Thursday, July 29, 2010

Bức chân dung xấu xí Phần một. Những ngày thơ..


(Hình anh em tôi ngày nay, từ trái qua phải: Tuý, anh chị Minh, chị Ký, Dung, Thuý, Tuệ, Khánh và Cường, hình chụp tại toà TGM Hà Nội 3/09.)
Phần 1: Dấu chân xưa.
1- Những ngày thơ.

Không biết vì sao mà ngày ấy gia đình tôi nghèo thế? Do đông người chăng? Hay do tình hình chung lúc bấy giờ. Cuộc sống khó khăn? Không công ăn việc làm cộng với sự chậm phát triển ở nông thôn. Đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào tình trạng nghèo khó. Trong đó có gia đình tôi.

Từ miền Bắc di cư vào Nam. Như mọi gia đình khác. Ngoài mấy người con ra, cha mẹ tôi cũng chỉ có một gia tài còm cõi là hai bàn tay. Sống cố định ở cái trại định cư Bùi Chu kể từ ngày vào Nam đến giờ.

Cha mẹ tôi chẳng có nghề nghiệp gì chuyên môn. Chỉ có sức khoẻ, nên nếu có ai mướn làm công việc chân tay thì làm, ngày mấy chục. Thế mà cũng ngày có, ngày không! Lúc đó chúng tôi mới có 4 anh em, chẳng lớn đủ để giúp đỡ bố mẹ, mà cũng chẳng nhỏ quá để cha mẹ phải trông coi. Cái tuổi lưng chừng đủ để đi nghịch phá, làm phiền hàng xóm và mọi người thân.

Ở vào cái thời điểm ấy. Chỉ lo cho chúng tôi ăn, đi học cũng đã bở hơi tai rồi. Đấy là học chẳng mất tiền. Nhưng nào là áo quần, sách vở, bút mực cũng đã tốn bộn. Tôi nhớ: lúc được cắp sách đến trường. Mẹ tôi mua cho tôi đôi dép Bình Trị Thiên (nghe văn vẻ quá phải không quý vị?) Thưa dép Bình Trị Thiên là đôi dép mà lúc sau này người ta gọi là dép râu, dép lốp, thứ rẻ tiền nhất thời ấy. Đang đi chân không dép, mà nay có đôi dép râu mang vào cũng cảm thấy đời hạnh phúc lắm!! Đấy là tâm trạng của tôi lúc ấy. Còn quần áo thì cũng chẳng hơn gì. Lúc mà cha mẹ tôi có tiền thì đôi khi các ngài cũng dẫn anh em tôi đi Biên Hòa mua quần áo may sẵn. Chiếc quần kaki màu, với chiếc áo sơ mi trắng bằng vải thô thôi mà được cho mặc thử cũng đã không muốn cho cởi ra, dù không vừa vặn gì, nhưng chỉ sợ mẹ không mua cho nữa!

Ngày tháng cứ ỉu sìu trôi qua, trong sự vô tư của anh em tôi và với sự lo lắng vô vọng của cha mẹ. Cha tôi lúc làm mướn, lúc nằm nhà. Tôi nhớ, cứ đến độ hè về. Nhà trường nằm cạnh nhà, do các thầy giáo có thói quen là trong giờ giải lao giữa các tiết học, luôn kéo vào nhà tôi ngồi hút thuốc, uống nước chè xanh, chuyện vãn với nhau, lúc đó nhà trường chưa có văn phòng. Thầy mẹ tôi hãm chè rất khéo. Cứ buổi sáng, sau khi đun sôi ấm nước, chè xanh lá già mua theo mớ, có khi đưa nón cho người ta bán, họ bốc cho đầy nón. Đem về ngắt bỏ cuộng chè còn sót lại, rửa hai ba lần cho sạch bụi bặm, đem vò nhừ ra rồi bỏ vô tích, chế nước sôi vào, để nước ngấm, trà thục ra, khi rót ra chén, ra ly, màu trà vừa xanh, vừa óng vàng, thơm mà vị lại vừa ngọt, vừa chát. Chúng tôi có nhiệm vụ lau rửa khay, chén (ly), thường lúc ấy, không có xà bông rửa chén, mà để rửa chén cho sạch bóng, chúng tôi phải dùng tro bếp hay cát, rồi lấy giẻ trộn cát hay tro chà đi, chà lại cho hết cặn trà ở thành ly hay khay cho sạch trắng. Vì cảm cái tình ấy, lại thấy cha tôi không có việc gì làm, các thầy mới bàn nhau khoán cho cha tôi quét vôi và sơn lại cửa của ngôi trường mà chúng tôi ngồi học. Mỗi năm, nhờ công việc này cũng giải quyết công việc cho cha con tôi đươc độ chừng một tháng.

Thời gian rảnh rỗi nhiều hơn thời gian đi làm. Chẳng biết làm gì, lại sẵn có máu mê, cha tôi giải quyết cái thời gian thừa ấy bằng những canh bài. Khi thì đến nhà bạn bè, khi thì mời bạn bè về nhà chơi, khi đến nhà bạn bè thì chúng tôi không biết, nhưng khi nhà có khách, thì anh em tôi có việc cùng cha tôi lo tiếp khách, đứa thường trực chia bài, còn đứa quanh quẩn ở nhà chờ sai bảo vặt. Đấy là những canh bài nhỏ như: Tổ tôm, tài bàn, chắn, xì phé vv. Thứ nào cha tôi cũng rành rẽ cả. Khi thắng, chúng tôi được ăn uống ngon và nhiều hơn thường ngày, còn khi cha tôi cháy túi thì . . . chắc chẳng cần phải nói.

Đôi khi, bạn bè cha tôi tổ chức những canh bạc lớn, nhiều người tham dự, mời cả khách ở nơi xa đến chơi. Đó là những canh xóc điã, chúng tôi được huy động đông hơn, gồm bọn nhóc chúng tôi trong xóm, được phân công đứng gác tại các ngõ dẫn vào nơi các người lớn sát phạt nhau. Chúng tôi được nhặn, khi có Cảnh Sát tới thì báo động cho giải tán, nhưng khi thấy cha xứ đến cũng phải báo. Còn khi không có gác, chúng tôi mua hàng vào bán lại cho con bạc, thường thì vài két nước ngọt, mấy chai bia, chục bánh dầy, giò chả, bánh gai, một vốn ba, bốn lời, đắt đấy! Nhưng đang khi sát phạt nhau bạc trăm, bạc ngàn, thì xá chi ba cái lẻ tẻ! Nhờ cái thời gian làm những công việc như vậy mà bản thân tôi cũng biết đủ các mánh lới của các tay cờ bạc bịp, cũng may mà tôi chẳng mê hay vướng vào một thú đam mê nào, chứ mà vướng vào nhỉ? Hẳn chẳng ai đọc được những dòng này đâu! Ngày tháng cứ từ từ trôi theo những hướng đi vô định của gia đình tôi, tiền của thì không tăng mà nhân khẩu thì mỗi ngày một nhiều ra, nay gia đình đã tăng lên 8 người.

Rồi bác họ tôi có chiếc xe chở khách hiệu Minh Chính chạy tuyến đường Lộc Lâm - Biên Hòa, đưa cha tôi đi làm phụ xe (lúc ấy người ta gọi là ét xe, hay lơ xe) Sáng chạy từ Lộc Lâm về Biên Hòa, đổ hàng cho bạn hàng bán, rồi nằm đợi khách lấy hàng xong, lên hàng cỡ 2 giờ trưa về lại Lộc Lâm. Lộc Lâm lúc đó còn nằm ở chỗ cây số 125, ngay ngã tư một bên vào Tà Lài, còn một bên vào Lộc Lâm, Trà cổ. Xe bác tôi chở khách bên Lộc Lâm, còn bên Trà Cổ có xe của ông Tài Báo. Thế là sáng sáng, anh em tôi dậy sớm, mặt mũi còn nhem nhuốc, chạy cả ra đường đứng ngóng đợi cha tôi khi xe chạy ngang qua, có vứt cho tí quà, tí bánh nào không? Đôi khi có món nào ngon, cha tôi mua và xe ngừng lại, để cha tôi đưa cho chúng tôi. Thường thì ở Lộc Lâm có thịt rừng và cá ở Sông Là Ngà, do đó, chúng tôi đã được ăn thịt voi, và cá năng tươi rói.

Ở nhà, mẹ tôi lo nhà cửa và lo cho 6 anh em tôi cũng đã đủ mệt, hết còn làm gì được nữa! Thế là, tôi và người anh cả hơn tôi một tuổi phải phụ giúp mẹ tôi, chúng tôi chỉ có thể giúp bằng việc đi gánh về nhà 2 thùng phuy nước mỗi ngày, cho sinh họat gia đình, cũng có đôi khi phải qua bên đồi, mót hay hái củi để nấu cơm, chỉ có vậy thôi (coi trong phần Việc Nước). Còn kì dư thì giờ chúng tôi tha thẩn rong chơi trong xóm. Thường chúng tôi hay ra quán của Khuất con ông trùm Tiêng ở ngoài đường lộ tán gẫu, hay vào nhà Rụ ở cuối xóm chơi. Thảng hoặc, tôi sang nhà ông Tiêu coi báo cọp, chắc chỉ có ông là người duy nhất trong xóm coi báo, thường thì ông mua tờ Tự Do. Tôi lúc ấy còn nhỏ, chẳng quan tâm đến thời cuộc, chỉ thích xem bài phim Nói Hay Đừng hình như do ông Hiếu Chân phụ trách, và mục thơ trào phúng “Đàn Ngang Cung” của ông Hà Thượng Nhân. Có nhiều bài thơ đã in sâu vào trí óc non nớt của tôi hồi đó, mà đến nay, tôi vẫn còn thuộc, để những khi trà dư, tửu hậu, tôi vẫn lôi ra, ư ử ngâm giúp vui bạn bè, khi đã ngấm hơi men. Đặc biệt có bài nói về hội sợ vợ ở bên Tàu bị các bà vợ mang ra hạch tội, bài thơ như sau:

Nghe bên nớ, trong làng râu quặp
Đã xung phong quyết lập hội tề
Lấy danh (Ái Hữu Uý Thê).
Phòng hờ những lúc gái xề nổi cơn.
Phạt cỏ vê, nấu cơm, rửa bát.
Bắt quét nhà, đổ rác cầu tiêu
Mà rồi vẫn bị ỷ eo.
Là đồ ăn xó mó niêu nợ đời
Tôi xin hỏi các ngài tí tẹo:
Đã tìm ra kế diệu mưu cao?
Để rồi cách mạng phong trào.
Kính em đắc thọ từ bao đến giờ
Hay vẫn đóng vai trò cũ rích
Sợ vợ tôi sợ đếch vợ ai?
Thì xin thưa lại các ngài
Yêu đương như thế trò cười thế gian.
Bọn râu quặp A Nam chúng tớ,/
Vẫn hoan hô (Nhất vợ, nhì Trời)
Khi ăn vẫn được cùng ngồi.
Khi nằm vẫn được là người nằm trên.

Sau có thêm bà xếp Dần, với tờ Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, tôi đã biết coi tiểu thuyết đường rừng, đã biết đến những nhân vật trong truyện của bà Tùng Long viết như Sa Phà Rây vv. Sau này đi học đã mê Bé Ngôn, Bé Luận đăng trong phụ trương của tờ Ngôn Luận.

Trong các chuyện của Tàu, cuốn chuyện võ hiệp đầu tiên tôi đọc trong đời là cuốn Lã Mai Nương, có nhân vật Cam Tử Long của bạn Chấn cho mượn, hai tập rất dầy. Lúc đó chúng tôi còn ngồi ở ghế tiểu học, đọc rất hấp dẫn. Thế mà sau này, không hiểu vì sao, thấy chuyện của Tàu là tôi chạy, nó dài quá chăng? Kể cả bộ Tam Quốc Chí nổi tiếng, tôi cũng chẳng đọc qua một lần. Chỉ biết các nhân vật trong Tam Quốc khi đọc báo, mà tác giả viết báo trích dẫn. Âu đấy cũng là một trong những sự thiếu xót trong đời tôi!

Lớn hơn chút nữa. Mùa hè đến, khi những cơn mưa mùa Hạ trút nước mưa như thác đổ. Anh em tôi và mấy đứa bạn, theo người lớn vào Sông Mây, cách nhà chúng tôi sáu cây số đường rừng, để mò cua, bắt ốc. Sáng sáng, mẹ tôi giậy sớm, nấu cơm cho chúng tôi ăn qua loa, rồi lồng cơm cho chúng tôi. Khi bạn bè đến gọi, chúng tôi đã sẵn sàng, để khăn gói lên đường. Ra khỏi nhà, trời mới mờ mờ sáng, sương còn giăng mờ và trời se se lạnh. Đi co ro một đoạn nhưng lội qua con suối cuối xóm là đã nóng người. Chúng tôi mỗi đứa mang theo mình một cái bao bố, loại đựng 50 kg gạo, bắt chừng một nửa bao thì về. Chúng tôi không thể mang nhiều hơn, vì còn nhỏ, mà còn vì đường đi gian nan lắm. Chả là khu nhà chúng tôi thì ở trên cao, mà cách nhà chúng tôi 6 cây số đường rừng có một cánh đồng. Muốn đến đấy, chúng tôi phải xuống một con dốc rất cao, đi không khéo có thể ngã lăn cù xuống vực. Ấy là kể về lúc đi, còn thường là khi về, đã mang nặng lại còn phải leo dốc. Nhiều chỗ, người đi trước như cao hơn người đi sau đến 2, 30 phân, chẳng có phương tiện gì ngoài đôi chân. Cả chặng đường đi còn qua 4 con suối, mỗi con suối có bắc cầu cho xe be chạy qua. Người ta đặt tên cầu theo thứ tự, từ 1 đến 4 tính từ đường lộ đi vào. Trước khi vào đến cầu 1. Có con dốc thoai thoải dài, gọi là dốc Bà Đầm hay sở Bà Đầm. Rồi Ngã Ba Cô Cậy, Ngã Tư Ông Vận. Khi đến mỗi con suối, chúng tôi cũng phải lên và xuống dốc một lần, tuy không cao như con dốc chính, nhưng cũng chẳng ngon lành gì. Thế là chúng tôi chọn khoảng cách để làm trạm nghỉ chân. Gọi là nghỉ chân cho có vậy thôi, chứ chúng tôi nào có nghỉ. Bỏ được bao cua xuống, chúng tôi uà vào hai bên rừng. Lúc ấy đường đi cây cối còn rậm rạp lắm. Có nhiều chỗ tre mọc trùm ngang đường, mà đường đi thì hẹp, lâu lắm mới gặp một chiếc xe chở củi bò qua. Để tránh xe, chúng tôi phải leo lên lề, đứng ép sát vào cây ven đường, nhường chỗ cho xe đi qua. Chúng tôi uà vào rừng là để tìm trái sim, lá bứa, trái hồng tiên, trái mắm tôm, cà na, dâu da rừng, trái mây, soài múc. vv. Để chia nhau đánh chén hay làm ít quà về cho các em ở nhà. Còn cua mà chúng tôi bắt được đem về, mẹ tôi đổ ra thau, ra nồi lớn, chọn những con chết mà hãy còn tươi hay các con bị gẫy càng, giã nấu canh, ăn cơm, hay nấu riêu ăn bún. Còn những con còn khoẻ, sáng mai, mang ra chợ bán, được đồng nào lại mua cá, mua thịt cho chúng tôi ăn. Cũng chỉ đâu được một tháng mỗi mùa, vì nước lớn và vì hết cua, chúng tôi lại ở nhà.

Lại cũng có khi, mẹ tôi dẫn chúng tôi đi theo bà con trong xóm, như bà Cơ, bà Kiển, chị Phớt, vào rừng chặt lá cọ làm chổi bán. Chúng tôi mang dao rưạ, dao phay vào những khu nhiều cây cọ. Lá cọ xoè ra như cái quạt giấy, hay như bàn tay xoè ra, chuốt sạch lá còn lại xống nhỏ như những que tăm, bó lại với nhau dùng làm chổi, dễ, dùng để quét sân, quét nhà đều được. Thường cọ mọc ở gần suối, mà gần suối thì lắm vắt. Sáng sớm phải nai nịt gọn gàng, ống quần, tay áo được cột cho chặt, ngăn không cho vắt chui vào. Vậy mà vắt tinh lắm, chúng đánh hơi người rất giỏi, chỉ thấy động đậy cành cây thì chạy lại. Chúng không đi bằng chân mà chỉ dùng miệng và đuôi hất qua hất lại. Giống như ta cầm cây thước đo đi tới, lật đầu thước vậy, thế mà nó đo nhanh lắm, chuyền từ cành lá này qua cành lá khác để tìm đến con mồi. Chúng chuyên hút máu động vật, hút đến no đùng, thân mình từ giống như cây tăm, hút xong chúng coi giống như hòn bi vậỵ. Vắt cắn đã sợ mà còn sợ vắt vì người lớn doạ: Nó đo tìm đến chỗ phạm cắn hút máu là đi đời nhà ma mới kinh! Ngoài vắt ra cũng còn con Mòng, con Ve. Ve nhỏ nhưng nó cắn đau lắm, có khi không biết, nó chui vào tai, hay những chỗ hiểm, cắn hút máu, mình nó no tròn như hột đỗ xanh, mà cái đầu nó còn cắn sâu vào da thịt mình, xưng tấy, có khi đau phát sốt. Khi gỡ con ve ra phải cẩn thận, làm sao cho cái miệng nó ra khỏi da mình, nếu vô ý, để sót lại, nó cũng hành đau lắm. Lại còn bò cạp, rắn, rết, cọp, beo nữa chứ! Đủ thứ đe doạ đến an nguy của bản thân, nhưng để khỏi bị đói thì bắt đầu gối phải bò thôi!!

Khi vào được đến chỗ có cây cọ. Chúng tôi chặt những cành lá cọ, róc gai hai bên cuộng, gom kéo ra khu trống, phơi cho heo héo, lá xếp lại như cái quạt khép lại. Rồi khi đã nhắm đủ vác, thường thì cỡ 100, 150 cuộng là è vai, chúng tôi nghỉ ăn trưa xong, ngồi dùng dao nhỏ chuốt sạch lá, chỉ còn lại xống lá. Để chuốt lá chổi, chúng tôi lấy giẻ rách quấn vào ngón tay trỏ, dùng ngón trỏ và ngón tay cái bóp cho cánh lá dẹp lại, xong dùng dao nhỏ bén ngót, cắt xéo vào phần lá mỏng cho tới xống lá, kéo một đường từ trong ra ngoài, sao cho đường dao đi sát với xống lá, trơ lại cái xống, để cho chỉ còn nhỏ như chiếc que tăm là đẹp. Xong bó lại vác về, để ở nhà cho các em phơi lại cho khô, cọng khô vàng ươm thì được, hôm sau chúng tôi đi làm tiếp. Cứ như vậy, đến Chuá Nhật ở nhà, gom lại ngồi bó thành chổi, dùng giây chì cột chặt, nêm cho cặt cán chổi, rồi dùng dao chặt tề bằng chỗ cuối cán chổi, đếm bỏ cho lái đi bán. Hết lá ở những khu vực gần nhà, chúng tôi phải đi lên những vùng xa hơn, có khi đón xe lam lên tận Bàu Xéo, Trảng Bom để tìm lá cọ. Chúng tôi chỉ quanh quẩn ở vùng gần nhà, những bà con trong xóm lớn tuổi, họ đi xa hơn có khi lên tận La Ngà, làm thành chổi rồi gửi xe be mang về bán, có khi cả tuần mới về nhà.

Có một mùa hè. Bác tôi ở Phương Lâm thấy lâm trường trồng cây Giá Tị (lúc đó người ta gọi là cây bá súng). Ở cây số 125, cần người bỏ hạt giống, trẻ con làm cũng được. Thế là bác tôi nhắn cha mẹ tôi cho hai anh em tôi lên, chúng tôi cũng chỉ làm được mấy bữa thì người ta không mướn nữa. Chẳng biết trong rừng cây Giá Tị hiên nay còn ở cây số 125 ấy, có bao nhiêu cây do anh em tôi bỏ hột? Hết việc bác tôi phải nuôi báo cô anh em tôi. Ngày ngày ở nhà chơi, có việc nào bác nhờ thì làm, như đi bỏ gạo, vác gạo đi giao tận nhà cho khách. Bé như anh em chúng tôi lúc ấy thì mang vác được bao nhiêu đâu? Có bao gạo bác phải chia ra 5, 7 dúm cho chúng tôi, kể cả bà chị, con gái cưng của bác cùng mang giao. Có những nhà ở trong xóm, gọi là khu 3, khu 4, đường ruộng, đất gan gà, có tí nước vào trơn như bôi mỡ, lại còn phải đi qua những chỗ lầy lội, vừa lội vừa phải vén quần, bước từng bước dò dẫm, sợ thụt xuống chỗ sâu bị té. Nghĩ lại tôi mới thấy bác tôi tuy có miếng ăn nhưng cũng vất vả quá, nhà bác có đại bài buôn bán gạo, gạo từ Miền Tây chở lên, bỏ cho các đại lý bán, lúc ấy Phương Lâm chưa sản xuất gạo, chỉ mới làm rẫy trồng cây công nghiệp. Sau này khi Phương Lâm sản xuất gạo, bác tôi không bán gạo nữa và về Bùi Chu ở luôn.

Năm cuối cùng bậc tiểu học. Năm tôi học xong lớp nhất, là năm đầu tiên tính điểm, ai đủ điểm trung bình, được miễn thi tiểu học và được phát bằng. Ai dưới trung bình phải đi thi, lúc đấy tiểu học còn phải thi nhá; Mà thi mãi tận trên tỉnh cơ. Tôi may mắn trên trung bình, còn anh tôi dưới trung bình, phải về Biên Hòa thi tiểu học. Tuy không lều chõng đi thi, song anh tôi phải giậy sớm hơn thường ngày, ra đón xe về Biên Hòa. Lúc ấy xe khách còn hiếm lắm, ở Trảng Bom có chiếc xe đò nhỏ, chạy tuyến đường Trảng Bom - Biên Hòa. Ngày chạy ba, bốn chuyến gì đó, tôi không nhớ rõ, hình như là xe đò Minh Tâm? Xe đò ngày đó mỗi xe có tên riêng biệt, sau này làm ăn lớn hơn, xe có nghiệp đoàn, lấy tên chung như: Tuyến Long Khánh - Sài Gòn đoàn xe Nam Thành, tuyến Kiệm Tân - Sài Gòn đoàn xe Đức Hòa, còn Sài Gòn - Biên Hòa đoàn xe Liên Hiệp. Anh tôi phải thi hai ngày, xui cho anh năm ấy anh bị trượt. Vì theo anh kể lại, vào phòng thi, anh gặp thầy giáo coi thi nói giọng miền Nam, anh không hiểu và làm bài không được. Anh đi thi, giờ ăn trưa, thay vì ăn cơm, anh thấy thịt bò khô với đu đủ xanh, lạ mà hấp dẫn, anh ăn tới mấy điã, về kể lại tôi nghe mà phát thèm, trêu anh rớt là do anh ăn bò khô nhiều quá. Anh phải học lại, năm sau mới lấy được bằng tiểu học, và anh nghỉ học luôn.

Về đời sống tâm linh, gia đình tôi theo đạo Công Giáo, thế nên đến tuổi, tôi gia nhập đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (Nghiã Binh). Tôi ở đội do anh Lại Văn Đước làm đội trưởng, Đinh Tiết Chiếm đội phó, trong đoàn, nam, nữ, sinh họat riêng. Đoàn có nhiều đội, chúng tôi có chỉ tiêu thi đua với nhau, nếu đội nào có số đội viên đi tham dự, lễ, chầu, các sinh họat của Đoàn đều đặn và đông đủ nhất, được nhận thẻ vàng cho mỗi lần sinh họat, mỗi tháng, mỗi quý, cuối năm, tổng kết thi đua, đội nào nhất được thưởng.

Thế là sáng sáng, chúng tôi giậy rất sớm, thường thì tôi trước khi đến nhà thờ, có trách nhiệm đi gọi các bạn trong đội. Đầu tiên tôi đi gọi bạn Thông, nhà ở khu lò Than, gọi là như vậy, vì khu Thông ở, có mấy cái lò dùng đốt than, thuộc đầu khu Tây Lạc, rồi cùng Thông chúng tôi chạy xuống nhà Minh B (tôi là Minh A) nhà cách nhà Thông hơn 1 cây số, ở tận Suối Cúng, nay là ấp Tân Thành. Quay lại, chúng tôi đi gọi tiếp các bạn ở gần hơn. Nhờ siêng đi gọi như vậy, đội của tôi luôn luôn được thẻ vàng và được xếp loại khá hàng năm. Rồi đến một ngày, chẳng biết tôi vi phạm điều chi? Tôi bị anh Đước phạt, tôi cãi lại và anh bạt tai tôi một cái, tôi bỏ, không còn tham dự vào Đoàn Nghiã Binh nữa, và trở thành thành viên của nhóm trẻ em ngoài đoàn hội. Thế là trong các cuộc rước trong xứ, vào các ngày lễ lớn, khi đọc chương trình cuộc rước. Các đoàn thể khác còn có thể chuyển đổi thứ tự. Chứ bọn tôi thì chỉ có chỗ hình như cố định, mà người xướng chương trình lần nào cũng chỉ có: Thứ nhất Thánh Giá Nến Cao, thứ hai Hội Trống, thứ ba Trẻ con ngoài đoàn hội, rồi mới tiếp đến các đoàn thể khác theo ý nghĩa của cuộc rước.

Lớn hơn, tôi được rủ gia nhập đoàn Thiếu Niên Quyết Tiến, có các anh Tá, Ngọc vv. Cũng chỉ ít lâu sau thì tôi không tham gia nữa, và tôi chẳng còn tham gia vào đoàn thể nào trong xứ. Chỉ có tham gia họat đông trong đoàn kịch của ấp, được bố trí thủ một vai trong vở kịch thơ về đạo, hình như là vở Đức Mẹ dâng con vào đền thờ.

No comments:

Post a Comment