Sunday, October 24, 2010

17:- Hoà Lan 2.


Các cháu tôi giờ đều lớn cả, chẳng còn nhận ra cái hình ảnh xưa của các cháu là những đứa trẻ nhỏ xíu nữa. Cháu nào cháu nấy đều đã trưởng thành, trai khôi ngô, tuấn tú, gái xinh xắn ngoan hiền, tất cả đều chững chạc, chăm chỉ, tháo vát, nhanh nhẹn, có trách nhiệm, không vậy mà cháu Khanh dám lập gia đình à? Kẹt một cái là nhà có tổ chức đám, ai có nhiệm vụ đấy, không ai có nhiều thời gian để trò chuyện hàn huyên với cậu, dù rất mừng rỡ sau bao năm trời cậu cháu mới gặp lại nhau. Tuy bận rộn vậy chứ các cháu vẫn luôn quan tâm chăm sóc cho tôi một cách ý tứ và lễ phép, không làm cho chúng tôi cảm thấy thái quá hay phật ý, các cháu thật đã làm cho cậu mợ rất vui trong suốt thời gian ở Hoà Lan.

Ngày kế tiếp ở Hoà Lan, chúng tôi được chị chở lên farm vịt, mua vịt và hột vịt lộn, chắc có nhiều người Việt mua loại hột vịt này lắm hay sao mà trước cổng farm, người chủ cho viết lên tấm bảng ghi rằng: Ở đây có bán hột vịt lộn bằng tiếng Việt to tướng. Rồi chị dắt chúng tôi đến shopping ở Utrecht, một khu phố chính của tỉnh. Chẳng biết tôi ăn mặc có quê mùa lắm không? Bộ comple may ở Việt Nam qua, chắc không hợp với thời trang châu Âu chăng? Sợ em không ăn mặc đúng gu, chị dẫn tôi vào một tiệm bán quần áo may sẵn nói tôi chọn một bộ, quần áo ở tiệm này thì hẳn là hợp với thời trang rồi. Tôi chọn xong, chị lại nói tôi chọn thêm bộ nữa, thấy tôi ngần ngại chị nói: Cậu cứ chọn đi, chỗ này tôi mua nhiều nên họ quen, cứ bán một bộ, họ tặng thêm một bộ, chẳng biết có đúng vậy không, hay là chị nói vậy để cho tôi bớt áy náy mà mua hai bộ veston đây? Nên tôi cũng cố gắng chọn thêm bộ nữa, cái tay áo hơi dài chị nói chủ sửa gấp để tôi có áo mặc dự đám cưới cháu, thế là tôi có hai bộ veston đúng với thời trang Âu châu. Những ngày sau đó chị còn rủ chúng tôi đi chợ bán hàng cùng chị và cũng còn lại mua cho chúng tôi thêm nhiều quần áo cho gia đình tôi và các cháu nữa. Vậy mà không sang thăm chị thì hoá ra uổng quá chứ nhỉ? Được ăn, được nói, được gói mang về nữa cơ.

Ngày cưới cháu thật vui, chúng tôi gặp lại được nhiều người quen, gia đình anh chị Khử, anh chị Hoà ở Đức qua, đặc biệt có bà giáo Lan người cùng quê hương với chúng tôi ngoài Bắc, bà ở Mỹ qua Đức chơi và nhân thể qua dự đám cưới cháu luôn. Rồi anh chị giáo Lâm ở Đan Mạch cũng đến, còn những người quê gốc Bùi Chu có mặt đông đủ cả. Chúng tôi cũng đến nhà gái làm lễ đón dâu, ra nhà thờ làm phép hôn phối với các cha Việt Nam đồng tế, ca đoàn Việt Nam hát rất long trọng vì các cháu đều là thành viên trong ca đoàn giáo xứ cả. Họ hàng thân thích, chỉ duy nhất có vợ chồng chúng tôi được may mắn và vinh dự có mặt, các anh em khác vì không có điều kiện, vì xa xôi, vì công ăn việc làm đã không thể đến chung vui cùng cháu được.

Buổi tối, tiệc mừng chính được chị tôi tổ chức trong một phòng ăn của nhà trường trong vùng, các món ăn Việt Nam chị nhờ người quen biết nấu, nấu giúp, cái phòng rộng vậy mà vì chị tôi, khách mời đã tới dự đông đủ chật cả phòng ăn, ban nhạc giúp vui tận tình và với những giọng ca cây nhà lá vườn đã làm cho bầu không khí thêm vui tươi, rộn ràng. Có một cụ ông, không biết là khách mời hay là thân nhân của cháu dâu, cụ lên hát tặng bản (Đám cưới trên đường quê). Đặc biệt có màn giúp vui của một linh mục trẻ, đẹp trai, vui tính và rất sống động, ông khéo léo đưa cô dâu chú rể cùng được tham dự vào tiết mục giúp vui này một cách say sưa và vui nhộn, với những động tác nhịp nhàng, như cặp múa đôi mà đôi tân hôn phải làm theo lời ông hát, cuối cùng để kết thúc mục giúp vui đặc biệt của ông, ông còn hát tặng đôi tân hôn một bản tình ca mang đầy ý nghĩa của tình yêu đôi lứa. Không khí vui vẻ đã khiến cho những người khách Hoà Lan không còn ngồi yên được nữa, họ cũng nhào cả lên sân khấu, vưà hát hò những bản dân ca Hoà Lan, vưà bế cả cô dâu chú rể tung lên và kiệu đi khắp phòng. Rồi như mọi bữa tiệc cưới, cũng được kết thúc trong những màn khiêu vũ, cho tới khuya, thật khuya. Gia đình tuy mệt, nhưng có một đêm rất vui vẻ và hạnh phúc. Vì đã tổ chức được một bữa tiệc cưới vui thật là vui.

Hôm sau ngày đám cưới, chúng tôi, những người cùng sống ở Bùi Chu bên Việt Nam, nào LM. Hiện, gia đình anh chị giáo Lâm, Giáo Hoà, Khử, Qúi, Hậu, toàn những người ở các nước bắc Âu đến, còn người ở ngay Hoà Lan thì giờ lại thành ở xa, cũng cách nhau 50, 60 cây số. Chúng tôi mới có dịp ngồi lại với nhau chuyện trò, ai cũng hỏi thăm tôi về chuyên ở nhà, vì ai cũng ra đi đã lâu, chỉ có tôi là mới đi có hơn một năm, nghe tôi kể về đời sống, sinh hoạt, và hỏi thăm những thân nhân họ còn ở bên nhà. Đặc biệt có bà giáo Lan và con gái là Mai, phải mấy chục năm chúng tôi mới gặp nhau. Kỳ thực không thân thiết, nhưng là người cùng làng với cha mẹ chúng tôi, lại khi còn học tiểu học, tôi là học trò của ông giáo, nhưng vì quá lâu không gặp, nay mà có gặp nhau ở ngoài đường chắc chẳng ai biết ai. Thêm được một ngày vui, những chai bia Heniken xinh xinh, nhỏ nhắn cứ được các cháu tiếp suốt các bữa ăn, chị tôi mua bia chất đầy sau nhà để tiếp khách. Bởi thế cho nên mặt tôi lúc nào trông cũng hồng hào, đỏ ké vì bia.

Xong được phần chính của chuyến đi, chúng tôi rảnh, hàng ngày theo chị đi chợ bán hàng. Khi còn ở nhà, nghe chị bán chả giò, cứ tưởng như ở bên mình, có sạp ở chợ, hàng ngày, chỉ việc ra chợ ngồi bán, sang đến đây mới hiểu ra rằng nó không phải như vậy. Hoà Lan, ngoài các siêu thị văn minh hiện đại, buôn bán đủ mọi mặt hàng ra, còn có các phiên chợ được tổ chức ngay trên phố, nó na ná như là chợ trời. Mỗi tuần họp một ngày, mà mỗi ngày ở một chợ khác nhau, được các hội đồng thành phố địa phương tổ chức, ai muốn bán hàng phải có phép mới được dựng sạp lên bán, cứ nay nơi này, mai nơi khác, nơi này cách nơi kia có đến mấy chục cây số, kể ra bán hàng như chị cũng rất ư là vất vả.

Sáng sáng, chị chất hàng lên xe, lái xe mấy chục cây số để đến chợ, rồi vào nhà mà mình thuê gửi đồ, lấy bàn lấy ghế ra, dựng lên thành cái sạp, chuyền giây câu điện, câu bình gas, sau đó bỏ bếp ra chiên, đứng bán ngoài trời, giữa cái lạnh băng của thời tiết bắc Âu mùa đông. Người Hoà Lan rất hiền hoà, thân thiện, tự nhiên và vui vẻ. Đang đi trên phố giữa cái lạnh buốt, tuy ăn mặc rất lịch sự, áo vestone, cổ thắt cà vạt, nhưng khi đi ngang qua hàng bán chả giò nóng hổi, họ ghé lại mua vài cái chả giò, rồi vưà đi, vưà ăn, rất ư là tự nhiên giữa trời đất mênh mông lạnh cóng, miệng nhai miếng chả giò nóng, thấm đậm hương vị đặc biệt của văn hoá ẩm thực Việt Nam, thưởng thức qua vị giác cái ngon lạ, nóng dòn, đầy mùi vị ngấm qua chân răng truyền về trung khu thần kinh cái cảm giác ngon lành thú vị và đầy hấp dẫn của món chả giò.

Ra chợ, chị cứ phải đứng mà bán hàng, chúng tôi chẳng giúp gì được, nên dắt nhau đi coi các sinh hoạt của người Hoà Lan, nhìn chợ, giống hệt như chợ bên mình, cũng hàng hoá treo đầy, hay bày trên mặt sạp, người ta cũng chào hỏi mời mọc khách mua hàng, cũng trả gía, cũng bớt một thêm hai. Đặc biệt ở Hoà lan có cái xe mà trên xe đó trang bị cả một dàn nhạc, với đủ mọi loại nhạc khí như: Kèn, trống, mõ, chuông vv. Tương tự như cả một ban kèn tây ở bên xứ đạo ta, nó được điều khiển bằng một cái máy có bánh răng, mỗi bản nhạc được thiết kế trong một tập sách dầy có đục lỗ theo như các vành răng của trục, người ta bỏ cuốn sách ở đầu bên này, nó được chuyển qua trục răng để vận hành theo nốt nhạc, cứ từng tờ, từng tờ được lật theo thứ tự, khi nào chuyển hết qua bên phía đối diện thì bản nhạc hoà tấu kết thúc, các hình nhân trên xe cũng có động tác như những nhạc công thứ thiệt, mà các phiên chợ trời nào cũng thấy dàn nhạc này, rất vui tươi, sống động. Cái chợ ấy, sau khi chợ họp xong cũng biến mất, trả lại phố các sinh hoạt hàng ngày, trả lại đường cho xe cộ lưu thông, ai không biết đi qua đây ngày khác, cứ tưởng rằng cái phố ấy nó chỉ sinh hoạt như vậy mà thôi, chứ không thể ngờ rằng có một ngày trong tuần nó lại trở thành cái chợ. Một cái chợ náo nhiệt đông vui.

Chợ tan cũng vào khoảng hai giờ trưa, chị lại dọn hàng về, mặc dù không có nhiều thời gian, chị cũng phải bớt đi, sắp xếp lại công việc để đưa chúng tôi đi chơi, không lẽ để chúng tôi bay gần 20 ngàn cây số đến đây rồi về? Thế cho nên chị hầu như phải dành hết thời gian có được cho chúng tôi, để dẫn chúng tôi đi Rotterdam xem chợ, xem cái cảng lớn của Hoà Lan, đi thăm nhà Lý người đồng hương. Đi Den haag (La Hay nơi có đặt toà án quốc tế) thăm Madurodam một khu như Hoà Lan rút gọn lại, với các kiến trúc tiêu biểu đặc thù, họ cho xây dựng lại theo tỷ lệ nhỏ nhất, từ làng mạc, bến cảng, phi trường, nhà ga, nhà thờ, dinh thự, sông ngòi, xa lộ, cung đình, ruộng đồng, rừng cây, thú vật, xe cộ, tàu bè, du thuyền, tất cả hoạt động như trong đời thường, khiến ta có cảm tưởng như mình là anh khổng lồ đến với thế giới tí hon, và còn đi thăm biển ở Den haag nữa.

Rồi có một ngày, chị nhờ Dũng (thông thường có chú Linh, hôm đó chú Linh bận) chở chúng tôi đi coi cái đập ngăn biển, nối liền miền nam và bắc Hoà Lan lại với nhau, đập dài 30 km. Đến tận nơi, đứng trên mặt đập, mới thấy cái vĩ đại của nó. Hoà Lan không có núi, thế nên họ phải mua đá từ nước khác mang về đắp đập. Những cây đá được chẻ đều đặn như những cây cừ, được đóng thứ tự, lớp lang từ dưới dần lên cao, lớp nọ nối tiếp lớp kia, từ dưới lòng biển sâu lên cao khỏi mặt nước mấy chục mét, với cái mặt đập rộng, thành một freeway hai làn đường xe chạy riêng biệt, mỗi làn hai đường xe, trên còn một đập ngăn sóng cao nữa, nó được xây dựng trước khi chúng tôi đến thăm 60 năm về trước và để xây được đập, người ta đã phải xây dựng suốt 5 năm trời, lấn ra biển nhiều cây số vuông đất đai cho xây dựng, cho các công trình quy hoạch tương lai của đất nước Hoà Lan, và nhất là rút ngắn đường đi giữa hai miền nam, bắc. Vì thế nó cũng được coi là một trong những kỳ quan của Hoà Lan.

No comments:

Post a Comment