Tuesday, September 7, 2010

12:- Lo việc nước. (Bức chân dung xấu xí.)


Hình gánh nước lấy trên net.
Bây giờ tôi và gia đình đang sống ở Úc. Một nước có nền văn minh không tệ, nên mọi tiện nghi về vật chất chúng tôi được hưởng đầy đủ cả. Cần nước; chỉ có việc đưa tay vặn cái vòi là nước ào ào chảy, nóng hay lạnh tuỳ ý mình muốn. Nó dễ đến độ Công Ty Cấp Thủy sợ mình cứ tưởng là nguồn nước cung cấp vô tận và được cung cấp miễn phí. Thế nên để nhắc nhở mình luôn luôn tiết kiệm cả nước lẫn tiền. Họ đã in hẳn những tờ thư gửi đến tận nhà, để cho mọi người cùng lưu ý với câu: (Khi bạn mở vòi nước, bạn có biết rằng, bạn đang đổ tiền xuống cống đó không?).

Nhớ lại khi gia đình tôi còn sống ở quê nhà, cách nay gần 50 năm, khi đời sống còn nhiều thiếu thốn, lúc gia đình tôi mới chân ướt, chân ráo di cư vào Miền Nam. Đang sống ở miền đồng bằng Bắc Bộ, với sông, nước, ao, hồ. Do đó mà bạn muốn chứng tỏ lòng yêu nước của mình thì thật là dễ dàng, tùy ý, bất cứ lúc nào bạn muốn, bất kể nắng, mưa, sáng, trưa, chiều, tối. Lúc nào nước cũng chan hòa yêu thương, sẵn sàng chiều lại lòng người. Giờ thì ngược lại, vì lên rừng sống, muốn thể hiện lòng yêu nước sao mà khó khăn làm vậy!

Gia đình chúng tôi sống ở Trại Định Cư Bùi Chu, khu đồi cát trắng, phía sau khu nhà tôi ở có một dòng suối, với nhiều nguồn mạch nước trong lành chảy quanh năm suốt tháng, hầu như vô tận, không bao giờ cạn kiệt. Khổ có mỗi một nỗi, đường xuống suối thật lắm gian nan, nó vưà cao, vưà dốc, đường đi lên mon theo ghềnh đá tổ ong, có chỗ gần như dựng đứng. Thế nên, đôi khi có muốn thể hiện lòng yêu nước của mình cũng hơi ngần ngại. Ngày ấy, chúng tôi còn bé lắm, hay xuống suối chỉ để tắm giặt và nghịch ngợm mà thôi. Còn nước dùng cho sinh hoạt của gia đình thì cũng vất vả lắm mới giải quyết nổi.

Khi mới thành lập trại, Chính Phủ cũng đã lo đào giếng cho dân có đủ nước sinh hoạt đấy chứ. Cứ hai bên Quốc Lộ 1, cách nhau cỡ chừng 100 mét là có một cái giếng, do họ đào xéo chữ chi nên cách nhau cỡ 50 mét thôi, ai gần đâu thì ghé đấy, không cùng bên thì chiụ khó qua đường. Giếng được trang bị máy bơm nước bằng tay, có cái cần bơm dài, nâng lên hạ xuống, dễ dàng và tiện lợi cho dân lấy nước dùng sinh hoạt. Nghe kể như thế, chắc có người cho rằng vậy thì cũng đâu có gì khó khăn trong vấn đề nước với non, coi vậy chứ cũng không phải vậy đâu! Ở vào thời điểm đầu thập niên 50, mọi dụng cụ dùng cho sinh hoạt đâu có nhiều và sẵn như bây giờ, cả xóm mới có đôi thùng dùng để gánh nước! Muốn mượn cũng phải chờ đến lúc người ta dùng xong mới mượn được.

Rồi của chung đâu có ai giữ, máy bơm không được bảo trì nên mau hư, không thể tự sửa chữa được liền nên không có bơm nước được, muốn sửa phải đợi đến khi toán bảo trì định kì đến. Trong khi đó nước đâu có mà dùng? Thế là dân ta phải mở nắp giếng ra mà múc nước, muốn múc nước từ giếng sâu 10 tới 12 mét phải có giây, có thùng. Ngày đó tôi còn nhớ rất rõ, người ta chỉ sắm thùng dùng đựng nước gánh về, còn thùng để dùng múc nước thì chế ra, thường thì họ tận dụng các thùng đựng bơ sữa do Mỹ viện trợ, đục bỏ nắp trên, dùng cây đóng ngang miệng thùng dùng để cột giây kéo thùng nước lên. Vì thùng nhỏ cỡ 4 lít, nên thường người ta cột hai cái lại với nhau để múc được nhiều và mau.

Gia đình tôi có 6 người, chỉ có Ba Má là người lớn, còn lại chúng tôi 4 đứa con nít, tôi và người anh hơn tôi một tuổi, lớn nhất trong bốn anh em, thế là hai anh em tôi là hai anh nhãi ranh phải lo việc nước. Làm gì thì làm, đi học, đi chơi, đi nghịch đâu đó, tùy, tối thiểu trong ngày, hai đứa phải hoàn thành nhiệm vụ gánh cho đầy thùng phuy nước 200 lít dùng cho sinh hoạt ở nhà, khi nhà nuôi heo thì thêm vài gánh cho các cụ chư tắm táp. Còn các sinh hoạt khác như tắm giặt, thì đi đâu thì đi.

Lúc bấy giờ chúng tôi còn bé lắm, cái thùng đựng nước 20 lít, móc thêm đôi móc vào, xỏ cái đòn gánh qua, hai anh em gác cái đòn gánh lên vai, đứng thẳng lên thì cái thùng mới chỉ hơi nhích khỏi mặt đất cỡ hai, ba phân là nhiều. 20 lít nước cộng với thùng, đòn gánh, móc sắt nặng cỡ 25 kg chứ mấy! Thế mà hai anh em gánh về nhà cũng phải nghỉ mấy chặng, mang được thùng nước về nhà cũng chẳng còn nguyên vẹn. Vì nước sóng sánh ra ngoài do va đập, vấp váp, xô vẹo, người trước, người sau đi không ăn ý nhau và do còn nhỏ chưa đủ sức khoẻ để mang vác, cũng lại còn do cái độ dài của cái đòn gánh, thế nên, anh đi trước thì bước lẫm chẫm, sợ đai thùng va vào gót chân, còn anh đi sau thì lại sợ đá chân vào thùng.

Ấy vậy mà nào có thoát, anh em tôi đứa nào cũng bị nạn vài lần vì cái gót chân son yêu qúi đã bị cái đai thùng đựng nước cứa đứt, máu me đầm đề. Cũng vì sợ bị cứa đứt gót nên chúng tôi còn cái nạn tranh giành nhau để đòi được đi trước, đi sau, đến độ đưa đến cãi cọ. Đôi khi đang gánh nước, chúng tôi bỏ thùng nước ngang đường kéo nhau về mách cha, mách mẹ đòi phân xử cho, có khi cha mẹ đã phân xử xong mà vẫn còn không chiụ, đứng phụng phiụ cho đến khi cha mẹ tôi không chiụ được nữa phải gắt gỏng lên chửi cho hay là phải tặng cho anh em tôi mỗi đứa vài roi mới chiụ tiếp tục làm cái nhiệm vụ thiêng liêng của người trai lo việc nước. Là gánh nước về, gánh về, gánh về.

Khi máy bơm còn dùng được, hai anh em đưa thùng ra, xếp hàng đợi tới phiên, rồi như phải đánh đu với cái cần bơm để bơm nước, còn khi máy bơm hư thì hai anh em đứng dạng chân ra hai bên thành và nắp giếng, mặt quay vào nhau, thả thả giây thùng xuống tới nước, lắc lắc sợi giây cho thùng chìm hẳn cho nước vào đầy thùng, rồi nhịp nhàng, từng người cúi xuống kéo sợi giây lôi thùng lên, giữ lại cho người kia cúi xuống kéo tiếp cứ đều đặn như vậy, cho đến khi nào kéo được thùng nước lên đến miệng giếng, đổ vào thùng chính, rồi lại tiếp tục, cho đến khi nào múc đầy thùng 20 lít, xỏ móc vào quai thùng rồi khiêng về.
Vào những mùa khô cạn, nước giếng không còn đủ dùng cho cả khu, ai siêng họ đợi cho đến đêm, vào những giờ khuya khoắc, đợi nước rỉ rả chảy ra, họ mới đi lấy nước, giờ giấc ấy thì anh em tôi chiụ! Không kham nổi, đi nghịch cả ngày, giờ ấy thì đã an giấc điệp, thức sao nổi mà thức! Thế cho nên vào mùa khô cạn, anh em tôi đành phải xuống suối để thỉnh nước ngược dốc mà chuyển về nhà. Nước ở suối, trong nguồn chảy ra mà, có bao giờ cạn? Trong vắt mà lại tinh khiết nữa, chỉ có mỗi một điều đường đi lên, xuống sao mà gian nan làm vậy! Không mang vác, người đi trước đã chổng mông vào mặt người đi sau rồi. Đàng này còn khiêng thùng nước nữa, thế là khi khiêng nước, người đi trước hai tay tì lên vai nắm chặt đầu cái đòn gánh, mắt nhìn kỹ những bậc để bước chân cho trúng chỗ. Người đi sau, hai tay bám chặt vào miệng thùng nước, giữ cho thùng nước khỏi tuột xuống phía mình, bước theo người đi trước. Cứ đi được bấy bậc lại phải ngừng lại nghỉ.

Người lớn họ gánh được cả hai thùng thì dễ dàng hơn, cũng lên dốc nhưng họ chỉ việc xoay ngang là hai thùng nằm hai bên, rất thăng bằng nên cũng rất dễ đi. Còn anh em tôi, bé loắt choắt, khiêng thùng nước là đã quá sức rồi, lên dốc nữa là muốn hụt hơi, đôi khi leo lên gần hết con dốc còn trượt chân té nhào, người với nước cùng trở về lại nguồn, quần áo ướt hết, thùng móp méo, mà chân tay còn trầy xước nữa mới là cơ khổ.

Nhớ cái thủa xa xưa ấy. Mỗi bận đi xuống suối lấy nước là y như là một cuộc kết hợp đi nghịch, tới suối là hè nhau lấy cỏ, lấy cát đắp đập ngăn dòng, cho nước đọng lại thành cái hồ nhỏ để tắm cái đã, rồi mò cua, bắt cá lòng tong, vì cá ở suối thì chỉ có cá con, nòng nọc, ếch nhái, gặp gì bắt nấy, để nghịch mà. Đôi khi ham chơi, quên khuấy đi cái nhiệm vụ cao cả của mình, mãi cho đến khi nghe thấy tiếng của mẹ, cha hay mấy đứa em ra gọi kèm theo mấy câu đe dọa, mới sực nhớ đến bổn phận của người trai lo việc nước non, vội vã hè nhau cùng gánh nước về nhà.

Đôi khi vì lười hay ngại trèo non, lội suối, chúng tôi coi trong ấp có giếng nào còn nước thì đến lấy, thường thì chỉ có hai giếng ở phiá dưới còn nước, một nằm ở trước cửa nhà ông Chinh, một trước nhà ông Đệ cả hai cùng cách nhà chúng tôi ở cỡ 200 mét, đường lộ rất dễ đi được kể là gần nhà chúng tôi nhất, nên chúng tôi cũng hay đến đây lấy nước, khiêng được thùng nước về nhà cũng phải vài lần nghỉ.

Ngoài phải làm nhiệm vụ lo việc nước cho gia đình, tôi cũng còn có một kỷ niệm nữa là đi lo việc nước cho gia đình ông chú tôi ở Sài Gòn. Ở đấy không lắm gian nan như ở quê nhà mình vì giếng nằm ngay hiên trước nhà, lại không sâu lắm, chỉ cỡ ba, bốn thước, và tôi thì cũng đã lớn hơn xưa một tí ti, nhiệm vụ của tôi là gánh đầy hai thùng phuy nước và nước tắm cho 6 con heo, chỉ có vậy thôi, mà tôi cũng phải làm hết buổi sáng mới xong. Một tuần đủ bảy ngày như vậy và kéo dài suốt gần một năm ròng.

Sau này lớn hơn, các em tôi cũng đông hơn, tôi vẫn còn phải đi gánh nước, nhưng lúc này tôi đã gánh được cả đôi thùng nước vắt vẻo đi thoăn thoắt, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt nước gia tăng của cả gia đình, với sức lực của một thiếu niên đang độ tuổi lớn tôi giải quyết công việc nhanh và dễ dàng hơn. Nhưng cứ nhớ lại những ngày còn bé, những thùng nước tôi phải mang vác trên đôi vai nhỏ bé của mình, vượt dốc mới cảm nhận lòng yêu nước của anh em tôi cao cả nhường nào???

Nay ở xứ người, ăn cơm gạo Thái, tiêu tiền Dollar nhưng cũng đóng góp vào việc nước tí tẹo, chả là những khi cái vòi nước nó cứ rỏ toong toong sau khi đã mím môi, mím lợi vào mà dùng đôi tay vặn cho thật chặt mà nó vẫn cứ rỏ, thì đành phải mở ra mà sửa, hoặc giả khi hệ thống thoát nước nó nghẹt, nó cứ ỳ ra một vũng thì giọng lệnh bà thánh thót vang lên “anh ơi, nước mình giờ lên quá, anh coi hộ em tháo bớt ra, không khéo nhà mình lụt mất!’’ vậy là tôi cũng phải ra tay đóng góp, nghiã là thông cũng phải lo, mà nghẹt cũng phải lo, một tí, một tí vậy thôi cũng đủ phiền với nước.

Về thăm lại quê, giờ thì nhỏ như chúng tôi ngày ấy được miễn lo việc nước, thùng gánh nước, thùng múc nước xưa, nay cũng không còn thông dụng. Việc nước đã có người lớn lo cho cả rồi, máy bơm điện, bồn chứa nước, nhựa, inox đều khắp trên nóc mọi nhà, rồi giếng đào, giếng khoan loạn xạ, có nhà còn có cả giếng đào lẫn giếng khoan, kẹt lắm thì đi mua nước về sài, người ta kéo bồn nước đến,ống dẫn nối vào và bơm thẳng vào bồn chứa của nhà mình. Vì nay, những người bán nước nhan nhãn khắp quê hương.

No comments:

Post a Comment