Monday, August 30, 2010

10:- Bằng hữu cũ (3) (Bước chân dung xấu xí.)

Những người bạn học xưa.
Giờ cũng đã lưa thưa.
Người còn người đã mất.
Nghe đời cũng đong đưa....

Không kể các bạn cùng học chung với nhau, cũng cỡ đâu mấy chục người kể cả thời tiểu học luôn sang thời trung học, Chúng tôi cùng ấp hay là các ấp kế cận thì cũng thường xuyên gặp nhau. Tuy cuộc sống có khác nhau nhưng những người bạn ấy đến nay chúng tôi vẫn còn liên lạc với nhau và còn giữ được tình bạn như cũ. Có dịp gặp lại nhau trong các buổi tiệc hay hội hè, chúng tôi vẫn còn ôn, kể lại những kỷ niệm xa xưa khi còn ngồi chung nhau trên ghế nhà trường. Giờ xin kể về những người cùng đi làm với nhau ở cái tuổi choai choai. Ngoài các người anh tôi ra gồm anh Ngọc, Bách, Cảnh, Cung và người anh ruột tôi, chúng tôi có anh em Tống Bá Khảm, Tống Bá Chấn, Đinh viết Mãn.

Anh Khảm lớn tuổi hơn tôi. Người cao cao, xương xẩu nhưng anh nhanh lắm. Tính tình cởi mở dạn dĩ, thích táy máy, tỉ mỉ mà lại hay đuà. Bộc trực, nghĩ gì là làm nấy. Nhớ có một lần, đi làm chung, đứng trên bửng xe anh trượt chân bị té rớt xuống đất. Chuyện xẩy ra kể thì lâu nhưng nó chỉ trong chớp mắt, lồm cồm bò dậy. Chúng tôi lo sợ anh có bị gì không, nhưng anh toe toét cười nói: Tao rơi xuống còn vội đảo mắt coi chỗ nào có cỏ chọn rơi xuống cho êm, làm cả bọn phì cười. Lần khác, chúng tôi rủ nhau lên quán ông Chiêm uống nước. Lúc đó ở nhà ông chánh Báu có nhóm tập văn nghệ mà chúng tôi sẽ đi qua. Anh khảm nói để tao chọc mấy đứa này chơi. Anh lấy cái ví cũ, viết vào đấy mấy câu, (đừng tưởng bở) rồi khi đi ngang. Anh dỡn nói lớn cho trong nhà chú ý quay ra. Anh vung tay, muá chân như vô tình làm cho cái ví rơi ra. Còn bọn tôi cứ làm như không biết, vẫn vui đuà tỉnh bơ đi. Thế là trong nhà rơi vào bẫy. Hai ba anh chạy vội ra nhặt cái ví mang vào trong nhà. Mở ví ra thấy tờ giấy anh ghi, biết bị lỡm. Cả bọn bị tẽn tò. Lúc về, khi đi ngang qua chỗ cũ, thì chính chúng tôi lại cười lại họ. Nghịch vậy thôi chứ nào chúng tôi có ý gì xấu đâu.

Một lần khác, nhà anh có giỗ, chúng tôi được mời tham dự, trên mâm các cụ có bác ruột của anh Khảm, cụ Lang Sửu, cụ rành về chữ nho, chữ hán, bọn nhóc chúng tôi ngồi dưới đấu láo tùm lum các chuyện, từ trên trời dưới đất, cuối cùng, chúng tôi xoay ra nói về đánh bài, chủ yếu là cát tê, có anh đuà đuà: Có bốn con ách mà còn để rục tùng thì thua hay thắng, thế là anh em bàn tới bàn lui rất xôm tụ. Rồi rút ra một câu như là câu đối là: Tứ ách rục tùng, thua hay thắng? Tưởng rằng chỉ đuà với nhau vậy thôi, ai dè anh Khảm sang mâm các cụ xin phép đặt câu đối trên khiến các cụ phải suy nghĩ nhiều về cái câu đối vớ vẩn của bọn tôi nửa như nho, nửa như ba rọi, Cụ Lang một nhà nho cứ phải ngồi gật gù suy luận, hẳn là bọn tôi trên đường đi làm gặp bốn cái ách gì đó chăng? Chỉ có bọn nhóc láo lếu chúng tôi là tủm tỉm cười.

Chấn bằng với tuổi tôi. Tính tình thẳng thắn, ít nói, chọc anh cũng chỉ cười hì có một tiếng, vui thì góp mấy câu vậy thôi. Anh rất khoẻ, cái sức khoẻ trời ban cho anh. Đi làm có anh là vững lắm, chẳng sợ việc nặng nhọc. Giống như anh Khảm, Chấn cũng tỉ mỉ, cái gì anh cũng làm được. Nhà chuyên sưả đàn gió (phong cầm) cái vỏ đạn đồng các anh cưa ra làm lại cái lưỡi gà trong phím đàn dễ dàng. Còn kèn đồng các loại, anh sưả từng chi tiết các chỗ hư hỏng đều được. Lúc sau này, anh với tôi là hàng xóm của nhau. Anh sống khép kín, làm nghề thủ công sưả chưã kèn và đàn. Chúng tôi vẫn giữ với nhau tình bạn trong sáng và đẹp bền.

À, chúng tôi cũng còn có với nhau cái kỷ niệm này nữa chứ. Chẳng là hồi còn đi học, anh ngồi cạnh tôi. Hôm bưã, anh làm cây súng thụt, bắn bằng đạn trái cò ke (mắm tôm) súng làm bằng ống tre non, anh rút trong cặp ra khoe, tao mới làm cây súng, tôi hỏi:
“Có đạn không?’’ Anh nói có. Tôi chẳng chần chừ, một cách vô ý thức, tôi chỉ :
“Bắn thằng Khoái ngồi bàn đầu coi.’’ Đinh Viết Khoái còn được gọi là Khoái to đầu, vì anh có cái đầu bự hơn mọi người mà. Cũng không chần chừ, Chấn dơ súng lên, nhắm đầu Khoái, nhấn cần thụt, hơi đẩy trái cò ke ra khỏi nòng súng nổ cái bốp. Cùng liền sau đó là tiếng khóc của Khoái. Thôi bỏ mẹ! Khoái ôm đầu, thầy giáo Lan hỏi tại sao? Khoái đứng lên quay xuống phiá dưới nói:
“Thưa thầy không biết bạn nào chọi vào đầu con.’’ Thầy giáo cầm thước đứng lên đi xuống hỏi:
“Em nào?’’ Chấn đứng lên nhận liền, chối làm sao được cơ chứ! Nhưng anh nói:
“Thằng Minh nó xui con.’’ Thầy bắt Chấn đưa tay ra cho thầy đét vào tay anh ba cái, mỗi cái đét thầy gằn lên một tiếng:
“Nó xui con này, nó xui con này, nó xui con này.’’ Đến phiên tôi, cũng xoè tay ra cho thầy đét, nhưng khi thầy đét thầy gằn câu khác:
“Xui chó bụi rậm, xui chó bụi rậm, xui chó bụi rậm.’’

Đinh Viết Mãn ở Phước Thành về Bùi Chu. Chúng tôi chỉ biết nhau khi đi làm chung. Cùng tuổi, tính tình vui vẻ, hoạt bát hay đuà dỡn, lúc nào cũng đuà được nên rất hợp với tính tôi. Như đã kể ở trên, sau những lần đi làm về, chúng tôi thường xuyên có mặt ở điểm hẹn để cùng nhau bày trò đấu láo. Bù khú với nhau cho đến khi chia tay nhau về nhà ngủ, Mãn mồm miệng lắm, đấu láo đủ mọi phương diện, chuyện trò cứ như pháo rang suốt từ chiều khi gặp mặt nhau cho đến lúc chia tay. Cũng như Chấn, Mãn cũng có sức khoẻ. Hai tay này mà hợp lại, đứng mỗi tay một đầu khi lăn cây, chỉ tích tắc là lống cây đã được lăn lên xe. Nay Mãn vẫn còn ở Bùi Chu. Gặp nhau thường chúng tôi hay ôn lại chuyện vui cũ để cùng cười. Anh có giọng nói rất thanh và khoẻ, nên ngay từ ngày còn chơi với nhau anh đã dám lên ngắm đứng trong nhà thờ, trước bàn thờ cùng toàn thể giáo dân tham dự nữa. Làm chúng tôi và nhiều người khâm phục, nhưng cũng đâu có tha anh, chọc anh về việc này, mang ra đuà với nhau.

No comments:

Post a Comment