Monday, August 30, 2010

10:- Bằng hữu cũ (kỳ cuối) (Bước chân dung xấu xí.)


(Hình từ trái qua: Liêm, Quang, Minh, Ngọ, Thanh, Đường trước mộ Đạt.)
"Anh bạn dãi dầu không bước nưã.
Gục trên súng mũ, ngủ quên đời."
(Thơ Quang Dũng.)
Khi đi lính, tôi có Mai Thành Đạt. Nhà ở xóm chợ, gia đình tương đối, bố làm may, mẹ buôn bán. Chắc chắc cùng cỡ tuổi nhau, cùng đi đăng lính với nhau. Do vần abc, Đạt với tôi được xếp chung một tiểu đội, nên ăn cùng mân, ngủ cùng xạp, tập tành, tạp dịch chi cũng có nhau ráo trọi, nên thân nhau lắm. Khi đi lính, tôi vẫn còn khờ khạo, chưa ra đời bao giờ cả, nên chẳng khôn ngoan gì, Đạt cũng thế, nhưng mà sao hắn khôn hơn tôi nhiều. Một bưã, chúng tôi học chiến thuật qua sông. Đại đội kéo nhau ra dòng sông Thị Vãi sau Tỉnh Phước Tuy. Quân trang vũ khí được dậy cuốn vào bên trong cái Poncho để làm cái phao. Tôi với Đạt làm chung một cái, nhưng Đạt lanh hơn, nó nhờ vào một đứa khác để vượt sông, còn cái phao của chúng tôi để lại, sợ đồ bị ướt, tôi đứng coi. Tôi trốn không vượt sông vì không biết bơi nên sợ nước. Thế mà có thằng nó hởi mượn phao, tôi lại cho nó mượn. Đạt lên bờ, nó hỏi tôi:

“Đồ mình đâu?’’ Tôi nói cho mượn, nó vò đầu bứt tai chửi tôi sao mày ngu quá, nhỡ nó bị ướt, hay là nó để trôi mất thì sao? Ừ nhỉ, sao mình ngu thế! Tôi cuống lên đi kiếm đồ đòi lại, cũng may đồ còn nguyên vẹn cả không sao, hú hồn!

Bỏ lính nhảy dù. Chúng tôi về, đăng Nghiã Quân. Đạt thì có ý gia đình đăng Hải Quân, nhưng không nỡ bỏ tôi, hắn đành chiụ vào Nghiã Quân vậy. Hàng ngày, chúng tôi tà tà ở nhà. Đạt lúc nào cũng chỉnh tề trong bộ đồ hoa Nhảy Dù, lưng thắt thêm cái dây lưng to bản của lính gọi là (xanh tuya rông?) Đầu đội cái nón hoa rộng vành, chân đi giầy boot bóng láng. Không đi công tác thì không vào nhà tôi chơi, Đạt và tôi cùng kéo nhau vào nhà Rụ, chúng tôi cứ như hình với bóng.

Có một cái kỷ niệm không thể nào quên được. Đó là lần, chúng tôi đi gác bầu cử ở Ấp Tân Bình. Trưa Đạt về nhà ăn cơm. Vì tôi mang cây trung liên Bar, hơi nặng, có người kêu tôi đi tuần tiểu. Sẵn cây súng của Đạt để lại, tôi cầm mang đi cho nhẹ, súng ai người ấy quen, Đạt không bao giờ nạp đạn sẵn trên nòng súng, tôi thì khác, cầm súng là lên đạn, chỉ là do thói quen mà thôi. Nên khi cầm cây súng của Đạt lên, là tôi lên đạn. Hoàng Văn Đát cùng đơn vị chửi tôi: Súng nó không lên đạn, mày lên đạn, nó không biết, dễ cướp cò lắm à nha. Tôi nói ngang: Cướp cò mà không vào mình thì thôi; Đát nói: Sợ không vào ai mà vào mình mới bỏ mẹ chứ!

Chuyện tưởng chỉ có thế rồi thôi. Khi tuần tra xong quay về chỗ cũ. Đạt lên thay, Đát về ăn cơm, còn tôi với Đạt. Tôi để cây trung liên nằm dưới đất, Đạt gác cây súng của hắn lên trên súng tôi. Lúc đó, tôi cũng nằm nghiêng theo chiều cây súng, tay chống nạng gối đầu lên tay, cây súng Đạt nòng chiã thẳng vào ngực tôi, Đạt ngồi đối diện. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà tôi nói một câu rất ư là ngu xuẩn, tôi hỏi Đạt:

“Súng để thế này mà bóp cò một cái thì sao nhỉ?’’ Đạt chẳng chần chừ, nói liền:

“Thử xem;’’ nói xong, hắn mở khoá an toàn súng, thò tay bóp cò!! Tôi chưa tới số! Đúng, nhờ khi nói xong, khi Đạt mở khoá an toàn thì cùng lúc tôi đưa tay nâng nòng súng cao lên khỏi người tôi, vưà lúc Đạt bóp cò súng, tiếng nổ khô khốc vang lên, hai đứa đều xanh mặt. Tôi thoát chết và Đạt không hiểu tại sao! Hai đứa cứ ngồi nói mãi những giả định về cái chết của tôi. Tôi thực sự quên đi cái việc tôi lên đạn súng của Đạt. Cho đến khi Đát lên nghe chuyện, hắn chỉ mặt tôi nói:

“Tao đã bảo mày hồi sáng rồi mà! Thấy chưa?’’ Đạt nghe ra câu chuyện chửi tôi thậm tệ.

Vì chơi thân với nhau như vậy nên ở chúng tôi còn nhiều kỷ niệm lắm, nhưng thôi, tôi chỉ biết rằng Đạt cũng như các bạn khác, hắn rất thương và mến tôi. Tiếc rằng Đạt đã tử trận trong một lần đồn bị tấn công như tôi đã kể ở trên mà đáng lẽ ra tôi đã cùng chết với anh. Vì đêm đó, tôi nằm ngay cạnh anh, tôi chỉ thoát chết trong gang tấc. Cho nên hôm nay, mới còn ngồi đây, trên cõi đi này, để nhớ về anh, mà viết những dòng này trong muôn vàn sự tiếc nuối về người bạn thân thiết, yêu thương, quý mến. Chắc ở nơi vĩnh hằng, anh luôn nghĩ và cầu bầu cho tôi, một thằng bạn của anh khờ dại vẫn luôn nhớ tới anh. Chỉ tiếc rằng mình có với nhau một thời gian nhiều kỷ niệm, mà chỉ được sống với nhau thời gian quá ngắn Đạt nhỉ?

Lan, cái tên được ghép thêm tí ria nữa mà thành Lan Ria, vì hắn để ria mép. Con của ông Phó Chủ tịch xã An Ninh (hồi đó còn gọi là Cảnh Sát xã) ngang ngang tuổi nhau. Hắn học khác lớp, đúng ra hồi nhỏ chúng tôi chỉ biết chứ không chơi với nhau thân. Cho đến khi tôi vào Nghiã Quân, hàng ngày chúng tôi hay đến nhà Lan để chờ coi có phải đi công tác ở đâu không? Biết nhau từ trước nay có dịp gần nhau nên chúng tôi chơi và trở thành thân thiết dễ dàng. Con nhà có vai vế làm ăn, nên Lan chỉ có đi học và chơi thôi, không phải đi làm. Lan rất nhanh, nhậy bén, tính tình vui vẻ cởi mở, ham chơi, nghịch chút chút, nhưng đừng chọc hắn, coi chừng hắn sùng cũng chiụ chơi lắm, còn như bình thường thì hắn cũng hiền lành như mọi người.

Không đi công tác, chúng tôi hay rủ nhau đi chơi, khi Biên Hòa, khi lên tận Sài Gòn chơi, la cà ở các quán cà phê thời thượng có tiếng như: Cà phê Thăng Long ở Ngã Ba Ông Tạ, Chiều Tím ở Võ Tánh Sài Gòn, Mây Hồng ở Hố Nai, hay qua Lệ Đá bên Tân Mai. Cũng vào quán Cà phê nhưng tôi chỉ có uống Coca hay đá chanh mà thôi vì tôi không uống được cà phê.

Cùng thời gian này, tôi còn bạn Chính (nay gọi là Chính ghiền) vì sau thời gian đi chơi hắn đã bị thua và rơi vào vòng tay của ả phù dung. Đi đâu chúng tôi cũng có nhau nhưng có một điều hơi lạ là khi chúng tôi lập gia đình, chẳng đứa nào đi dự được đám cưới của nhau, Chính nay không còn nữa, anh mất cách nay mấy năm, nhưng tôi vẫn nhớ anh vì chúng tôi có mấy năm trời thân thiết.

Còn các bạn khác nữa như: Lâm Văn Khái, Nguyễn văn Linh (Liêm Sún) Đinh Thành Tín (Toán), Nguyễn Văn Thư, Lương Văn Kham (Tiến) Trịnh Viết Ngọ, Đinh Hoàng Yến VV. Tuy mỗi người có một sắc thái và hoàn cảnh khác biệt nhưng trong họ còn để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Các anh Nguyễn Kiều và Lương Văn Khải là những người bạn vong niên vì các anh lớn hơn tôi về mọi mặt.

Trong số họ tôi muốn có vài dòng về Nguyễn Văn Thư.

Thư là con trai độc nhất trong gia đình có 4 người con, Thư là con thứ ba, nên cả nhà đều quý mến anh, người hiền lành nhưng nghịch ngầm, đừng ai đụng tới anh, không mang họa vào thân, không phải anh có ác ý gì, nhưng như đã nói ở trên, anh nghịch ngầm. Thẳng thắn và bất úy, không sợ ai, phải thì chiụ, chứ không thể ép Thư được. Xin kể về cái nghịch mà tôi còn nhớ rõ lắm những ngày còn trẻ.

Hôm đó là một buổi chiều của những năm đầu thập niên 60, chúng tôi còn trẻ lắm. Sáng đi lễ, chiều đi chầu, mặc dù chúng tôi đều là đám trẻ em ngoài đoàn hội, ai đọc kinh mặc, chúng tôi gặp nhau là cứ ngồi cạnh rì rầm chuyện trò suốt buổi, các ông quản cứ là phải đi đi, lại lại suốt, để vưà ra oai, vưà hù dọa chúng tôi để chúng tôi giảm bớt chuyện trò lại, cho các người khác không bị chia trí mà cầm lòng cầu nguyện.

Trong các ông quản coi chúng tôi có ông Giáp Cừ, ông có bà con với Thư, hôm đó ông trực coi chúng tôi, làm cách nào ông cũng không làm cho xóm nhà lá chúng tôi bớt ồn ào được, lý do là khi ông đi đến đâu là y như là bọn tôi trở thành các con chiên ngoan, tất cả đều im phăng phắc, mặt hướng lên bàn thờ một cách thành kính, nghiêm trang. Lúc đó, tôi thấy ông mà cứ mường tưởng như là một người đi rình dế, nghe dế gáy, khe khẽ bước nhẹ đi tới, nhưng chưa xác định được chỗ dế nằm thì nó lại im bặt. Cuối cùng ông cũng cố rình để bắt một em nào để phạt, hầu răn đe các em khác, rình mãi, rình mãi, ông băt được Thư đang nói chuyện, sẵn quạt cầm tay, ông đập nhẹ lên đầu Thư một cái, tưởng rằng làm như vậy Thư sẽ sợ, các đứa khác sẽ không dám chuyện trò nữa. Ai dè Thư không sợ và mượn cớ bị đánh khóc ầm cả nhà thờ lên, mà lại khóc dai, khóc to, ai dỗ cũng không nín, làm như là bị đánh đau lắm vậy, cả nhà thờ bị chia trí, mọi người dòm cả sang chỗ có tiếng khóc, trong đó có cả mẹ và các chị của Thư. Chúng tôi cũng không ngờ là Thư cố tình làm to chuyện, ai cũng rất đỗi ngạc nhiên. Sau buổi chầu, ông trùm bị cả nhà Thư chận đường làm cho một mách đã đời, ú ớ không làm sao giải thích nổi. Không lẽ gõ nhẹ mà em nó khóc đau đớn làm vậy?

Rồi Thư cứ tà tà học và lấy bằng tú tài ngon ơ, vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, khi ra trường anh về đơn vị ở Miền Tây, bị thương và anh giải ngũ, chuyển qua giậy học, nhờ cái nghề này mà anh em gọi anh là giáo Thư. Sở dĩ tôi viết về anh là vì tôi với anh có nhiều kỷ niệm của mấy năm làm văn nghệ chung, chúng tôi kè kè bên nhau, chia sẽ những vui buồn trong suốt những tháng ngày rong ruổi với cái nghề chẳng ra nghề ngày ấy. Nhớ lại mà vẫn còn thấy vui vui.

Sau năm 1975, tôi lại có thêm các người bạn khác như Quách Kim Tính, Vũ Minh Đức, Vũ Văn Hoan, Vũ Quốc Khanh, Nguyễn Văn Châu, Đinh Kim Đạt, Trần Văn Quỳ (Chiến) và ông Nguyễn Văn Nhị ở Tân Bình, Ba Chánh, Quách Cẩn, Ngô Xuân Hữu, Tám Minh, chúng tôi vưà có quan hệ làm việc chung, vưà là bạn thân vưà là bạn nhậu cả một thời gian dài và chúng tôi vẫn còn giữ được mối quan hệ tốt đẹp này mãi mãi. Mỗi người một cá tính riêng như Đức thì ham chơi và cả nể, tôi hay đuà hắn, (tay này mà là con gái chắc là có bầu suốt) như câu tục ngữ: Cả nể hay chửa hoang. Đạt thì tính tình thẳng thắn, sống chân tình, không e ngại, thành thử dưới mắt nhiều người trở thành ngang ngang. Có lập trường, làm gì phải làm tới nơi, tới chốn mới chiụ. Quỳ còn gọi là Chiến Khàn vì cái giọng có âm thanh nhiều chất Bass. Cũng trực tính, và cái bộc trực của người dân Nam Bộ nên thấy sao nói vậy, vui vẻ thích nhậu và nói chuyện vui tiếu lâm nhưng đừng chọc giận hắn, hắn sẽ la um, với trí nhớ tốt, nên còn nhớ nhiều điển tích mà hắn học được từ ngày còn nhỏ, qua hắn mà tôi còn quen được thêm một số bạn bè như Sang, như Dũng (Be) Định VV.

Người xưa có câu: Giầu đổi bạn, sang đổi vợ, với ai thì tôi không biết, nhưng với riêng tôi thì câu nói đó không đúng, tôi chỉ biết rằng, bạn bè thì không đổi được, chẳng qua do hoàn cảnh và môi trường sinh sống, đôi khi sự quan hệ có bị cách chia trong một vài giai đoạn nào đó mà thôi, cũng riêng tôi thì may mắn luôn gặp được các người bạn chí thiết, chí tình mà tôi gặp được ở họ nhiều đức tính và tình cảm mà họ đã dành cho tôi nhiều ưu ái nên tôi không thể nào quên được họ. Kể hết về những kỷ niệm có với nhau e rằng chẳng bút mực nào kể cho hết, mỗi người có riêng một sắc thái, một tính tình và biểu lộ tình cảm khác nhau, nhưng trong họ có một mẫu số chung là chung thuỷ và chí tình.

No comments:

Post a Comment