Monday, August 9, 2010

6.- Tuổi vác kiếm cung. (Bức chân dung xấu xí.)


Hình chụp nhân ngày ANZAC Day ở Úc.


Giữa năm 1965, chúng tôi rủ nhau đi lính. Anh Khảm vào Truyền Tin, Chấn theo Quân Nhạc, Hải Biệt Kích rồi Xây Dựng Nông Thôn, Mãn nhà có việc, không tham gia, anh tôi vào Biệt Kích, còn lại tôi, Rụ, Mai Thành Đạt, anh Bách, Cảnh đăng lính Nhảy Dù. Chúng tôi chia tay nhau mỗi người, mỗi ngả. Riêng nhóm nhảy dù chúng tôi về Sài Gòn. Đến khu ngã tư Bảy Hiền nơi có Trại Hoàng Hoa Thám ghi tên gia nhập. Sau mấy ngày làm thủ tục xong. Xin nhắc lại là ngày đó nhảy dù không qua Trung Tâm 3 Tuyển mộ nhập ngũ và cũng chưa có Trại Vương Mộng Hồng à nha. Chúng tôi làm thủ tục ngay Bộ Tư Lệnh. Đợi đầy đủ quân số, trang bị quân trang, quân dụng. Rồi vào một sáng tinh mơ. Chúng tôi được đưa lên xe, chở đến trại Cửu Long ở Thị Nghè. Sau đó xuống chiếc tàu há mồm chở chúng tôi ra Vũng Tàu, vì đường bộ không còn xử dụng được vì mất an ninh. Có 100 cây số mà chúng tôi phải di chuyển hết gần một ngày, bởi vì tàu chạy rất chậm. Trên sông Sài gòn, ghe tàu qua lại tấp nập, chúng tôi chẳng vượt qua được chiếc ghe chiếc tàu máy nào cả, mà ngược lại ghe tàu vượt qua chúng tôi dễ dàng. Hai bên bờ sông, lè tè những cây Bần, cây Đước mọc lưa thưa trên những thưả đất bùn. Thỉnh thoảng cũng thấy vài ba chiếc ghe nhỏ của ngư dân hay tiều phu đi hái củi, bắt tôm, cua, cá tại các cửa kinh rạch.

Khoảng 3 giờ chiều. Tàu chúng tôi ra đến cửa Cần Giờ. Cảnh sông biển, núi non hùng vĩ hiện ra. Trời trong xanh, mây trắng lững lờ trôi. Biển nước bao la. Tàu cùng những cơn sóng và gió đuà dỡn với nhau nhấp nhô, trồi sụt, cộng với sự thấm mệt của bọn tôi. Những người chưa quen với sông nước, khiến cho cả tàu ai cũng ngất ngư nghiêng ngả. Chẳng còn ai tha thiết đến cảnh trí tươi đẹp của non sông gấm vóc. Chỉ trừ anh em bên Hải Quân là còn tỉnh táo, còn lại nhóm chúng tôi khá nhiều người ói mửa ra mật xanh, mật vàng. Ai còn tỉnh thì lên boong tàu xem ngư dân ngồi trên những con thuyền thúng mỏng manh giữa trời biển mênh mông tỉnh bơ câu bắt cá. Tàu chúng tôi to lớn làm vậy, chở 4, 5 trăm người mà còn bị nhồi lên, nhồi xuống, thế mà ngư phủ với chiếc thuyền thúng nhỏ nhoi trồi sụt, lúc lên đầu ngọn sóng cao tít, khi tụt xuống đáy che khuất bởi bọt sóng như mất tiêu trong sự lo lắng dùm của bọn tôi. Thế mới biết (thuyền lớn, sóng lớn). Cuối cùng, tàu cặp vào cảng Rạch Dừa cho chúng tôi xuống bến. Xe của Tiểu Đoàn 6 ND ra chở chúng tôi về hậu cứ tiểu đoàn nghỉ qua đêm để sáng hôm sau chở chúng tôi đến Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp.

Trung Tâm này nằm trên ngọn đồi cát thấp. Chung quanh bao bọc bởi những thưả ruộng, trồng lúa nước. Người ta trồng phi lao chung quanh doanh trại và các con đường trong trại để cản bớt gió và cát từ biển thổi vào. Đường đi chỉ toàn cát là cát. Bước đi như có ai giữ chân mình lại, cho nên đi rất mỏi chân. Chúng tôi được huấn luyện căn bản quân sự ở đây 3 tháng. Sự tập luyện đối với ai kia thì khó nhọc, nhưng với chúng tôi thì đã là dân lao động, chẳng có gì gọi là khó khăn. Chỉ buồn vì chưa quen đời sống quân ngũ, không còn được tự do như trước và phải xa nhà nên rất ư là nhớ. May mà chúng tôi chưa có yêu ai, chứ giá mà có người yêu nhỉ? Chắc là nhớ lắm! Trong nhóm chúng tôi bị chia ra theo vần ABC. Tôi và Đạt còn gần nhau, Rụ và anh Cảnh thuộc Trung đội khác. Trong ngày chỉ gặp nhau tí lúc buổi sáng và tối lúc sắp đi ngủ. Được vài tuần thì mẹ chúng tôi ra thăm. Chẳng có ai nhận ra chúng tôi nữa cả, vì đứa nào cũng cắt tóc ngắn, phơi nắng nên da cháy đen, mắt trắng dã vì chích thuốc ngưà bệnh, chúng tôi đã có lương cộng với tiền thưởng vì tình nguyện. Rụ và Đạt thì khỏi phải lo nghĩ gì vì gia đình tương đối. Riêng tôi có băn khoăn vì gia đình đông anh em và có khó khăn hơn, nên sau khi tính toán tôi chỉ giữ lại vưà đủ tiền ăn quà thêm mỗi buổi sáng, còn kì dư tôi đưa mẹ tôi toàn bộ số lương của tôi, để phụ với mẹ tôi lo cho gia đình. Việc chia tiền lương này tôi giữ nguyên cho đến mãi sau này khi tôi có gia đình riêng, phần mình luôn luôn chiụ khó hà tiện.

Sau ba tháng trời lăn lộn với thao trường. Chúng tôi cũng mãn khoá, lại được đưa về Vũng Tàu để lên con tàu khác quay về Sài Gòn. Lúc này thì anh em tôi được chia ra, không còn ai ở với ai. Tôi về Tiểu Đoàn 1 ND, đóng ở trại Nguyễn Trung Hiếu đường Lê Văn Duyệt, đối diện nghĩa trang Đô Thành. Chung với tôi có anh Mừng, đã hai đời lính. Trước ở Hải Thuyền. Hàng ngày, chúng tôi được chở xuống Trung Tâm Huyấn Luyện Nhảy Dù ở Trại Hoàng Hoa Thám. Trước khi vào khoá học, chúng tôi phải thử thách với tám món ăn chơi gồm: Chạy xa, nhảy, leo giây, hít đất, xà ngang, vv. Mà món nào cũng khó nuốt cả, mặc dù chúng tôi vưà từ Trung Tâm Huấn Luyện trở về, thế mà nhiều anh em đã không vượt qua được các món ăn này. Qua khỏi vòng này chúng tôi được học, nhào lộn, té theo các thế khi dù xuống đất, đàng trước, đàng sau, bên phải, bên trái té. Rồi khi dù bị gió kéo, cách xử trí, lộn thế nào để đứng dậy được, sao xoay ngang được dù để gió không thổi thẳng vào dù, cho dù xẹp xuống. Cách lên máy bay, ngồi thế nào, đeo dù, gấp dù, cách nhảy, đếm, kiểm soát dù. Rồi nhảy chuồng cu, nhảy dây tử thần. Cuối cùng là nhảy từ máy bay xuống. Tôi không tham dự hết khoá học. Trong suốt thời gian học nhảy dù. Tôi mỗi ngày mỗi khám phá ra về những điều mới lạ về đời sống quân ngũ, nhưng người bạn chung giường với tôi anh Mừng, thì luôn luôn than chán và cực nói riết, nói riết tôi cũng trở thành người chán theo anh luôn. Cuối cùng anh rủ tôi đào ngũ, tôi đồng ý.

Thế là vào một sáng, anh gọi tôi dậy. Chúng tôi sửa soạn, áo quần tề chỉnh, hai anh em mò vào phiá sau chùa. Chui qua hàng rào đi vào lối ga xe lửa Cống Bà Xếp, Hòa Hưng. Xong chúng tôi đi xe ra đường Phan Thanh Giản đón xe về nhà. Trước đó, tại Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù, khi gặp nhau, tôi đã nói rõ ý định của mình cho bạn bè, Nên sau đó ít ngày, Đạt và các anh em khác cũng lục tục kéo nhau về. Thế là đi thì cùng nhau đi, mà về thì cũng kéo nhau cùng về.
Chúng tôi lại thất nghiệp. Lúc này khó kiếm việc làm hơn lúc trước. Mà có chúng tôi cũng không thể đi làm được, vì tình trạng quân dịch của bọn tôi lúc đó. Đang trong cơn cùng cực này thì mẹ tôi nói em gái tôi có người muốn xin cưới. Thật là nan giải. Ốc còn không mang nổi mình ốc, thì mong gì giúp được cho ai! Tôi không có ý kiến gì. Mẹ tôi đành phải xin nhà trai phụ giúp cho về việc tổ chức đám cưới, thế là mọi sự đã được giải quyết tốt đẹp. Em gái tôi theo chồng về tận Cao Lãnh. Tôi chỉ nghe nói về điạ danh này, chứ kỳ thật tôi chưa biết Cao Lãnh nằm ở đâu, và mấy anh em tôi bị chia ra mỗi người mỗi nơi. Chỉ còn tôi lớn nhất ở nhà với mấy người em nhỏ, quanh quẩn ở trong ấp và vài ấp gần gần. Mặc dù chúng tôi đã đào ngũ, nhưng tuổi chúng tôi chưa nằm trong hạn tuổi Quân dịch.

Cuối năm ấy, nhân lễ Giáng Sinh. Mấy anh em bạn rủ nhau đi vãn cảnh hang đá Belem tại các nhà thờ, lòng vòng chúng tôi lên tuốt Trà Cổ, nơi mà một số bà con từ Trà Cổ, Lộc Lâm mới chuyển về đây lập ấp, tiếng là dân đoàn kết. Anh Bách mặc đồ lính rằn ri, còn lại chúng tôi ăn mặc lịch sự cả. Vào lối cổng nhà thờ, chúng tôi vưà đi vưà trò chuyện vui vẻ. Gặp ai chúng tôi cũng đuà đuà hỏi thăm, mà có quen ai ở đây đâu, chúng tôi bịa ra hỏi, nhà ông Nhiêu Minh, Bạ Bách. Ai cũng lắc đầu, tưởng rằng chuyện chỉ có thế mà thôi, ai dè họ âm thầm báo động. Cứ thấy dân từ từ kéo ra, anh Bách có trái lựu đạn nên bỏ chạy về lối Trảng Bom. Tôi, Hải (Hổ) và Đạt nói, mình có làm gì đâu mà phải chạy. Chúng tôi cứ thong dong đi trên đường lộ trở lại nhà. Thế là bị đám đông bắt đưa vào nhà xứ. Chúng tôi cự lại vì chúng tôi đâu có làm gì sai trái đâu. Thế nhưng chúng tôi cứ bị giữ lại. Sau đó, người ta giải giao chúng tôi cho xã Trảng Bom. Trùng vào ngày lễ nghỉ làm việc. Gia đình chúng tôi phải xuống nhà ông Phó Xã An Ninh là ông Trần Thu Lương, người cùng ấp để năn nỉ ông lên Trảng Bom lãnh chúng tôi ra.

No comments:

Post a Comment