Monday, October 27, 2014

28/10/14. Tôi đi Mỹ bài 9. Người đồng hương Bùi Chu.

Hôm trước tôi đang kể chuyện thì lại có công tác. Nay xin kể tiếp, ngoài cái diễm phúc là tôi được gặp anh em, tôi lại có lộc gặp được các người đồng hương, bạn bè trên đất California nữa. Gặp không chỉ qua loa mà gặp với dấu ấn khó quên được, gặp còn lưu lại trong tôi một tình cảm thật đặc biệt..



Người Bùi Chu ở Nam California.

California gồm có hai miền, Nam Cali (gọi tắt theo người Việt Nam mình) và Bắc Cali. Theo như những câu chuyện qua trao đổi mà tôi ghi nhận được thì ở Cali có nhiều người gốc Giáo xứ Bùi Chu sinh sống.



Tuy nhiên, California đâu có nhỏ bé như một tỉnh bên quê nhà mình đâu. Cali có diện tích không thua kém gì Việt Nam, nằm ở bờ biển phía Tây của nước Mỹ . Người Bùi Chu sống ở khắp nơi trong cái Tiểu bang to lớn Cali này, suốt từ Bắc chí Nam Cali, chưa kể có cả những người Bùi Chu sống ở vùng Bakersfield nằm giữa đường đi từ Bắc xuống Nam Cali.
Chị Cao Thị Thoa

Như đã kể sơ, khi tôi đặt chân đến Cali, người Bùi Chu đầu tiên đón tiếp chúng tôi là chị Thoa Hoàn, chị đi cùng người em tôi, để giúp anh em tôi dễ dàng nhận ra nhau hơn, vì mặc dù là anh em con chú con bác, nhưng thời gian xa cách cũng hơn 40 năm chứ đâu có ít ỏi gì.
Bác Đương và bác Sơn.

Biết tin tôi đến Cali, gia đình ông bà Trần Văn Đương cũng liên tục gọi hỏi thăm và ngỏ lời mời đến nhà. Sau một đêm ngủ tại nhà anh chị Hoàn Thoa, gặp các cháu và hưởng được sự thân thiết bạn bè, tình đồng hương và cả sự hiếu khách đặc biệt dành cho chúng tôi. Hôm sau chúng tôi đến thăm chào ông bà Đương, ở đây chúng tôi lại có dịp gặp được toàn thể đại gia đình ông và thêm gia đình ông Sơn, Cường, Thọ vv. Vì chúng tôi thật sự là con cháu trong gia đình mà lâu lắm mới có dịp gặp nhau.

Trong tuần lễ đầu ở Cali, chúng tôi được ở nhà anh chị Hoàn Thoa. Với tuổi hưu trí, anh chị ngoài việc giúp con đưa cháu đi học, anh chị tham gia sinh hoạt trong chương trình “Thăng Tiến hôn nhân” thực hiện “phúc thật tám mối,” giúp nhau, giúp người hòa thuận là niềm vui của anh chị.

‘Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.’ Các cụ mình dậy như thế, trong những ngày ở nhà anh chị, chúng tôi học được rất nhiều điều. Chúng tôi đi dự các Thánh lễ ở nhà thờ Mỹ, để thấy người Mỹ sinh hoạt tôn giáo ra sao.

Biết chúng tôi bị cái giờ giấc nó hành, anh Hoàn đã tình nguyện nấu nướng nhiều món đặc biệt quê hương bồi bổ cho chúng tôi. Chưa hết, thấy tôi to con tốt tướng, chị Thoa sợ tôi đi nhiều sẽ mệt nên đưa cho tôi hộp sâm Đại Hàn nói tôi uống cho khỏe để có sức mà đi chơi. Thật quý hóa qúa sức đối với chúng tôi.

Chưa hết, các cháu con anh chị Hoàn, thấy chúng tôi là khách của ba mẹ, mà cả đời chúng cháu mới gặp, nên khi nào gặp cũng hỏi chúng tôi đã đi được đến đâu, và cố vấn cho chúng tôi những nơi cần đi xem ở Tiểu bang California. Tuần cuối, thấy chúng tôi chưa đến thăm Khu Disleyland, cháu Trâm đã dành hẳn một ngày để dẫn chúng tôi đi thăm khu vui chơi nổi tiếng ở trên nước Mỹ và tính cả trên thế giới này.

Ông bà Trần Văn Đương cũng ở Nam Cali, nhà lại ngay khu Wesminter, khu này cũng đông người Việt, cách khu Bolsa cỡ chừng 4 cây số. Lúc còn ở Úc, tôi gọi hai bác hỏi thăm, ông bà nói sang đây ở nhà bác, nhà bác có phòng. Muốn đi đâu cũng có xe chở đi nữa, nhà đông người mà. Còn dám lái xe thì nhà cũng có xe dư cho tôi lái.

Tuần cuối, chúng tôi lên nhà hai bác ở trước khi về Úc. Sau giờ đi làm về, mọi người lại quây quần chung quanh bàn ăn, có ông bà, con cái và các cháu thật đông vui hòa thuận mà đầm ấm, chúng tôi được hưởng niềm vui gia đình ở đây. Những lúc rảnh, bác nói chị Nga chở chúng tôi đi biển cho biết biển Cali về đêm, chở chúng tôi ghé viếng tượng Đức Mẹ bên ngoài ngôi chùa “tu viện” Tầu.

Ngôi chùa này trước kia là một tu viện Công giáo, ngôi nhà lớn và khang trang nằm ngay góc đường, một mặt quay ra hướng biển trên đường tới Long Beach. Không biết vì lý do gì mà họ bán. Người Tầu mua và biến thành ngôi chùa Tầu, tuy không thay hình đổi dạng, chỉ có mấy chữ Tầu lớn ngay cửa chính, còn lại thì cũng giống như những ngôi nhà lớn chung quanh.

Nghe kể, trong lúc sửa sang lại để biến tu viện Công giáo thành chùa, người ta đã di dời hầu hết các tượng ảnh bên trong. Duy có tượng Đức Mẹ là họ không thể di dời đi được. Nghe chuyện lạ, nhiều người đã đến viếng. Nên nhà chùa cho xây dựng một tượng Đức Mẹ phía ngoài tường rào ngay phía sau bức tượng bên trong. Còn bức tượng bên trong, họ hạn chế giờ kính viếng của mọi người.

Lúc chúng tôi đến đây, trước bức tượng thấy hoa tươi và đèn được khách viếng dâng thật nhiều, và cũng có những người đến viếng và đọc kinh dù trời đã tối. Tượng Đức Mẹ được đặt trên bệ phía sau có trang trí bức tường làm theo chiếc vỏ sò, tất cả một màu trắng toát. Tiện đường đi chị Nga chở chúng tôi băng ngang Cầu Long Beach, một cây cầu treo bắc ngang qua khu Cảng Long Beach. Ở Cảng Long Beach cũng có những con tầu chiến về hưu, những chiến hạm thời Đệ Nhất Thế chiến đậu tại cảng làm viện bảo tàng mở, để cho khách đến thăm.

Kế đến là Mr. Xuân, tôi liên lạc với Xuân qua trang Face Book, tôi hỏi Xuân có ở California không và ở chỗ nào? Xuân nhanh nhẹn cho tôi biết là cũng ở Cali và gần Khu Phước Lộc Thọ. Lại còn nhặn khi nào đến Cali thì gọi số phôn 714...


Khi tôi gọi Xuân, Xuân hỏi thăm tôi có ngày nào rảnh trong tuần sẽ tổ chức một buổi họp mặt với một số anh em Bùi Chu tại nhà Tân Cậy. Thế là chúng tôi chọn vào chiều Chủ nhật sẽ gặp nhau.

Nhờ có Xuân mà mấy anh em mới có dịp gặp nhau, nào Hiển, Thoại, Tân, Cậy cùng gia đình Xuân, nhưng có lẽ vui nhất là gặp được bà Khoản.


Một mâm cỗ mang đậm nét quê hương, nào nem Bắc, dồi gỉa cầy, dạ sách, bánh đa và đĩa rau sống với những nhánh rau thơm mới tươi tốt làm sao, nhìn đủ mê tơi rồi. Chưa kể đĩa lá sung kìa, ăn với nem Bắc thật là đúng vị. Nói như ông Lê Chấn Hùng thì đang ngồi nhậu, mà Thiên Thần có bay ngang qua cũng phải khen là: các con biết ăn.

Uống một vài hớp bia vào, anh em mới lôi chuyện ngày xưa ra kể, chuyện đá banh, chuyện đi ruộng, chuyện đoàn thể và cả cái chuyện quan trọng mà ai cũng muốn biết là: tại sao tôi lại có cái tên Minh Vồ? Một người hỏi thôi mà nhiều người cùng muốn tôi trả lời, vì ai cũng có cùng cái thắc mắc như vậy.

Thắc mắc này nhằm đúng vào cái máu tếu có sẵn trong người. Thế là tôi trở thành ông “phán phịa.” Tôi phịa rằng, ngày đó tôi đi kháng chiến trong rừng, được phân công về tổ y tế ở “Cục Rờ” thấy tôi tốt tướng, mỗi khi có ca phẫu thuật nào đó cần gây mê mà đơn vị không còn thuốc. Bác sĩ trưởng ca mổ đưa tôi cái vồ kêu đập đầu bệnh nhân cho ngất đi để tiến hành phẫu thuật. Từ đó, vâng từ đó, tôi có tên “Minh Vồ.”

Mấy chú em nghe cười như muốn vỡ nhà, nhưng Tân nói anh Minh đùa, chứ anh Minh là lính Việt Nam Cộng Hòa cơ mà. Lại cười, cho đến khi bà cụ Khoản được cháu chở ở nhà ra quán để cho chúng tôi gặp chào bà. Bà cụ nhỏ người nhưng còn nhanh nhẹn lắm, tính hài hước ẩn trong tấm thân gầy chắc vui lắm khi gặp lại chúng tôi, những người cùng quê, cùng xóm, mà xa cách nhau cũng hơn hai chục năm qua rồi.


Bà gỉa vờ như không nhận ra chúng tôi, nhưng lại nói miệng tôi nhìn giống bà cụ thân sinh ra tôi. Biết bà vui đùa, chúng tôi nhắc đến những người đồng hương bên Úc, bà gửi lời thăm hỏi. Vì đường về có xa, chúng tôi phải lưu luyến chia tay và hẹn, khi nào chúng tôi đi ăn cưới ở bên Kentucky về, phải gặp nhau bữa nữa chứ? Ừ, nhất định phải gặp, nhớ nhé..

Còn tiếp...

No comments:

Post a Comment