Cứ vào độ cuối Tháng Tư hằng năm, kể từ sau Năm 1975. Không cần ai nhắc nhở, dòng họ tôi luôn nhớ đến một gia đình người bác họ, hầu như cả nhà bác cùng chết trong biến cố đau thương 30 Tháng 4 này!
Có ai muốn hỏi gia đình bác tôi là thành phần gì trong cuộc chiến tranh quốc cộng ấy nhỉ? Thưa gia đình bác tôi chẳng nằm trong bất cứ thành phần nào trong cả hai bên, gia đình bác là một gia đình dân giả Việt Nam bình thường. Vậy mà cả gia đình bác chết, chết vì bom vì đạn! (nói cho đúng chữ nghiã ngày ấy là chết trên đường trốn chạy cộng sản.)
Bác gái là chị ruột cuả ba tôi, (quê tôi gọi chị cha là bác thay vì cô) bác cũng thuộc vào hàng cao tuổi, và bác gái bị bệnh thấp khớp nên đi lại rất khó khăn, trong khi đó bác trai, người xương xương, làm nghề lò rèn. Bác rèn dao, liềm, hái, cuốc, xẻng và sưả nông cụ cho bà con trong ấp. Công việc nhọc nhằn, nóng nảy và vất vả, nhưng nhờ đó mà bác cũng kiếm đủ cơm ăn cho cả gia đình gồm hai ông bà già và người con gái với ba đưá cháu ngoại mồ côi, vì cha các cháu đi lính và đã tử trận.
Nếu kể lại những ngày cuối Tháng Tư Năm 1975 ấy, thì dân chúng ở quê tôi rơi vào một tình huống rất hoang mang! Quyết định ra đi hay ở lại thật là một quyết định khó khăn cho mọi người. Gia đình bác tôi cũng lâm vào thế khó xử như thế. Phải nói ai cũng sợ phải sống với cộng sản, dù chưa ai sống với họ. Gương Tết Mậu Thân ở Huế và Muà Hè đỏ lưả Năm 1972 vẫn còn là nỗi kinh hoàng cho mọi người. Nhưng chạy, thì biết chạy đi đâu, quê tôi chỉ cách Thủ đô Sài gòn có 45 cây số.
Giờ nghe tiếng cộng sản nhiều người đã sống chung với cộng sản hẳn thắc mắc: “cộng sản cũng hơi bất bình thường tí thôi, chứ có gì đâu mà sợ dữ vậy!” Nói như vậy là những người đó chưa biết tí gì về cộng sản. Trong chiến tranh, cộng sản dùng bạo lực cách mạng, (giờ gọi là khủng bố) chủ yếu là dùng bạo lực làm cho nhiều người sợ hãi, như nói chưa kịp nghe đã ghép tội theo địch, làm gián điệp vv, dù người đó chẳng theo ai cả, thế là cộng sản phao tin đồn vu khống để lấy cớ giết! Chưa kể đến pháo kích, giật mìn, đắp mô, cắt đường, phá cầu, đốt xe, thu giữ tài sản, gây bao cảnh chết chóc đau thương cho bao nhiêu người dân vô tội. Nên khi chỗ nào có bóng quân cộng sản đến là dân tình kiếm đường bỏ đi.
Còn cộng sản ngày nay, cũng gây sợ hãi cho nhân dân bằng những cảnh tù tội và chẳng có tí pháp luật nào được đặt ra để bảo vệ người dân! Pháp luật có nhưng tuỳ tiện, vì vậy mà chẳng ai muốn dây dưa với pháp luật, tuy vậy mà có muốn tránh, tránh cũng không khỏi! Giờ biết cộng sản rồi, có muốn trốn chạy cũng đã hết đường.
Trở lại những ngày tháng cuả 34 năm trước. Gia đình bác tôi là dân lao động chính gốc. Đã không chịu rời nhà ra đi sớm, vì có muốn cũng chẳng biết đi đâu! Chỗ nào nghe nói cũng có đánh nhau, giá như đừng có tin nhắn về cuả những người đi làm ruộng, có khi gia đình bác ở nhà mà lại không bị chết. Vì chiều hôm đó, những người đi rừng, đi ruộng về tung tin Việt cộng trong rừng nhắn về: “đồng bào phải rời bỏ nhà cưả đi ngay, vì đêm nay quân giải phóng sẽ pháo kích vào khu vực này!”
Không thông báo, thì đạn pháo kích cuả cách mạng còn nổ lung tung trong làng, trong xóm, nhà xập, người chết, người bị thương la liệt. Nay lại được chính thức thông báo, ắt hẳn đạn sẽ rơi nhiều và sẽ khủng khiếp lắm chứ chẳng bỡn chơi được. Nhưng trời sắp tối, gia đình bác tôi biết dẫn dắt nhau đi đâu giưã lúc nghe giao tranh khắp nơi, và chỗ nào cũng nghe súng nổ!
Thế là cả nhà gồng mình ở lại trong căn hầm nhà đêm đó, phó thác vào định mệnh và những lời cầu nguyện xin ơn trên phù hộ, nếu qua được đêm nay, sáng ngày sau sẽ xem tình hình rồi mới tính tiếp. Cả nhà bác tôi khóc mếu với những quyết định liều lĩnh như vậy. Đêm đó, có pháo kích thật, đạn nổ cùng khắp, căn hầm đắp sơ sài cứ rung lên từng chập, rồi cũng có nhà trúng đạn pháo kích cháy, nhà bị xập và có cả người chết nưã! Gia đình bác cũng coi như mình chết rồi!
Nhưng may mắn, qua một đêm kinh hoàng, mọi người vẫn bình yên vô sự, tuy có hốc hác vì sợ hãi và mất ngủ. Sáng ra, nhìn cảnh tiêu điều cuả xóm làng mà kinh hoàng, bác trai và người con gái chui ra khỏi hầm mà đã không còn tin ở mắt mình, làng xóm quen thuộc mà mới qua một đêm đã biến đổi tan hoang như một bãi chiến trường. Thì ra người ta bắn bưà bắn bãi vào xóm làng, cho dân chúng hoảng sợ mà đi phao tin pháo kích, chứ ở ấp này đêm qua có lính tráng nào đóng quân ở đây!
Không còn kịp suy nghĩ gì khác hơn là phải bỏ nhà đi ngay. Đêm rồi, cả gia đình đã thoát chết vì đạn pháo kích, giờ phải rời ngay nơi này, vì còn ở lại, giả như nếu đêm nay có giao tranh nưã, thì cả nhà cũng chết vì đứng tim hay là do tên bay đạn lạc mà chết mất thôi. Thế là bác trai quảy cái gia tài còm cõi trên vai, chị gái thì dìu mẹ, bồng thêm đưá con hơn 1 tuổi vội vã rời nhà. Cũng may, hai đưá lớn chị tôi đã mang về Sài Gòn gửi bên bà nội các cháu.
Tháng Tư, tháng cuả nắng và nóng, lại dễ đến cả mấy tháng nay trời cũng chẳng mưa lấy một hột! Trời chói chang ánh nắng mặt trời. Nóng ơi là nóng! Nhìn mặt đường nhưạ, có một làn hơi nóng bốc lên như làn khói mỏng. Đi chưa xa nhà được bao nhiêu mà mồ hôi đã nhễ nhãi, mắt hoa lên, áo quần ướt đẫm mồ hôi. Đã thế, nhìn đường xá vắng teo vắng ngắt, nhà cưả trước kia sung túc là vậy mà giờ cũng im ỉm cưả đóng then cài. Chắc gia đình bác là gia đình cuối cùng rời nhà. Thỉnh thoảng lại còn nghe tiếng đạn xèo xèo bay qua và tiếng ùng oàng cuả đạn pháo nổ xa, nổ gần. Cảnh chết chóc hiện ra trước mắt, và đang đe doạ cả nhà, có cả bóng dáng Thần Chết như cũng đang lảng vảng quanh đây, rất gần.
Đang khập khiễng trên đường chạy thì may thay có chiếc xe tải nhỏ, hình như nó vưà chạy thoát ở đâu ra, đưa tay vời, nó cứ khật khùng, lúc đứng, lúc chạy giật cục, như nưả muốn ngừng đón, nưả lại như muốn bỏ chạy vì cảnh nước sôi, lưả bỏng. Trên thùng xe cũng có dăm ba người, họ đập vào thùng xe la lớn giục gia đình bác tôi nhanh lên, họ còn nhấn mạnh bằng câu Việt cộng nó đuổi gần tới nơi rồi, không khéo nó bắn chết hết!
Nhờ bà con trên xe giúp đỡ, gia đình bác tôi cũng lên xe trọn vẹn, chưa kịp thở ra cho nhẹ bớt những lo toan đè nặng từ đêm hôm trước. Tiếng bánh xích xe tăng đã ầm ầm hù doạ phiá sau! Chưa hết, thỉnh thoảng những chiếc xe đó còn bắn những quả đại bác vụt lên phá cả những căn nhà ven đường. Mọi người trên xe bất lực chẳng còn tin là mình có thể sống nổi. Ai nấy đều phó linh hồn để đón nhận cái chết.
Cuối cùng, những con người khốn khổ đó cũng không thoát khỏi lưỡi hái Tử Thần! Khi chiếc xe đang cố thoát khỏi vùng lưả đạn, thì than ôi, nó vội vã cán cả vào bãi mìn chống tăng! Những tiếng nổ kinh hoàng hất tung chiếc xe và cả những người ngồi trong đó để cho Thần lưả thò chiếc lưỡi độc ác thiêu rụi mọi người, trong đó có gia đình người bác cuả tôi 4 người! Ông Vũ Văn Ngoạn, bà Trần Thị Tôm, chị Nguyễn Thị Hai và một cháu bé. Đó là vào một buổi trưa Ngày 28 Tháng Tư Năm 1975.
Năm nay, như lệ thường, tưởng nhớ về bác và gia đình, cháu lại có nén hương lòng kính nhớ.
28/4/2009.
Những dòng cảm xúc, suy nghĩ và sự tưởng nhớ của Bác, cháu tin là Ơn trên sẽ ghi nhận Bác ạ!
ReplyDeleteCHIEN TRANH... KINH HOANG
ReplyDelete