Thursday, August 19, 2010

9:- Người chị. (Bức chân dung xấu xí.)


Chị Trần Thị Ký. Hình chụp kỷ niệm sinh nhật Thứ 60.
Cô Gái Việt Nam
Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi.
Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú là khi đã
Bồng bế con thơ đón tuổi già!
Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi.
Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt lòng cô vẫn đợi chờ.
Dải lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông cười,
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con đã héo rồi!
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Bài thơ cuả Hồ Dzếnh đã lột tả hình ảnh cuả người phụ nữ đảm đang và vất vả cả một đời. Trong triệu triệu người phụ nữ ấy, tôi xin kể một chút về một người phụ nữ trong dòng họ tôi với những kỷ niệm mà chị đã để lại.
Chị là con gái duy nhất của bác cả gái tôi. Bác trai là một nhà nho, nên đặt tên cho chị là Tửu, Trần Thị Tửu. ý nghĩa của cái tên thì chúng tôi không được rành rẽ cho lắm. Chỉ biết nôm na tửu là rượu, chị là con gái rượu của hai bác. Trong dòng họ, chị lớn nhất về vai vế. Các em cuả chị như tôi, gọi là con cô, con cậu, có đến mấy chục người. Có những người em họ lớn hơn chị cả chục tuổi. Tôi với chị sinh cùng năm, bằng tuổi nhau, tuổi Hợi. Lúc nhỏ, chúng tôi hay ra nhà bác chơi. Cùng tuổi đấy nhưng chị là gái nên chị khôn hơn anh em tôi nhiều. Lại nữa, chị có nhiều đồ chơi nên chị luôn hướng dẫn bọn tôi và chúng tôi hay chơi đồ hàng cùng nhau nên thân nhau ngay từ thời còn nhỏ. Chị không có em ruột, còn tôi thì đúng ra có hai bà chị ruột, nhưng cả hai bà chị đều ra đi về cõi hết khi còn rất nhỏ, nên tôi kể như không có chị. Khi di cư vào Nam, nhà bác đi ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nên chị em ít gặp nhau. Cho đến khi, gia đình bác về Phương Lâm, đôi khi chúng tôi mới có dịp lên nhà bác và gặp lại chị.

Là con cưng trong gia đình, nhưng là gia đình làm ăn, nên chị cũng chẳng nhàn nhã gì cho lắm, ngoài giờ đi học, chị cũng phải lam làm phụ giúp mẹ mọi công việc nhà, đôi khi còn phải phụ giúp mẹ cả trong công việc làm ăn nữa. Có những khi rảnh rỗi, chị phải cùng mẹ đội gạo đi giao cho khách hàng trong các xóm, đi gom bao, đi lấy tiền, hoặc nông phẩm mà khách hàng giao lại. Nhất nhất mọi công việc trong nhà chị đều phải biết và làm thành thạo, nhờ đó mà chị rất siêng năng tháo vát.

Khi chị học hết bậc tiểu học, ở Phương Lâm không có trường trung học, chị phải xuống chỗ tôi (du học). Chị em học cùng trường, chúng tôi lại có dịp gần nhau, trao đổi bài vở, sách báo và cả những cuốn truyện hay, mà chị em tôi mượn được của bạn bè. Sau hai năm học, chị trở về nhà, tôi bươn chải lo làm ăn, rồi đi lính, cho đến ngày chị lập gia đình, chồng chị anh Cao Đình Ký, là một quân nhân. Tên chị bị xóa đi từ độ theo chồng. Tôi lúc đó, cũng là lính nên không đi dự đám cưới chị được, do đó mà chẳng gặp được mặt anh lần nào, chỉ biết mặt anh qua hình ảnh, vì anh đã tử trận sau khi chị sanh được ba người con.

Về nhà chồng, ngoài bổn phận làm vợ, làm mẹ ra, ở vào thời điểm của chị, mà chị còn phải làm dâu nữa chứ! Cũng khó khăn, điều bấc, tiếng chì, chị vẫn sẵn sàng vui vẻ chu toàn mọi bổn phận của một người con, người vợ và người mẹ cho đến khi mãn tang anh, chị mới xin về nhà mẹ ruột.

Mãi đến năm 1970, gia đình bác dọn về ở hẳn Bùi Chu, chúng tôi mới gặp lại nhau, chị sau bao nhiêu biến đổi mà đau thương nhiều hơn hạnh phúc. Chị có gầy hơn so với trước khi chị lập gia đình. Mà mập sao nổi khi chị chịu liền một lúc hai cái chết của chồng và con kia chứ? Chị mở hiệu bán tạp hoá và làm nghề may ngay tại nhà. Bác trai thì làm nghề thuốc. Còn bác gái cũng chẳng chịu nghỉ, bác đi Phan Thiết lấy nước mắm, loại đặc biệt của người em bà con sản xuất mang về bán. Ngày ấy, nước mắm bác bán thật là ngon. Còn ngày mùa thì bác đong thóc, đậu, các loại nông sản, phơi khô rồi tích trữ lại, đợi khi giáp hạt, giá lên thì bán kiếm lời, do đó mà gia đình bác kinh tế rất ổn định. Tôi khi nào đi ngang cũng ghé vào thăm hai bác, thăm chị, đôi khi, đưa bác trai tờ báo để bác đọc cho đỡ buồn. Chỉ có vậy thôi, vì chúng tôi đều có công việc phải lo toan riêng.

Lúc này chị có đời sống khép kín, đơn sơ, sống như một nữ tu, y phục toàn một màu đen buồn lặng lẽ. Cho đến ngày, chị rủ tôi cùng làm ăn chung, thế là chị em cùng nhau đi lo mọi chuyện, cùng làm việc chung, đi mua đồ, đi hỏi máy, làm thủ tục, giấy tờ, tiền bạc vv. Hầu như lúc nào cũng có nhau, vui một cái, đến đâu họ cũng cứ tưởng chị em tôi là vợ chồng, khen chúng tôi đẹp đôi, khiến chúng tôi lúc nào cũng phải thanh minh, cải chính về sự ngộ nhận này.

Xui cho chị em chúng tôi, lúc đầu làm ăn không xuông sẻ, khiến cho chúng tôi chiụ nhiều lo toan, vì món nợ bạc triệu chứ ít gì? Tôi là trai, do đó tính tình có nóng nảy, làm ăn xập xệ có nản chí. Giá lúc đấy có ai ngỏ ý mua máy chắc tôi ưng bán liền, trút ngay đi những lo toan về nợ nần. Chị thì khác, chị bền chí hơn, lại có nhiều kinh nghiệm làm ăn, thừa hưởng từ cha mẹ nhiều kinh nghiệm quý báu trong kinh doanh, buôn bán. Luôn an ủi, động viên tôi nên nhẫn nại, sông có khúc và người ta cũng có lúc, và chị đã đúng.

Chúng tôi đã thoát ra được và làm ăn nên. Tôi có được ngày hôm nay, nói không sợ quá lời là đều nhờ ở chị. Này nhé trong công việc làm ăn, chị đã dẫn dắt tôi, tài sản mà tôi được hưởng là của chị, không những ngày ấy mà đến cả ngày hôm nay nữa, dù tôi đã đang sống ở nước người. Chị cho tôi nhiều thứ lắm, không những tiền bạc, tình thương yêu, quý mến mà ngay cả những đồ dùng trong nhà tôi, nay cũng mang đầy ắp những dấu tích kỉ niệm của chị cho hay là để lại.

Có những cái, tôi không làm sao chứng minh cho được. Làm như số phận của hai chị em chúng tôi được gắn liền với nhau, nên có nhiều điều trùng hợp ngẫu nhiên lý thú. Chẳng hạn như những chuyện buồn vui riêng lẻ, còn một điều nữa là khi chúng tôi còn ở quê nhà, chị thì không sao, nhưng tôi khi nào có tính chuyện làm ăn riêng hầu như không thành công cho lắm nếu không có bàn tay của chị.

Trong làm ăn, chị luôn chịu thiệt thòi, nhà cửa đã không có tiền thuê, lại còn phải chịu nhiều phiền phức, như tiếng ồn, bụi bặm, không khí ô nhiễm vì mùi phân heo cân trước cửa và nhất là cái tự do riêng tư của chị nữa. Tôi khi xong việc nghỉ, đóng cửa đi về, chị ở lại vì nhà chị mà, thì nào là hết người đến lấy gạo, lấy cám, xin trấu, mượn xe, trả xe, ứng tiền. Thôi thì chẳng còn một thứ công việc gì mà lại không liên quan dính dáng đến bàn tay chị.

Còn trong làm ăn, nhờ chúng tôi rất minh bạch với nhau trong vấn đề tiền bạc, cho nên trong suốt thời gian dài làm ăn, chúng tôi đã chẳng để mất lòng nhau về việc này.
Thế chị em tôi có bất hoà không? Có là thánh mới không! Đương nhiên là phải có chứ, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ cãi cọ hay to tiếng với nhau một lần nào cả. Khi gặp những bất đồng gây giận giữ, tôi thì thường lỳ lỳ chẳng nói chẳng rằng. Còn chị thì bình tĩnh, không chấp, với lòng bao dung, khoan hoà rộng mở của chị. Nó như cơn gió mát chan hoà đã làm cho những cơn sóng gió bừng dậy trong tôi tự động diụ dần rồi tan biến mất. Đối với gia đình tôi, chị chẳng có điều gì làm chúng tôi buồn cả, nhưng ngược lại, chị đã phải buồn vì những việc tôi làm cho chị không ít. Nhưng không phải vì như vậy mà chị chê trách chúng tôi. Đấy là do bởi chị luôn tha thứ cho tôi về những điều phiền muộn mà tôi đã gây ra cho chị. Chị đối với gia đình tôi thật hào phóng, nghĩa tình, thương yêu và thân ái. Điều này đã làm cho tôi luôn áy náy khi nghĩ về chị. Hẳn quãng đời ngắn ngủi còn lại của đời tôi, chắc chắn chẳng bao giờ tôi có thể đền đáp lại tấm lòng biển cả chứa chất đầy ắp thương yêu của chị đối với gia đình tôi.

Còn một điều nữa, tuy chị không nói ra nhưng tôi hiểu được lòng chị, chị giúp tôi, ngoài tình thương yêu qúi mến nhau ra, chị còn tin ở tôi có thể khá hơn, không phải khá hơn là để đáp đền lại cho chị, mà tôi có khá ra thì tôi có thể giúp lại cho anh em họ hàng, may mà có thể kéo mọi thành viên trong dòng họ vượt thoát cảnh nghèo đã lâu nay đeo bám anh em.

Điều mơ ước cao cả của chị tôi luôn tâm niệm và ấp ủ trong lòng, nhưng chị ơi hôm nay, tóc em đã bạc, da nổi đồi mồi cùng khắp, đúng như người xưa nói Tóc bạc, da mồi hay nói như nhà văn Hoàng Hải Thủy thì (Giờ đây mái tóc không còn xanh nữa, đã nhuốm đau thương đã nợ nần). Em đã trên năm mươi tuổi, cái tuổi tri thiên mệnh, kể là đã gìa em đã hiểu lòng chị và em cũng đã hiểu được ý trời. Nhớ lại một câu dụ ngôn trong thánh kinh mà Chúa dậy, đó là đoạn kể về ba con cá và năm cái bánh cho năm ngàn người, ý nghĩa là đừng sợ thiếu mà không cho, cứ cho đi, không những người ta ăn no nê mà còn thưà nữa. Em hiểu được như vậy mà em không làm nổi, em rất buồn, không phải là em nói đãi bôi đâu chị ạ, em nói thật, rất thật, nhưng khả năng của em chỉ có vậy mà thôi, mong chị hiểu và tha thứ cho em, người mà chị tin yêu và kỳ vọng.

Thưa chị, rất thật tự đáy lòng em, em muốn viết mấy dòng để cám ơn chị, nhưng không biết phải viết thế nào cho phải, vì chưng em vốn vụng về khi xử dụng văn chương, chữ nghĩa để dãi bày tâm sự cùng đàn trải lòng mình trên trang giấy. Mà viết nhiều thì lại sợ cho sự vụng về của mình, có khi đã không diễn đạt được ý tưởng mà mình mong muốn, không khéo lại còn làm hỏng mất cái ý nghĩa tốt đẹp và trân quý phát xuất tự đáy lòng em. Cho nên em chỉ cố gắng qua những ngôn từ chân chất, thật thà, cô đọng trong ba tiếng, và chỉ ba tiếng ngắn gọn và bao hàm trọn vẹn đầy đủ ý nghĩa, đó là hai chữ: Cám ơn chị.

No comments:

Post a Comment