Thursday, July 22, 2010

Thăm Cổ thành Đinh Công Tráng Quảng Trị.


5. Cổ thành Đinh Công Tráng.
Tôi gọi xe taxi theo số mà cháu tài xế nãy gửi cho và nói: nếu bác cần xe cứ gọi con theo số này. Cỡ hơn 10 phút thì xe tới. Chúng tôi đưa hành lý lên xe, tôi nói tài xế đưa chúng tôi đi theo lộ trình, Nhà thờ Thạch Hãn, Cổ thành Đinh Công Tráng, Trường Bồ Đề, Chợ Sãi Triệu Phong và Cầu Thạch Hãn, cháu người Quảng Trị, lại là tài xế taxi, cháu chạy sao cho tiện thì tuỳ cháu.

Ngoài Nhà thờ Thạch Hãn là theo ý chị tôi muốn thăm vị linh mục coi xứ, còn lại các điạ danh kia là do tôi muốn thăm lại chiến trường xưa, các nơi mà cách nay hơn 37 năm trước, tôi có một thời tham dự trận đánh khi đất nước mình còn chiến tranh. Sau khi thăm và nói chuyện tại Nhà thờ Thạch Hãn, xe tiếp tục chạy thẳng đến cổ thành gần đó.

Con hào rộng vây quanh khu vực cổ thành um tùm cây cỏ hoang. Xe quẹo theo lối vào, cổng và một khúc tường cùng với con đường cho xe chạy này, chắc được làm lại sau ngày 30 Tháng Tư 75, để du khách đến thăm di tích cổ thành nổi tiếng một thời binh lưả chăng. Thấy nó đã cũ và rêu phong, còn nếu trước thời điểm đó thì chắc chắn là không còn tồn tại với đạn và bom!

Trước khi về đây, đôi khi tôi cũng xem hình cuả Google Earth, thấy nó cũng vuông như đồng bánh chưng, nhưng không rõ nét lắm. Giờ đi trên đường nhìn tận mắt, cây cối đã xanh um, dấu vết xưa không còn, bên trong, người ta làm lại, đường đi sạch đẹp được đổ bê tông, trồng thêm hoa kiểng và biến nó thành một công viên. Chính giưã là một khu kỳ đài đễ làm nơi tưởng niệm. Tôi rất tiếc vì một chương trình chuyến đi đã bị rút ngắn lại! Bà chị muốn về lại Sài Gòn càng sớm càng tốt để gặp một người quen đang đợi, nên tôi không thể đi thăm tỉ mỉ được, chỉ có thể chụp một ít hình kỷ niệm chuyến viếng thăm.

6. Trường Bồ Đề.
Sau cổ thành, xe lại đưa tôi đến trường Bồ Đề theo yêu cầu cuả tôi. Xe chạy trên con phố rộng, những người lạ, chắc chẳng ai có thể tưởng tượng nổi nơi này trước đây mấy chục năm là bãi chiến trường, vì nhà cưả hai bên đường đã được xây lại khang trang, thay thế cho những đổ vỡ tan hoang cuả thời binh lưả.
Tại cổng trường, nay có một tấm bia ghi hàng chữ: Di tích lịch sử, xếp hạng quốc gia, cấm vi phạm. Ngôi trường hai tầng đúc bê tông loang lỗ vết đạn bom được giữ lại nguyên trạng. Trên tường gắn một tấm bảng đỏ ghi nhiều hàng nội quy giữ gìn di tích.

Nơi cổng ngôi trường này, tôi nhớ không lầm thì vào khoảng Tháng 10 hay đầu Tháng 11 Năm 1972, tôi và đơn vị đã nằm ở đây cỡ hơn 10 ngày, sau đợt nằm trong Thôn Bích La khi tôi được bổ sung cho ĐĐ3/TĐ1/TQLC. Dù lúc đó chỗ này cũng kế với cổ thành và Sông Thạch Hãn, nhưng tương đối an toàn hơn nên cũng được gọi là nơi dưỡng quân.

Cũng nhân lúc nằm ở đây, nghe tin TĐ2. nằm ở cổ thành, tôi đã mò sang tìm gặp người anh họ đang đóng quân bên đó. Gặp nhau, anh em mừng rỡ hỏi thăm nhau về những ngày qua sau những trận đánh. Bạn bè, ai còn, ai mất.
Rời Trường Bồ Đê, chúng tôi lại đến thăm Cầu Thạch Hãn cũ, nơi có chiếc cầu xe lưả chạy song song. Buổi trưa trời nắng đã lên cao, chiếc tầu từ Sài gòn ra vưà đúng lúc chạy qua cầu ra miền bắc. Chúng tôi xuống xe đứng chụp một ít hình kỷ niệm làm chứng là mình đã có đến nơi này, để mai một về xem lại hình mà nhớ

No comments:

Post a Comment