mang ơn chị rất rất là nhiều, nên tôi cũng xin có vài hàng về chị.

No comments:

Post a Comment