Wednesday, July 21, 2010

Đi Tây ký sự. Bài 5 Rome.


Đi Tây kỳ 5.

Thăm Rome 3. Bên tượng Thánh Phê Rô.

Thăm Rome tiếp theo.

Giờ xin trở lại với phần chúng tôi, bước theo đoàn người, chúng tôi vào trong ngôi đại thánh đường, ngắm ngang, ngắm dọc, ngưả cổ ngắm những tuyệt tác trên trần vòm, nhìn xuống chân coi các loại đá quý, bên phải với các gian dành cho những nơi thờ tự, nhà nguyện, đủ các thánh, Đức Mẹ Sầu Bi, Nhà Nguyện Thánh thể nơi mà chúng tôi đã dự Thánh lễ Chuá nhật bằng tiếng Ý. Trong nhà thờ rất rộng lớn không có ghế, gian giưã có một bức rào bằng vải mỏng như làn ranh không cho du khách bước vào. Còn lại mọi nơi mọi chỗ đều cho du khách đến gần để xem và chụp ảnh lưu niệm.

Điều đáng ghi nhận là tượng Thánh Phê rô bằng đá. Chắc phải rất nhiều triệu triệu lượt người thăm viếng và hôn kính và rờ tay vào hai bàn chân tượng Ngài nhẵn thin và rất dễ nhận là các ngón chân cuả ngài kể cả ngón chân cái đã mòn, nhìn gần như một ngón chân cụt. Thế mới biết sự tôn kính cuả rất nhiều người dành cho bức tượng thánh này. Vì rất nhiều tượng ảnh, rất sinh động về cả kiến trúc và nghệ thuật, khiến ta phân vân và như mất hướng thăm viếng, không biết mình nên bắt đầu từ đâu, theo thứ tự nào và với những trình tự hướng dẫn. Kinh nghiệm này chúng ta thường không chú trọng, nhưng với lời khuyên cuả người viết, nay với phương tiện thông tin hiện đại, nên trước khi chúng ta muốn đi thăm thú nơi nào, nên tìm hiểu cặn kẽ để khi đến nơi, chúng ta ít nhiều cũng hiểu được những hình ảnh mà mình đang thăm viếng.

Vòng đi, vòng lại trong ngôi đại thánh đường nhiều vòng, cuối cùng, chúng tôi đi ra ngoài thăm quảng trường rộng lớn, rồi theo con lộ cổng chính đi về hướng Thành phố Rome, trên con đường chính (Via Della Conciliazione) với nhiều cưả tiệm bán đồ lưu niệm, tượng ảnh, lác đác những nhà hàng Ý, chữ Ristorante nhìn cũng ngồ ngộ. Chúng tôi ghé một nhà hàng bên đường dùng bưã ăn trưa kiểu Ý. Ngồi nghỉ cho chân thư giãn rồi còn tiếp tục với cái: Walking tours Rome.

Lững thững theo con đường giữa giòng người xuôi ngược, chúng tôi đến bên Giòng Sông Tevere, trên bờ ngó xuống thì sâu nhưng sông có vẻ cạn nước, nhưng những chiếc cầu thì san sát. Chụp hình chơi với những cây cầu, chúng tôi bỏ cầu Vittorio Emanuele II, đến cây cầu gần đó, nơi có một lâu đài tròn tên gì nhỉ Castel Sant Angelo và cầu nối bờ sông vào thẳng toà nhà cũng là Cầu Sant Angelo. Hai bên thành cầu có lan can và những cột, trên mỗi cột là một bức tượng, hình như cầu nào cũng vậy, chúng tôi chụp hình kỷ niệm, xong lại thả bộ qua cầu, đi thăm Thành phố Rome một lần nưã.

Trời vẫn đẹp, chúng tôi đi qua hết khu phố này đến khu phố khác. Thỉnh thoảng con gái dẫn má vào trong một cưả hiệu nào đó trên phố xem hàng, những cưả hàng thời trang nổi tiếng với lối trang trí hấp dẫn, bắt mắt như kéo chân người qua lại. Phố xá, người xe, xe người như quyện vào nhau nhích bước ở những khu phố nhỏ. Thành phố du lịch nên chẳng ai vội vã, cứ thong dong bước, thong dong ngắm cảnh, xe cộ cũng chiều khách trên đường, lịch sự nhích nhích theo bước chân người trên những con phố hẹp, mải ngắm nhìn mà quên đi là mình đang trên đường và quên là mình cũng có thể đang cản trở giao thông.

Dù ngày trời đẹp, nhưng ngày muà Đông vẫn ngắn lại. Thành phố lên đèn rất sớm, các quán sá buổi chiều mời mọc khách qua đường. Thăm ngắm thành phố cả ngày cũng đã mệt, chúng tôi lại tìm về trạm Metro gần nhất để về lại nhà trọ. Đến ngõ lại không vào mà thả bộ đi kiếm nhà hang Tàu mua cơm ăn vì hai ba ngày ăn cơm tây cũng muốn thay đổi, tìm về hương vị quen thuộc. Đến nơi, quán chưa chính thức mở cưả nhưng chúng tôi cũng nhờ được chủ quán bán cho ba phần cơm mang về nhà trọ sực. No nê, nghỉ ngơi tắm rưả, nằm đọc sách và chìm vào giấc điệp sau một ngày đi thăm Đền Thánh và đi bộ trên đường phố Rome. Hẹn sang ngày sau thăm Viện Bảo Tàng Vatican. (Musei Vaticani.)



Bên tượng ĐGH.

Sáng Thứ Hai, Trời Rome mưa nhẹ và lạnh! Chúng tôi cũng đi bộ vào khu thị trấn gần nhà nơi có trạm Metro. Chẳng vội vã, chúng ghé quán bên đường ăn điểm tâm, ở đây vưà rẻ lại vưà ngon, cà phê cũng thơm hơn. Chắc ăn, chúng tôi lại xuống Metro đi tiếp. Cũng như hôm qua, có mấy trạm là xuống, trời mưa nặng hột hơn, chúng tôi cứ thẳng đường mà đi dưới cây dù. Nhà cửa ở Rome đến hay, cứ xây thẳng đuột từ dưới lên trên, chẳng có mái che trước thềm, nên có muốn trú mưa cũng không có chỗ để trú. Cũng may đi thêm ít bước thì trời nhẹ hạt lại.

Men theo bờ thành cao ngất, chắc đây là biên giới cuả Quốc gia nhỏ bé nhất thế giới Vatican. Cứ vòng theo bức tường thành này là đến cổng cuả viện bảo tàng. Mưa gió vậy mà cũng như chúng tôi, có rất nhiều người cũng đến thăm viện bảo tàng hôm nay. Coi kià, trước chúng tôi cũng đã đầy người và sau chúng tôi cũng đâu có ít, cứ che dù che gió che mưa, nghiêng nghiêng người để chống gió mưa dưới cánh dù nhỏ nhiều mầu sắc, chưa hết những người trẻ vẫn cứ đuà dỡn với nhau như chẳng hề biết trời gió hay mưa.


Trước cổng Viện Bảo Tàng VATICANI.

Đây là một trong những viện bảo tàng lớn nhất thế giới. Thật nhiều tượng ảnh bằng đá, hình chạm, phù điêu, trên trần, trên tường, tranh thảm và cả những tủ đựng hồ sơ cũng chất thành những bức tường khắp mấy dẫy nhà. Cứ theo đoàn người đi theo một chiều, trên lầu, xuống đất, lên lầu, qua phải, quẹo trái. Chúng tôi được đi qua cả những nơi làm việc cuả các ĐGH và cả Nhà nguyện nổi tiếng Cappella Sistina. Nơi hội họp và bầu Giáo hoàng. Trích một đoạn giới thiệu về ngôi nhà nguyện này trong sách đã dẫn:

(Cappella Sistina. Nhà Nguyện Sistina là viên ngọc quý cuả nghệ thuật thời Phục Hưng. Nó nổi tiếng nhờ các bức vẽ trên tường. Qua các cảnh Kinh Thánh Cựu và Tân ước và nhất là qua bức hoạ “Ngày phán xét chung”. Michelangelo và các hoạ sĩ thời đó đã không chỉ để lại cho hậu thế một phần gia tài quý báu cuả kho tàng nghệ thuật, mà còn trả lời cho câu hỏi về ý nghiã cuộc sống con người.

Nhà nguyện dài 40, 30 mét, rộng 13,20 mét, đã được Giovannino de Dolci xây cho ĐGH Sesto IV giưã các Năm 1473 tới 1481. Theo hoạ đồ cuả Baccio Pontelli. Và kể từ đó trở thành nhà nguyện riêng cuả các Giáo hoàng. Các cuộc bầu Giáo hoàng cũng như các lễ nghi quan trọng đều được tổ chức tại đây. Các tủ dùng cho ca đoàn bằng cẩm thạch cũng như các ghế ngồi cho ca viên do Mino da Fiesole và các đêu khắc gia thời đó chạm trổ. Nền nhà nguyện trang trí theo kiểu Cosma. Các bức tranh trên tường được vẽ giưã các năm 1481 và 1483.....)

Sau khi rời viện bảo tàng. Chúng tôi lại qua bên đền thánh viếng thăm một lần nưã rồi trở về nhà trọ nghỉ để sáng mai rời Rome sớm đi Paris kết thúc 3 ngày thăm viếng thành phố đáng nhớ và thoả mãn ước vọng trong đời người tín hữu Công Giáo.

No comments:

Post a Comment