Friday, March 11, 2011

27/11. Chuyến đi chơi đầu Năm Tân Mão.


Hồi 1.

Chỉ tại cái ham vui, vợ chồng (chủ tịt) rủ nhau ra “biển lớn.”

Chẳng biết có phải như không vưà ý, mà con tầu lướt sóng “lắc lư.”

Không phải là tôi hổng có lạp sườn, (lập trường) Nhưng bạn bè rủ đi chơi mà hổng đi mới lạ chứ nhỉ?

Vì cứ mỗi khi có dịp gặp nhau. Ngồi nói chuyện vãn cho chán, cho chê, thế nào rồi thì cuối cùng cũng nói tới chuyện đi chơi chỗ này chỗ kia, người bạn quen lại hỏi: có tour đang sale, anh chị có đi chơi không? 13 ngày, 14 đêm trên tầu du lịch Pacific Ocean vòng trên Thái Bình Dương bọc hết nước Tân Tây Lan (New Zealand), đêm tàu di chuyển mình vui chơi trên tàu hay ngủ, ngày lên bờ tại nhiều điểm du lịch cho mình đi thăm từ đầu đảo bắc cho đến cuối đảo nam. Thăm thú các danh lam thắng cảnh, những vịnh nho nhỏ thật thú vị, rừng già nguyên sinh, hay đi bộ trong rừng và những vùng quê, đi lên thăm vùng núi lưả Rotorua, các hải cảng nổi tiếng, thành phố trên đất nước Tân Tây Lan, cùng công viên quốc gia. Nơi cuối đất cùng trời ở đất nước vùng đảo Nam Thái Bình Dương.

Tôi mở trang web công ty P&O xem một số thông tin về chuyến đi này. Tour du hành vào Ngày 16 Tháng 2 Năm 2011 với tên gọi là White Cloud Wonders N107. Tầu mang tên Pacific Sun là 1 trong 4 con tầu cuả Công ty Pacific Ocean viết tắt là P&O. Tàu có nhiều phòng (cabin) sức chở 1900 hành khách chưa kể thuỷ thủ đoàn cỡ chừng 720 người. Với 12 tầng cuả con tàu to lớn đồ sộ. Tàu dài 223 mét, rộng cỡ 30 mét, cao tính từ mặt nước bằng toà nhà 7 tầng, sức nặng tổng cộng 47 ngàn 262 tấn. Được đóng vào Năm 1986. Tốc độ tối đa (Max Speed) 21 knots (21 dặm)

Tầu đậu tại bến cảng Newcastle bên Tiểu bang New South Wale cách chỗ tôi ở hơn 1000 cây số. Để đến đó, chúng tôi lại phải đáp máy bay nội điạ mất khoảng 1 giờ 30 phút. Từ phi trường đến cảng biển thêm chừng 45 phút nưã. Nghe vưà lạ vưà thích, chúng tôi thu xếp đi chơi một chuyến vượt đại dương để xem “ra khơi, thấy lòng phơi phới,thấy trời bao la…” như bài hát cuả cụ Phạm Duy không nhỉ?

Khởi hành.

Khi book vé, chúng tôi đã book vé cả chuyến bay từ nhà đến cảng biển Newcastle. Đùng một cái, nghe đại diện phòng vé báo thay đổi chuyến bay, thay vì 10 giờ 50 cất cánh, chúng tôi sẽ đi chuyến bay 6 giờ sáng đến một phi trường khác rồi lại đổi chuyến bay để đến cảng. Đổi như vậy, chuyến bay sẽ dài và tốn thời gian thêm mấy tiếng, nhất là chúng tôi phải dậy thật sớm để chuẩn bị có mặt ở phi trường lúc 5 giờ sáng! Biết sao được bây giờ, chúng tôi đang lo chuẩn bị thu xếp hành lý cho chuyến đi thì lại nhận được tin từ công ty du lịch báo đổi chuyến bay trễ hơn vào lúc 10 giờ 55 trưa. Vưà hơi ngạc nhiên nhưng lại mừng là chúng tôi có đủ thời gian chuẩn bị ra phi trường thoải mái hơn

Sáng, chúng tôi thức dậy khoảng hơn 6 giờ. Đóng gói hành lý còn lo ăn sáng cẩn thận rồi nhờ con chở ra phi trường. Anh con nghe lộn, tưởng sáng ba má đi taxi nên tỉnh bơ đi làm việc khác, khi nhận phôn mới biết là chúng tôi đang đợi sẵn ở nhà để anh đến chở chúng tôi đi. Mọi việc rồi cũng êm xuôi theo đúng với dự tính mà không đến nỗi vội vã.

Đến phi trường ‘check in’ xong còn cả gần một tiếng đồng hồ chờ đợi. Được cái, trong nhóm đi chơi có rất đông bạn bè nên tha hồ tán hươu, tán vượn, vui đuà với nhau, hỏi thăm nhau tí chút. Đến giờ lên máy bay, khách khưá đã yên vị, giờ bay đã qua mà máy bay vẫn chưa thấy đóng cưả! Gần nưả tiếng sau, thấy một ông khách nưã bước vào, phi hành đoàn chuẩn bị cho máy bay cất cánh, thì ra, nãy giờ, họ nằm im tại chỗ để đợi ông khách này đây.

Máy bay từ từ được kéo ra đường băng và chuẩn bị đợi lệnh cất cánh từ trạm kiểm soát sân bay. Trên phi đạo, thấy thêm một máy bay đáp xuống phi đạo, máy bay tôi mới bò ra đường băng chính và tăng tốc, tăng tốc rồi lướt lên mỗi lúc một cao. Những ngôi nhà, cánh đồng, rừng xanh, xe cộ cứ nhỏ dần, nhỏ dần và lẫn trong những làn mây mỏng như tơ trời giăng mắc, rồi đến các đụn mây trắng phau bị cánh chim sắt lướt đè thấp xuống dưới. Chẳng biết mây mấy tầng, chỉ biết khi máy bay bình phi thì mây trắng đều như tuyết bên dưới phơi mình dưới bầu trời xanh thẳm.

Nhờ đi máy bay cũng nhiều lần, và cũng bởi tuổi tác có tăng, tính lãng mạn cũng giảm, chứ không, tôi cũng kêu mấy lon bia uống cho đời bay lên đến tận mây xanh hì hì. Giờ thì chỉ đưa mắt nhìn qua ô cưả nhỏ cuả máy bay nhìn mây một thảm trắng bạc hắt lên loá cả mắt, và trời thì xanh thẳm một mầu xanh không còn một vệt mây nào có thể che khuất.

Đương nhiên là chúng tôi đến trễ, nhưng vì công ty du lịch và cty tàu biển đã sắp xếp lại với nhau, hãng tàu đồng ý chờ thêm một giờ nưã. Họ còn thuê xe Bus đợi sẵn ở phi trường Williamtown để đón đưa chúng tôi ra thẳng bến tàu. Đường từ phi trường về bến tầu được cho biết là vào khoảng 30 km với thời gian dự trù cũng mất thêm 45 phút chạy xe.

Đến bến tầu, một con tầu thật lớn đang đậu. Trên bờ, sát ngay cạnh hông tàu một căn nhà bạt thật lớn và trắng toát được dựng kiểu dã chiến để tiếp khách du lịch. Hành lý mình có dán tên và số cabine đầy đủ thì cứ bỏ nơi ghi nhận hành lý, nhân viên trên tàu có trách nhiệm chuyển hành lý lên tàu và sẽ đưa đến tận phòng mình ở. Còn riêng phần mình thì tiếp tục đi xếp hàng làm các thủ tục cần thiết cho chuyến đi, như phải điền phiếu sức khoẻ, làm thủ tục check in, phiếu chọn cách trả các khoản tiền khi cần mua bán trên tàu như trả bằng tiền mặt hay thẻ tín dụng.

Có một cái hiểu lầm nho nhỏ với tôi khi làm thủ tục check in xong, tôi không có card lên tàu, tôi hỏi lý do, nhân viên nói có người phôn đến công ty tàu nói là tôi không tham dự chuyến đi! Thật là ai đó đã dám đuà cả với uỷ viên trung ương cuả “hội thích đuà,” và đuà đến mức đó thì thôi. Tôi nói tôi đây họ mới gọi máy lên tầu để nhân viên lấy card và mang đến để tôi lên tàu. Qua hải quan xuất cảnh chúng tôi lại thêm một cưả check an ninh nưã mới bước được chân lên tàu. Tại cưả tiếp nhận khách, chúng tôi được mời đứng vào máy chụp đưa card điện tử cho nhân viên đưa vào máy chụp hình. Xong thủ tục đó chúng tôi mới chính thức là khách du lịch cuả con tàu Pacific Sun.

Nhận phòng xong, chúng tôi mang hành lý vào phòng và rủ nhau lên boong xem tàu nhổ neo và những sinh hoạt cuả tàu. Trên tàu mà người cứ đông như trên phố vậy, kẻ đi qua, người đi lại, lớn bé già trẻ, chẳng thiếu một thành phần nào. Nhưng đông đảo nhất chắc là thành phần cao tuổi như và hơn chúng tôi, vì vào cỡ tuổi này, mọi người mới có thời gian đi du lịch trên tàu, chứ trẻ trung thường không có thời gian để lênh đênh trên biển để đến một nơi mà chỉ mất vài giờ bay.

Con tầu lớn như một khu phố cao 7, 8 tầng, được mấy con tàu kéo, bên kéo bên đẩy đưa con tầu ra giưã dòng để trở đầu ngược dòng sông để ra biển lớn. Trên bờ cảng cuả Thành phố Newcastle thân nhân đi tiễn và khách trên bờ đưa tay vẫy chào từ đủ tứ phiá, phiá bên cù lao và phiá những khu bờ gần với đường tầu ra, chỗ nào cũng đưa tay vẫy, trên tàu chúng tôi cũng vui cười vẫy lại, cuộc chia tay thật vui vẻ.

Vậy là chỉ cách có mấy giờ đồng hồ, chúng tôi vưà bay tuốt trên mây xanh, giờ lại đã lênh đênh lướt đi trên vùng biển rộng vùng Nam Thái Bình dương. Gió biển lồng lộng như đuà dỡn với con tầu, ra xa hơn thấy tàu không còn lướt đi êm ái nưã mà nhắc tôi nhớ bài “Hoa biển” với câu hát đã thật quen thuộc ở thế hệ tôi ngày trước: Vượt bao hải lý nghe chưa vưà ý lắc lư con tầu đi.” Muà này là muà hè ở Úc, mặt trời con thức, phải 9 giờ mới chịu đi ngủ cơ. Hoàng hôn xuống dần ở đuôi con tàu, vì tàu chúng tôi nhắm hướng đông đi tới. Khi ngồi gõ những dòng này, tôi lênh đênh trên biển được 6 tiếng đồng hồ rồi. Con tầu vẫn chưa vưà ý, vẫn “lắc lư con tầu đi.” Lúc đi trên boong người nào cũng chao đảo, giờ ăn mọi người xếp hàng đi lấy phần ăn mình thích mang về bàn ngồi ăn trong cái chòng chành, lạ lẫm thật mắc.. cười.

Tôi có ý định chụp cảnh hoàng hôn trên biển, nhìn mặt nước biển gợn sóng xanh biêng biếc nhấp nhô, bạc đầu, nhưng khi ra ngoài thấy gió biển mạnh quá, lang thang từ tầng 5 tôi ở đến các tầng 8, 9, 10 nơi thì ca nhạc, nơi nhà hàng, có cả nơi cờ bạc, và chỗ nào cũng đông vui. Trở xuống phòng, tôi lôi máy ra cắm điện ngồi viết trong trạng thái ở trong con tàu bồng bềnh, lắc lư. May mà tôi không bị quay cuồng, chao đảo theo.

...Còn tiếp...

No comments:

Post a Comment