Wednesday, November 14, 2007

Chuyện Melbourne (Bài 2)

Này, Bạn biết không, nãy tôi quên chưa kể về cái sự bốn mùa trong ngày, năm vừa rồi đang Mùa Hè mà có tuyết rơi nha, cũng may là cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không còn, chứ trong bản hát “Không bao giờ ngăn cách” ông chẳng đã viết rằng: “Không bao giờ, không bao giờ giữa Mùa Hè tuyết rơi!” đấy sao? Và ông đã lầm vì Mùa Hè ở Melbourne tuyết đã rơi.

Thế bạn muốn hỏi tôi ở Úc Mùa Đông có tuyết không chứ gì? Thưa rằng ở Úc có tuyết, nhưng chỉ có ba tiểu bang ở miệt dưới có tuyết mà thôi. Chỗ tôi ở có tuyết, nhưng phải đi ít nhất 100km lên núi mới có, nhưng muốn được chơi với tuyết cho thoả thích thì phải đi xa hơn, xa nhất là 500km lận, ở những vùng núi cao, tuyết rơi dầy tính đến hàng thước. Đi chơi núi tuyết cũng đã được coi là một dịch vụ kinh doanh du lịch cho mọi người. Dân sống ở vùng nhiệt đới như anh em mình, do lạ nên cũng muốn được đi coi tuyết xem nó ra làm sao. Thế mà thú thật nhá, tôi đã đi chơi xa cách chỗ tôi ở đến vạn dặm rồi đó, thế mà tôi chưa từng lên núi tuyết đấy, bạn có tin không? Nhưng thật tình tôi chưa đi đến đó thật, chỉ có lần đi Sydney chơi, khi bay ngang qua khu vực núi tuyết, tôi nhìn xuống và thấy bạt ngàn một màu trắng tinh phủ đầy trên núi. Thế đi chơi núi tuyết có khó khăn lắm không? Bạn cũng muốn hỏi tôi thế chứ? Bởi vì nếu không khó sao tôi chưa đi? Thưa với bạn rằng dễ đi lắm, còn tại sao thì tôi chưa đi thì cũng hơi cà kê dê ngỗng một tí, nhưng gói gọn lại thì rằng thì là, chắc bạn cũng biết chứ, ở quê mình ai mà chẳng thế, những danh lam thắng cảnh đầy ra đấy mà có ai chiụ đi chơi đâu! Ai cũng bảo lúc nào thích đi mà chẳng được, ở ngay quê mình ấy mà, có khó khăn gì đâu. Ấy thế mà nhiều người trong chúng ta có nhiều nơi cũng gần nhà mà chưa từng đến đấy nhá! Cái sự đi núi tuyết của tôi cũng rơi vào tình trạng như vừa kể trên, chứ nếu muốn đi, bạn lái xe nhà cỡ 2 tiếng chứ mấy, còn đi với đoàn thể thì họ tổ chức hàng năm. Ai muốn đi thì phôn cho họ hẹn chỗ, đến ngày ra bến xe bus lên xe đi chơi một ngày trời có vài mươi đồng bạc, rẻ chán! Thế mà tôi chưa đi, chỉ tại vì tôi chưa đi mà thôi.

Còn thắng cảnh Melbourne thì sao? Phải nói thật là cảnh ở đây không đẹp bằng bên quê mình đâu, núi không cao, mà sông không lớn, sa mạc thì mênh mông, bình nguyên thì bát ngát, cây cối đa dạng, đúng là kì hoa dị thảo, tuy thiên nhiên không đẹp nhưng với bàn tay con người, mọi thứ đều được tô vẽ sửa sang sắp xếp để trở lên đẹp đẽ, sạch sẽ, quy củ, an toàn. Người ta đầu tư vào những thắng cảnh dữ lắm, nó là ngành kỹ nghệ hái ra tiền mà, lại chẳng mất mát gì, cho nên người ta qúi nó lắm, mạnh dạn đầu tư vào ít mà lợi nhuận lại cao. Có một điều này nữa, mới nghe tôi cũng thấy kì kì, Úc như một hòn đảo lớn, chung quanh được biển bao bọc, ấy vậy mà khi nghe người ta bảo: ‘’ Úc là một nước khô cằn nhất hành tinh, ai nghe cho lọt lỗ tai đây!’’ Thế mà đúng, cũng như đi biển mà chết khát vậy mà, bởi vì biển chỉ có nước mặn, mà nước mặn thì đâu có dùng để uống hay dùng cho sinh hoạt được. Mà Úc không có sông ngòi lớn nên nước ngọt rất hiếm. Vậy thì nước ở đâu cho mình dùng? Thưa người ta phải đắp đập trên núi để lấy nước mưa cho dân dùng, nhờ đó mà chúng tôi được hưởng nguồn nước trong lành nhất đấy nhá. Ngon thì ngon thật, nhưng năm nào hạn hán, trời không mưa, hay là có mưa, mà mưa ở chỗ khác, không mưa tại khu vực có hồ nước, thì ai cũng mang một nỗi lo chung là sợ thiếu nước để dùng, đôi khi mọi người cũng được nhà nước kêu gọi phải tiết kiệm nước đấy.

Rồi, giờ xin kể bạn nghe về người Úc. Đất Úc có từ nhiều ngàn năm về trước, diện tích lớn hơn nước mình đến 33 lần nhưng dân số hiện nay vào khoảng 20 triệu người, mới chỉ bằng gần 1/4 dân số quê mình. Người sống ở đây từ ngày có mảnh đất này nay được gọi là thổ dân (Aboriginal). Họ bây giờ chỉ còn được gọi là thiểu số, đời sống không được văn minh và sung túc như đa phần người Úc khác. Lịch sử lập quốc của Úc không lấy gì làm vẻ vang cho lắm. Khi nước Anh tìm ra vùng đất này hơn hai trăm năm trước, để khẩn hoang vùng đất bao la bát ngát này, họ đưa sang đây toàn những tù nhân và những thành phần bất hảo khác như một cách đầy ải biệt xứ. Đọc trong các sách sử, thời đó các quan toà bên Anh, rất nghiêm khắc và độc ác. Bạn có tin không, đói quá, ăn cắp một ổ bánh mì mà bị bắt cũng bị đầy qua Úc. Cũng vào thời điểm đó, sự đi lại rất khó khăn, các phương tiện giao thông còn ở vào thời kì sơ khai, tàu bè vượt đại dương để đến đây cũng phải mất đến mấy tháng trời, lênh đênh trên biển cả với tâm trạng của kẻ bị lưu đầy thì hỏi còn nỗi hoang mang sợ hãi nào hơn! Nên chắc cũng chẳng có ai phấn khởi gì khi bị đầy ải biệt xứ! Các người di dân đến Úc lập quốc ngày đầu là như vậy đấy.

Khi đã lên được đất liền, đời sống còn cơ cực hơn nữa, họ phải tự túc mưu sinh, không có những loại thực phẩm quen thuộc, họ sợ không dám ăn những muông thú xa lạ, nên cũng chiụ đói khổ triền miên. Cũng may cho những con vật trên xứ Úc này, chứ gặp được dân mình nhẩy? Chắc mấy chú Kangaroos đã tuyệt chủng từ lâu lắm rồi, vì dân nhậu ta có chừa thứ gì đâu! Gặp được thú vật lạ, các tay bợm của ta với tài chế biến, chắc chắn đã đưa chúng vào danh mục các món nhậu đặc sản, và đã đưa chúng lên trên bàn nhậu từ khuya. Cho đến sau này, khi họ đưa được các giống gia cầm, gia súc quen thuộc bên Anh qua như bò, cừu, heo, gà sang nuôi, kể từ lúc đó đời sống của họ mới được cải thiện. Đất cát mênh mông, với những kỹ thuật mới, với nền văn minh của cố quốc, chẳng mấy chốc người ta đã biến vùng đất hoang hoá trở lên mầu mỡ, sung túc, phú cường.

Sau Thế chiến thứ 2, người ta mới cho di dân từ các nước khác được đến đây lập nghiệp, nên nay ở Úc cũng đã có nhiều sắc dân sinh sống trên lục địa bao la này, nhưng hình như những người Tầu đã đến nơi này rất lâu, họ là những người đi tìm vàng. Trong những sắc dân ấy, người Anh là số 1, ai có nguồn gốc Anglo Saxon là rất ư hãnh diện vì họ là những thành phần đi khai hoang lập quốc mà lị; thế cho nên Úc ngày nay vẫn còn phụ thuộc mẫu quốc Anh, tiếng Anh là ngôn ngữ chính, nhưng vì nhiều sắc dân sinh sống nên được gọi là nước đa văn hoá. Nếu bạn được ban cấp thường trú nhân ở Úc, hai năm sau bạn có quyền xin nhập quốc tịch Úc. Có quốc tịch Úc bạn có quyền đi đến nhiều nước trên thế giới mà không cần xin phép nhập cảnh, kể cả bạn đi đến Mỹ.

No comments:

Post a Comment