Friday, February 12, 2010

3/10. Bài Viết Ngày 30 tết.

Tôi kể chuyện cuối năm ngày tôi còn nhỏ. Bây giờ ai đọc chắc lại tưởng tôi kể chuyện cổ tích mất! Thật vậy, mới đấy mà chỉ ngồi nghĩ lại thôi đã tưởng tượng ra cái cảnh mà thế hệ trẻ không sao có thể tin nổi.

Cần gì nói cho xa, chỉ nói tới cách tắm rưả, gội đầu thôi, bây giờ kể lại mà nghe đã tưởng như thời cổ nào đó xa xưa ở quê mình. Chứ ai lại muốn gội đầu, phải mang mấy trái bồ kết vào bếp nướng cho cháy xém chút rồi mới bỏ vào trong nồi nước với mấy cọng xả, nấu sôi lên rồi mang ra giếng, pha nước lạnh vào và gội.

Dài dòng lắm, thôi ngưng ngay lại không có lại lạc đề. Ngày tôi còn nhỏ, cách nay cũng cỡ nưả thế kỷ. Thôi đằng nào cũng là chuyện cũ, để đọc cho nó có vẻ cổ tích một tí, tôi xin bắt đầu bằng cái giọng văn quen thuộc, cuả những câu chuyện cổ tích mà ông bà mình hay kể lại cho con cháu, khi các cháu nằm vây quanh bà bên manh chiếu giưã sân nhà đêm trăng ngày đó.

Ngày xưả, ngày xưa. Khi gần đến ngày giáp tết, tôi cũng hăng hái phụ giúp cha mẹ tôi dọn dẹp nhà cưả để đón mừng năm mới. Nhà nghèo nên cũng chẳng có gì to tát lắm đâu. Sau muà mưa, chúng tôi xúc đất đắp lại những viả hè sạt lở, hay lối đi bị nước sói mòn, dọn cỏ xung quanh nhà, phát lại cái hàng rào dâm bụt trước ngõ. Nói chung là làm sao để ngó vào nhà thấy khang trang hơn, bớt đi cái vẻ hoang hoá.

Siêng hơn, chúng tôi theo những người lớn vào rừng, tìm cho gia đình cành hoa mai rừng về trưng ngày tết. Gặp khu mai nhiều thì tha hồ mà lưạ xem cành nào nhiều nụ, nhiều lộc. Còn hiếm thì mót đại cành nào cuả ai đó chê. Xong ngồi lặt lá bỏ đi cho nhẹ, rồi lấy củi đốt cái gốc cành mai cho cháy đen thui. Vác về kiếm cái thùng cho nước vô đặt cành mai vào cho nó tươi tỉnh lại, mai mới kiếm lọ đặt lên bàn chờ tết đến coi hoa mai nở.

Chỉ đến 30 tết mới phải lo nhiều việc. Ấm chén phải mang ra rưả lại. Hầy, ngày đó đâu đã có những hoá chất chế biến ra các loại thuốc tẩy rưả này nọ. Để rưả sạch mà trắng bóng, chúng tôi lấy ít tro bếp trộn cát nhiển rồi trộn nước mà chà. Cái khay nhôm, cái bình tích nhôm trở nên sáng trắng bóng. Những cái ly thuỷ tinh cũng trong veo trong vắt, đặt lên bàn cũng cảm thấy sạch sẽ bắt mắt lắm. Rồi lấy cây cột cán chổi cho dài đi khều mạng nhện, bụi bặm trên cao, moi móc quét nhà, giặt mùng, giặt chiếu. Chiều đến, chúng tôi còn phải đi gánh nước đổ đầy các thùng phuy, thau chậu. Me tôi muốn mọi thứ phải đầy tới ngày đầu năm, mà chẳng gì bằng nước, cái này đâu có mất tiền bạc gì mua đâu mà để nó vơi chứ nhỉ? Chỉ hơi mất công đi gánh về đổ cho đầy.

Bàn thờ cũng được phủi bụi, chân đèn, lư hương chùi bóng sáng loá, hoa quả xinh tươi. Hình ảnh trên bàn thờ cũng được lau chùi cẩn thận với cả lòng thành kính.

Dưới bếp cũng phải dọn, vét bớt tro, kê lại kiềng ngay ngắn. Củi đóm cho ngày tết cũng được chúng tôi chẻ sẵn sàng xếp ngay ngắn một chỗ gần bếp. Kỵ nhất là thiếu lưả và cũng kỵ nhất là ngày đầu năm có người đến xin lưả. Ngày đó ba cái diêm quẹt chưa nhiều. Cái quẹt bằng đá lưả, đổ xăng có bấc cho dễ bắt lưả. Vậy mà không hiểu tại sao thời đó người ta vẫn không sắm được, ngày nào cũng phải sai con cầm đèn sang nhà hàng xóm xin lưả về nhóm bếp!

Nhà cha mẹ tôi giầu con nên nghèo cuả. Nghĩ lại những bậc làm cha mẹ nghèo mà đến tết lo cho mỗi đưá con một bộ đồ mới cũng đã tốn bộn tiền. Rồi còn làm sao có bưã cơm đầu năm cho thịnh soạn.

Tôi thường nghe mẹ tôi kể chuyện người ta sống và đón tết như thế nào, để gián tiếp dậy dỗ chúng tôi, những kiêng khem ngày tết mẹ tôi cũng cố thực hành, để cầu mong qua năm gia đình có khá hơn không. Nay ngồi nghĩ lại thấy thương cha, thương mẹ với cảnh cơ hàn năm tháng cũ, nay muốn báo đền, nhưng hỡi ôi các ngài đã không còn!

Ngày 30 năm nay lại về, chúng con viết lại vài dòng tưởng nhớ, và chỉ còn biết thắp nén hương dâng lên tổ tiên, ông bà, cha mẹ với cả một lòng thành kính, biết ơn.

Ngày 30 cuối năm Kỷ Sửu.

22 comments:

  1. Xuân này con về Mẹ ở đâu. Nhạc Trịnh Lâm Ngân.

    ReplyDelete
  2. Người bên Lương hôm nay rước ông bà về cùng ăn tết đó anh Minh.

    ReplyDelete
  3. Chúc chủ tịch năm mới an khang thịnh vượng

    ReplyDelete
  4. Ai cũng nhớ đến tổ tiên ông bà những ngày này cả.

    ReplyDelete
  5. Cám ơn quanviahe và chúc bạn năm mới vui nhiều.

    ReplyDelete
  6. Thân tặng một bài thơ tết năm cọp " Canh Dần 2010"

    CHÚC TẾT NĂM CỌP

    Đón tết tây rồi lại tết ta
    Chúc cho Tổ Quốc được thăng hoa
    Sớm đem hạnh phúc cho dân chúng
    Mau đón tự do tới mọi nhà
    Đất nước chóng qua thời Đảng trị
    Người người mau thoát cảnh cùm tra
    Hùm thiêng đuổi tuyệt loài trâu chó
    Trăm họ mừng vui cảnh thái hòa

    ReplyDelete
  7. Năm mới chúc chủ tịch sức khỏe và hạnh phúc

    ReplyDelete
  8. Bác ct kể chuyện "ngày xưa" của bác, sao mình nghe giống của mình quá, y khuôn.
    Thấy như mới đây thôi, mình còn cầm cái đèn hột vịt chạy sang nhà hàng xóm xin lửa.
    Thật là những ngày xưa thân ái.

    ReplyDelete
  9. nhà em thì ba má không cho quét rác từ trong nhà quét ra cửa ba ngày tết nữa đó anh. :)

    ReplyDelete
  10. TRƯỚC THỀM NĂM MỚI, EM CHÚC ANH & GIA ĐÌNH XUÂN CANH DẦN AN KHANG, HẠNH PHÚC & VẠN SỰ NHƯ Ý - CÁT TƯỜNG ...
    TOMMY

    ReplyDelete
  11. Chuyện cổ tích của bác Minh làm em chạnh lòng nhớ về những ngày Tết năm xưa .
    Còn nghe thoang thoảng đâu đây mùi hương nồng nồng của bồ kết cháy xém . TRong Nam , có tục chiều 30 nấu nồi nước lá sả , lá bưởi , lá chanh để tắm sạch sẽ thơm tho , tẩy trần đón Tết . Màn lấy tro bếp chùi sạch nồi niêu soong chảo , ly tách , ngày xưa em làm thấy bà nội luôn .Rồi ngồi chàng hảng ra rửa lá dong , ngâm dây lạt , lựa nếp , lựa đậu xanh , lột hành lột kiệu . Cực nhưng mà vui lắm .
    Em còn nghe đâu đây , mùi vải mới của bộ quần áo còn gấp nếp Má sắm cho tới Tết mới được mặc .Cây mai trồng trước sân nhà , có những nụ mai he hé , như chờ đến giờ khắc của ngày đầu năm mới bừng nở những cánh hoa mãn khai . Nhà trông cây mai , nên em không phải đi kiếm mai như bác Minh . Nhưng Ba Má em ít con , 2 đứa , em lại là chị Cả , nên Tết là bao nhiêu việc đến tay mình .
    Ngày 30 , thắp nén hương ,thành kính lắm bac Minh ạ .
    Em lại có thói quen , đêm 30 đi ra Chùa gần nhà hái lộc .( Em Công giáo toàn tòng mà lại có thói quen này mới lạ ) . Từ ngày xa quê , bỏ mất thói quen này .

    Chúc anh chị Minh một năm mới an khang thịnh vượng , hạnh phúc bên đàn con đám cháu vui vầy .

    ReplyDelete
  12. @Ngocyen. Thì mình cùng một phong tục mà. Có điều ngày tết đi xin lưả họ chửi thầm cho đó:))
    @thanhthaoly. Mình thì ngày Mùng Một còn không được quét nhà.
    @Tommy. Chúc Tommy năm mới như ý nhé.
    @vphu0ng. Vậy thì chuyện cổ tích này có nhiều nhân vật nhỉ. Nhà mình chưa bao giờ gói bánh nên không có cái khoản rưả lá dong, ngâm lạt:))

    ReplyDelete
  13. Doc den do day nuoc vao be o nha anh Minh viet lam em nho ba Ngoai qua, Tet cua ngay xua ngheo ma am cung . Chieu 30 ben do gia dinh vui anh nhe !

    ReplyDelete
  14. Em cũng biết gội đầu bằng bồ kết đó anh ạ . Nghe một thủa nghèo khó đã qua mà chạnh lòng !

    ReplyDelete
  15. Gia đình 7 anh em trai,má em thợ may ,may 7 cái áo sơmi một loại vải và 7 cái quần tây một loại vải.,chỉ có kich thước khác nhau thôi.Mổi đứa giử kỷ bộ đồ kiểng trong năm,chỉ lấy ra mặc cho chuyện gì đó quan trọng.chờ tới năm sau thì có một loạt đồ kiểng mới.
    Em lại nhớ tới má em rồi đó.

    ReplyDelete
  16. Vậy là nhà Nam mặc đồng phục (uniform) ha?

    ReplyDelete
  17. thật ra gội bằng trái bồ kết là ok nhất đó anh,,,,hồi đó em cũng thix gội trái bồ kết,,nhg giờ hem ai bán nữa rồi,,,,và có lẽ thời đại thay đổi nhiều, nên ng ta cũng lười hơn đó anh,,,dầu gội đầu sẵn có,,,ai mà nướng trái bồ kết và nấu để lấy nước gội nữa đâu,,,hix,,, entry này làm em thấy thương cha mẹ nhiều hơn,,, năm nào em cũng có áo mới và nhg~ ngày tết dzui dzẻ thịnh soạn...hixhix,,,dzi mà em có bít làm gì cho cha mẹ đâu,,,ngoài chuyện bít vâng lời thôi,,,hix,,,saigon ngốc

    ReplyDelete
  18. Ba em cảnh sát Má em thợ may,đám tụi em giống như 7 thằng lính nhỏ.Trường thiếu sinh quân dưới chân núi lớn Vũng Tàu còn phải phục 7 thằng nhóc nhở tụi em đó anh.hihihi

    ReplyDelete
  19. Anh nhắc lại y xì những việc Gió cũng làm hồi nhỏ ... Bây giờ không còn nữa vẫn bồi hồi nhớ anh M nhỉ

    ReplyDelete
  20. @Hoacucvang. Có thể nhờ các cụ kiêng vậy mà đời mình có khá hơn một chút nhỉ?
    @Hoaloaken. Bồ kết hồi đó là thông dụng mà, gội đầu với nước ấm ấm cũng thấy nhẹ hẳn đầu.
    @Hothu. Thì ra ai cũng một thời bồ kết.
    @Nam64 vậy là dân Vũng Tầu à?
    @Gioheomay. Tưởng chỉ có mình chứ ra ai cũng vậy nhỉ?

    ReplyDelete
  21. Đúng đó anh,nhớ hồi học lớp 4 và 5 ,thầy của em từng dạy trong trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu,ổng nghiêm và dử lắm (bạn của ba em)

    ReplyDelete
  22. Chuyện xửa chuyện xưa....lại nhớ cái ngày em còn nhỏ cứ thick lăng xăng phụ tướt nan, lau lá dong và sắp vô khuôn cho ba gói bánh chưng, rồi mấy anh em quây quần quanh bếp lửa... Bây giờ thì muốn ăn chạy ra chợ, hay siêu thị thì đã có bánh trưng chất cả đống, có quanh năm chứ chẳng cần xuân về....

    Lai nhớ....

    ReplyDelete