Friday, October 15, 2010

15:- Bước thăm miền đất lạ. Bức chân dung xấu xí.

Chiếc xe van của Khiết và do Khiết lái đưa chúng tôi rời phi trường, xe tay lái nằm phiá bên phải, nên chạy ngược chiều với xe ở Việt Nam, mới nên ngồi cứ thấy nhồn nhột, cứ như người chạy xe ẩu, chạy ngược đường. Trời đã về khuya, đường vắng, xe chạy bon bon trên freeway, nhiều chỗ như khu rừng thưa vắng vẻ, tôi tự hỏi Úc đây ư? Sao mà vắng thế, cứ nghĩ rằng ở các nước văn minh chắc phải là nhộn nhịp lắm, vậy mà giờ đây, mình đã đến, đang đi trên cái miền đất văn minh đó mà sao như đi lạc vào chỗ không người! Cái cảm tưởng đó là do không biết và cũng chưa bao giờ đi xa mà có. Cứ như ở nước mình, phi trường, bến cảng đều nằm trong và kế cận thành phố, cái tấp nập còn do mật độ dân số xứ mình quá cao mà có. Còn ở đây, đất rộng, người thưa nên nó có vắng vẻ cũng là chuyện thường. Ngồi trên xe, chúng tôi chuyện vãn với nhau, hỏi thăm nhau chừng hơn 15 phút thì tới nhà. Mang hành lý xuống xe, vào trong nhà xong, thấy Khiết chào về, vì đã khuya, và các cháu thì cần phải ngủ, hai đứa bé đã ngủ khì ngay trên ghế xe. Lúc đấy chúng tôi mới biết là nhà mà chúng tôi vưà đến, không phải là nhà của Khiết! Vậy thì nhà ai kià?

Căn nhà đầu tiên mà chúng tôi đặt chân vào ở Úc là căn nhà số 10 đường Shipley vùng North Sunshine. Nó là căn nhà của cháu Ngọc bạn của Kim Anh thuê, vì chưa có chỗ ở, hai chị em con tôi được Ngọc cho về ở nhờ, và mới dọn về ở đây ít ngày thì được tin chúng tôi sang, thế nên các cháu cũng đành phải nhờ đến Ngọc cho cả gia đình chúng tôi tá túc tạm vậy.

Khi chúng tôi sang đến Úc, thì Úc cũng đã vào Hè. Hai đứa con tôi vưà học xong trung học, tiện dịp chúng tôi sang, anh Bảo bạn của Ngọc cùng tổ chức một bữa cơm để mừng cả hai dịp vui của cả gia đình tôi. Nhìn hai đứa con tôi giờ đã lớn mà lòng mừng đến chảy nước mắt, cám ơn trời, cám ơn người và cũng cám ơn đời đã giúp đỡ, cưu mang cho các con tôi được như hôm nay. Nhớ hôm các con tôi đi, lòng đau như cắt, chỉ sợ các cháu có mệnh hệ gì thì đời tôi sẽ đau khổ lắm! Chẳng có cha mẹ nào thương con mà nỡ đưa con đến chỗ khổ đau, nhưng thời thế đã đưa đẩy, để như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã viết lời một bản nhạc, nói thay nỗi lòng của cha mẹ là chúng tôi rằng: (Cha thương em bé thơ, trao tình thương cho tình người, mặc đại dương mênh mông khoác lên thân nhỏ nhoi). Sau bữa cơm thắm đậm tình người, mặc dù mùi vị cơm Úc có khác, nhưng nhờ cái tình đó, mà chúng tôi ăn cảm thấy nó ngon. Chúng tôi được đưa vào ở chung trong một phòng, vì các cháu cũng chỉ còn dành ra được có một phòng cho chúng tôi. Cũng may trời lạnh ở chung như vậy cũng ấm. Với lại vưà ra khỏi nước, nơi mà sự ăn ở chung đụng là chuyện thường tình, nên có ở chật chội một tí thì cũng chẳng lấy gì làm chuyện ngạc nhiên.

Sáng đầu tiên, khi tôi thức dậy ở Úc. Nhìn ra ngoài trời mây thấy nó là lạ. Mặt trời như nghiêng nghiêng, xeo xéo về hướng Bắc, điều này khiến cho người mới đến như tôi rất khó định được phương hướng, lại bị cái giờ giấc nó thay đổi khác, vì cách nhau 3 múi giờ nên chưa thể thích nghi ngay được, khiến người tôi như người bị bịnh, cứ vật vờ, cộng thêm với thời gian dài di chuyển vưà trải qua, không được ngủ đúng giờ giấc, thiếu ngủ nên giờ cảm thấy buồn ngủ vô cùng, mắt cứ dí lại, ấy vậy mà ngủ đâu có yên giấc, cứ chợp mắt được một tí thì lại giật mình tỉnh giậy, để rồi lại buồn ngủ lạ kỳ!

Trưa trưa, người đồng hương nghe tin đến thăm. Nào ông bà Tình và các chú Trường, Điền, rồi Ân, Kiên, Chị Dung, Khiết Nhi và hai cháu, nhất là gia đình ông bà Nhàn, cứ hết người này đến người kia. Hỏi thăm chỗ ở có gần chỗ tôi không? Ai cũng nói gần, hỏi kỹ cái gần bao xa? Cũng cỡ từ 4, 5 cây số trở lên, thế là đã gần, đâu còn cái cảnh gần là ra trông thấy nhau, vào trông thấy nhau nữa! Anh em tôi thì toàn ở xa, chị Ký mãi bên Hòa Lan, còn các chú các cô, con của bà cô họ thì ở bên Sydney nên không ai đến được, còn đồng hương ai đến cũng ân cần hỏi thăm và đề nghị giúp đỡ cho những gì mình cần đến, như giúp chở đi làm các thủ tục cần thiết, mời đến nhà chơi, góp những ý kiến cho những ngày sắp tới. Được một cái may là chúng tôi đến đúng vào tháng holiday, ai có đi làm, họ cũng đang được nghỉ, do đó mà sự giúp đỡ cũng được anh em tận tình lo cho chu toàn, ổn định cả.

Mở cửa bước ra ngoài, nhìn đường vắng còn hơn chùa Bà Đanh, xe hơi thì đậu trước mỗi nhà nhưng người thì không thấy, 9 giờ hơn mà nhà nào cửa cũng đóng im ỉm. Nhà chúng tôi ở, nằm ở con đường cụt, nhà nọ nằm cách nhà kia chừng 5 mét, hai bên có hàng rào bằng gỗ, cao ngang đầu người ngăn cách nhau. Trước mỗi nhà, đều có hàng rào, cái thì xây bằng gạch, cái bằng gỗ, cái bằng sắt, nhưng cũng có nhà có hàng rào, có nhà không, mỗi nhà làm mỗi kiểu, gạch xây rất đều nên thường không tô, có đủ loại mầu gạch, mái cũng lợp ngói đủ mầu, sân trước nhà trồng cỏ cắt tỉa cẩn thận, xanh mướt, mượt mà trông mát mắt, xen kẽ chung quanh hàng rào đủ mọi loại hoa, nhiều nhất là hồng, với những bông đỏ đậm lớn bằng bàn tay nhè nhẹ đung đưa trước gió. Nhà nằm đối diện nhau, bên số chẵn, bên số lẻ, bắt đầu ghi số theo hướng Đông Ố Tây, Nam - Bắc. Ngoài hàng rào, hai bên đường trồng cỏ và có đường dành riêng cho người đi bộ được đổ bê tông sạch sẽ, lại trồng cây xanh tạo bóng mát cho khách bộ hành nữa, đủ mọi loại cây, đúng là kỳ hoa, dị thảo, thế mà chẳng có ai đi qua, đi lại, thật uổng! Tất cả, từ cảnh vật, cây cối, giờ giấc, sinh hoạt cũng đều lạ lẫm với tôi, người vưà từ phương xa mới đến.

Nhờ ở đây tôi mới biết và quen thêm chú Hùng, cô Hảo là cô chú của cháu Ngọc, cháu Tí (Thiện) ai cũng rất vui vẻ và thân thiện, còn Ngọc cũng giống như Kim Anh, có thêm một người em trai là Quang cùng độ tuổi với con trai tôi, nên các cháu cũng dễ dàng thân thiết nhau. Rất nhiều điều lạ lẫm trong sinh hoạt, cuộc sống cứ lần lượt xuất hiện và dẫn đưa chúng tôi phải học hỏi và thích nghi với chúng, để mau chóng hội nhập vào nơi quê hương mới, nơi mà chúng tôi vưà đến mới chỉ chưa được 24 tiếng đồng hồ.

Chúng tôi được chú Trung chở đi làm các thủ tục thông thường, ở đây không có việc khai báo tạm trú, thường trú, và mình muốn ở đâu thì tuỳ mình. Việc đầu tiên chúng tôi cảm thấy phiền phức là các con tôi, các cháu không quen đi xe hơi loại du lịch, nó êm quá, vì thế các cháu bị say xe, đứa nào cũng mặt mày xanh lè, mới đi có mấy chuyến, vậy mà sau đó khi đi đâu, các cháu cứ hỏi trước xem có gần không, để có thể được thì các cháu đi bộ thì thích hơn.

Cái công việc đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn làm là khai xin thẻ Medicare, cái này rất quan trọng vì nó cần thiết cho vấn đề sức khỏe, không có nó thì không thể đến bác sĩ khám bệnh, mà đến bác sĩ không có nó thì cũng không có tiền mà trả. Kế đến, chúng tôi được dẫn đến ngân hàng mở sổ băng, mới đầu, chúng tôi cũng có thắc mắc, chẳng có xu nào dính túi mà mở sổ băng làm gì? Nhưng ở bên này mọi giao dịch về tiền bạc, phải qua ngân hàng, mọi giao dịch đều hạn chế xử dụng tiền mặt vì lý do an toàn. Nếu như mình đi làm hay có các khoản tiền nào được cấp phát, họ cũng chỉ gửi cho mình qua ngân hàng.

Chúng tôi được đưa đến Highpoint Shopping. Cái shop lớn nhất khu vực phía tây Melbourne, trong shop có bán đủ cả, và trong shop cũng có các cơ quan nhỏ và ngân hàng. Vì chưa có chỗ ở cố định, chúng tôi được cô Oanh cho mượn tạm điạ chỉ số 30 Norwood East Keilor là địa chỉ nhà cô, để làm địa chỉ giao dịch, nhân dịp này, tôi đi gửi thư cho chị Ký và một số thư của đồng hương ở bên nhà nhờ gửi.

Ngày tiếp theo, chúng tôi được chú Tuấn cũng con của bà Nhàn giúp chở một chuyến đến Bệnh Viện Fairfield để khám bệnh, chú cũng chở vòng qua trung tâm thành phố để chúng tôi xem qua cho biết, những con đường xưa mà chúng tôi đi qua, giờ có hỏi lại chắc rằng chúng tôi chẳng còn nhớ nổi, vì nó không đi vào trong bộ nhớ của chúng tôi được, bởi vì rằng là với những cái tên bằng tiếng Anh lạ hoắc, đọc còn không nổi nói chi đến nhớ!

Cuối tuần của tuần lễ thứ nhất ở Úc, chúng tôi được chú Trung chở đi lễ, và được gia đình cô Oanh mời về nhà ăn cơm, cùng được mời có thêm gia đình chú Kiên. Tưởng ăn cơm suông, ai dè gia đình cô làm tiệc mừng, có cả rượu sâm banh nổ bôm bốp, mọi người đều vui vẻ, chúng tôi cũng vui và vô cùng cảm động về nghĩa cử cao đẹp này, nhưng không dấu được những lo lắng đến đời sống đang chờ đợi ở phía trước. Sau bữa tiệc, chú Khanh chồng cô Loan ngỏ ý với chúng tôi về nhà chú ngủ, vì nhà chú gần Moonee Ponds là nơi mà ngày mai chúng tôi đến làm việc, tiện cho chú giúp dẫn đi, chúng tôi được chú chở về nhà ở Flemington ngủ. Sáng hôm sau, chú lại chở chúng tôi đi làm giấy tờ, khi xong mọi chuyện, chú nói tôi đợi chú đến ngân hàng rút tiền, cầm 1500 Dollars chú đưa cho tôi và nói: Tôi đưa anh mượn tiền này để anh thuê nhà cho các cháu ở, chắc tiền thuê mỗi tháng là 600, đặt cọc 600 nữa, còn chút đỉnh để anh chi dùng. Mặc dù tôi chưa, hay nói đúng ra là không dám ngỏ lời hỏi mượn. Cầm tiền của chú mà trong lòng tôi dấy nên một nỗi xúc cảm vô biên.

Rồi chú Điền chở chúng tôi đi kiếm nhà mướn, lòng vòng, hết nhà nọ, đến nhà kia, hết một buổi sáng mà chúng tôi chưa quyết định mướn được căn nhà nào. Cuối cùng, chú Điền nói trưa rồi, mình đi kiếm gì ăn và chú đưa chúng tôi vào một tiệm Mc Donald, mua cho mỗi người một cái Big Mac, ăn cũng lạ miệng, chở chúng tôi về lại nhà trọ, cứ luôn miệng chú nhắc: ‘’Cần gì anh chị cứ nói, khả năng chúng em giúp được tới đâu, chúng em sẵn sàng.’’ Đồng hương ở đây ai cũng đối xử tốt với chúng tôi cả, làm sao mà đền đáp lại được đây? Bản thân mình còn phải ngửa tay đón nhận sự giúp đỡ, nói sao được chuyện báo đền! Chắc chỉ có Chúa nhân lành là ngài có đủ khả năng để ban phát lại những hồng ân cho những người có lòng nhân từ, bác ái. Xin ngài trả công bội hậu cho những ân nhân của gia đình chúng con.

Một buổi trưa, có một cháu lạ hoắc đến hỏi:’’ Nhà này có ai là Minh ở Việt nam mới qua không?’’ Tôi nói chính là tôi đây, cháu nói cháu tên Hưng, được bác Ký bên Hoà Lan nhờ đến coi xem có bác ở đây không, vì nhận được thư của tôi, trong thư có cho số điện thoại mà bác gọi cho tôi không được, và xin tôi cho số điện thoại lại cho chính xác để bác Ký liên lạc. Thật là đoảng, hay là do tôi bị sốc, có 7 con số điện thoại tôi ghi cho chị cũng bị lộn, tôi ghi số lại, kiểm tra cẩn thận rồi đưa cho Hưng. Chiều đã thấy chị ký gọi qua, Chúng tôi mừng rỡ hàn huyên tâm sự, chị em xa cách cũng gần cả mười năm trời chứ ít ỏi gì, nghe qua tình hình gia đình tôi, chị nói tôi cứ an tâm chị sẽ lo cho tôi. Cứ mấy ngày chị lại gọi qua hỏi thăm tình hình của gia đình tôi. Cũng trong thời gian này, tôi cũng được chú Bảo ở Sydney thường xuyên gọi qua hỏi thăm tình hình và gửi cho tôi mượn 1000 Dollars, và nhấn mạnh ráng bớt thời gian lên Sydney chơi gặp anh em họ hàng.

Chú Tuấn liên lạc được với chủ nhà cũ để thuê nhà cho chúng tôi, căn nhà này gia đình chú đã ở nhiều năm trước, số 10 Grandview Ave, nằm phiá sau Hightpoint Shopping, nó gần mọi phương tiện, rất thuận lợi cho những người chưa có đủ điều kiện và phương tiện sống như gia đình chúng tôi, chúng tôi có thể đi shop, các cháu đi học mà không cần đến xe.

Ngày dọn nhà, chúng tôi được hai anh em chú Trường và Điền rủ thêm chú Thuận nhà ở Thái Hòa mang xe đến chở đồ, chúng tôi mới tới nên cũng chẳng có gì nhiều để phải khuân vác nhiều, mấy chuyến xe con, thêm cái rờ mọoc chú Trường mượn ở đâu đó là đã chở hết, vào nhà trống trơn, Khiết chở tôi đi mua bộ salon ở cơ quan từ thiện về ngồi đỡ, rồi có anh Lung cũng nhà ở Thái Hoà, mới quen qua ăn bữa cơm ở nhà ông bà Tình và chú Trường, anh dẫn tôi đến cơ quan St Vincent De Paul xin cho cái tủ nhỏ, cái giường sắt về dùng, anh cũng đưa tôi đi xin việc ở hãng bánh Four and Twenty, nhưng không được nhận.

Có chỗ ở ổn định xong, chú thím Bảo ở Sydney gọi xuống nhấn mạnh:’’ Anh chị cố lên chơi, chưa làm gì còn đi được, chứ mai mốt mà làm rồi thì làm sao mà bớt ra mà đi chơi đây’’. Nghe chú thím nói có lý, chúng tôi chuẩn bị một chuyến đi chơi đầu tiên ở Úc. Chúng tôi mua 2 vé xe khách khứ hồi Melbourne- Sydney- Melbourne, tối khởi hành sáng ngày sau thì đến nơi, cũng lần đầu tiên đi xe khách ở Úc, chỗ ngồi tuy có nhỏ hơn máy bay một chút, nhưng tiện nghi thì cũng ngang bằng, có cả toilet trong xe nữa, xe chạy cứ chừng 300 km thì nghỉ lại cho khách ăn uống và làm vệ sinh, cả chặng đường đi xuyên bang dài gần 900 km, xe nghỉ hai lần, cỡ 6 giờ sáng chúng tôi đến Liverpool là thành phố đầu của Sydney, xe chạy lòng vòng trả khách tại hai ba trạm gì đó cỡ 1 giờ đồng hồ thì đến trung tâm thành phố.

Chúng tôi được chú Bảo đưa xe ra đón về nhà chú ở. Gia đình cô tôi cũng đông các em lắm, nhưng biết được tôi có ba chú lớn, đó là chú Tình, chú Bảo và chú Bào, vì chúng tôi cùng cỡ tuổi nhau, lại cũng thường gặp nhau khi còn bé, sau này vì thời cuộc, do chiến tranh chúng tôi đều tham gia trong quân đội, chúng tôi không còn gặp nhau nữa cho đến tận bây giờ. Còn các em khác thì do còn nhỏ, chúng tôi không gặp nhau, coi như không biết nhau. Gặp nhau chúng tôi rất mừng, sự thương mến và qúy hóa nhau mà anh em thể hiện với tôi khiến chúng tôi vô cùng cảm động, các chú thím rất vui vẻ với chúng tôi, đưa chúng tôi đi thăm ông bà, đi thăm các thắng cảnh của thành phố Sydney như: Darling Habor, Opera House, Chinese Garden, Cabramata vv. và đi thăm cơ sở làm ăn, các chú có mấy cái nhà hàng nằm ngay bờ biển Sydney, rất đẹp. Các chú cũng đề nghị nếu chúng tôi thích, có thể đến Sydney ở luôn với anh em, chúng tôi không dám nhận lời, vì chưa có biết gì nhiều về đời sống của mỗi nơi, có gì khác biệt nhau không?

Mặc dù được tiếp đón nồng hậu như vậy, chúng tôi cũng chỉ ở chơi được với anh em có ba ngày, chúng tôi phải về vì các con tôi ở nhà, để chúng như vậy mà đi, ba ngày kể là lâu lắm rồi, chúng tôi chào mọi người để về, bà cô tôi mua cho mấy cái chăn điện bảo mang về cho các cháu dùng, cám ơn cô. Các em đều cho qùa, Chú thím Tình cho 400 Đô, Chú thím Bảo 500, chú Bào 400, số tiền kể đã lớn, nhưng nó chưa lớn bằng những tấm lòng vàng của anh em dành cho. Thế là chúng tôi vưà được đi chơi lại vưà được qùa mang về, tình anh em đã đối xử với chúng tôi thật là hào phóng và nghĩa tình, đã cho như vậy mà các chú còn nói, vì chúng em mới ra làm ăn, có tí vốn liếng bỏ cả vào cơ sở làm ăn, chứ không chúng em giúp anh nhiều hơn, làm sao mà chúng tôi còn muốn gì hơn nữa, được như vậy kể là đã quá tốt rồi. Chú Bảo lại chở chúng tôi ra ga Central để chúng tôi về lại Melbourne, chúng tôi siết chặt tay nhau trước khi từ gĩa.

Thoát qua được bước đầu, giờ thì chúng tôi phải tìm cách làm mà sống, làm gì bây giờ, văn thì dốt, võ thì nhát, nghề nghiệp thì chẳng có nghề gì chuyên môn, mà gỉa như có nghề thì cũng chẳng thích hợp với nơi chúng tôi mới đến, thế là cũng chỉ còn có hai bàn tay trắng, cái vốn quý giá nhất mà thượng đế đã ban cho, đành thôi thì cũng mặc cho con tạo xoay vần, đến đâu thì đến. Khiết rủ tôi xuống nhà sửa xe với Khiết, chưa có việc gì làm tôi cũng chịu theo. Thấy người ta làm may nhiều, lại dễ kiếm việc. Chúng tôi cũng muốn theo, nhưng chưa bao giờ làm cái nghề này cả, giờ biết bắt đầu từ đâu? Lại chưa có xe, lấy đâu phương tiện để chở hàng? Sáng Chủ Nhật, chú Trung chở đi lễ, thấy có người trông quen quen, đánh liều đến hỏi, thì đúng là Mỹ, cháu rể của người em rể tôi ở Việt Nam, Mỹ mời tôi về nhà chơi, tôi nói chú Trung chở các cháu về, còn chúng tôi đến nhà Mỹ chơi, nhà Mỹ có nấu phở, mùi phở thơm bay ngào ngạt, Mỹ mời chúng tôi ăn phở, chuyện trò một lúc, tôi nói tôi mới qua, đang cần việc làm để sống, Mỹ nói để Mỹ kiếm việc cho tôi, chơi nói chuyện đến trưa thì Mỹ chở tôi về.

Hôm sau, Mỹ gọi tôi sửa soạn để Mỹ chở đi xin việc, Mỹ đưa xe đến đón chở tôi ra Footcray, ngồi uống cà phê đợi tiêm mở cửa, Mỹ dẫn tôi đến tiệm Bánh Mì Ba Lẹ, gọi ông chủ ra giới thiệu tôi với ông chủ, ông chủ nói: ‘’ Tôi đang cần người phụ làm, nếu anh làm được, hai tuần đầu thử việc, tôi trả anh 6 Đô 1 giờ, sau đó nếu làm được thì tôi trả thêm cho 50 xu, còn không làm được thì tôi sorry, tôi tìm người khác.’’ Tôi tính làm, nhưng có cái băn khoăn là tôi vốn dốt với cái nghề chế biến thức ăn, xin thú thật, kể từ ngày còn bé đến bây giờ, tôi chưa hề bao giờ thắt miếng thịt, giết con gà, con vịt hay nấu được món gì, kể cả luộc một qủa trứng, thế cho nên có những băn khoăn. Vì còn đang nhận lời làm cho Khiết, phải có lời nói với Khiết tôi mới bỏ đi làm chỗ khác được, nên tôi khất ông đến ngày hôm sau sẽ đi làm.

Hôm đó, tôi vẫn xuống nhà Khiết để sửa xe, đến chiều, lúc Khiết chở tôi về, tôi nói ý định của tôi sẽ đi làm cho ông Ba Lẹ, nghe xong, Khiết nằng nặc bác bỏ, nói tôi cứ ở làm với Khiết, tôi nói chú đâu có việc gì đâu mà tôi làm? Khiết nói anh cứ làm cho em, có anh em mới dám nhận việc chứ, cuối cùng, Khiết thuyết phục được tôi. Có tí tiền do anh em cho, chúng tôi cũng mua một cái máy may, mang về nhà cô Bé em chú Bảo để tập làm may, hàng ngày bà xã tôi đến nhà cô Bé để tập may, còn tôi thì xuống nhà Khiết để sửa xe. Được hai tuần, thấy không có việc, không tiền luôn nên tôi đành phải bỏ Khiết để về nhà kiếm việc khác làm ăn kiếm sống.

Chúng tôi được chú Trường cùng ông Tình chở lên Richmond mua cái máy Overlock, tiền mượn của chú Điền, mang về nhà làm may, chúng tôi đưa máy may của tôi về, rồi máy của Nhi lên, anh Lung cho mượn thêm một cái máy may nữa, thế là nhà có hai máy Overlock, ba máy may, chúng tôi cùng tập làm, Nhi cũng lên nhà tôi làm, Nhi rành rẽ hơn nên coi như thợ chính, Kim Anh cũng đã biết may chút đỉnh phụ, còn vợ chồng tôi thì tập tễnh học nghề may. Cái kẹt là đi xin hàng ở đâu họ cũng hơi ngại, khi nghe mình giờ mới vào nghề, sau có cô Thư, do anh chị Thưởng giới thiệu đưa hàng đến tận nhà, còn ngồi chỉ cho chúng tôi làm nữa, thế là chúng tôi bước hẳn vào nghề may, máy công nghiệp làm nhanh chúng tôi theo nó cũng hơi mệt.

Cô Thư làm chung hãng may với người ta, mỗi đợt hàng cô nhận riêng ra một số để giao lại cho chúng tôi làm, cô thường đưa hàng con nít của công ty Billycart, một công ty nổi tiếng sản xuất hàng con nít. Chúng tôi cố gắng làm ngày, làm đêm để kịp giao các lô hàng gấp theo yêu cầu của hãng. Công việc kéo chúng tôi phải làm ngày cỡ 10 tiếng đồng hồ. Chưa khấm khá nhưng chúng tôi đã giải quyết được các sinh hoạt của gia đình, dịp này tôi còn nhận được 10.000 đồng Hoà Lan do chị Ký gửi qua cho, tôi trả bớt công nợ và mua được chiếc xe Mazda 929 cũ đời năm 1982 làm phương tiện cho sinh hoạt gia đình, gần cuối năm, chị còn gửi qua cho tôi một máy quay phim Video camera hiệu Sony để cho chúng tôi quay các sinh hoạt ở Úc cho gia đình coi, như lễ các thánh tử đạo, hội chợ tết vv. Và chúng tôi ăn một cái tết xa nhà đầu tiên trên đất Úc.

Thấm thoát mà một năm trôi qua nhanh chóng, nó nhanh đến độ tự dưng tôi đâm hoài nghi về cái thời gian ở Úc, cũng may là cái đồng hồ tôi đeo mang từ Việt Nam qua, gía như đồng hồ mà tôi mua ở Úc, tôi dám nghĩ là cái đồng hồ này chạy nhanh lắm ạ! Sau này có bài hát của Đức Huy làm có câu: ‘’Cũng may, bên này thời gian qua mau lắm, không như Sài Gòn.’’ Tôi cũng đâm bớt hồ nghi đi. Rồi chị Ký mời tôi qua Hòa Lan dự đám cưới cháu Khanh, thật là một dịp may hiếm có để chị em chúng tôi gặp lại nhau, thăm nhau cùng tham dự vào những kỷ niệm quan trọng của các cháu, cũng cuối năm ấy, tôi cũng có ý tổ chức đám cưới cho con gái đầu lòng. Vậy cho nên tôi cũng muốn đi Hoà Lan, ngặt có hai điều, thứ nhất là giấy tờ, vì tôi mang quốc tịch Việt Nam, xin giấy Visa vào Hoà Lan hơi khó, thứ hai là tiền. Chị cứ nằng nặc đòi, hễ đi thì cả cậu với mợ cùng đi, và phải cố gắng đi. Với một dịp hiếm hoi như vậy mà chúng tôi không đi chắc chẳng bao giờ chúng tôi lại bỏ công việc ra mà đi được. Thế là cuối cùng chúng tôi quyết định một chuyến Âu du.

Ngày 6 tháng 9 năm 1992 là ngày cháu Khanh tổ chức đám cưới, chúng tôi thu xếp công việc để lên thời khoá biểu như sau: Trước khi đi Hoà lan, chúng tôi làm giấy bảo lãnh cho mẹ tôi từ Việt Nam qua chơi, tính thời gian làm hồ sơ cỡ chừng hai tháng, sau khi ở Hoà Lan về đón mẹ tôi là vưà, chúng tôi chơi ở Hoà lan chừng một tháng rưỡi, công việc ở nhà tạm nghỉ.

Đầu tháng Bảy, chúng tôi đến đại lý các công ty du lịch hỏi thủ tục và giá cả cho chuyến đi, vé máy bay thì dễ dàng, nhưng về việc xin visa thì có hơi phiền vì là chúng tôi không có quốc tịch Úc, gỉa như mà có thì thật là dễ dàng, chẳng phải xin xỏ ai cả. Gía vé từ 1550 Dollars đến 1900 Dollars khứ hồi. Không dư gỉa gì nên cứ vé nào rẻ nhất chúng tôi chọn đi cho đỡ tốn. Chính vì không tiền nên chọn như vậy mà sau này chúng tôi nhận ra là mình lầm, đi vé rẻ tiền thì máy bay nó ngừng nhiều nơi, vì vậy cho nên mình mất rất nhiều thời gian cho chuyến bay, và cũng rất mệt, thế là xong phần mua vé.

Qua đến phần xin visa, chúng tôi phải đích thân lên khu Saint Kilda, nơi có Toà Tổng lãnh Sự Hoà Lan để xin cấp Visa. Nhân viên phụ trách, sau khi xem qua giấy tờ của chúng tôi cho biết: Chúng tôi không có quốc tịch Úc nên việc cấp visa cho chúng tôi ngoài thẩm quyền của họ, do đó chúng tôi phải chờ họ xin ý kiến của bộ ngoại giao, về thời gian chờ đợi trả lời, họ cho biết chừng cỡ hơn một tháng. Chẳng thể làm gì hơn được chúng tôi đành chấp nhận chờ vậy!

Chính cái sự chờ đợi này mà chương trình đi chơi Châu Âu của chúng tôi bị thay đổi. Chẳng là khi làm giấy bảo lãnh cho mẹ tôi qua chơi, tưởng rằng thủ tục có nhanh cũng mất vài tháng, ai dè nó may mắn quá, mới nhờ họ làm hơn tuần lễ, dịch vụ đã gọi báo tuần kế bà cụ sang có được không? Tôi rất mừng nhưng không thể đón cụ sớm hơn được, vì kẹt chuyến đi, thế nên chúng tôi chọn ngày 26 tháng 9, sau chuyến đi chơi về để đón cụ, để cụ kịp dự đám hỏi của con gái chúng tôi sẽ tổ chức vào ngày 10 tháng 10. Mọi chi tiết được chuẩn bị theo đúng với chương trình, chúng tôi chỉ có thể rộng rãi thời gian vào trước tháng chín. Giờ bị thay đổi vì sự chờ đợi cái visa của chính phủ Hoà lan có cấp cho không hay có khi bị hủy bỏ chuyến đi cũng không chừng?

Đi tới, đi lui. Cuối cùng, chúng tôi được báo cho biết: chúng tôi được cấp Visa vào Hoà lan với sự bảo lãnh của chị tôi, với điều kiện là chúng tôi không được ở lại Hoà Lan. Khi nhận được tin, chúng tôi chỉ còn có thể đi chơi có hai tuần lễ là phải về, vì cái chương trình của gia đình không thay đổi được nữa. Thật đáng tiếc, ai cũng tiếc cho chúng tôi chứ chẳng riêng gì chúng tôi! Chuyến đi xa xôi quá mà đến Châu Âu, cái nôi của nền văn minh thế giới mà chỉ được ở có hai tuần lễ kể cả đi và về như vậy hỏi ai mà chẳng tiếc? Nhưng biết làm
sao được!

No comments:

Post a Comment