Sunday, August 1, 2010

3:- Mái nhà xưa. (Bức chân dung xấu xí.)


Hình chụp trường học Minh Đức ngày xưa cỡ thập niên 60, ở góc là nhà tôi cũ.
Giờ xin kể sơ về ngôi nhà chúng tôi ở những ngày thơ ấu. Khu nhà tôi ở nằm đối diện nhà thờ xứ đạo, đầu xóm là nhà ông Bạ Viện 2 căn, một căn ông bà dùng để dệt chiếu, còn căn bên vưà để ở, vưà dùng làm nơi in hoa trên chiếu, phiá ngoài ông cho ông Tổng Bảng nhờ làm chỗ hớt tóc, kế cận là nhà hai bà Roan và Cần, rồi nhà ông Bà Biểu Đức 2 căn, sau bán lại cho ông Mạnh, cách con đường hẻm nhỏ cỡ ba mét, đến dẫy thứ 2, nhà tôi đầu dẫy, kế là nhà bà Kiển (Khiển), nhà ông Sắc, bà xếp Dần, nhà ông Tiêu, mỗi nhà 1 căn, rồi nhà ông Cơ, ông Tiêng, cuối xóm là nhà ông xã Tường, xã Thụ. Trước và sau nhà đều có đường đi. Nhà ở nông thôn, nhưng vì khi mới xây dựng, nó nằm chung quanh chợ nên rất nhỏ hẹp. Ngang cỡ 4 mét, dài cỡ 20 mét, dùng làm nhà trên cỡ 8 mét, rồi có cái sân nhỏ mới tới nhà bếp. Ở thành phố như vậy là vưà, chứ ở nông thôn như chúng tôi thì chật, quá chật là đàng khác, nhưng biết làm sao cho được! Thế cho nên, chuyện va chạm xóm giềng với nhau xẩy ra như cơm bữa, chuyện gì cũng có thể cãi nhau được. Nhà lợp tôn, cột gỗ rừng tròn, vách thoạt đầu được ngăn ra bằng những tấm lá cọ đan, phiá trước ghép ván gỗ, cửa gỗ chưa có bản lề, dùng ngõng nên khép mở cửa còn kêu kẽo kẹt, nền đất pha cát, ngay chỗ cưả ra vào, do đi lại và quét nhà mỗi ngày, cát tróc ra và bị quét đi, lâu lõm hẳn xuống. Không có giường, chính phủ cấp cho mấy bộ phản, bằng gỗ dầu, nằm ít bữa rệp ra như trấu, cứ mấy ngày lại phải hè nhau trừ rệp.

Nhà quay mặt ra trường học, khi trường chưa có hàng rào, thì sân trường cũng là sân chơi của bọn trẻ con xóm tôi, chúng tôi ra vào mặc ý, cứ như sân nhà mình vậỵ. Cũng chính vì cứ coi như sân nhà, mà một buổi sáng đẹp trời, (tôi học buổi chiều) tôi để mình trần, mặc quần cụt, tha thẩn trong xóm chơi, đi tới, đi lui rồi bước luôn lên hành lang các lớp học, đi ngang qua các lớp. Cứ mỗi lớp, tôi lại đứng ở cửa sổ dòm vào coi người ta học, đến lớp cuối, thầy giáo Ky dậy, ông vưà là giáo viên vưà là hiệu trưởng, nổi tiếng là dữ. Tôi cũng lại đứng dòm vào. Tôi thấy thầy giáo Ky gọi anh Ninh lên bàn, kề tai nói nhỏ, tôi cũng chẳng biết thầy nói gì? Thấy anh Ninh lững thững đi ra ngoài, tôi cũng cứ đứng dòm vào lớp. Bỗng sau tôi, có người ôm nhấc bổng tôi lên, tôi giật mình, cố vùng vẫy để thoát ra, nhưng với sức vóc to lớn, anh ôm chặt tôi bê vào trong lớp. Thầy giáo Ky bắt tôi đứng quay mặt xuống, hỏi con nhà ai? Sao lại ở trần mà ra trước lớp học đứng kỳ cục như vậy? Tôi ú ớ không còn biết nói làm sao, mà còn nói gì được nữa? Ngày ấy chúng tôi sợ thầy giáo còn hơn sợ bố mẹ! Nay đang bị thầy giáo hỏi tội nữa, thì còn gì sợ bằng? Sau đó bắt tôi lên bàn, nằm xấp xuống cho ông lấy thước kẻ bảng, đánh cho mấy thước đau điếng. Chưa hết; ông bắt tôi đứng trước lớp, dơ tay thề, kể từ đó, không được ra đứng dòm vào lớp coi người ta học nữa. Chẳng phải thề, sau đó có ai cho kẹo tôi cũng chẳng dám néo hánh đến các lớp khi tôi rảnh. Mặc dù lúc ấy tôi rất tức.

Sau mấy năm, nhà bị hư, vì cột nhà bị mối ăn ruỗng. Cả xóm rủ nhau làm lại nhà. Cha tôi không quen rừng, phải mướn người đi chặt cho một bộ sườn nhà, để họ chọn cho bộ cột loại gỗ tốt. Rồi mượn thợ mộc ở Thanh Hoá, tôi nhớ hình như là ông Cảnh làm lại nhà cho. Lúc này chợ đã dời đi, con đường bên cạnh không còn xử dụng nữa, cha tôi chiếm luôn, nên khi làm lại nhà đã rộng thêm ra được mấy thước. Nền nhà cũng đã được tráng bằng một lớp xi măng mỏng nên cũng sạch sẽ hơn trước. Vách lá đan bỏ đi thay vào đó là những tấm tôn thiếc mỏng, loại dùng làm vỏ hộp nước uống, hay làm nắp chai bia, chai nước ngọt, một mặt in nhãn hiệu đồ hộp, mặt còn lại, sơn tráng màu vàng nhạt. Không biết có bị lỗi kỹ thuật gì không? Người ta bỏ ra. Lúc đó người ta gọi là tôn cao bồi, nó màu mè mà kín đáo hơn, nhưng hàng xóm cũng bị phiền hà hơn. Vì đêm đêm khi ngủ. Giường kê sát vách, bọn tôi ngày thì nghịch, đêm ngủ dãy đạp lung tung, nên khi đạp vào vách tôn mỏng, có khác gì đánh trống! Sáng nào cũng bị bà Kiển trách nhẹ: Chúng mày ngày cứ nghịch cho cố, đêm về đạp vách rầm rầm, chẳng cho ai ngủ nghê được. Chúng tôi đã chẳng chiụ nhận lỗi, lại còn láo lếu trêu bà rồi bỏ chạy. Đứng lại á, có mà chết.

Cha tôi đi làm trên Lộc Lâm, mua về một cái giường kiểu bằng gõ bông rất đẹp, gỗ dầy đóng rất khéo và chắc chắn. Nó là chiếc giường đẹp nhất ở nhà. Cha mẹ tôi ngủ trên chiếc giường này. Nhưng khi anh em tôi lập gia đình, cha mẹ tôi lại nhường lại cho anh em tôi, sau mua thêm vài cái giường gỗ tạp nữa. Còn bộ phản của bác tôi ở Phương Lâm cho được dùng khi có khách. Ngoài ra có thêm bộ bàn và 4 cái ghế dựa, một cái tủ đứng bằng cẩm lai, trên tường giữa nhà làm một bàn thờ, còn trên vách treo lơ thơ vài bức hình của cha mẹ và anh em tôi.

Phiá sau nhà cha tôi nối mái thêm một hàng tôn nữa cho đủ nhu cầu ăn ở của gia đình, còn lại là cái sân nhỏ, rồi tới cái bếp, nhà vệ sinh và chuồng nuôi heo, nhỏ hẹp như vậy mà vây còn chưa đủ kín, trống thiên trống điạ!

Trong xóm khá nhất lúc đấy có lẽ là nhà ông Biểu Đức, ông làm y tá, phụ trách trạm y tế ở ấp, khám bịnh và phát thuốc. Ngoài giờ, ông đi chích cho những người đau yếu trong ấp và các ấp lân cận, ông làm không hết việc, vì lúc ấy ít người có thể làm nghề y tá như ông. Trước năm 1960 mà ông đã có xe Lambretta 150 rồi mà. Ông Bà cùng làng với gia đình tôi ở ngoài Bắc, lại có hai người con cùng đã lập gia đình, mà cả hai đều lấy người có họ xa gần với nhà chúng tôi, do những nguyên do trên, mà đôi khi cùng kẹt, gia đình tôi cũng hay phải nhờ phiền đến gia đình ông bà.

Từ căn nhà thân yêu này, đã có những biến cố trọng đại như: Tổ chức đám cưới cho ba trong bốn anh em tôi từ Bắc vào, năm 1966, em gái tôi lên xe hoa, năm 67, anh cả tôi lập gia đình, năm 69, đến lượt tôi cũng lập gia đình, ngoài ra cũng từ mái nhà này, tất cả các em tôi, và hai đứa cháu, con của tôi đã chào đời và sống qua những ngày thơ ấu, hai biến cố trọng đại khác của gia đình cũng đã được tổ chức ở đây, đó là đám tang của cha và anh tôi.

Tiếc là căn nhà chứa chất nhiều kỷ niệm của gia đình tôi nay không còn nữa, nó đã bị cháy sau biến cố năm 1975, và qua bao nhiêu biến đổi của thời gian, Mẹ tôi cho mảnh đất thổ cư đó cho anh Cảnh để làm nhà ở và anh đã chuyển đổi để lấy mảnh đất khác bên kia suối đối diện. Giờ mảnh đất nhiều kỷ niệm ấu thời đó vẫn còn, nhưng nó lại là một trong nhiều phần đất của ngôi nhà ông Đoản.

No comments:

Post a Comment