Thursday, July 22, 2010

Thăm Huế.


7. Huế.
Chúng tôi nói tài xế taxi chở vô Huế. Đường khu này ít xe nên cảm thấy rộng, bên đường lưa thưa nhà cưả, chỉ có những bãi cát trắng và những cây bạch đàn xanh um trồng cho chống xa mạc hoá. Thỉnh thoảng xe mới chạy qua một khu vực dân cư, qua những cây cầu, và những cái bảng chỉ đường nói rõ điạ danh khu vực.

Phải nói tôi mù tịt và lạ lẫm về vùng đất Quảng Trị. Những điạ danh đọc được nhắc tôi về những kỷ niệm chiến tranh hơn 30 năm về trước! Những Mỹ Chánh, Hải Lăng, Phong Điền quen thuộc cuả một thời khói lưả mà tôi đọc được trên báo chí thời gian lâu lắm rồi. Con đường sắt đôi khi song song, đôi khi lại biến đi đâu một khúc rồi lại nhập lại trên suốt đoạn đường dài gần 60 cây số.
Chúng tôi đến Huế. Xe chạy trên con đường song song với dòng sông, ngăn cách bằng khu công viên lớn và dài, một bên là thành nội với tường cao. Đường rộng rãi thoáng, xe cũng không nhiều và nét Huế cổ không đậm nét. Bởi cái đậm nét Huế là những chiếc áo dài mà khi xưa người dân Huế hay mặc không còn nưã.

Tới Huế mà chuyến đi cuả chúng tôi mất hẳn ý định đi thăm Huế, vì như đã nói ở trên, bà chị tự ý huỷ chuyến đi vì một cái hẹn ở Sài Gòn! Cho nên đến Huế là để chúng tôi kiếm phương tiện đưa chúng tôi về Sài Gòn càng sớm càng tốt.
Tôi liên lạc với công ty du lịch hỏi vé máy bay. Nhân viên cho biết, máy bay từ Huế đi Sài Gòn phải tới Ngày 17 Tháng 2 mới có chuyến bay, hôm nay mới tới Ngày 12! Mấy người em đi chung với chúng tôi, từ nhỏ đến lớn chưa được một lần đi Bắc, chưa đi máy bay, chưa đi Miền Trung, chưa đi tầu thuỷ, nay bốn cái chưa trên đã thành có, mấy em cứ thì thầm nói với nhau, giá được đi xe lưả nưã thì đủ và đạt ước nguyện.

Tôi nói xe vào nhà Ga Huế đợi chúng tôi hỏi vé xem sao? Xe băng qua cầu Đại Lộc nằm song song với Cầu Trường Tiền bắc ngang Sông Hương. Cây cầu nổi tiếng đã đi vào lịch sử nằm đây. Nhịp cầu gẫy đã làm lại đủ 6 vai, mười hai nhịp, trong trí tôi lại nhớ tới bài hát bất hủ mang nặng tình dân xứ Huế với điệu Nam Ai cuả bản nhạc: “Chuyện một chiếc cầu đã gẫy” cuả cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng với lời trách: “ Vì sao không thương mến nhau, còn gây khổ đau, làm gẫy nhịp cầu! Khắp cố đô khóc điệu Nam Ai..” Xe chạy qua trường Quốc Học và vào ga trung tâm cuả TP Huế.

Cô nhân viên bán vé mới lịch sự làm sao! Cứ trả lời nhát gừng mà chẳng cần nhìn khách! Hình như ở Việt Nam, chỉ còn có một ngành giao thông đường sắt là chưa bị cạnh tranh, nên nhân viên cũng vẫn với thái độ phục vụ xưa cũ!

Tôi hỏi mua 6 vé nằm đi Sài Gòn, cô nhân viên không nhìn, chỉ nói vé nằm ngày nay không còn, chỉ còn ‘vé cứng,’ chuyến 4 giờ 30 chiều. Vé nằm 4 giờ sáng mai mới có. Tôi với bà chị chẳng hiểu vé cứng là vé gì, nhưng vì muốn về sớm, nên đồng ý mua 6 vé cứng. Lo xong việc vé tầu, chúng tôi thấy trời đã trưa, mà từ sáng tới giờ, chúng tôi cũng chưa ăn gì, nên nói tài xế chở đi tìm quán cơm ăn.

Ăn xong, thời gian còn chúng tôi nói tài xế chở đi một vài thắng cảnh cuả Cố đô Huế. Đầu tiên, chúng tôi nói xe chạy qua thôi chứ không ghé, đó là Chợ Đông Ba. Không đến đây, có lẽ tôi cứ nghĩ Chợ Đông Ba nằm phiá khác, chứ không phải nó nằm bên bờ Sông Hương.

Chẳng là cỡ Tháng 9 Năm 1972, tôi được chở đến Huế. Từ Phi trường Phú Bài, tôi được xe chở tới thành nội, chỉ ghé đây có chừng nưả tiếng, lãnh thêm áo lạnh và trang bị thêm vũ khí rồi lại tiếp tục lên đường ra Quảng Trị. Cũng mang tiếng là đã đến Huế mà chẳng biết mô tê gì về xứ sở này. Sau đó, tôi bị thương, từ mặt trận, máy bay trực thăng đưa tôi về Mang Cá. Hôm sau, xe lại chở tôi tới Phi trường Phú Bài để lên máy bay lớn về Sài Gòn. Hai lần ngang Huế, chỉ có Cầu Trường Tiền và thành nội Huế là tôi có nhìn và biết những biểu tượng này cuả Huế, còn ngoài ra, tôi chỉ biết Huế qua sách vở.

Nay nhân cơ hội hiếm hoi, còn có mấy giờ phù du, tôi nhờ tài xế cho chúng tôi ngồi xe xem Huế. Chúng tôi được chở vào trong Thành nội, qua Phú Vân Lâu bức tường thành cao lớn với cây cột cờ lâu đời, một quảng trường thật lớn nằm giưã cột cờ và Cưả Ngọ Môn. Bưã nay, TP Huế đón Hoàng tử Nhật ghé thăm, cờ quạt và biểu ngữ chào mừng vị thái tử giăng ngang khu ngọ môn.
Đứng chụp mấy tấm hình kỷ niệm mà phân vân, vào thăm hoàng cung hay đi tiếp? Thấy dở dang mà không biết tính sao, đi hay ở, ở hay đi? Cuối cùng chúng tôi ngần ngại rời thành nội. Tôi hỏi tài xế những điạ danh cuả Huế, Ngự Bình, Linh Mụ nơi nào gần cháu đưa chú đến, và cháu nói Linh Mụ gần đây, vâng cháu đưa các chú đến. Và chúng tôi đến Linh Mụ, dưới bến, những chiếc thuyền rồng đậu san sát, vài ba chiếc chở du khách thăm cảnh trên sông. Chúng tôi leo lên những bậc đá cao và hơi đứng để lên khu tháp Linh Mụ, lững thững trên sân ngắm qua cảnh trí, chuà và Sông Hương từ trên cao. Trời Huế cũng nắng và nóng, cái khó chịu nhất cuả chúng tôi là mồ hôi cứ đổ ướt áo, khiến ngưá ngáy nên chẳng còn muốn đi đâu, nhất là còn có ít thời gian để có thể tính chuyện lang thang trên bờ Sông Hương. Thăm xong Linh Mụ, xe đưa chúng tôi về thẳng nhà ga, lấy hành lý xuống đưa vào phòng đợi tầu, chúng tôi ngồi nghỉ đợi tầu.

No comments:

Post a Comment