Tuesday, May 27, 2014

27/5/14. Sinh họat với cựu chiến binh Úc.

Như hôm qua có viết về chuyến đi thăm căn cứ Hải quân Hòang gia Úc. Buổi chiều, chúng tôi được mời đi ăn ở Hội quán của Hội cựu chiến binh Úc ở Frankston và sinh họat với họ trong suốt buổi chiều, xin kể mời quý vị cùng đọc.
Khu chính



Từ Crib Point, chúng tôi lên xe đi ngược lại Frankston khỏang 27 km, để đến hội quán của Hội cựu chiến binh Úc khu vực Frankston ăn trưa.

Từ đường nhìn vào hội quán, nơi sân cờ đã thấy lừng lững hai lá cờ Úc và Việt Nam Cộng Hòa kéo lên trên hai cột cờ và đang nhẹ bay trong gió. Bên dưới trước đài tưởng niệm có những tấm bia lớn nhỏ ghi tên tuổi các cựu binh Úc trong khu vực địa phương đã hy sinh chung quanh tấm bia lớn có khắc hình hai chiếc tầu HMAS Sydney II và HSK Kormoran trên bức tường gạch. Phía trước một chiếc mỏ neo rất lớn.
Bia tưởng niệm

Xe chúng tôi đến, vị đại diện hội đã ra tận xe để bắt tay từng người và tặng mỗi người một tấm huy hiệu thủy thủ nhỏ, để gắn vào ve áo làm kỷ niệm. Sau đó, họ mời chúng tôi vào hội quán, những bàn ăn đã được chuẩn bị sẵn dao nĩa, giữa bàn có đặt một huy hiệu thủy thủ lớn hơn, nhưng thức ăn thì phải đợi nhà bếp chuẩn bị và chúng tôi sẽ được mời theo thứ tự xếp hàng đến quầy lấy thức ăn.
 
Biểu tượng thủy thủ
Chúng tôi vào ngồi ngay bàn gần cửa, có cặp vợ chồng cựu chiến binh Úc và một người nữa đến xin cùng ngồi cho vui, vì bàn nào cũng ngồi chen kẽ như vậy cả. Chúng tôi bắt tay nhau và tự giới thiệu về mình cho cả bàn cùng biết. Người chồng người Úc ngồi bên tôi là lính bộ binh, từ Tân Tây Lan qua. Chồng uống rượu đỏ và vợ thì uống rượu trắng. Mỗi người tùy thích chọn mua thức uống, tôi và bà xã mỗi người một chai bia Crown.

Mình ngồi bàn ngòai gần với quầy lấy thức ăn nhất, nhưng người điều hành chung lại mời bàn trong cùng đến lấy thức ăn đầu tiên và, bàn tôi là bàn cuối cùng được nhận thức ăn. Bà đầm ngồi cạnh tôi kêu đói và cười cười nói: ông chồng bà thường ngồi bàn nào thì bàn đó sẽ nhận thức ăn cuối cùng và cười.
Bàn khách và ta

Trước hay sau gì rồi cũng đến lượt chúng tôi, người điều hành đến mời chúng tôi đi nhận thức ăn. Đứng xếp hàng tới phiên thì mấy người nhà bếp đã lấy đĩa hỏi mình ăn thịt trừu hay heo, mấy miếng? Vì thịt họ đã thắt lát mỏng vừa ăn, rồi một củ khoai tây bọc trong giấy bạc nướng, đâu ve hấp, bí đỏ hầm, cà rốt và một miếng da heo chiên dòn cứng, bước sang bàn bên có người rót nước sốt và mình chọn lấy bánh mì. Họ còn mời nếu muốn ăn nữa cứ tự nhiên quay lại để lấy thêm.
Nhảy cho vui

Nhìn đĩa thức ăn là biết cái bụng vừa no rồi. Món ăn tây, nhưng nấu nướng cũng vừa miệng, ăn ngon mà có rau, có củ, có quả nên ăn ngon mà không ngán.

Mọi người còn đang nhâm nhi thì trên sân khấu, người ca sĩ cũng độ tuổi chúng tôi, những người lính đã từng tham chiến ở Việt Nam lên trình bày những nhạc phẩm thời thập niên 70 của thế kỷ trước. Mấy người Úc nhẩm hát theo trong cái thú vị tưởng nhớ về một thời đã qua. Vài người đã ra sàn nhảy, vài người khác thì vừa phục vụ vừa nhún nhún thật tự nhiên, không khí thật là vui.

Người điều hành đến từng bàn khẽ nói mấy chàng Úc ngồi ở bàn có trách nhiệm dọn đĩa và dao nĩa cho cả bàn. Rất vui vẻ và ý tứ, nên khi có ai ăn xong thì họ tự động đứng dậy xin dọn dùm ngay để lấy chỗ uống trà.
 
Ta cùng vui
Có hai chị mang số đi bán, tặng phẩm thì nhiều. Mọi người vừa ngồi thưởng thức ca nhạc, vừa nói chuyện vừa nhảy nhót tùy theo ý thích của từng người. Ai cũng mua một vé cho vui.

Lúc này nhà bếp đã cất thức ăn dư đi và họ đã dọn ra các lọai bánh ngọt ăn tráng miệng. Họ bày ra bàn tới mấy lọai bánh để ai thích lọai nào thì họ sẽ cắt phục vụ cho thực khách theo yêu cầu.

Đến phần rút số, các cùi của vé số bán rồi họ xé cùi rồi bỏ vào trong thùng kín để quay, ai trúng khi lên lãnh giải thì rút dùm số kế tiếp. Hình như bàn nào cũng có tới hai ba người trúng số. Qùa nhiều đến độ tôi là người mà ít có khi nào trúng số, ấy thế mà hôm nay cũng được lên nhận giải. Rượu nhiều lọai qúa nên chẳng biết chọn lọai nào, tôi lấy một xâu bia Crown vậy.
Vui cùng nhảy

Ai cũng vui thật vui với một ngày Chủ nhật. Giờ cô ca sĩ vui hơn với những bài hát trẻ trung hơn, máu trong những ông bà già trên dưới 60 hoặc hơn nữa đã không còn êm dịu luân lưu, mà rần rần cả lên, họ bước ra khỏi bàn làm một vũ điệu rồng rắn, vừa đi vừa lắc lư theo điệu nhạc, mặt ai cũng tươi vui làm cho những vết nhăn biến mất, một vòng, rồi hai vòng. Khi tiếng nhạc vừa dứt tiếng vỗ tay vong dội cả cái hội quán xinh xinh mà ấm cúng.

Thời gian cho vui chơi kể đã dài. Đường về cũng còn xa, nên 4 giờ 30 chiều, mọi người lại lưu luyến chia tay. Lại lên xe và chủ nhà là những người Úc thật hiếu khách đã ra tiễn khách Việt Nam tại cửa xe và hẹn gặp nhau ngày này năm sau. Đâu cũng nghe lời Bye Bye, see you again.

Bye

No comments:

Post a Comment