Friday, October 15, 2010

14:- Bước chân xa. (tt) (Bức chân dung xấu xí.

Thời gian có chậm lại, hay ngừng trôi thì rồi cái giờ chờ đợi nó cũng phải bò tới. Trời tờ mờ sáng, chúng tôi lại được nhân viên của IOM. đến giúp làm tiếp thủ tục, đưa hành lý đi cân mà giờ thì chúng tôi đã biết là check in, rồi lại ngồi chờ giờ vào máy bay. Khi được thông báo, chúng tôi kéo hành lý xách tay theo người hướng dẫn, đi vào một con đường, mà nó giống như một cái ống vuông thoai thoải dốc để ra máy bay. Bây giờ thì chúng tôi mới nhận ra cái khác người của mình. Chúng tôi ăn mặc trịnh trọng, áo veston, giầy da láng, thắt cà vạt, trên miệng túi áo cài thêm cái tên và nơi sẽ đến, đi theo đoàn. Trong khi đó các ông tây, bà đầm thì họ thong thả ăn mặc thoải mái, giầy thể thao, áo thung, hay mặc short, đi dép nữa. Lúc đó chúng tôi lại cho là họ không lịch sự vì cho rằng đi máy bay cũng là một sự sang trọng lắm, đâu phải ai cũng được đi, nên phải trịnh trọng, cho lịch sự, không thể coi thường được.

Nay thì mới hiểu và nhận thấy là mình có chậm tiến thật, vì máy bay cũng chỉ là một cái phương tiện chuyên chở mà thôi, và với cuộc hành trình dài có khi hàng ngày trời, thì sự thoải mái là cần thiết cho hành khách trong mỗi chuyến đi. Còn cứ mặc trịnh trọng như chúng tôi, thì ngồi trên máy bay sao mà khó chiụ, bó chân, bó cẳng làm vậy!

Bước chân vào trong chiếc máy bay Boeing 747-400 của hãng Qantas lần đầu, thấy sao mà nó to lớn như thế, cứ tưởng như là mình bước chân vào cái hội trường, nó dài hun hút, mà ngang thì rộng, mỗi dẫy mười hàng ghế cho hành khách ngồi, cộng với hai hàng lối dành dùng để đi lại cho mọi người và tiếp viên, rồi khoang để hành lý xách tay ở phía trên đầu mình, đèn đọc sách, máy lạnh, hệ thống âm thanh, được thiết kế nằm gọn gàng ngay chỗ dùng làm chỗ dựa của bàn tay, ghế ngồi thoải mái, cái gì cũng làm cho chúng tôi bỡ ngỡ, cứ như là mọi về thành phố vậy! Trước khi máy bay cất cánh, chúng tôi thấy tiếp viên tại mỗi khoang mà họ phụ trách ra hướng dẫn theo máy truyền hình về an toàn của chuyến bay, phòng khi có tai nạn thì phải làm gì, thấy ngồ ngộ, chợt nghĩ mấy người dị đoan chắc họ kiêng cử, khi thấy vậy hẳn là không được thích mấy và đâm sợ là cái chắc. Nhân chuyện này lại nhớ cái thủa mà hồi tôi mới đăng vào quân đội, khi khai lý lịch, có một câu hỏi thật cần thiết nhưng làm cho mình chột dạ, đó là câu hỏi về địa chỉ cấp báo, để dùng khi bị nạn thì đơn vị báo cho ai. Khi khai điều này có cảm tưởng như những điều nói gở, nếu khi tử trận. Giờ nghĩ lại thì chẳng có điều gì mà lại không thể xẩy ra, dù có kiêng hay không!

Chúng tôi có năm người trong gia đình, mà được chia ra ngồi 3 chỗ, được tiếp viên phát cho mỗi hành khách một ly nước cam vắt, uống trước khi máy bay cất cánh, rồi khi máy bay cất cánh, chúng tôi được cho ăn bữa sáng, cái gì cũng thấy lạ, khi tiếp viên đẩy xe thức ăn đến, vốn liếng tiếng Anh mà chúng tôi học được nó không nằm trong đầu, không nằm ở miệng, ở lưỡi mà nó chạy xuống ngón tay, cứ ú ớ chỉ chỏ, chẳng còn thốt ra lời được nữa. Đang đói bụng, được cho ăn, toàn món ăn Tây, dù chẳng hợp với khẩu vị, nhưng cũng cảm thấy cái bao tử qua cái miệng nó đón nhận với một sự thơ thới hân hoan nên cũng đỡ vã. Tôi xin tiếp viên cho một lon bia, hớp mấy hớp bia vào miệng, mặt từ từ đỏ gay dù chưa thấy say mà hồn đã thấy ở tuốt trên tận cung mây, mà cung mây thật.

Không lên tận cung mây sao được; nhìn vào màn hình lớn của máy bay, mọi thông tin về các thông số cứ liên tục hiện ra, từ tốc độ bay, độ xa nơi khởi hành, độ xa nơi sẽ đến, thời gian đã bay, thời gian sẽ hoàn tất, nhiệt độ bên ngoài máy bay, giờ điạ phương nơi đến và cái cao độ mà máy bay đang bay, thường là vào khoảng 12.000 mét, nhìn qua cửa sổ máy bay thấy trời trong veo, cúi mắt xuống một tí thì thấy mây dầy đặc, trắng xóa nằm tắp tít bên dưới máy bay rất nhiều. Cho nên có bốc một tí cũng chẳng sợ ai chửi là thằng bốc phét, nói một tấc đã lên đến giời!

Rồi chúng tôi được tiếp ăn bữa trưa, cũng vẫn mấy món ăn Tây xa lạ, nhưng có cái món gì khác đâu mà đòi với hỏi, nên cũng đành cố ăn để mà.. ăn cho no thôi. Xong bữa, nhìn lên màn hình, thấy vị trí máy bay đã bay tới không phận Úc, chỉ nhìn trên bản đồ bay thôi mà đã thấy nó rất lớn, đưa mắt dòm qua cửa sổ máy bay thấy xa mạc ở bên dưới, một màu đỏ quạch mênh mông dưới những dải mây mỏng giăng giăng, trắng nhờ nhờ, lững lờ bay bay. Chúng tôi đã đến Úc, vâng, chúng tôi đã đến Úc nhưng nhìn vào những thông số hiện trên màn hình, còn những 3 giờ bay nữa chúng tôi mới đáp xuống Phi Trường Sydney. Kể đã là nhanh, nhưng vì khoảng cách xa quá nên thấy nó cũng quá lâu, nên hơi sốt ruột, chỉ mong nó mau tới, giá mà ngủ được một giấc thì đỡ quá chứ, nhưng khổ nỗi ngồi chật chội trong cái ghế, đã không quen ngủ ngồi, lại cứ phải xoay qua, xoay lại để đổi thế ngồi cho đỡ mỏi nên càng khó ngủ hơn. Chứ ngủ được, chắc chỉ xong giấc ngủ đã thấy mình ở nơi đến rồi.

Đến gần Sydney thì trời tối, khi máy bay hạ độ cao để chuẩn bị hạ cánh mới biết bên ngoài trời mưa, thời tiết không được tốt lắm, máy bay cứ bị rung nhè nhẹ khi bay ngang những giải mây, thấp thoáng dưới cánh là cả một vùng mênh mông sáng rực ánh điện, nhìn ra xa hơn cũng còn thấy những ánh đèn của những vùng lân cận, những ánh đèn này mờ nhạt hơn, trông như những vì tinh tú trên trời vào những đêm tối trời xa thẳm.

Máy bay hạ cánh an toàn, chúng tôi được hướng dẫn đi xuống để chờ bay tiếp về Melbourne. Thoạt đầu, chúng tôi nghĩ là sẽ chuyển sang máy bay khác, nhưng sau khi nghỉ hơn một tiếng đồng hồ, lên ngồi lại cái chỗ cũ thấy còn sót lại các dấu vết khi trước, chúng tôi mới biết là vẫn chiếc máy bay cũ, nhưng tiếp viên và phi hành đoàn là những người mới lên thay ca, nó ngưng lại để cho hành khách lên và xuống, tiếp thêm nhiên liệu, làm vệ sinh, quét dọn máy bay, lấy thực phẩm và các thứ cần thiết khác cho chuyến bay tiếp theo. Thế mới biết là máy bay nó bay liên tục, rất ít khi nằm nghỉ.

Cũng phải mất thêm một giờ bay nữa chúng tôi mới tới Melbourne. Ở đây chúng tôi được các nhân viên thiện nguyện người Việt hướng dẫn làm các thủ tục, nhập cảnh và hải quan, cùng làm giấy hẹn khám sức khỏe lại tại Bệnh Viện Fairfield. Ra khỏi cổng Hải Quan cũng gần 1 giờ sáng ở Úc, trời lạnh, nhưng gặp lại được các con tôi lòng mừng vô hạn. Thật là cảm động, vì dưới trời lạnh và đêm khuya lơ, khuya lắc, ngoài hai đứa con của chúng tôi, chú dì Khiết, Nhi và hai cháu nhỏ ra, chúng tôi còn được gia đình chú thím Nhàn, anh chị Bồng, chú cô Kiên Lan, và bạn của các con tôi ra đón. Những người đồng hương này như những cục than hồng nóng bỏng chất chứa tình người, đã mang lại cho chúng tôi niềm sung sướng, sự ấm áp của tâm hồn và an tâm hơn nơi đất khách quê người.

Chúng tôi chào hỏi và cám ơn những tấm lòng qúy báu mà mọi người đã ưu ái dành cho gia đình chúng tôi. Vì đêm đã khuya, chúng tôi chia tay nhau để ra về, hẹn sẽ gặp lại nhau vào những ngày kế tiếp. Ra khỏi phi trường, chúng tôi mới cảm nghiệm được rằng, gia đình tôi vưà bước những bước chân xa, thật xa như chưa bao giờ bước xa như vậy.













Những người đến đón

No comments:

Post a Comment