Saturday, September 4, 2010

11:- Những ngày ở An Lạc. (Bức chân dung xấu xí.)


(Hình cháu nội tôi đi học bây giờ.)
Năm 58-59, tôi học xong lớp nhất, (bây giờ gọi là lớp 5) bậc tiểu học. Thấy tôi sáng dạ, người chú út, biết nhà tôi nghèo, không đủ sức cho tôi đi học tiếp. Nhân một dịp về Hố Nai chơi, chú nghe chuyện nên có ý tốt giúp tôi, đã xin bố mẹ tôi cho tôi theo chú về nhà chú ở Xứ An Lạc, Ấp Hàng Dầu, Ngã Ba Ông Tạ, Tân Bình Sài Gòn, để chú lo cho tôi được tiếp tục đi học. Dù trường đã khai giảng năm học mới rồi!

Chú có ba người con, hai trai, một gái út. Con trai lớn chú, kém tôi một tuổi, thứ đến cũng là em trai. Tuy kém tôi một tuổi, nhưng vì em không bị gián đoạn việc học, nên học bằng lớp với tôi, chắc vì thế nên chú tôi muốn giúp tôi cùng về để học với em trai lớn chăng?

So với anh em, chú tôi có vẽ khá hơn, tuy không giàu có gì nhưng củng tạm đủ, chú tôi không làm công việc gì sốt cả, nhưng sống rất phong lưu, đàn anh, được bạn bè kính nể, quý mến. Ngày nào củng vậy, sáng dậy uống cà phê ăn sáng xong, chú đóng bộ rất chững chạc, quần áo được giặt ủi, hồ cẩn thận ở tiệm mới mặc, áo thắt cravat, giầy da bóng lộn. Nhìn chú tôi ăn mặc thật cầu kỳ đúng mốt, áo quần lúc nào cũng thẳng thớm. Tiệm nào giặt ủi đàng hoàng chú mới cho giặt quần áo. Chúng tôi mang quần áo đi giặt hay lấy quần áo về, cũng có thời giờ dư xem họ là (ủi). Lúc đó đồ dùng bằng điện hình như chưa có, bàn là được đúc đặc bằng gang, khác với bàn là cuả gia đình bỏ than vào trong, cái khoá nắp thường có con gà trống. Bàn là ở tiệm thì đặc nên để bàn ủi nóng được, người ta đặt bàn ủi lên lò than nướng vài ba cái một lúc, ủi xong nguội lại đặt bàn ủi lên lò nướng lại, lấy cái bàn ủi mới nướng xong ra ủi trên lá chuối cho sạch sẽ rồi ủi qua lớp vải cho mặt bàn ủi chắc chắn đã sạch mới dám ủi lên quần áo cuả khách hàng.
Trong họ hàng, dòng tộc, chắc chú tôi là người ăn mặc chải chuốt và đúng mốt nhất thời đó. Nhìn chú tôi mặc bộ đồ thấy công phu lắm, áo mặc trước, tay áo gài mang xết, thắt cà vạt xong thì xỏ giầy, khi giầy cột giây xong mới đứng mặc quần, đường ly quần sẽ thẳng mà không có nếp gấp ngang. Ra đường đón taxi đi chơi với bạn bè thuộc giới trung lưu nổi tiếng từ Hà Nội di cư và Sài Gòn, nói cho đúng ông cũng có máu mê di truyền từ đời ông nội tôi để lại. Được biết ông tinh thông đủ mọi môn bài bạc, từ xóc điã, tổ tôm, tài bàn, chắn, xì phé, xập xám, v.v. (Vì ở nhà chú, tôi mới biết đến danh của những bà Tham Dương, ông Ngỗi, Bình Cụt, cùng những nhân vật khác nổi danh trong làng kỹ bẽo (cờ bạc) chú đi chơi cho đến khi nào tan sòng mới về, thường là rất khuya.

Thím, lúc tôi lên ở, là người đang đau yếu, vì thím mới đi mổ về, suốt ngày nằm trên giường, ăn uống phải có người giúp đỡ. Vì thế để dung hòa, chú củng đưa thêm một người cháu gái của thím nữa cho có người giúp đỡ thím. Thế nên đợt ấy có thêm một em cùng ở một chỗ với tôi cùng lên nhà chú.

Tiếng là cháu thím thật, nhưng em có họ cả đôi bề, nên tôi với em vẫn còn anh em, nhiệm vụ của em rõ hơn. Em lên không phải lên nhà chú tôi để đi học như tôi, mà là để giúp đỡ bà cô ruột đau yếu, lo việc chợ buá bếp núc và giặt giủ.

Nhà chú thím không lớn lắm, một căn nhà bằng gỗ lợp tole. Ngang cỡ 5 mét, sâu chừng 20 mét, 3 mét ngoài được ngăn ra bởi một bức ngăn cũng bằng gỗ, để làm phòng khách, cửa vào nhà nằm chính giữa, một bên kê được một chiếc bàn chân cao và 4 chiếc ghế dưạ, bên đối diện kê chiếc giường một, sát vách ngăn, nằm chính giữa kê một chiếc tủ chè, trên đặt bàn thờ, góc còn lại ngay đầu chiếc giường một, là cái tủ sách, không gian còn lại dành cho lối đi chính để ra vào. Cái cửa nối nhà trong và nhà ngoài treo mành làm bằng vé số mầu mè và trông rất ngộ nghĩnh, đung đưa và kêu lạch cạch mỗi khi có người đi qua. Trong nhà còn chỗ để kê một chiếc giường lớn và một chiếc phản gỗ, cùng rương, hòm và tủ đựng quần áo, sau khoảng sân hẹp là chỗ dành làm bếp và cái chuồng heo nhỏ, nuôi mỗi lứa được 5 tới 6 con heo.

Ngoài năm người của gia đình chú, thêm tôi và em gái ra, còn thường trực một người anh ruột của thím ở đây, ông không có nhà, nên phải ở nhờ nhà chú và một người cháu nữa, anh đi về không thường xuyên, nên nhà luôn có ít nhất là 8 người. Chú tôi hào phóng, ông nuôi tất cả.

Tôi lên đến nhà chú thì trường đã khai giảng được một thời gian ngắn, không biết là chú không chuẩn bị cho tôi, hay là do ngẫu hứng mà chú đưa tôi về nhà, hay vì một lý do nào đó chú không xin cho tôi vào học được, nên tôi không được đi học ngay, mà phải đợi, tôi biết thân phận cũng chẳng dám hỏi ai, cứ kiên nhẫn chờ đợi, và trong lúc đợi chờ đó, tôi phụ làm công việc nhà. Đầu tiên tôi lo việc nước, mỗi buổi sáng, vệ sinh cá nhân xong, tôi múc cám trong nồi ra máng chờ nguội, rồi lo ăn sáng, thường chú thím cho tôi tiền để tùy ý muốn ăn gì thì ăn. Vụ ăn sáng này ở quê tôi không có tiêu chuẩn đó. Còn ở thành phố vào buổi sáng những gánh hàng rong đảo qua, đảo lại, rao ơi ới, đủ cả, rất tiện, mà lại ngon nữa. Những bún, xôi, bánh mì, bánh chưng, bánh giò, chẳng thiếu một món gì, muốn ăn thứ gì đợi bà bán hàng rao là ra mua. Lo xong cái bụng, tôi cho heo ăn rồi mang thùng ra trước hiên nhà, mở nắp giếng múc nước, chuyển vào sau nhà, sao cho đầy hai thùng phuy nước, thì vưà lúc heo cũng ăn xong, rửa máng cám, dọn dẹp chút đỉnh, là lại bắt tay tắm cho lũ heo, cùng lúc tôi bắc nồi nấu cám cho heo ăn bữa chiều và tối nữa, lo xong bằng ấy công việc, tôi lo tắm giặt xong lau nhà là đứt buổi sáng. Buổi chiều nhẹ nhàng hơn vì không phải lo việc nước, chỉ có lo cho heo ăn và chú thím có sai làm việc gì vặt vãnh như: Đi mua thứ gì đó, hay đưa đồ đi giặt ủi cho chú. Trưa đến, nếu không ngủ trưa, tôi lang thang đâu đó cho hết thời gian như ra ngoài Chợ Ông Tạ. Đặc biệt vào những ngày các em được nghỉ học, chúng tôi đón xe ngựa lên Hoà Hưng coi phim ở rạp Thanh Vân hay là đôi khi lên tuốt Chợ Bến Thành xem người ta mua xắm. Và cả đi bộ xuống hồ bơi Cộng Hòa gần ngã tư Bảy Hiền vào coi chuồng ngưạ.

Thường khi chỉ có một mình ở nhà, lúc rảnh, tôi hay lang thang đến những nơi người ta làm tượng, vẽ bảng hiệu ở gần đấy, tò mò đứng xem người ta làm. Có một điều lạ lẫm đối với tôi lúc ấy nữa là, đi vệ sinh ở các ao nuôi cá, mà người ta thường gọi là cầu cá, nhưng thường khi đi đến đây chúng tôi đi cả bọn mấy anh em, vì cầu cá họ làm hàng dẫy 2, 3, 4 cái liền nhau, vưà làm vệ sinh vưà chuyện trò vui vẻ và xem cá hàng bầy nổi nên ăn.

Buổi chiều, tôi lo cho heo ăn xong, lo dọn dẹp chuồng, bắc nồi cám nấu tiếp cho bữa ăn sáng hôm sau, cơm nước xong đi chơi với các em rồi đi ngủ, nên nhớ là hồi đó ở Sài Gòn giải trí về đêm chỉ có đi coi hát, coi phim ở rạp mà thôi, radio cũng còn hạn chế lắm vì là các loại máy dùng bóng đèn nên còn cồng kềnh, không được tiện lợi và thông dụng lại mắc mỏ nên cũng ít người sắm được.

Nhà chú có hai em trai chúng tôi hay vui chơi trò chuyện và tán gẫu, em lớn thì ít tham gia chứ tôi và em trai nhỏ ngồi với nhau là hay lắm chuyện, thứ gì chúng tôi cũng tán được, ngay như mấy người rao hàng hai anh em cũng cứ nhái theo, như xe bán miá hấp, họ rao nhanh cứ như: miếp. Chưa kể bày đặt làm sớ táo quân, hay đổi lời nhạc vân vân. Nghĩ lại cũng còn nhiều chuyện để nhớ về những tình cảm anh em chúng tôi ngày còn bé, nhờ quấn quýt bên nhau nên chúng tôi thân nhau lắm.

Ngày tháng cứ dần trôi, mọi người cũng quên dần đi về việc học của tôi, vì đã lỡ với năm học và tôi thì cứ tiếp tục những công việc đều đặn hàng ngày, rất bình thường, đường đến trường thì coi như chưa bao giờ bước đến, còn các con đường khác thì lại rất quen thuộc với tôi, như đường có con mắt nằm ngay cổng dẫn vào khu tôi ở, đường sang Nam, Nghĩa Hoà, đường ra chợ Ông Tạ, hay ra Tân Chí Linh v.v. Tôi quen hết, vì đi qua thường ngày mà!

Sống như vậy đâu cỡ gần một năm ròng, tôi xin chú tôi cho tôi về, Tôi xin đi học lại ở dưới quê và sống với gia đình tôi. Dù gì tôi cũng cám ơn chú tôi về ý tưởng tốt đẹp lúc chú tôi muốn cho tôi được đi học ở Sài Gòn. Thực tình mà nói, chú tôi rất tốt và cũng rất rộng rãi đối với anh em, con cháu. Nhưng vì tôi không đi đúng thời khoá cuả năm học, chú đã không thực hiện được việc đi học cho tôi, tôi cũng vẫn chân thành tri ân gia đình chú thím. Nhờ vậy mà tôi đã biết về xứ An Lạc và hưởng được nhiều cái và biết về đời sống văn minh ở thị thành ngày đó.

No comments:

Post a Comment