Wednesday, November 21, 2007

Chuyện người cao tuổi ở Úc..

Hai bà gìa ngồi tán gẫu với nhau, bên mình gọi là ‘tám’ nhỉ? Cũng hết chuyện ta thì ra chuyện người, mà hết chuyện người thì lại lôi chuyện ta ra mà nói, mà chuyện ta thì còn chuyện gì ngoài chuyện chồng con, giống như bài hát của ban AVT ngày nào: bà bà đi bán lợn xề.. con tôi thế này, con tôi thế kia!
Sau một hồi kể tội con cái, một bà nói:
“Con với cái, cứ cái đà này, chúng mình chỉ còn trông cậy vào con người dưng nuôi nấng chăm sóc.” Bà kia trợn mắt nhìn bà này kinh ngạc than:
“Con ruột còn chả ăn ai, trông vào đâu mà con người dưng chăm sóc bà?”
Bà kia ngặt nghẽo cười hỏi lại:
“Vậy chồng bà không là con người dưng đấy hả? Không lẽ bà đẻ ra ông ấy!”
Vâng cũng chỉ là chuyện nói cho vui về các người gìa nơi xứ lạ. Ngày tôi còn ở quê, đã nghe người ta bàn tới sự, câm, điếc, mù khi qua xứ người, qua đây thấy cũng đúng, sang nước người ta mà không biết tiếng nước người ta thì hẳn phải là câm điếc. Do đó, mà nhiều chuyện hỷ nộ ái ố đã xẩy ra, khiến nhiều gia đình gặp cảnh lục đục thường xuyên do những hiểu lầm nhau về đời sống nơi xứ người những ngày đầu trên xứ Úc.
Nay mọi chuyện đã đi vào ổn định, người già có đời sống của người già, và người trẻ có đời sống trẻ, vậy người già Việt Nam ở Úc sống ra sao? Tôi xin kể hầu bạn bè biết sơ về đời sống của người gìa Việt Nam ở Úc nha.
Sau năm, ba năm hội nhập. Rồi những người gìa đã tìm ra những cách sống sinh hoạt phù hợp với tuổi mình, họ tìm đến nhau theo từng nhóm, tùy theo tôn giáo để sinh hoạt, để đi chùa, đi nhà thờ với nhau, đi du ngoạn, đi sinh hoạt thể thao, đi chơi lang thang thăm thú các nơi mà họ thích, khi ai đó đã biết rành một chút thì hướng dẫn lại cho nhau, để biết sử dụng các phương tiện, mà chính phủ dành phục vụ người cao niên, những hội mà người cao niên nên đến.
Nhờ vào dịch vụ chăm sóc người cao niên của chính phủ, mọi người ở tuổi trên 60 ngoài trợ cấp tài chánh, họ còn được hưởng nhiều tiện ích khác, như chăm sóc sức khỏe, đi lại, còn được các trung tâm xã hội giúp đỡ, cố vấn nhiều vấn đề mà các vị cao niên cần đến, thế là mọi gia đình đã có cuộc sống hài hòa, ở với nhau thì lục đục, ở riêng, nhà ai nấy ở lại tốt cho nhau để hàng tuần con cái đến thăm cha mẹ, chẳng còn sự va chạm thường xuyên về những điều không nên có. Và nhất là giữ được hạnh phúc riêng tư cho mọi người trong gia đình.
Người cao niên Việt Nam như đã kể từ độ tuổi 60 trở lên, nhận trợ cấp vì qúa khứ họ không làm việc trên đất nước này nên không được hưởng lương hưu. Trợ cấp hai tuần lãnh một lần, được trả thẳng vào sổ băng trong ngân hàng, người độc thân lãnh có cao hơn những người còn đủ đôi, đủ cặp. Tiền này được trả suốt trong thời gian sống trên đất Úc, nếu có đi ra nước ngoài, không qúa ba tháng, số tiền trên vẫn tiếp tục được nhận, (trước kia là sáu tháng) sau thời gian đó, số tiền mới bị cắt và sau khi trở về lại tiếp tục được lãnh. Tiền trợ cấp coi như đủ để sống như ăn ở và dư chút đỉnh để tiêu vặt.
Về y tế, thì khỏi phải lo kể cả những người mắc các chứng bệnh nan y hay kinh niên như tiểu đường vv. Bác sĩ khám miễn phí và thuốc thì mua với gía rẻ, nếu phải mua nhiều hơn 52 lần trong một năm, thì lần thứ 53 trở đi là được miễn trả tiền. Ở đời, có mấy thứ quan trọng trong đời sống như ăn ở, sức khỏe, thế mà tất cả đã có người lo cho rồi thì còn đòi hỏi gì hơn được nữa, phải không các cụ?
Ngoài những phần chính như kể ở trên, người cao niên còn được hưởng những dịch vụ giúp đỡ như đi lại, vé xe có giảm gía đặc biệt, trong ngày chủ nhận đi miễn phí trên mọi phương tiện chuyên chở công cộng, có vé đi chơi xa giảm gía, vé vào cửa các nơi có bán vé cũng giảm gía cho, lâu lâu còn được chính phủ tặng cho ít tiền cho vui.
Với những khoản phụ cấp kể trên, nếu những ai có gia đình hòa thuận sống chung, con cái nuôi nấng, các cụ dư gỉa rủng rỉnh tiền bạc để đi du lịch thăm thú mọi nơi trên thế giới. Còn với những người sống riêng lẻ thì cũng tạm đủ và ăn uống theo như người mình, tự nấu, tự ăn thì cũng dư ra được chút đỉnh.
Với những ai không hòa nhập được, thì cuộc sống ở đây là rất buồn, ở nhà thui thủi có một mình, không bạn bè thân thích thăm viếng, đời sống như một nhà tu nếu an phận, còn người lắm nghĩ, nhiều suy thì đúng như một nhà tù. Ai hòa nhập thì chẳng có thời gian để buồn, mỗi ngày lo ăn uống xong đến các nơi công cộng, đọc báo, đánh cờ, chơi bóng bàn, xoa mạt chược, tứ sắc, bài cào, cát tê vv thứ gì cũng có, hay đi học Anh văn, vi tính chơi, hoặc như kẻ hèn này ngồi viết lách vớ vẩn cho vui, còn lấy đâu ra giờ giấc để buồn đây các cụ nhỉ?

No comments:

Post a Comment