Thursday, October 21, 2010

16:- Hoà Lan.



Ngày 2 tháng 9 chúng tôi lên đường, Hãng Hàng Không Garuda của Nam Dương là hãng máy bay chúng tôi chọn để đi, chưa đi xa bao giờ, ngồi nghe nhân viên dịch vụ du lịch nói nó bay qua chỗ này, chỗ kia nghỉ lại mấy giờ, nghe qua thôi thì chưa thấm, chỉ đến khi mình đi đến đâu, nó cho mình ngồi đợi, đến lúc đó mới cảm được cái rẻ mấy trăm bạc trở lên đắt, quá đắt là đàng khác. Nhưng chuyện đã rồi!

Chúng tôi rời Melbourne lúc 10 giờ 30, trễ một giờ so với chương trình hãng bay, vượt 4.468 km hết 6 giờ đồng hồ, chiếc Airbus A 300-600 đưa chúng tôi đến Phi trường Denpasar lúc 2 giờ 30 giờ điạ phương, thuộc đảo Bali nơi du lịch nổi tiếng của Nam Dương. Chiếc máy bay còn đang lăn bánh trên phi đạo, nhìn qua ô cửa máy bay, trời mưa, cái mưa mùa nhiệt đới, nhìn ra xa ngoài hàng rào phi trường, những cây dừa xanh mứơt, chạy dài khắp chốn, cùng những mảnh ruộng vườn có bờ bao, vuông vuông nhỏ nhắn, người ta chạy xe hai bánh giống hệt cảnh Việt Nam, khiến cho tôi có cảm giác là đã về gần gũi với quê hương, như người đi xa về lại nhà mình vậy.

Xuống máy bay, chúng tôi gặp những nhân viên người Nam Dương, da ngăm ngăm đen, nhỏ thó như người mình, những công nhân làm việc nặng nhọc, vì thiếu máy móc phụ giúp. Phi trường nhỏ kiến trúc theo lối Á Đông mái ngói cong, kèo cột dùng sắt ống trụ đầu hàn bít lại bằng những miếng sắt cắt theo hình cánh hoa sen, chúng tôi phải ở đây đợi 7 giờ đồng hồ mà không được phép ra ngoài, vì không có visa nhập cảnh Nam Dương, lòng vòng trong phi trường nhỏ hẹp còn đang mở mang thêm, chúng tôi chỉ gặp các du khách, nhiều người là khách quốc tế, đa số là khách Nhật, cùng đi xem các quầy hàng bán đồ miễn thuế, nhiều mặt hàng mang so sánh còn đắt hơn bên Úc. Chúng tôi cứ một người ngồi coi hành lý, còn một người thay nhau đi lang thang cho hết thời gian chờ đợi và cũng cho đỡ mỏi.

8 giờ 40 chiều, chiếc Boeing 747 cất cánh đưa chúng tôi đi tiếp, đây là lần thứ hai đi phi cơ Boeing 747, nhưng lần này, chiếc 747 thuộc thế hệ cũ, không có màn hình thông tin, hệ thống âm thanh nghe qua ống, nó giống như cái ống nghe của bác sĩ dùng khám bệnh, mọi thông số mà phi hành đoàn muốn thông báo tới hành khách, nhân viên phải viết xuống một tờ giấy, rồi đi phát cho mấy người một tờ để đọc. Nhờ tờ tin này mà chúng tôi biết được khoảng cách từ Bali đến Medan là 2.357 km và bay hơn hai giờ đồng hồ. Đây là phi trường nhỏ của Đảo Medan, thiếu thốn tiện nghi và vệ sinh kém, chúng tôi nghỉ lại một giờ để máy bay chất hàng, phần nhiều là hải sản xuất khẩu sang Hoà Lan.

Đến 3 giờ thiếu 10 phút, máy bay lại cất cánh để bay tiếp đến Abu-Dhabi với khoảng cách là 5.343 km bay đêm nên chúng tôi cũng chỉ ngủ gà, ngủ gục được chút nào hay chút đó, trong cái ghế ngồi của máy bay. Đến nơi thì đã sang ngày mới, lúc 2 giờ 40 phút, tưởng chỉ nghỉ có vài tiếng rồi bay tiếp, không ngờ hãng Boeing cho nhân viên đi kiểm tra kỹ thuật, rất nhiều máy bay phải nằm lại để kiểm tra nên toàn bộ kế hoạch bay của phi trường đều bị trễ lại.

Phi Trường Abu-Dhabi là phi trường thuộc khu vực trung đông, nó gần như là phi trường chuyển tiếp cho các chuyến bay xa. Được thiết kế và kiến trúc hình tròn, chung quanh là các cửa ra máy bay chắc mới xây cất nên cũng rất hiện đại, không nhìn được bên ngoài mái, nhưng bên trong trông giống như ruột trái táo, có mái vòm cong, ở chính giữa có cái cột trụ chống, hay là trông giống như hình cái nấm vậy. Chung quanh với các cửa hàng bán cho khách vãng lai, hàng miễn thuế, với hai tầng, hàng hoá được kể là rẻ, nhân viên phục vụ vui vẻ và nhiệt tình, chỉ có nhân viên an ninh trông hơi quê mùa, ôm những khẩu súng loại cũ, trông giống hình ảnh của những anh lính làng bên ta ngày trước.

Đến 7 giờ 15 phút, máy bay mới cất cánh, trễ hơn 4 giờ đồng hồ để bay đi Áo với khoảng cách 4.590 km, giờ là buổi sáng, chúng tôi ngó ra ngoài cửa sổ máy bay nhìn xuống, bên dưới là bao la, bát ngát, trắng xoá một màu cát của sa mạc, trời trong suốt, nên nhìn rõ mọi cảnh vật bên dưới li ti, đôi khi thấy những hình tròn to lớn mà chẳng hiểu là cái gì hiện ra xa tắp tít bên dưới. Chiếc máy bay êm ả như đậu lại giữa không trung, không nhúc nhích gì nữa, trong khi nó đang bay với vận tốc hơn 800 km/g, rảnh rỗi tôi ngồi hý hoáy tính toán, vậy là cứ mỗi phút nó bay hơn 12 cây số, hay mỗi tích tắc hơn 200 mét.

Rồi gần trưa, chúng tôi cũng bay vào vùng trời của Châu Âu, gần đến Áo, nhìn xuống những cánh rừng xanh mướt, các nông trại trồng cấy ngay hàng, thẳng lối, những dòng sông, đồi núi hiện ra dưới cánh bay, rồi làng mạc với lối kiến trúc lạ, mái ngói đủ màu, tường đỏ viền trắng, hay màu làm nổi bật lên giữa những vườn cây xanh tươi chung quanh đều khắp. Tất cả đều đẹp như trong tranh vẽ, in trong các sách chuyện tranh cổ tích xưa, mà đôi lần tôi đã được xem qua hồi còn nhỏ.

Máy bay đáp xuống phi trường Viena của Áo quốc, nó đậu ngay giữa sân chứ không vào trong nhà ga, chắc chỉ để bỏ hàng xuống mà không có hành khách lên hay xuống, lác đác vài nhân viên vệ sinh lên máy bay lấy rác và làm vệ sinh, phi trường cũng nhỏ và bình thường. Chúng tôi phải ngồi trên máy bay mà đợi, và chỉ được dòm qua ô cửa máy bay, may ra có coi được chút nào về cái phi trường của Áo.

Chúng tôi đến Phi Trường Chipol của Hoà Lan lúc 13 giờ 45’, sau hơn một giờ bay từ Áo vượt qua 1.119 km đường bay, đã nâng tổng số khoảng cách mà chúng tôi vượt qua là 15.526 km. Phi trường này nằm ngay trong thủ đô Amtersdam, vì đất nhỏ nên được tận dụng, phi trường nằm trên các đường xa lộ. Khi máy bay chạm bánh xuống đường băng, tất cả hành khách, phần đông là người Hoà Lan đi du lịch về, theo thói quen tất cả đều vỗ tay vui vẻ, sau chuyến bay an toàn. Phi trường rất lớn, những hành lang rộng dẫn từ khu này qua khu khác đều có đường băng chuyền, để kéo những hành khách cảm thấy chân mỏi, gối chùn, họ chỉ bước lên đứng lên trên băng, cho băng tải đi. Hải quan ở đây hình như không khám xét gì cả, người Hoà Lan chỉ việc đưa passport cao lên cho nhân viên nhìn thấy rồi đi ra ngoài lấy hành lý. Khách du lịch như chúng tôi mới phải đi qua chỗ nhân viên làm thủ tục, trình giấy tờ nhưng cũng rất nhanh chóng.

Ra khỏi phi trường, chúng tôi được chị Ký, chú Lý, Linh đi đón. Đáng lý ra các cháu cũng đi, nhưng vì máy bay đến trễ, lại nữa buổi chiều cùng ngày, các cháu phải ra hội đồng thành phố làm thủ tục kết hôn, sợ không về kịp nên không dám đi đón. Chúng tôi mừng rỡ gặp lại nhau sau bao ngày xa cách. Đưa hành lý lên xe, chúng tôi phải đi thêm 60 km mới tới nhà. Đường xá Hoà Lan rất tốt và sạch đẹp, hai bên đường trồng cây xanh tươi, trời mưa nhẹ, những cánh đồng cỏ mênh mông, xanh mượt với những đàn bò chăn thả đủ màu trông đẹp mắt và thanh bình lạ. Xe chạy bon bon trên xa lộ thênh thang và bằng phẳng, chẳng có tí núi, tí đồi nào, thỉnh thoảng xe chui qua hầm cầu để qua sông. Hoà Lan là một vùng đồng bằng, sông ngòi chằng chịt, nên thuyền bè nhiều, để thuận tiện đi lại, người ta không làm cầu, mà họ xây hầm dưới lòng sông cho xe qua lại. Càng đi, chúng tôi càng thấy được nhiều điều lạ lẫm, mới mẻ, cứ từ từ hiện ra dưới con mắt quê mùa của chúng tôi.

Về đến nhà, chúng tôi được nhắc đi tắm rửa, thay đồ để kịp đi dự lễ ký giấy hôn thú tại hội đồng thành phố (Gemeentehuis). Theo luật ở Hoà Lan, mọi đám cưới phải được hội đồng thành phố chứng dám, đôi hôn nhân phải ký giấy trước mặt người đại diện chính phủ. Tới giờ, chúng tôi kéo nhau ra văn phòng thành phố, cũng gần nhà nên mọi người đi bộ, các cháu gái và các bà đều mặc áo dài, khiến cho dân Hoà lan thấy lạ mắt và cũng thấy đẹp nưã, cứ đứng cả lại, ngẩn người ra mà nhìn những tà áo dài Việt Nam nhẹ nhàng bay bay theo gió.

Đến nơi, tại tiền đình văn phòng. Rất trịnh trọng, người đại diện, với phẩm phục áo choàng cùng các huy hiệu chính phủ, đứng đón chúng tôi ngay cửa ra vào, sau khi chào hỏi, đã hướng dẫn mọi người vào khu vực hành lễ, dành riêng cho đôi tân hôn, đó là một cái phòng họp với ghế ngồi lịch sự, dành cho gia đình và quan khách, sau khi ổn định chỗ ngồi, người đại diện mời đôi tân hôn lên cùng với người chứng, giống như lễ hôn phối tại nhà thờ công giáo, đôi tân hôn cũng đọc lời cam kết, giao ước, nếu không theo tôn giáo nào thì cũng xỏ nhẫn cưới tại ngay địa điểm hành lễ, trước mặt vị đại diện, sau đó là ký giấy hôn thú.

Sau lễ, chúng tôi kéo nhau về nhà, lúc này, chúng tôi mới để ý đến căn nhà chị ở. Chị ở nhà ngay mặt phố, khu chung cư, nhà hai tầng, nhưng vì Hoà Lan đất hẹp, người ta tận dụng luôn cả khoảng không gian của cái mái nhà nên nếu nhà ai đông người, có thể ở luôn phần trên sát nóc nhà, thành ra lầu ba. Một dẫy dài mấy chục căn đều đặn giống nhau. Đường phố sạnh sẽ, đường thì trải nhựa bê tông, nhưng trong khu dân cư, họ lát gạch chiụ lực, tôi hỏi lý do, họ nói là để chống cái trơn trợt vào mùa đông khi có tuyết. Có một điều lạ lùng nhất đối với tôi là: Nhà ở Hoà Lan được thiết kế rất ư (thiết cận nhân tình) để giải quyết cái nhu cầu cần thiết cho mọi người, mở cửa thứ nhất trước khi vào nhà, ngay nơi foyer, là nơi ta có thể cởi bỏ áo khoác, là kế ngay bên có cái toilet, để cho khách sau chuyến đi xa có thể vào xả bầu tâm sự mà không phải lúng túng, hỏi han chủ nhà rằng xin lỗi ông bà cho đi nhờ toilet. Sau đó mới mở cửa chính để vào phòng khách. Nhà xây gạch không tô, cửa sổ bằng kính lớn, tường bê tông, nền gạch bông, sau nhà, cũng có cái sân sau, trồng cảnh, và một lối ra phiá sau.

Mọi người từ hội đồng thành phố kéo nhau về, giờ thì chúng tôi mới có thời gian để trò chuyện thăm hỏi nhau, và làm quen với những người bạn mới, tối cũng có bữa cơm gia đình với một số người bạn thân của chị như: Anh chị Hinh Hương, Hoà, Thạnh, Linh, Dũng vv. Mọi người đều tỏ rõ sự thân thiện, họ thân với chị tôi nên cũng dễ dàng thân với tôi, ai cũng nói, cứ nghe chị Ký nhắc về tôi suốt mà nay mới gặp, thật là cảm động, thì ra chị em tôi luôn nhớ đến nhau, nên trong các câu chuyện hàng ngày, tôi luôn được chị mang ra nói tới, do đó mà ai quen chị cũng đã nghe nói về tôi, nhưng nay mới gặp mặt nhau. Nhất cận lân, nhì cận thân. Câu nói của tiền nhân xưa nay vẫn còn rất đúng.

Gặp lại chị sau hơn 10 năm xa cách, thấy chị giờ bận rộn quá, còn có vài ngày nữa là đám cưới của cháu mà chị vẫn còn phải tất bật mọi việc, từ đón tiếp khách, may quần áo cho các cháu, vì chị muốn cho các cháu mặc quốc phục trong ngày cưới, mà cũng chỉ có mình chị biết may, cho nên rảnh được lúc nào chị lại lôi vải ra cắt, rồi may, rồi ruôn, đơm khuy, đính cúc. Thế mà công việc bán buôn thường ngày, chị vẫn cứ phải tiếp tục như thường lệ, như nhà chẳng có chuyện gì đặc biệt. Thấy chị nhiều công việc quá, chúng tôi cũng muốn giúp chị một tay mà chẳng làm gì nổi vì chẳng có việc gì chúng tôi quen hay là đã làm qua, chỉ có mình chị xoay sở, để đến nỗi hôm cưới cháu, chị mệt quá đã xỉu đi một lúc, trong sự lo lắng của mọi người.

No comments:

Post a Comment