Friday, May 15, 2009

Chuyến xe lưả "tăng cường!"

Chuyến xe lưả "tăng cường!" magnify
Hôm ANZAC Day có dịp đi xe lưả miễn phí. Thôi kệ! Không khen phò mã tốt áo. Chỉ kể lại chuyến đi xe lưả ở quê kỳ rồi.

Trong kỳ về thăm nhà kỳ rồi, trong các chuyến đi, bằng đủ mọi phương tiện, có lẽ chuyến hành trình đi bằng xe lưả từ Huế vào Sài Gòn để lại trong chúng tôi một ấn tượng hãi nhất.

Từ Đê Yên Phụ, Hà Nội, chúng tôi lên xe cuả Cty du lịch An Phú vô tới Quảng Trị thì chương trình thay đổi, chúng tôi huỷ kế hoạch đi chơi mà về Sài Gòn ngay. Chưa biết chọn phương tiện gì để về thì mấy người em đề nghị đi xe lưả. Ai cũng như ước muốn, vì vưà qua, chúng tôi đã cho mấy em đi máy bay, tầu thuỷ, xe chất lượng cao chỉ còn xe lưả là các em chưa bao giờ được đi!

Trước kia tôi đã từng nghe bạn bè khoe đi xe lưả ở ta giờ cũng tiến bộ lắm. Đến Huế, cũng chưa liên lạc được với công ty du lịch nào. Tôi mới phôn hỏi vé máy bay thì nghe nói Huế chưa có chuyến bay nào hoạt động bây giờ. Ít nhất cũng phải hơn tuần nưã mới có lịch bay. Thôi thì chọn xe lưả làm chuyến về vậy.

Tôi nói lái xe đưa chúng tôi vào nhà Ga Huế đợi chúng tôi hỏi vé xem sao? Xe băng qua cầu Đại Lộc nằm song song với Cầu Trường Tiền bắc ngang Sông Hương. Cây cầu nổi tiếng đã đi vào lịch sử nằm đây. Nhịp cầu gẫy đã làm lại đủ 6 vai, mười hai nhịp, trong trí tôi lại nhớ tới bài hát bất hủ mang nặng tình dân xứ Huế với điệu Nam Ai cuả bản nhạc: “Chuyện một chiếc cầu đã gẫy” cuả cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng với lời trách: “ Vì sao không thương mến nhau, còn gây khổ đau, làm gẫy nhịp cầu! Khắp cố đô khóc điệu Nam Ai….” Xe chạy qua trường Quốc Học và vào ga trung tâm cuả TP Huế.

Cô nhân viên bán vé mới lịch sự làm sao! Cứ trả lời nhát gừng mà chẳng cần nhìn khách! Hình như ở Việt Nam, chỉ còn có một ngành giao thông đường sắt là chưa bị cạnh tranh, nên nhân viên cũng vẫn với thái độ phục vụ xưa cũ!

Tôi hỏi mua 6 vé nằm đi Sài Gòn, cô nhân viên không nhìn, chỉ nói vé nằm ngày nay không còn, chỉ còn ‘vé cứng,’ chuyến 4 giờ 30 chiều. Vé nằm 4 giờ sáng mai mới có. Tôi với bà chị chẳng hiểu vé cứng là vé gì, nhưng vì muốn về sớm, nên đồng ý mua 6 vé cứng. Chứ chờ vé nằm thêm 12 giờ chờ đợi một đêm! Lo xong việc vé tầu, chúng tôi thấy trời đã trưa, mà từ sáng tới giờ, chúng tôi cũng chưa ăn gì, nên nói tài xế chở đi tìm quán cơm ăn.

Tôi có dịp đi tầu lưả cũng nhiều lần và có một chuyến đi đường dài bằng tầu hơn 600 km đi từ Paris tới Lộ Đức, nhưng chưa đi chuyến xe lưả đường xa nào tại Việt nam. Chỉ có một lần đi xe lưả từ Sài Gòn về Ga Hố Nai cách nay cũng cỡ 30 năm rồi. Nay chính thức mua vé xe lưả xuyên Việt để đi từ Huế về Sài Gòn.

Tôi đã nghe nhiều người khoe đi tầu Bắc Nam cũng tốt lắm, nhất là các toa bán vé nằm, tôi đã đi tầu xa ở Pháp và nghĩ rằng với thời đại nay, chắc tàu ở nước mình cũng đâu có kém cạnh gì.

Lang thang trong nhà ga đợi tầu, tôi dò trên bảng lịch tầu chạy. Tôi lấy vé ra coi ký hiệu chuyến tầu, chỉ thấy TN 1, 2 vân vân, uả mà sao cái ký hiệu tầu tôi mua vé không thấy, và cũng chẳng thấy giờ khởi hành cuả tầu chạy. Tôi hỏi một nhân viên nhà ga, anh ta mới cho biết, ký hiệu chuyến tầu bác mua vé là tầu tăng cường dịp tết không có tên trên đó đâu. Tiện thể tôi hỏi luôn ghế cứng là làm sao, anh ta mới giải thích là ghế cứng là ghế gỗ, không nệm, toa này chỉ có quạt không có máy lạnh, trên tàu còn có các toa ghế ngồi êm không máy lạnh và ghế ngồi êm có máy lạnh, rồi giường nằm có máy lạnh và giường nằm không máy lạnh. Càng nghe tôi càng đâm hoang mang. Tôi hỏi anh về vấn đề vệ sinh, anh cho biết là toa ghế cứng thì vệ sinh hơi kém. Chưa lên tầu mà nghe qua tôi đã thấy thất vọng.

Chiều chầm chậm qua trong cái nóng buổi trưa xứ Huế, chúng tôi nưả muốn thả bộ lang thang ra bờ Sông Hương, nưả ngài ngại! Cái ngài ngại thắng, vì chúng tôi vưà xong một cuộc hành trình dài Hà Nội - Huế. Đợi gần tới giờ tầu chạy, chúng tôi đi mua cơm tính mang lên tầu để ăn cho chắc. Ra quán cơm ở gần nhà ga mua 6 hộp cơm, còn đang đợi lấy cơm thì chú em phôn tôi về ga để sưả soạn lên tầu. Gì sớm dữ vậy ta! Còn cả tiếng nưã cơ mà. Chúng tôi lấy cơm xong vội vã trở lại ga, người ta thông báo ai đi chuyến tầu mang ký hiệu đó cộng với TN5 vào trong phòng đợi để lên tầu.

Cứ ngỡ tầu sắp đến, chứ ai dè họ kêu vào phòng ngồi đợi tiếp. Không những tầu đã không đến sớm mà còn trễ hơn giờ ấn định, chúng tôi chờ cũng lâu, cỡ 4 giờ 30 thì mới có loa báo chúng tôi ra sân ga số 3 để chờ tầu, chúng tôi ở toa 5 nên cứ dò nơi đậu cuả toa 5. Thấy người đứng chật sân ga, tôi nghĩ chắc là muà sau tết nên khách đông như vậy, nhưng sau mới biết, có cả những người đi tiễn cũng vào sân.

Còn đang đứng đó thì một con tầu đến, nhưng là tầu từ Nam ra. Đường Sắt ở ta chỉ có một đường, và tầu chỉ chạy cả hai chiều trên 1 đường ray, nên tầu đang chạy thì các tàu khác ngược chiều phải nằm đợi tầu ngược chiều đến ga an toàn mới tới lượt tàu mình chạy. Tại ga, họ chuyển đổi đầu máy tàu, thêm bớt toa cho nhu cầu chuyến đi, khách đi tầu lên xuống vv.

Trễ hơn dự tính cả hơn 10 phút, con tầu chở chúng tôi mới bò vào sân ga, mọi người, tay xách, nách mang, tìm toa mình mà leo lên tầu. Toa ghế cứng đông khách, chúng tôi tìm theo số ghế để hành lý và ngồi lên ghế cứng. Đúng với tên gọi, ghế cứng và thiết kế cố định như ghế công viên, hai hàng ghế quay mặt lại với nhau. Chúng tôi có sáu người chiếm gần hết hai hàng. Hành lý bỏ trên kệ cao và dưới sàn. Hai bên có cưả, cưả hai lớp 1 lớp lưới sắt bên ngoài bảo vệ phòng khi có ai ném đá lên tầu chăng? Lớp trong là kiếng kéo lên kéo xuống được.

Tầu chạy, tiếng còi rú lên chào sân ga, chào Huế. Giờ thì tôi có cảm giác và ngạc nhiên sao tiếng ồn ở tầu phát ra khủng khiếp là vậy! Tiếng ồn phát ra từ đầu máy, tiếng ồn đường ray, tiếng ồn cuả toa rung và tiếng ồn cuả gió hú, mặc dù tầu chạy không nhanh, nhưng tiếng gió như cuả bão cấp bảy, cấp tám! Ú ù.

Chúng tôi có nghe người đi trước nói tới tàu nhanh, tầu chậm, người nhân viên sân ga nói với tôi tàu bác đi là tầu trung bình. Chưa đi nên có biết gì về nhanh là sao, mà chậm là chậm thế nào? Giờ ngồi trên nó rồi thì đành chấp nhận. Thấy ga nào tầu cũng ngừng, và có ga ngừng rất lâu. Hỏi ra mới biết, tầu này là tầu tăng cường, nó không có quyền ưu tiên nào hết. Nên cứ phải đợi khi tuyến đường trống nó mới được chạy. Đôi khi phải nằm đợi cho tầu ưu tiên nhanh cùng chiều qua mặt mới lại tiếp tục hành trình.

Trời đêm xuống, Chẳng có cảnh trí nào để mà xem, người đi qua đi lại chúng tôi ăn cơm ngay hồi chiều, trên tầu cũng bán cơm và nước cho khách. Toa này phần đông là dân lao động. Họ đi tầu rất thường, nên quen với những cảnh như vậy nên rất vô tư. Trải chiếu xuống sàn tàu luồn chân dưới ghế ngủ khoẻ. Riêng chúng tôi thì cứ thì thầm bên nhau về cái sự yếu kém cuả ngành đường sắt, và khi hiểu ra những toa này chắc bò ở kho, nay lấy ra làm thành chuyến tầu tăng cường nên có sao chịu vậy.

7 comments:

  1. Tiện thể tôi hỏi luôn ghế cứng là làm sao, anh ta mới giải thích là ghế cứng là ghế gỗ, không nệm, toa này chỉ có quạt không có máy lạnh, trên tàu còn có các toa ghế ngồi êm không máy lạnh và ghế ngồi êm có máy lạnh, rồi giường nằm có máy lạnh và giường nằm không máy lạnh. Càng nghe tôi càng đâm hoang mang. Tôi hỏi anh về vấn đề vệ sinh, anh cho biết là toa ghế cứng thì vệ sinh hơi kém. Chưa lên tầu mà nghe qua tôi đã thấy thất vọng.,,,,haaaaaaaaa
    Milou...Milou....Let's go

    ReplyDelete
  2. tàu tăng cường đúng là có lấy những toa cũ ra để phục vụ, chẳng hạn như lọai giường nằm cứng máy quạt tức là chỉ có một tấm ván gỗ lót chiếu từ thời cách đây phải chục năm cũng được đem ra trưng dụng. mấy ngày tết là nó như vậy đó!
    nếu bác may mắn được đi tàu du lịch Sài Gòn Nha Trang thì chắc đã không thấy thất vọng nhiều như vậy!

    ReplyDelete
  3. Cám ơn các bạn đã cho thêm thông tin:D

    ReplyDelete
  4. em ở VN còn chưa đi tàu lần nào, nghe anh nói nghe oải....

    ReplyDelete
  5. em đả có dịp đi tàu từ Sai gòn ra Nha trang nói chung thì cũng không tệ ...

    ReplyDelete
  6. Em đã có lần về đi tầu bắc nam máy lạnh giường nằm mềm hẳn hoi ,nhưng thật ra cũng không khá hơn là bao nhiêu .Vẫn tiếng ồn khinh khủng chỉ được cái mình mua cả toa nên tự do hơn thôi ạ .

    ReplyDelete
  7. Nhà em bây giờ thì chỉ đi xe đò chất lượng cao thôi hà, đi như vậy khoẻ và thoải mái lắm, còn đi xe lửa nhiều bực mình vì cái kiểu làm việc và phục vụ xưa ra xưa rích vẫn còn tồn tại, cho nên bị mất khách dần là vậy đó.

    ReplyDelete