Saturday, October 30, 2010

Một thời ngang dọc. Truyện vui.


Hình lấy trên net để minh hoạ.
Đôi lời thưa.

Kính thưa người đọc.

Mấy lúc gần đây, do người viết rảnh rỗi, lại do ở xa nhà, nên nhớ về bằng hữu, nhớ những chuyện xa xưa với nhiều kỷ niệm khó quên, của suốt một cuộc hành trình dài bên nhau, nên có nhiều chuyện để nói, để viết, để ôn lại, nhớ lại.

Với chút ít vốn liếng chữ nghĩa ít ỏi, người viết xin ghi lại một vài kỷ niệm xưa ấy để vui với nhau, lưu lại với nhau, mong không làm phiền đến ai, nhất là những người bạn được lưu ý đặc biệt để được nhắc đến. Vì bạn cũng chính là người viết của thủa nào.

Trong những chuyện được kể, phần nhiều là chuyện có thật, kể về những kỷ niệm xưa, nhưng cũng có đôi câu chuyện do người viết hư cấu, thêm thắt cho vui, thường là những chuyện vui, nếu có gì hơi trùng hợp với ai đó thì là do tưởng tượng để đùa, chuyện không có thật, xin người đọc đọc cho vui, và người viết không có ý xỏ xiên gì ai. Chỉ do nhớ nhau mà đùa tí chút. Mong được thông cảm mà thứ tha cho.

Xin chân thành cảm ơn.

Trần Văn Minh.
Tự xuất bản.
Melbourne, Victoria.
2004.

Một thời ngang dọc.
(viết tặng các anh Khảm, Chấn, Mãn, Bách, Cảnh, Nhân (Thành),vv.)

Cái đề tưạ ở trên mà tôi muốn dùng cho cả tập truyện này, nghe qua cũng có cái vẻ hơi hơi giang hồ phiêu bạt đấy chứ! Lại cũng có cả cái vẻ mang một tí chút thành tích chiụ chơi của những tay anh chị trong giới bụi đời, rồi lại cũng có cả cái phiêu lưu láu cá của dân hoạt đầu chính trị, còn có cả những thành qủa của những sự ma giáo lọc lừa trong giới mánh mung. Thế nhưng không, cái tựa trên thì hoàn toàn không, trăm lần không, vạn lần cũng không! Nó không có dính dáng một tí ti ông cụ nào đến những thành phần vừa được kể ở trên. Cái tựa mà tôi ghi trên cho đoản khúc của bài viết này thì ngược lại, nó thật là hiền lành, chính chuyên! Hiền lành chính chuyên như chính người đã viết ra nó, bạn có tin không? Mà ôi Giời ơi, tin hay không tin là tùy ở nơi bạn, nhưng hãy cứ đọc tiếp xem nó ra làm sảo, làm sao.
Sở dĩ tôi hơi dài dòng một tí về cái tiểu đề trên là vì một số lí do. Thứ nhất, sợ ai đó mới cầm qua cái tập viết này, nếu không cho nó cái tên nghe hơi nô nổ một tí, hơi bùi bụi một tí, hơi ngang tàng một tí, nó sẽ chẳng kích thích thêm được một tí tính tò mò nào của bạn, và bạn sẽ chỉ liếc qua mà không chú ý đến tập sách này, và bạn cũng sẽ chẳng ngại ngùng mà quăng nó vào xọt rác, cho nó đi đời nhà ma. Thì đấy, đấy là nỗi đau khổ của riêng tôi, người bỏ nhiều công sức để nhớ mà viết ra nó, nhưng vì tài hèn, sức mọn tôi đã không đủ tài năng và trí tuệ để viết cho nó có đủ sức hấp dẫn được bạn mà thôi! Thứ đến, tôi cũng muốn viết lại cái sự ngang dọc một thời có thật của bọn trẻ chúng tôi, mà do ở cái công việc phải làm mà mưu sinh, nên đám trai trẻ trong làng, trong xứ phải bắt buộc đi làm cái công việc cả ngang lẫn dọc ấy, ở vào thời điểm của những năm 1963 - 1967.
Khởi đi từ cái độ, có một đoàn xe tải từ thành phố lên rừng mua củi, họ mang về thành phố bán cho người tiêu dùng vào việc nấu nướng. Phần đông là những chiếc xe Renaut của Pháp đầu ngắn như cái mặt heo của hãng Tô Miên Lê, tư nhân thì có cả những chiếc xe hiệu Comet, Austin, Thames của Ăng lê, sau đó mấy năm, xe của Mỹ đời mới được nhập qua như: Desoto, Ford, Chevrolet, Fargo, Dodge, Bedford, International vv. Những chiếc xe đời mới này đã góp phần đa diện hơn cho các loại xe được dùng vào việc vận tải hàng hoá ở xứ ta ngày ấy.
Nói về các loại xe này cũng là một điều lý thú, chúng tôi tuổi đời còn trẻ, đầu óc còn trong sáng, nhưng lại mang nặng tính hài hước và nhanh nhậy. Bốn giờ sáng mỗi ngày, được đánh thức giậy mang đồ nghề lên khu đầu ấp được gọi là xóm lò than chờ việc, gọi là đồ nghề cho nó có vẻ một chút, chứ thực ra có cái gì gọi là đồ nghề đâu! Vì cái nghề mà chúng tôi làm cũng chẳng được gọi là nghề! Chỉ có sức là làm được, (giờ từ thời nay người ta gọi là đạo quân cửu vạn) nên đâu có cần đến đồ nghề, những thứ mà chúng tôi gọi là đồ nghề đó cũng chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ gồm cái áo, cái quần của lính, những thứ này do được may bằng một loại vải dầy, nên chúng mới có thể bền bỉ chiụ được với các công việc nặng nhọc mà chúng tôi phải làm, ấy thế nhưng chúng cũng đâu có còn toàn vẹn, có khi nó còn bị rách te, rách tua ra, rồi còn dính đầy những nhựa cây, dính đầy những bụi bặm, bẩn thỉu mà dầy mo la ki ra nữa, thế mà nó cũng vẫn còn được chúng tôi trọng dụng, nên một ai trong chúng tôi mà mang mặc những bộ đồ rách đó vào, người khác trông thấy, cứ nghĩ rằng mình chắc phải có diễm phúc lắm mới gặp được một tay đại cái bang thứ thiệt.
Lên đến chỗ bến đợi rồi, bắt đầu tính thanh niên trong người nổi lên, để làm cho sinh hoạt trở lên ồn ào, náo nhiệt phá tan đi sự yên tĩnh của xóm làng, cùng là để góp vào chút thuốc tỉnh mà dùng xua đuổi đi cái sự ngái ngủ, đang bám chặt vào đôi mi mắt của những anh chàng hãy còn đang trong độ tuổi mê ăn, mê ngủ. Thế là sự đùa dỡn, chuyện trò, hỏi thăm nhau về công việc, trao đổi cho nhau về tính tình của các lái cây, rồi la hét cười vang, rượt đuổi, trêu chọc nhau cứ chí cha, chí chóe pha lẫn với những câu chửi tục, chửi thề được văng ra đều khắp cả khu vực, dưới mái hiên nhà ai đó dài suốt hơn năm mươi mét bên lề đường Quốc lộ Một. Những người lớn tuổi hơn và những người trầm lặng thì cùng tụ tập vào một chỗ, ngồi bó gối rủ rỉ, rù rì với nhau đợi xe. Ở đây cũng là dịp để trao đổi tin tức với nhau về những sự việc đã xảy ra với ai đó của ngày hôm trước, xe nào ban, xe nào xì vỏ, xe nào bị lầy, xe nào gẫy láp, xe nào gặp cậu Ba, xe nào không có củi chạy lòng vòng, xe nào bị kiểm lâm rượt, xe nào bị dỡ củi xuống xét, xe nào bị cảnh sát thổi. Thôi thì chẳng còn có một chuyện gì liên quan tới công việc mà chẳng kể cho nhau nghe, kể cả những chuyện vặt vãnh ai đó gặp thoáng qua trên đường đi và về. Mỗi ngày là một chuyện dài nhiều tập, nhiều tiểu khúc mà ít khi bị trùng lập
Khi có chiếc xe nào sắp đến nơi, thấy xe giảm tốc độ, là mọi sinh hoạt lại trở lên nhôn nhao, xáo trộn, nó nhộn nhịp và huyên náo hơn lên ở cái chợ người bán sức ấy. Mọi người đều nhổm cả giậy uà ra rượt bám theo bửng đuôi xe để leo vào trong thùng xe, những người ở dưới thì cùng đứng vây quanh buồng lái của xe, người ta mặc cả với nhau, hỏi xem xe cần mấy người, xe chở củi gì, cùng những sự chọn lựa mặt hàng mình thích, chủ hay còn gọi là lái củi thì chọn nhân công, ai khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Còn nhân công thì chọn lái, lái chuyên buôn củi gì, củi càng dài, bốc càng nhanh mà tiền càng nhiều, rồi xem lái nào tốt, lái nào rộng rãi, không kẹo qúa, không tham qúa. Mọi sự thỏa thuận xong thì ai đi làm thì ở lại trong thùng xe, ai không được chọn thì leo xuống, chờ xe khác. Đôi khi cũng có những trục trặc về những người đi, người ở đưa đến cãi cọ nhau vì không hợp phe, hợp nhóm, nhưng cũng được giải quyết ổn thỏa, sợ không có sức chứ thiếu gì xe đang đến kiếm người! Làm ăn với nhau mấy chuyến nếu hợp thì nhận nhau làm mối ruột để cùng nhau làm ăn lâu dài. Lái nào kẹo qúa làm ăn với nhau một chuyến là xù, những lái đó bị ghi vào sổ bià đen nên cũng khó kiếm được người, sau phải chọn những người ốm yếu, hay những công nhân không có xe mối đến mới chiụ đi làm cho những lái kẹo.
Công nhân phần đông là đám trẻ chúng tôi ở vào độ tuổi 15 tới 18, nhưng cũng có những người lớn tuổi hơn như là các ông trung niên trong ấp như: Ông Khoan, ông Tường, Tẽo, Kình, Na, Vực, Sơn, Trác, Thùy, Tong, Xuân, Cư vv. Cũng có một số anh em ở thành phố họ đang thất nghiệp hay là vào các kỳ nghỉ, được bà con nhắn nhe quay về quê đi làm chung với bà con trong ấp kiếm thêm chút tiền. Cộng thêm với các thanh niên của các ấp kế cận, cùng đến đây để họp chung với cái chợ người lao động đi làm thuê của chúng tôi cho thêm phần khởi sắc, đông vui, nhộn nhịp. Dễ chừng có đến hàng trăm người tụ tập về đây tìm việc mỗi ngày chứ có ít gì đâu.

Trở lại với chuyện các xe, khi đến cái chợ người, những xe này phải ngừng lại hẳn nhưng máy thì không tắt. Xe nào cũng chạy bằng dầu Diesel, ngoài tiếng máy nổ và tiếng bô xe ra còn thêm tiếng lách cách của con heo dầu. Ấy vậy mà đặc biệt là loại xe của Ăng lê như Comet hay Thames nó nổ nghe rất kỳ cục, khi chạy thì không có gì khác biệt, nhưng khi xe ngừng, để ga nhỏ, nó không kêu âm âm nhè nhẹ đều đều như các loại xe khác mà cứ nổ ngắt khoảng giật cục rên rỉ, kỳ cục. Anh Khảm nổi hứng bắt chiếc tiếng xe nổ rên hư..hư..hư.. đừng, hư..hư..hư.. đừng, rồi cả đám phá ra cười vang sau đó anh em bắt đầu tán bậy, tán nhăng, tán bù khú một anh nói:
“Ê chúng mày có để ý đến tiếng nổ của cái xe Comet đó không, nó như là người ta sướng quá rên lên ấy nhỉ? Tao nghi trên xe có chuyện gì mê ly lắm à!

“Chắc xe nó thấy tài xế xờ xoạng chi bà lái nên nó can đấy mà!’’ Anh khác xen vào.

‘’Đâu có phải, bà lái bị hay là tài xế bị bà lái rờ thì đúng hơn.’’ Anh khác tán.

‘’Chẳng biết ai mò ai nhưng cái xe thì nhột quá, chiụ không nổi, nó cứ run lên bần bật và rên hừ hừ, đấy chúng mày thấy không? Thường câu chuyện đang vui, để tốp đi cái chuyện tán nhảm, thế nào cũng có anh lớn hơn nghiêm chỉnh nạt lại anh em:

‘’ Chúng mày chỉ được cái nghĩ tầm bậy là giỏi, còn tán hươu tán vượn, thêm mắm dặm muối vào nữa, chứ có đứa nào biết con mẹ gì đâu mà bày đặt, sửa soạn đi, xe đến rồi kia kìa mấy ông mãnh!’’ Nói thì nói vậy chứ, chúng tôi chỉ im được một tí thì lại chuyển ngay qua đề tài khác.

Hết tán tiếng máy rồi thì lại tán đến tên xe, xe thì tên bằng tiềng Tây, đọc theo tiếng việt nghe hơi kỳ kỳ, như xe Renault chẳng hạn, bị anh em đọc trại ra là rờ nôn.. thêm dấu huyền nữa, thế là anh em lại tán bậy tán bạ ra để cùng cười. Cái chợ người ấy họp từ ba bốn giờ sáng, người ta cũng kiểm được những xe nào đã đến, xe nào chưa đến để đợi, cứ mỗi chiếc xe đến thì nó lại nhặt bớt đi vài ba người, càng về sáng thì người ta được rước đi làm bớt, nên chợ cứ thưa dần, thưa dần, thường đến bảy giờ thì vãn, ai vẫn còn đứng lớ ngớ đợi xe coi như là đã ế độ, đứng lủi thủi chờ thêm tí chút mà không thấy bóng chim tăm cá của xe nào đến đón, thì lủi thủi vắt áo lên vai lững thửng đi về. Tuy nhiên, cũng có hôm xe nào đó bị hư, bị xì bánh xe, hay phải hàn thùng, hàn bửng chi đó thì đi hơi trễ. Họ cũng cứ chạy đến cái chợ người ấy dừng lại để mướn công nhân, thế là những người sống ở khu vục chung quanh đi tìm hỏi xem có ai muốn đi làm không thì ra mà đi theo xe. Do có cái thời gian họp chợ dài như vậy mà cái đám thanh niên trai tráng chúng tôi có nhiều chuyện lắm để tán, vừa để giết thời giờ, vừa để cho bớt sốt ruột vì chờ đợi, nên đủ mọi chuyện trên trời, dưới đất và cả sâu dưới địa ngục luôn cũng được moi móc ra mà nói.
Sau một thời gian khi đã quen với công việc làm ăn, quen mối quen lái, có những người hẹn xe tách ra một chỗ riêng để đón nhau, những người không tách ra thì họ chỉ nhìn đèn mui xe khi xe đến đỉnh dốc chỗ nhà thờ Thanh Hoá là đã đọc ngay chóc số xe và gọi nhau ơi ới để chuẩn bị lên đường, và những người khác toán cũng biết mà không tranh nhau bám vào bửng để leo vào xe nữa. Ông trùm Na, ông Kình có xe bà Ba Bò. Đám thanh niên chiến đấu có xe bà Ánh (991). Đám chúng tôi, cũng phải sau một thời gian dài sau đó, mới bắt được mối xe bà Trá (694), khi bà đổi xe mới thì có chiếc Ford 4441 và em bà là Lê Ru Ê và Chung có xe 5811, Toán và Quyết có xe bà Quới, còn anh em khác thì nhiều nhiều nữa. Nhưng trước khi đi xe mối, chúng tôi cũng đã làm cho những chị Hai Cao bồi, chị Ba, chị Tư, ông Năm, bà Bảy, chị Tám, cô Mười vv.
Khi xe đến, chúng tôi leo lên và trèo vào trong thùng xe, rồi chúng tôi trải cái áo lính ra và nằm trên sàn xe làm một giấc ngủ thẳng cẳng, bù lại giấc ngủ sáng còn dang dở mà bị gọi giậy đi làm, nên chưa đã con mắt, ai không ngủ được thì đứng mở cửa sổ mà dòm ra ngoài trời đêm. Chờ cho xe chạy đến Hưng Lộc ngừng lại, thì cùng gọi nhau giậy để xuống phố kiếm đồ ăn sáng. Tại đây có dẫy phố có nhiều tiệm ăn bán đủ mọi loại thức ăn cho đủ mọi người, những tiệm như: Tấn Phát, Hưng Long, Đại Đồng vv. Từ cơm phần, cơm đĩa, với đủ loại canh như giò heo hầm măng, canh khổ qua, gà cà ri, gà nấu đậu, bò xào xả ớt, bò xào các loại, thịt heo kho tàu, thịt kho trứng, sườn ram mặn, đủ mọi món vv. Không ăn cơm thì cũng có hủ tiếu, mì, bún, bánh tét, bánh ú, bánh chưng, bánh ít, ai thích món gì thì chọn món đấy, thường chúng tôi thì chỉ vào quán bà Ba bình dân nằm trong hẻm, làm một đĩa cơm, gọi thêm một chén cơm trắng ăn kèm để ăn cho chắc bụng, để làm sao cái bụng no cho được đến chiều, về được đến nhà mới có cơm mà ăn bữa tối cơ. Sau này khi đi làm cho các lái cây buôn cây lậu, chúng tôi được bao ăn cơm hai bữa với ly trà đá đường cẩn thận. Mãn tính hay đùa gọi ly đá nước sôi.
Cái bụng no rồi, chúng tôi lại leo lên xe lại nằm ngủ tiếp. Phải công nhận đang sức trai trẻ, đầu óc thanh thản vô tư nên chúng tôi cũng dễ dàng ngủ, đường xấu, xe tải nên hệ thống nhún cứng ngắc, nhíp xe được chồng thêm mấy lớp cho đủ độ cứng mới chở được nhiều hàng, khi xe chạy đường xấu nên xóc dữ lắm, nhất là đoạn từ Ngã ba ông Đồn vào dinh điền, đường chỉ trài đá dăm, ổ gà, ổ voi gì cũng có, cứ xóc hất chúng tôi lên như người ta xóc gạo, ấy vậy mà ai cũng cứ ngủ ngon lành. Hôm nào xe đi trễ, chúng tôi không ngủ thì bắt đầu dỡn chơi nghịch phá lẫn nhau, đánh bài, đứng ngó trời đất. Nhưng nghịch thì thường xuyên hơn, nên có lần anh Nhân hay còn gọi là Thành Sung nằm trên sàn xe ngủ, hai tay khoanh trước ngực, mặt úp chiếc nón hướng đạo che sáng cho đỡ chói để ngủ. Anh Bách hết trò quay ra nghịch anh Nhân, hắn cởi quần anh Nhân ra mà nghịch súng, anh Nhân biết nhưng cứ mặc kệ, mấy thằng chúng tôi nhìn cảnh ấy không thể nín được mà chỉ có cười ngất, để từ đó cứ gọi anh Nhân là khổng lồ. Cứ nghịch hay ngủ như vậy cho đến khi xe đến đề bô củi thì xe ngừng lại chúng tôi cùng bò giậy phủi bụi đường đã phủ đều khắp thân thể một lớp mỏng mờ mờ.
Chúng tôi xuống xe, hướng dẫn tài xế de gần với những giây củi chất trong khu vực đề bô, sao cho gần và dễ dàng khiêng lên xe, rồi hạ bửng xe xuống, hay kê cho thoai thoải nếu như củi lớn, phải hai người khiêng lên bửng để lăn vào trong xe cho hai người trên xe chất lại theo ý của lái buôn, nhưng thường thì củi trung trung, một người tiều, một người vác, hay tự nâng lên vai, to thì lăn lại gần cuối xe rồi đủ sức thì như ôm trống cái mà mang lên xe, một người thỉnh thoảng lấy búa chẻ củi để chêm vào những chỗ khe lớn. Nhanh chậm là ở mình, cùng lòng mà lại hợp rơ thì chất củi lên nhanh lắm, mau đầy xe và cũng mau về. Thôi thì đủ cỡ, ba tấc, bốn tấc, sáu tấc, tám tấc, cứ dài cây thì dài tiền, hết Hàng gòn, Ôn Cung, Bảo chánh, Suối Cát, Ông Đồn, Gia Rây, Trà Tân I, 2, 3. Rồi Võ Đắt 1, Võ Đắt 2, Võ Xu, Tánh linh, Hàm Tân vòng qua Rừng Lá, Căn Cứ bên Quốc lộ I. Chuyển qua Quốc lộ 20 với Dầy Giây, Túc Trưng, Là Ngà, Định Quán chủ mua củi, mua cây ở đâu thì chở chúng tôi đến đó.
Chất củi xong nếu có giấy thuế thì về ngay, còn chưa tách được giấy thuế thì phải nằm đâu đó đợi người đi lấy giấy thuế mang về, rồi mới có giấy thuế mà cho xe về được, có khi cả đoàn xe mấy chục chiếc nằm xếp hàng dài đợi giấy thuế, đến khi có giấy là đua nhau chạy như đoàn xe chạy giặc. Đây cũng là lúc quân nhà ta tụ họp nhau lại, có cỗ bài ai đó thủ sẵn móc ra, rồi những trò chơi đỏ đen của những tay có nhiều máu mê cờ bạc bày ra như: Bài cào, cát tê, xập xám, xì phé. Kẻ ngồi tụ, người đứng ké, sát phạt nhau mà quên đi những nhọc nhằn, gian khổ của công việc với bao mồ hôi đả đổ ra, mới kiếm được những đồng tiền nhỏ nhoi, và những con bài lôi cuốn cũng quên đi những người trong gia đình đang ngóng chờ người đi làm mang tiền về đong gạo! Ai thắng thì mừng vui, còn ai thua thì thật đúng công toi, ra về với dáng vẻ thiểu não.
Cũng có những chuyến xe chở hàng về nhưng không có người bỏ củi, bỏ cây xuống, lái lại hỏi trong chúng tôi có ai muốn theo xe về thành phố bỏ hàng không? Bỏ cây hay củi xuống thì không cần nhiều người, chỉ cần cỡ hai người là làm được. Nếu đi thì được lái bao ăn và trả thêm tiền, trong anh em cũng có người chịu đi bỏ hàng, sau khi bỏ hết hàng xong, chủ dẫn đi ăn rồi chia tay, chủ về nhà, còn thợ thuyền lao động thì theo xe về bến xe, mình không được đi đâu, phải nằm trong thùng xe mà ngủ, để sáng mai đi làm tiếp. Xe hay đậu ở bến xe trong Chợ lớn, nằm ngủ trên sàn xe mà không có mùng để cho muỗi thịt bằng thích, lại còn được ngửi mùi khai nồng của nước tiểu, vì ai ai cũng ngại vào nhà vệ sinh công cộng, lại cũng còn có cái tật là hay chĩa súng vào gầm các xe mà xả cho tiện, lại còn cả mùi dầu nhớt và khói xe tất cả tạo nên một mùi hằm bà lằng rất khó chiụ. Trong đêm đang ngủ ngon, còn bị đạo quân chị em ta leo lên xe đánh thức lùng sục, rủ rê ngủ chung để kiếm tí tiền còm, chúng tôi là dân lao động, tuổi còn thơ ngây trinh trắng lắm! Cứ như những vị chân tu? Nên chẳng có ai dụ dỗ được, kệ ai đó làm gì, mời mọc gì thì cũng mặc họ. Ai muốn làm gì thì làm, nhưng xin cho nhà chúng em xin hai chữ bình an là được. Còn lại mình dù mệt, chúng tôi cũng cố tỉnh mà thủ làm sao cho cái túi tiền còm cõi đừng bị ai đó rinh đi là mừng rồi, chứ bị ai đó rinh mất thì thật là phiền lắm lắm!

No comments:

Post a Comment