Monday, November 18, 2013

19/11/13. Kể chuyện sờ.. voi. Người khuyết tật ở Úc.

Người khuyết tật (disability)

Hôm bữa mình về Việt Nam thăm nhà. Trời trưa nóng bức, mình cũng áo thung quần lửng, lững thững sang nhà chú hàng xóm nói chuyện và xem chú ấy sửa xe đạp.

Cứ nhẩn nha kể, chú ấy nói em mua được cái xe hai bánh, tính đi xin cái bằng lái, mà hồ sơ thi lái xe phải đính kèm phiếu khám sức khỏe, mà em thì thiếu mất một bàn chân, đi chân gỉa, bác sĩ không cấp giấy chứng nhận sức khỏe, cho nên không có hồ sơ để xin thi bằng lái, thế là em cứ chạy xe bừa!

Rồi tôi còn nghe cái quyết định quái gở là những người thiếu cân, ngực lép là không đủ sức khỏe để lái xe. Hồi tôi còn ở quê, chắc nghe những cái quyết định ấy chắc cũng cho là rất bình thường, là để cho an toàn giao thông.

Qua đến nước người, xe cộ đông như nêm cối, tôi cũng phải lái xe như mọi người, đi thi lấy bằng lái xe mà chẳng có phiếu chứng nhận sức khỏe gì cả. Chỉ có khi đi thi, phòng thi khám cái mắt mình xem có nhìn thấy rõ không là được cho thi.

Đấy là những người bình thường như tôi. Thế còn những người khuyết tật, thiếu chân, thiếu tay thì sao? Thưa, họ cũng vẫn được lái xe như người bình thường miễn là họ thi và lái xe được, và cái xe của họ đã được chỉnh sửa sao cho họ có thể điều khiển dễ dàng. Họ cũng được cấp một cái thẻ có hình chiếc xe lăn để bỏ trên cái hộp phía trước bên trong kiếng xe.

Tôi đã gặp một người thiếu hai bàn tay lái xe. Chiếc xe của ông ta được gắn thêm một cái núm trên tay lái để ông móc cái móc đã ráp sẵn vào tay ông để có thể lái xe được, và cái cần sang số cũng được chế thêm để ông điều khiển nó dễ dàng. Đương nhiên là phải đúng với tiêu chuẩn an toàn của nha lộ vận. Nói chung thì cũng rất dễ dàng.

Tại tất cả các công tư sở, shopping chỗ nào cũng có nơi đậu xe đặc biệt dành riêng cho người khuyết tật ở nơi gần và thuận tiện nhất cho xe họ ra vào để đậu. Những ngôi nhà có nền cao, họ phải làm thêm một con đường thoai thoải cho những chiếc xe lăn dễ dàng lên xuống nữa. Đường cũng phải có tay vịn vững chắc bên phía thấp để tránh xe bị rớt xuống. Kể cả những trạm xe.

Người khuyết tật đương nhiên được hưởng những phúc lợi mà xã hội đã dành sẵn cho họ, về tài chánh, về nhà ở, trường học cũng dành riêng cho người khuyết tật, xe đưa rước đến trường và về nhà, sân chơi thể thao riêng, thứ nào cũng ưu tiên. Các nơi công cộng chỗ nào cũng có nhà vệ sinh dành riêng cho họ. Nói chung, họ chẳng phải lo nghĩ gì cho vấn đề mưu sinh.

Thế nhưng, người khuyết tật có phải đi kiếm việc làm không? Thưa không, nhưng có ai đó trong số họ muốn đi làm, thì nhân viên an sinh xã hội cũng cố tìm cho họ một việc gì đó để họ làm. Họ đi làm cho có việc để họ khỏi có mặc cảm thừa, làm không cần hiệu qủa hay năng xuất, làm cho vui.

Tại các con đường dành cho người đi bộ. Họ gắn sọc nổi và chữ nổi cho người khiếm thị dùng tay và gậy dò đường để đi, sọc ngang ngắn thì đi tới mà ngang dài là băng ngang đường, thêm tín hiệu chuông cho người mù qua đường ở giao lộ lớn. Những người khuyết tật được xã hội và mọi người đối xử thật bình đẳng và tôn trọng. Các phương tiên công cộng cũng có những chỗ dành cho người đi xe lăn.

Vào mùa thăm hỏi cuối năm (Season’s Greeting card) thường ta hay nhận được những tấm thiệp mẫu được làm từ những hội người khuyết tật, họ vẽ bằng chân, họ vẽ bằng miệng những tấm card rất đẹp bán lấy tiền cho quỹ của hội, đó là những sinh hoạt rất vui thú của họ.

Những đại hội thể thao lớn như Olympic, có đủ mọi môn thi dành riêng cho họ mà chúng ta được xem họ trình diễn thật tuyệt vời, những người còn đủ tứ chi, lành lặn chưa chắc đã có thể trình diễn được như thế nếu không phải là các lực sĩ, vận động viên nhà nghề.

Với sự giúp đỡ và được chút ưu tiên. Đời sống của những người khuyết tật tương đối giúp họ có cuộc sống vui.

No comments:

Post a Comment