Sunday, October 24, 2010

18:- Paris Năm 1992.


Có một điều hơi tiếc là, khi chúng tôi đi chơi, thường là vào buổi chiều, mặc dù mặt trời còn sừng sững ở phương tây, trời còn sáng, nhưng giờ giấc thì đã là vào các giờ nghỉ, thế cho nên, nhiều chỗ đã đóng cửa nghỉ, đường phố vắng teo, phố xá đã đóng cửa nghỉ cả, chúng tôi chỉ đi dạo chơi ở những phố đã vắng bóng người.

Chị nói chủ nhật này 13 tháng 9, sẽ đưa cậu mợ đi Pháp chơi, chị cũng tính luôn cho chúng tôi là phải đi cho bằng được, vì chúng tôi không có giấy tờ hợp lệ, chị sẽ dẫn vượt biên giới Pháp qua các đường quê, nếu như đi qua cổng chính không được. Còn vài ngày, hễ rảnh lúc nào thì chị lại đưa chúng tôi đi chơi, khi thì đón xe lửa đến Utrecht, khu tỉnh lỵ chị ở, để coi phố xá và các sinh hoạt buôn bán ở đây, chiều chiều, đi thăm và ăn ở các nhà chị quen, như nhà cô Hoà, hay đi dự đám sinh nhật của một bà người Nam Dương di dân sang sinh sống ở Hoà Lan đã lâu đời, vì vùng đất mà bà ở xưa là thuộc địa của Hoà Lan. Đi đâu chúng tôi cũng được mọi người ân cần thăm hỏi, vui vẻ đón tiếp, chu đáo chăm sóc rất mực thân tình. Thật sự dù mới đến Hoà Lan, ở chưa được nhiều, đi chưa được hết, mà nhờ qua chị tôi, mà tôi cảm thấy Hoà Lan vưà đẹp về cảnh trí mà cũng đẹp và chan chứa tình người.

Chiều thứ bảy, chúng tôi đến nhà thờ gần nhà để xem lễ, may mắn hôm đó có thánh lễ do cha Việt Nam chủ lễ, một Linh mục trung niên, hình như là cha Hoà, nghe tôi nói ở Úc, cha nói cha cũng đã sang Tây Úc thăm cha Ca. Sau lễ chúng tôi về nhà sửa soạn đồ đạc để hôm sau đi Pháp sớm.

4 giờ 44 phút chúng tôi lên đường, ra ngoài, vì còn sớm đường xá vắng, xe cộ đi lại ít nên cũng dễ đi, chúng tôi đi hai xe, chiếc xe van có vợ chồng chúng tôi, chị Ký, chú Linh và cháu Chiến, chiếc Opel sedan của Khanh cũng gồm có Vợ chồng Khanh Thanh, Dũng và Phụng. Hiếu không đi, ở nhà coi nhà. Chúng tôi được chở qua Bỉ, vì nước Bỉ nhỏ, đường xá rất tốt, xa lộ được gắn hệ thống đèn cùng khắp. Cả hai nước Hoà Lan và Bỉ đều nhỏ, chúng tôi chạy có 3 tiếng đồng hồ mà đi qua nửa nước Hoà Lan, cùng ngang qua hết nước Bỉ, 7 giờ 30 thì vào biên giới nước Pháp, ngừng lại tại trạm xăng dầu để chúng tôi làm vệ sinh cá nhân rồi lên đường đi tiếp vào Paris. Những đường lạ khó thì chú Linh lái, còn khi chạy ở những đường quen, dễ chạy thì cháu Chiến lái để chú Linh có thời giờ nghỉ.

Xe chạy trên xa lộ có thu lệ phí, đường rất tốt, hai bên đường làng mạc thưa thớt và nằm cách đường hơi xa xa, chẳng bù với bên mình, hễ có đường là bà con bò ra cạnh đường làm nhà ở cho vui, điều này vưà gây trở ngại giao thông, vưà là nguyên nhân của nhiều tai nạn chết người vì xe cộ. Các cánh đồng trồng ngô, nho, rừng thông và cả cỏ để chăn nuôi, những bành cỏ khô được xe cơ giới cuộn tròn, hay là đóng thành bành vuông vức, nằm rải rác trên khắp cánh đồng. Song song với xa lộ, còn có đường xe lửa chạy bằng điện, với hệ thống giây điện giăng mắc trên cao.

9 giờ, chúng tôi đến cửa ngõ của Paris, ngừng tại trạm xăng, chúng tôi cùng vào để làm vệ sinh cá nhân thêm một lần nữa cho sạch sẽ để chuẩn bị đi thăm phố xá Paris, nơi mệnh danh là kinh thành ánh sáng, đã được nghe nói từ rất lâu mà nay mới thực sự được đặt chân đến. Xe chạy vào đường phố ngoại ô Paris, nhà cửa san sát, không cao lắm, nó đều đều cỡ 5, 7 tầng, xây dựng đã lâu đời trông cổ kính. Người và xe cộ đông đúc. Lối chạy xe giống và gần gũi với bên nhà, chắc là ở Việt Nam bị ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp chăng? Nên sinh hoạt na ná nhau.

9 giờ 45 chúng tôi đến Khải Hoàn Môn (Arc de triomphe), xe tấp vào bên lề đường cho mọi người xuống xe, chải đầu, soi mặt, chúng tôi ra giữa đường đứng dưới chân của cổng để chụp hình, Chúng tôi có quá ít thời gian để đi chơi, ngắm cảnh Paris, lỗi là do chúng tôi không có thời gian như đã kể như trên, nên mọi cuộc đi chơi, vãn cảnh những kỳ quan của Paris, giống như là người cỡi ngựa xem hoa vậy, chỉ phơn phớt phiá ngoài mà thôi, còn kỳ dư các chi tiết, vào bên trong các công trình ấy thì chiụ, chúng tôi không có thì giờ. Đứng nhìn Khải Hoàn Môn thấy nó đứng sừng sững giữa nhiều giao lộ (hình như ngã 13 thì phải), nhìn thẳng hai bên như hai toà nhà vuông vức, như hai cây cột lớn, trên nối lại với nhau thành cái cổng vòm, cao đến 40 mét, nhưng phiá hai bên hông cũng có hai cổng thấp hơn, thành ra là bốn cột. Gọi là cột cho dễ phân biệt với cổng chứ thực ra nó là các toà nhà. Trên tường có đắp nổi các phù điêu hình ảnh các chiến binh Pháp. Và các tượng, cùng với những hoa văn nổi ngăn thành ba phần không đều chiều cao của công trình, trên sân thượng có lan can xây thấp vưà tầm cho khách tham quan đi lại chung quanh ngắm cảnh. Toàn bộ công trình toạ lạc trên một khu đất cao hơn mặt đương một tí, giống như một cái đảo nhỏ hình tròn giữa giao lộ. Ai muốn lên trên đỉnh ngắm cảnh phải trả tiền. Chúng tôi không vào và cũng chẳng leo lên cao, chỉ đứng ngoài chụp mấy kiểu hình rồi đi tiếp, có một ngày trời ở Paris thì phải tranh thủ đi cho hết, cho có đến là đã toại nguyện lắm rồi. Từ Khải Hoàn Môn đi thẳng trên Đại lộ Champs Élysées thì đến Công Trường Concorde. Con đường này rất lạ, họ xây dựng đã rất lâu đời, nhưng vẫn giữ lại một biểu tượng xa xưa, đường ghép đá tảng xanh gồ ghề, nhẵn thín với thời gian, khiến xe không thể chạy nhanh vì đường xóc, các cột đèn tín hiệu giao thông thấp lè tè hai bên đường, rất khó nhìn ở con đường với bề ngang rộng lớn. Mặc dù đường cũ, nhưng phố xá thì lại hiện đại.

Đến Công trường Concorde. Có một cây tháp bằng đá xanh cao hai mươi ba mét, nặng 230 tấn, được nước Ai Cập bên Trung Đông gửi tặng, nó không to, nhưng cao, rất cao, khéo khen cho người ta đã bỏ công lao để tạo dựng được một cột đá đẹp, nó giống như hình một con thoi dựng đứng, thẳng, vuông cạnh mà cao vời vợi, chỉ nói mang được nó đến Pháp cũng đã là một kỳ công.









Công trường Concorde


Giữa khu đất nổi như cái cù lao thấp của công trường, người ta xây dựng một bệ phun nước tròn như cái điã, hai tầng, chung quanh trụ nâng của tầng dưới, người ta đặt các bức tượng điêu khắc hình người khoả thân ngồi chung quanh trụ nâng đỡ phần trên của công trình, không biết các bức tượng này là bằng đồng hay mạ đồng, nhưng các bức tượng đã bị tróc dộp các lớp vỏ bên ngoài, vì tượng đã được xây dựng lâu đời và dấu ấn phong sương của thời gian đã ăn mòn làm nhạt nhoà in rõ trên toàn bộ công trình. Chung quanh, người ta xây tường thấp bao quanh, vưà ngăn nước chưá rơi xuống như mưa của các vòi phun, vưà để trang trí cho công trình thêm hài hoà, với cũng các hoa văn và phù điêu đắp nổi. Đứng ở đây, chúng tôi có thể nhìn về hai phiá để thấy được Tháp Eiffel sừng sững, vút lên cao giữa bầu trời trong xanh của Paris và Khải Hoàn Môn. Bùng binh lớn xe từ các ngả cứ từ từ chạy vào để đổi hướng đi, mạnh ai nấy chạy không phải nhường nhau theo như nhường trái phải, miễn là an toàn. Điều này khiến tôi thấy gần gũi với lối chạy xe bên nhà. Cũng như chúng tôi du khách cứ lần lượt đến xem chụp hình rồi đi tiếp, lên xe chạy ngoằn nghèo trên phố, qua những cây cầu thấp vượt dòng Sông Seine để đến Tháp Eiffel.














Bên dòng sông Seine

Chúng tôi tìm chỗ đậu xe bên kia bờ sông, rồi đi bộ đến chân tháp. Bốn chân dang rộng ra bốn phiá, được đặt trên bốn tảng trụ bọc đá trắng, bên trong dùng làm bốn cửa hàng bán vé và bán hàng lưu niệm, bên ngoài du khách đứng xếp hàng mua vé lên tháp, thấp thoáng những chàng Tây đen trẻ tay cầm các máy bay bằng mốp, vưà gạ bán vưà biểu diễn phóng cái máy bay, cho bay lượn khắp sân. Tôi ngước nhìn lên cao, nhìn tháp có cảm tưởng như tháp đang từ từ đổ xuống vì mây trắng lững lờ trôi theo gió nhẹ, những thanh sắt đen xì, dầy và to bản, trên vòng cung thấp, mỗi ô là tên của một nhà khoa học Pháp, những đinh rivet nổi đều khắp để gắn liền những thanh sắt lại với nhau, điều này lôi tôi về quá khứ xưa để nhớ đến mỗi lần đi xe đò về Sài Gòn, khi đi ngang qua Cầu Ghềnh Biên Hoà, hay qua Cầu Bình Lợi, mà hai cây cầu này do Pháp xây đã lâu lắm rồi, cũng những đinh rivet chạy đều khắp hai bên thành cầu. Có hai chân tháp được đặt hệ thống thang máy, cùng thang bộ cho khách tham quan lên trên tháp, có đến ba tầng tháp cho khách tham quan, mỗi tầng có một giá vé riêng, trên tháp cũng có các cửa hàng bán đồ lưu niệm và cả quán ăn cho khách.

No comments:

Post a Comment