Sunday, September 19, 2010

Phần 2:- Bước chân xa. (Bức chân dung xấu xí.)

Phần 2: Bước chân xa.

Mặc dù đã phải chạy chọt khắp các cửa, thế mà cũng phải mất mấy năm trời, gia đình chúng tôi mới được cấp hộ chiếu. Khi cầm những cuốn hộ chiếu trong tay, trong lòng tôi có cái cảm giác là lạ, tự hỏi với lòng rằng: ‘Không biết những tờ giấy vô tri giác này, có thực sự đưa được gia đình chúng tôi đi xa, đến một nơi mà chúng tôi hằng mơ ước hay không? Hay lại như nhiều người, đã cố gắng chạy chọt cho bằng được nó, để rồi cũng vẫn chỉ quanh quẩn ở nhà.’ Và nếu như nó có gía trị thật để đưa chúng tôi đi, thì bao giờ chúng tôi mới được nó kéo đi? Nhiều câu hỏi cứ vẫn bám chặt theo tôi, sau khi đã được lần đầu tiên trong đời cầm trong tay nó, cuốn sổ hộ chiếu hay còn gọi là sổ thông hành. Sau nó thì chúng tôi phải làm thêm những gì nữa nhỉ? Gặp ai và vào những thời điểm nào? Những câu hỏi trên cũng chỉ được đặt ra và rồi lại tự tìm lấy câu trả lời.

Dù chẳng biết gì thêm, nhưng sinh hoạt trong gia đình tôi đã bắt đầu thay đổi. Chúng tôi có thêm những người bạn mới, vì cùng một cảnh ngộ nên chúng tôi tìm đến nhau và thân thiết dễ dàng, có tin tức gì về việc đi đứng, chúng tôi báo ngay cho nhau biết, để cùng tìm phương cách giúp đỡ cho nhau. Các con tôi thì được sửa soạn cho tương lai bằng cách cho học thêm các lớp Anh Văn, còn tôi cũng phải bớt cái thời gian vui chơi để làm anh học trò gìa học tiếng người ta. Tôi mua sách, mua băng cassette, mua tập, mua viết về để học tiếng Anh. Cứ những lúc rảnh rỗi là tôi lôi sách, lôi cassette ra ngồi học. Đang vui chơi với bạn bè, giờ tự tách ra mà ngồi học kể cũng khó, có khi ngồi mãi chẳng có anh nào đến tìm, vưà mang đồ nghề ra định ngồi học thì anh em lù lù tiến vào. Cứ như vậy suốt một thời gian đầu, sau anh em họ thông cảm, họ chừa cho mình một số thời gian nhất định trong ngày, còn kì dư thời gian, họ muốn kéo đi lúc nào thì mình phải tuân theo lúc đó.

Để học Anh Văn, tôi mua sách English 900, cuốn 1, cuốn 2. Streamline từ Departure, Connections đến Destinations mang về để học. Tôi vốn không có năng khiếu mấy về ngoại ngữ, nên phát âm lộn xộn, giọng nói lại nằng nặng nên khi tôi nói người khác rất khó nghe, nên cũng chẳng ai hiểu tôi nói gì. Cuối cùng, Loan người bạn học ngày còn học ở bậc tiểu học, có diện đi Úc như tôi do chồng bảo lãnh, rủ thêm Hiên nhỏ tuổi hơn chúng tôi có diện đi Mỹ cùng đến nhà Loan để mời thầy về dậy học, chúng tôi được hai ông thầy, một nhà ở Tân Bắc, còn người thứ hai là Thầy Hùng tu sĩ dòng SDB. Trong Phú Sơn ra dậy. Nhờ Loan tổ chức như vậy, nên chúng tôi cũng có thời khóa biểu nhất định, để mà dành ra được một chút thời gian, cùng nhau trau dồi Anh ngữ.

Thế là cứ chiều chiều, vào khoảng 4 giờ, khi trời còn hơi sáng và cái nóng hâm hâm còn sót lại trong ngày, chúng tôi lại tụ họp nhau lại tại nhà Loan để ê a học nói, học đọc, cũng vì học thường xuyên như vậy nên bạn bè họ bắt đầu trêu tôi: “Ê thằng Minh lúc này nó chịu đi học lắm’’. Người khác chen vào: “Có hai em thơm như múi mít như vậy thảo nào mà hắn chẳng chiụ khó học’’. Đại để cứ như vậy mà chọc tôi, vui với nhau vậy thôi, chứ thực sự ra thì việc đi lại của gia đình tôi cũng chưa có động tĩnh gì, và cũng chưa lấy gì làm chắc ăn cho lắm.

Sau cái màn lấy hộ chiếu, chúng tôi lại phải chờ đợi cái danh sách có tên gia đình mình được chuyển cho Tòa Đại Sứ Úc tại Thái Lan. Người nói thế này, người bàn thế nọ, chẳng còn biết đường nào mà rờ. Chúng tôi thì không thuộc diện ưu tiên gì cả, nhưng mấy người thuộc diện vợ chồng thì chắc chắn là có ưu tiên hơn chúng tôi. Thế nhưng ai cũng lo chạy dịch vụ để có danh sách, và rồi cứ cái châm ngôn thời thượng được mọi người tin dùng là: “thủ tục đầu tiên’’ nói lái lại thành (tiền đâu) mới xong. Sau này khi tổng hợp lại, chúng tôi thấy cái văn phòng dịch vụ ấy được mở ra chỉ để cho thân chủ nào nhờ đến họ giúp, thì cảm thấy bớt đi nỗi sốt ruột vì chờ đợi mà thôi. Chứ thực ra, họ chẳng có thể giúp thân chủ của họ đi nhanh hơn được. Tôi đơn cử ra đây hai trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất, tôi có người quen trong xã, anh có hai anh em, cùng nằm trong diện xin đi định cư ở Úc do con bảo lãnh, người anh thì nhờ dịch vụ lo cho cái danh sách, đến ngày hẹn, người anh lên lãnh về cái giấy báo gia đình anh thuộc danh sách số 19, người em anh chẳng lo dịch vụ thì cũng hơn tuần sau, bưu điện mang đến cho cái giấy báo thuộc danh sách số 18, nghiã là, người không lo còn có danh sách trước và được đi nhanh hơn cái nhà anh lo dịch vụ.

Trường hợp thứ hai là chính tôi, khi thấy bạn bè đều nhờ dịch vụ lo cho, đã có danh sách cả, tôi thấy dịch vụ thì cũng chẳng làm gì hơn được, nên không nhờ họ, mấy người bạn chê tôi kẹo, không nhờ dịch vụ thì còn lâu mới có danh sách! Nói riết, nói riết tôi đâm siêu lòng và cũng phải nhờ đến dịch vụ. Chưa tới ngày hẹn của dịch vụ, thì tôi đã được bưu điện đưa giấy báo đi gặp phái đoàn Úc phỏng vấn rồi, vậy là tôi chẳng cần đến cái dịch vụ đó lo cho nữa.

Khi lục tục trong xứ có người được đi, thì chúng tôi mới thấy cái cung Thiên Di của gia đình tôi động đậy, trước tiên là diện vợ chồng, họ đi Nhật, đi Canada, đi Úc, Thế là Loan đi, Hiên đi, lớp tôi dẹp. Rồi đến diện cha mẹ, chúng tôi nằm trong diện này nên thấy hy vọng tràn trề, và cuối cùng cũng đến danh sách gia đình chúng tôi, may mắn, chúng tôi không phải phỏng vấn, chỉ gặp phái đoàn Úc để nộp hộ chiếu cho họ cấp thị thực nhập cảnh và cho giấy đi khám sức khỏe mà thôi. Mọi việc suông sẻ cả, từ việc khám sức khỏe, chích ngừa, làm thẻ IOM. Chúng tôi chẳng gặp trở ngại nào. Về công việc làm ăn, chúng tôi rút bớt lại, lo gom tiền bạc để chuẩn bị ra đi. Trong suốt thời gia chuẩn bị, chúng tôi may mắn có chú Đạt luôn sát cánh cùng tôi để lo giúp đỡ bất cứ một công việc gì về chuyến đi, nếu có bất cứ lý do gì gây trục trặc là anh em cùng lo cho bằng xong, chẳng quản ngại ngày đêm mưa nắng, anh em sống với nhau hết tình cho đến ngày tôi rời khỏi nước, không ngờ sau này chú cũng đi, nên lâu lắm rồi chúng tôi chưa gặp lại nhau, mặc dù với phương tiện hiện có, chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau qua điện thoại hay Internet, có gì vui buồn đều kể cho nhau nghe.

Vì chắc chắn hai con tôi ở Úc còn đang đi học, chúng chẳng có tiền bạc gì, mà gia đình tôi ra đi gồm năm người vưà lớn, vưà nhỏ, chúng tôi gom được một ít thì may mắn có nhà bà Nhàn đi trước, lại khi qua Úc ở gần nhà của các cháu, nên chúng tôi gửi nhờ bà mang sang để giúp cho việc mua vé máy bay cho cả gia đình. Thật là may mắn cho gia đình tôi đã chọn đúng mặt mà gửi vàng, nên gia đình gặp được nhiều thuận lợi và sự giúp đỡ của gia đình bà trong bước đầu đến Úc.

Lo xong tất cả mọi chuyện, chúng tôi được báo cho biết ngày lên đường được chọn vào ngày 15 tháng 1 năm 1991. Chúng tôi đi chào, đi từ giã thân nhân bà con gần xa cũng mất cả tuần, sau đó, là một bữa cơm từ giã mọi người, từ gia đình, thân nhân, bạn bè, làng xóm, đồng nghiệp, chính quyền vv. Còn dư lại ít ngày thì chúng tôi lo sắm sửa chút đỉnh và làm các thủ tục sau cùng trước khi lên đường. Không có tiền, nên chúng tôi không thể làm gì hơn được, chỉ tạm bằng lòng với những gì mà chúng tôi có thể.

Ngày lên đường, thân nhân và bạn bè đi tiễn, hai chuyến xe Bus lớn mới chở hết người. Lòng nặng trĩu với nhiều lưu luyến đất nước, quê hương nơi đã sinh ra và cưu mang chúng tôi suốt cả quãng đời, kể từ khi mới sinh cho đến ngày nay, làm cho bước chân tôi thêm nặng trĩu, đúng như lời bài hát của Phạm Duy: “Chân anh nặng nề, lòng anh nức nở’’. Nhìn tôi đi từ nhà ga ra chân cầu thang máy bay, ai cũng phải nói là tôi lê bước mới đúng. Bạn bè ở lại nhìn bước tôi đi, họ tả rằng: Khi nhìn thấy anh, vai đeo cái khung hình bằng gỗ cẩm lai, bước những bước nặng nề mà có cảm tưởng như anh vác thánh gía ra đi vậy.











Những người đi tiễn

Đúng cái ngày mà gia đình tôi lên đường, ngày 15 tháng 01 năm 1991, nó trùng hợp với cái thời hạn chót mà Mỹ quy định cho Iraq phải rút quân ra khỏi Kuweit. Nếu không rút, Mỹ sẽ tấn công Iraq. Chính vì cái lý do trên mà tại các phi trường quốc tế, an ninh rất nghiêm ngặt vì sợ khủng bố, và mọi người đều lo cho chúng tôi, vốn hay tếu tôi mượn lý do trên để nói đuà rằng là: Khi gia đình tôi ra đi, đã làm cho cả thế giới lo lắng. Chắc chắn là như vậy, nhưng họ lo là lo chiến tranh, chứ chúng tôi là con sâu, cái kiến, chỉ trừ anh em, bằng hữu lo cho thôi, chứ ai mà họ thừa hơi, để thèm mà lo cho chúng tôi, nhưng có cơ hội trùng hợp thì tôi lấy cớ đó mà nói đuà cho vui vậy mà.
Gia đình tôi leo cầu thang bước lên chiếc máy bay TU-134 của Hàng Không Việt Nam. Lần đầu tiên, chúng tôi đi hàng không dân sự, mà lại bước chân vào chiếc máy bay của Liên Sô, vào trong máy bay đã thấy nó nhỏ hẹp hơn cái máy bay cũ, loại Boeing hư của Hàng Không Việt Nam của Miền Nam để lại, mà trước đó hay trưng bày ở ngoài sân đậu xe. Trong khoang tàu, hai bên có hai hàng ghế, ở giữa có một đường hẹp dùng để đi lại cho hành khách và tiếp viên, giống như chiếc xe đò dài. Hàng Không Việt Nam lúc đó không phân biệt thứ hạng, số ghế, thế nên ai lên trước được hướng dẫn xuống phiá đuôi máy bay là loại ghế hạng chót, còn ai lững thững lên sau, thì ngồi ghế hàng đầu, chúng tôi không biết các chuyện đó, nhưng may mắn là cứ tà tà đi sau mà lại được hưởng ghế hàng đầu.

Máy bay cất cánh, rời đường băng vun vút bay lên cao, để lại bao nhiêu thân quyến, bằng hữu ở lại, khiến cho lòng cũng nao nao, chòng chành theo con tàu đang bồng bềnh cưỡi mây lướt gió bay đi, rồi nó chao nghiêng đôi cánh sắt đổi hướng bay, như thay người đi vẫy chào quê hương đất nước lần cuối, trước khi biền biệt phương trời, ngoài trời nắng rất đẹp, trong xanh, những làn mây mỏng lướt nhè nhẹ qua ô cửa máy bay nhỏ nhắn, cũng qua ô cửa nhỏ này, mà chúng tôi còn dịp nhìn lần cuối phong cảnh của đất nước, quê hương với những ô vuông ruộng vườn xinh xắn và những dòng sông uốn lượn phía dưới, cứ xa dần, xa dần rồi mất hút, cảnh trí cứ thay đổi từng phút, từng giờ, hết ruộng, vườn, sông biển mênh mông rồi núi non hùng vĩ, cuối cùng, lại hiện ra làng mạc, thành phố bên dưới báo hiệu nơi chúng tôi sắp đến.

Có hơn một giờ bay, chúng tôi đến Phi Trường Băng Cốc, Thái Lan. Xuống máy bay nhìn lại thấy cái phi trường to lớn, hiện đại, còn máy bay của người thì to lớn mà máy bay của nước mình vưà đi, nó giống như anh tí hon nằm cạnh chú khổng lồ. Chỉ bước đầu thôi mà đã thấy đầu óc mình nó hé mở, cũng giống như là mình từ nơi chật hẹp bước ra nơi thoáng đãng, để tầm nhìn rộng rãi hơn ra mà thấy được nhiều điều mới lạ.

Hầu hết hành khách trên chuyến bay là những người đi định cư ở nước ngoài như chúng tôi, nên tất cả được phái đoàn của IOM. Ra đón vào khu dành riêng của phái đoàn để làm thủ tục chuyển tiếp, như đổi vé máy bay để đi tiếp, hướng dẫn về nơi tạm trú để chờ chuyến bay. Chúng tôi được xe Bus chở đến một doanh trại nằm ngay trong sân bay để làm các thủ tục trên, ở đó chúng tôi được phát cho mỗi người một hộp cơm công nghiệp, lần đầu tiên trong đời được ăn cơm công nghiệp, nhìn thấy hộp cơm thấy cũng lạ, cái hộp hình chữ nhật, có nắp đóng mở, trong chứa cơm, mấy miếng rau, cùng vài cái cánh gà, họ làm rất khéo, nhìn miếng cánh gà khúc giữa, chúng tôi chẳng biết nó là phần nào của con gà. Đợi đến hai giờ, thì chúng tôi được điểm danh để phát vé máy bay đi Úc. Khi mọi thủ tục xong thì lại được xe Bus chở về trại chuyển tiếp ở trong Thủ Đô Băng Cốc để nghỉ ngơi, vì chuyến bay của chúng tôi sẽ bay vào 8 giờ sáng ngày hôm sau.

Gọi là trại chuyển tiếp cho nó lịch sự, chứ thực ra nó giống như cái trại tạm giam, chúng tôi không được bước ra khỏi cổng, người trách nhiệm còn nhấn mạnh: “Ai ra khỏi cổng bị cảnh sát bắn chết, họ không chiụ trách nhiệm’’. Chiều đến, bụng đói, không có gì ăn, vì họ không cấp bữa ăn chiều, mà mua thì không có chỗ bán, nhớ lại những ổ bánh mì hồi sáng, khi mang đi để những người tiễn đưa chúng tôi ăn, chẳng ăn hết phải mang về, mà thèm, mới biết mình ngu. Cứ tưởng ra đến nước người thì thức ăn thừa mứa, làm sao mà đói được? Vậy mà chúng tôi bị đói ngay ngày đầu đặt chân đến cái nơi thừa mứa ấy! Nhìn con cái nó than đói mà đau lòng, nên cũng đành chấp nhận ngửa tay đón nhận sự chia sẻ của những người có kinh nghiệm, họ tích cốc phòng cơ chia cho. Còn ăn ngủ thì họ cho mượn mấy tấm nệm trải ra sàn nhà mà nằm ngủ. Sau khi tắm rửa xong, thì nằm lăn quay với nhau ra nền nhà mà ngủ. Tiện thì kể lại mà nghe chơi để nhớ thôi, chứ nỗi khổ của chúng tôi đâu có thấm tháp gì, so với nỗi khổ của những người vượt biên, vượt biển, họ còn khổ gấp nhiều lần hơn, còn cái khổ của chúng tôi thì có chi lớn lao đâu mà phải nói, vâng đúng là như vậy thật, nhưng cũng cứ xin phép kể ra một chút, cho có cái chuyện để mà nói.

Mãi đến 9, 10 giờ đêm mới ngủ được. Vậy mà cỡ hai giờ sáng họ đã đánh thức mình giậy để chuẩn bị lên đường. Vệ sinh cá nhân xong, chúng tôi lại được điểm danh lại và chuyển lên xe Bus, xe chạy vòng vèo một lúc rồi ra khỏi Thủ Đô Băng Cốc, xe vào xa lộ trực chỉ phi trường. Có đến đây vào giờ sớm sủa như vậy, mới thấy được hết cái sự nhộn nhịp của một phi trường quốc tế nó đông đúc và bận rộn như thế nào. Hình như nó không ngủ, hành khách đợi các chuyến bay, ngồi rải rác khắp các ghế ngồi dành riêng cho từng hãng máy bay, trong khu nhà chờ rộng lớn, nhân viên làm việc đi lại đông đúc và cũng bận rộn không kém, người nào có nhiệm vụ của người ấy, kẻ lau nhà, người quét dọn, người đi lượm rác, đặc biệt như đã nói ở trên, vì vấn đề an ninh, nhân viên an ninh được tăng cường để đề phòng bất trắc được bố trí khắp phi trường.

Chúng tôi được hướng dẫn đến khu vực ngồi chờ của Hãng Hàng Không Qantas của Úc, ngồi ở ghế mà thèm ngủ vì mấy ngày ở nhà từ giã nhau nên có ngủ nghê gì được đâu! Nhưng chẳng làm sao mà nhắm mắt cho được, những đứa trẻ con thấy cái cầu thang cuốn là lạ cứ leo lên cho nó đưa lên, đưa xuống liên tục, thay trò chơi, để cho hết thời giờ chờ đợi. Gía cứ để cho ngủ ở chỗ tạm trú thì không sao, giờ họ đã đánh thức giậy, ngồi chờ đợi vưà buồn, lòng bồn chồn nên lại cảm thấy đói bụng, các con tôi mặt buồn so, méo sẹo, hỏi sao vậy? Chúng than đói quá, nghĩ thương con, thấy trên lầu 1 có quầy bán hàng, có cả bán bánh mì, tôi leo theo cái cầu thang cuốn tới hỏi thì họ nói 5 dollars 1 ổ bánh mì thịt nguội. Giờ nghe 5 dollars thì chẳng có nghĩa lý gì cả, nhưng hồi đó ai khi rời khỏi nước chắc hẳn cũng hãy còn nhớ, khi ra đến nước ngoài, lúc mua sắm gì hẳn vẫn có thói quen quy đổi tiền ra tiền Việt và thấy rằng sao mà cái gì cũng mắc quá. Tôi cũng vậy, rất muốn có ổ bánh mì cho con mà chẳng dám mua!

Chẳng phải tôi keo kiệt gì, nhưng khi ra đi, lòng nặng trĩu hành trang thương nhớ quê hương, gia đình, bằng hữu bao nhiêu, thì cái túi tôi nó lại rỗng bấy nhiêu, xin nói thật lòng, tôi đưa cả gia đình đi đến một nơi mà chẳng biết tí gì về tương lai của mình và của gia đình rồi sẽ ra sao, mà trong túi chỉ vỏn vẹn có 200 dollars Mỹ và cái nợ của Khoa 1 cây rưỡi thì kể là đã liều, quá liều, nhưng có tiền đâu mà mang theo cơ chứ! Nên biết là liều mà đành chiụ vậy! Thế cho nên đành phải thí dỗ con chờ tí nữa lên máy bay họ sẽ cho ăn, ráng mà chờ con ạ.

Cũng vì đói mà 6 giờ chờ đợi sao mà nó lâu làm vậy! Thời gian như ngừng hẳn lại, nhìn cái kim đồng hồ nó cứ uể oải nhích từng nấc, từng nấc chậm chạp, có khi cứ tưởng như nó không chiụ nhích đi nữa. Gần về sáng, người đến phi trường càng lúc, càng đông, loa phát thanh cứ liên tục phát đi những thông báo các chuyến bay cho hành khách, mỗi lần có thông báo thì lại có tiếng nhạc báo trước cho mọi người chú ý để nghe. Ngoài phi đạo, máy bay đã lên xuống nhộn nhịp, cái nọ như nối đuôi cái kia, đúng là phi trường quốc tế.

No comments:

Post a Comment