Tuesday, May 12, 2009

Thăm Đồng hương..

Thăm đồng hương..
Thăm đồng hương.. magnify
Nhà bà cụ cách nhà tôi cỡ hơn 3 cây số. Ở bên này năm, mười cây số thì đáng gì gọi là xa. Ấy thế mà đến mấy năm nay, kể từ ngày cụ dọn về ở với con trai út, tôi mới đến thăm cụ một lần. Trước cụ ở với con gái, cách tôi 25 cây số thì năm nào tôi cũng đến.

Cuả đáng tội, năm đầu tiên cụ dọn về, tôi có đến thăm cụ đấy chứ, thế mà có hai con đường gần nhau mà sao tôi chẳng nhận ra con đường nào cụ ở! Ít nhất là hai lần như vậy, rồi việc này việc nọ, tôi cứ quên đi. Trước kia, mỗi năm vào dịp tết, chẳng có tết nào mà tôi chẳng đến thăm và tết cụ. Tha hương, có mấy người cùng quê lớn tuổi, năm nào tôi cũng dặn lòng phải đến thăm ít nhất một lần vào dịp tết. Và coi các cụ như cha mẹ mình ít nhất là về phần tinh thần.

Năm nay tôi phải nhủ lòng mình là phải đến thăm cụ. Chứ lâu quá mới đến thì thành xa lạ mất! Thế là nhân ngày hiền mẫu, tôi chạy vù qua thăm. Cứ tần ngần ở cưả xác định lại điạ chỉ, tôi mạnh dạn vào gõ cưả, hai cháu nhỏ hé cưả ra nhìn, tôi hỏi nhà, hai cháu chạy vào gọi mẹ. Cụ lò dò ghé mắt coi ai và tôi chào cụ.

Ô ông Minh, lâu quá mới gặp, hình như hồi này mập ra phải không? Cụ mừng rỡ chào hỏi và kêu tôi vào nhà. Tôi hỏi thăm cụ về sức khoẻ. Được dịp, cụ kể cho tôi một thôi một hồi về những bệnh tật trong người cụ.

Tưởng chết rồi ấy chứ ông Minh! Tôi phải vào bệnh viện hai lần rồi, mỗi lần mất 2 ngày, bác sĩ họ giữ lại, mà tôi sợ lắm nên đòi về. Mẹ nó ở nhà bận bịu con cái, công việc, mình nằm đó nó cứ phải chạy đi chạy về.(Nghe cụ nói mới thấy thương làm sao, bịnh mình không lo mà lo con cái nó vất vả.)

Bác sĩ nói xương tôi bây giờ mỏng lắm, còn có 20% thôi, cẩn thận kẻo ngã là gẫy xương ngay. Mà gẫy xương là phải nằm một chỗ thì càng khổ nưã! Còn cao máu, đấy cái lần tôi ngã tưởng chết là tôi đứng tự nhiên té tét đầu ra, nằm bất tỉnh một lúc sau do trời lạnh mà tôi tỉnh dậy, gọi bố nó, nó mới biết, mẹ nó vội gọi xe cứu thương đến. Tôi hỏi họ không vào bệnh viện có được không? Họ không cho ở nhà, mà chở tôi vào thẳng bệnh viện, hai ngày sau tôi về nhà. Giờ tôi sợ ngã lắm, đi đứng cứ phải bám vào cái xe đẩy rồi dò từng bước. Bố nó sợ tôi đi lại xa, phải sưả phòng cho tôi có đầy đủ nhà vệ sinh, phòng tắm trong phòng ngủ luôn, rồi bắt cả tay vịn cho tôi bám cho chắc ăn nưã chứ.

Còn cái chỗ bụng này nó đau nưã này, bác sĩ họ bảo để họ gây mê chừng 4 tiếng để họ nội soi xem cho chắc, họ nghi ruột tôi bị dính. Tôi nghe thế sợ quá không chịu, họ đòi mổ, tôi cũng không cho. Mổ mà mình chết thì mừng quá đi ấy chứ, tôi đâu có sợ chết, nhưng nhỡ không chết mà lại nằm liệt một chỗ thì lại khổ cho con cho cháu! Vậy là hễ nó đau, tôi lại uống thuốc giảm đau. Panadeine Fox tôi uống đến 2 chục vỉ, ngày uống nhiều có lúc đến 6 viên. Giờ đỡ rồi, hôm nào còn mấy vỉ, tôi cho người ta.

Giờ tôi ở nhà, một tuần họ gửi người đến giúp đỡ ba ngày, lo chăm sóc tắm rưả cho, họ có cái vòi, bố nó làm sẵn nước ấm đều rồi cứ thế họ tắm rưả cho mình đàng hoàng lắm, còn ăn thì có 6 đồng một bưã, rẻ lắm mà chất lượng, vì chính phủ họ trả thêm mà, kể cả nhân viên phục vụ cũng vậy, một giờ cuả họ mấy chục ấy chứ, nhưng mình chỉ trả tượng trưng thôi. Không có họ cũng chết ông Minh ạ. Bố mẹ nó làm sao có thời giờ mà lo cho tôi, lại còn công ăn, việc làm, cơm nước, con cái đi học.

Giờ mẹ nó làm việc tuần có 3 ngày, những ngày nghỉ coi sóc tôi và cũng chăm sóc cho các cháu, giờ nó đi học đi hành, lo cho hai đưá cũng vất vả lắm, không có người cuả ban chăm sóc bệnh nhân đến giúp, chắc chết mất.

Tôi cứ ngồi lắng nghe cụ kể, lâu lắm mới có người ngồi nghe mình nói mà. Mãi sau cụ mới nhớ tới chuyện quê mà hỏi thăm tôi về tin tức bên quê nhà. Người già bên này chẳng phải lo chuyện gì cả, từ ăn uống, bệnh tật, thuốc men, đều do nhà nước chăm lo cho đầy đủ, chỉ có cái buồn thiếu vắng người tâm sự. Con cháu nó lớn mà như gà với vịt nói nó hiểu mà nó chẳng biết thưa lại sao cho đúng, nên gặp lại người quen, các cụ mừng lắm.

PS. Một người gọi là hết tuổi lao động ở Úc, nam là 65 tuổi, nữ 62 tuổi rưỡi. Đặc biệt cựu quân nhân VNCH thì 60 tuổi được coi là tuổi hưu.

*Những người ở vào tuổi hưu, nếu không có tiền hưu tự đóng khi còn đi làm, sẽ được nhà nước cấp cho người độc thân là hơn 200 Dollars mỗi tuần, cộng thêm tiền phụ thuê nhà với các chiết giảm khác.

*Bác sĩ khám không tính tiền, bịnh viện nằm không mất tiền, nếu phải mua thuốc, dù thuốc đắt bao nhiêu, bệnh nhân chỉ phải trà trên 5 Dollars cho một tên thuốc, nếu trong năm mua hơn 52 lần vì bịnh kinh niên, toa thứ 53 trở đi lấy thuốc khỏi trả tiền.

Và nhiều quyền lợi khác, nhiều người khoẻ mạnh, có nhiều dịch vụ giúp đỡ chở đi chơi theo nhóm, theo hội với các sinh hoạt rất vui. Chỉ những người bệnh tật, phải nằm nhà là buồn, rất buồn vì cảm thấy cô đơn, nên rất mong có người tới chơi, nói chuyện.

9 comments:

  1. Mừng là anh đã tìm được đúng nhà của bà cụ.

    Người lớn tuổi già yêu được sống với một sự chăm sóc chu đáo của nhà nước vậy thật tốt biết mấy.

    ReplyDelete
  2. Tuy có hơi buồn nhưng bà cụ thật có phước vì được sống bên con cháu.Chính sách xã hội của họ thất tốt, thế thì sau này anh có già ...thì đâu có gì phải lo.Anh đi thăm bà cụ lần này nhớ địa chỉ nhà nhé, để thỉnh thỏang tới nghe bà cụ kể chuyện rồi về kể lại bọn em nghe !

    ReplyDelete
  3. Chắc chắn là nhớ nhà rồi, và cũng sẽ ghé thường xuyên hơn.

    ReplyDelete
  4. Mong rằng Bác có thể đem đến phần còn còn lại trong cuộc đời Cụ những niềm vui tưởng như nhỏ nhoi ấy nhưng lại vô cùng to lớn...

    ReplyDelete
  5. BIẾT VẬY NGÀY XƯA EM QUA ÚC Ở CHO RỒI. Ở ĐÂY GIÀ BỊNH HỎNG BIẾT AI LO CHO ĐÂY!

    ReplyDelete
  6. Mang chút niềm vui đến cho người khác mình cũng thấy vui vui ha anh M. Chúc anh sẽ luôn có những niềm vui nhỏ ( cộng lại thành lớn ha.. .)

    ReplyDelete
  7. Người già họ ko cần tiền bạc, họ chỉ cần người tâm sự là họ thấy vui rồi.Chúc Bác nhiều sức khoẻ.

    ReplyDelete
  8. Cái buồn của người già là thiếu vắng người tâm sự... BL nhớ đến Ba mình... cũng già và phải một mình vì con cháu đều ở xa. Biết sao hơn... Gọi điện mỗi ngày, và ước gì có thể ở cạnh Ba suốt ngày !!!

    ReplyDelete