Tuesday, November 8, 2011

Trục trặc cuả chuyến đi.


35/11. Kể tiếp chuyến đi chơi tới phần trục trặc hi hi. Mar 23, '11 1:22 AM













(Bình minh trên đường về)

Ngày Thứ 6 cuả chuyến thăm New Zealand, chúng tôi bắt đầu thăm viếng đảo Nam New Zealand. Đúng như chương trình thì chúng tôi ghé thăm Thành phố Christchurch. Rủi một điều là hai ngày trước, khi chúng tôi còn đang chơi lang thang ở vùng núi lưả Rotorua thì Thành phố Christchurch này bị động đất. Thành phố phải lo cho những nạn nhân cuả trận động đất, và cũng để an toàn cho du khách, Ban giám đốc công ty tàu đề nghị tàu chúng tôi không nên đến Christchurch, và họ chuyển đến một vùng Vịnh Akaroa. Akaroa là một thị trấn nhỏ, cách Christchurch 75 km nằm về phiá Đông Nam cuả Thành phố Christchurch. Thị trấn này rất nhỏ với 600 người sống bằng nghề phục vụ du lịch và khai thác thuỷ sản.

Có người bạn bảo, chưa đến Christchurch là chưa đến New Zealand, phào! Uổng nhỉ, vậy mà chúng tôi đang ở New Zealand mà đang thật gần với Christchurch, vì Wellington là điểm cuối đảo bắc và qua đảo nam rất gần, có thể đi qua bằng phà được. “Con cá sẩy là con cá to.” Những nơi không được đến thì tha hồ mà tưởng tượng.

Tàu dự kiến ghé thị trấn Akaroa lúc 7 giờ sáng. Nhưng do trục trặc máy móc, một động cơ bị hư nên tàu đến thị trấn trễ hơn 5 tiếng đồng hồ! Đây là lần thứ hai máy trên tàu bị trục trặc và tàu cũng bị đến trễ. Vì đây là một thị trấn nhỏ nên không có cầu cảng cho tàu lớn cặp bến. Tàu lại phải dùng tender để chuyển khách vào bờ. Trời giăng mây xám, mưa bay mờ mờ trên đầu non chung quanh vùng vịnh, gió lớn thổi tạo thành những con sóng rất lớn trên mặt nước cuả vùng vịnh. Chiếc tàu nhỏ (Tender) đưa khách vào bờ mỗi chuyến chuyển được 150 hành khách. Vưà tách khỏi tàu lớn là tầu bị sóng lớn vồ lấy nhồi lên, nhận xuống nghiêng ngả, cả 150 khách đều sợ xanh mặt, nhất là những người đã trải qua cái thời kinh khủng nhất trong đời thời vượt biên xưa. Ai cũng sợ tầu lật nghiêng, nhiều người với phản ứng tự nhiên ôm chặt người bạn ngồi bên cạnh, nhưng do đông nên ai cũng cười vang cả tàu sau mỗi đợt sóng làm tầu nghiêng ngả. Thì ra do sợ quá nên người ta cũng chỉ còn biết cười cho đỡ sợ. Cười mà run hi hi.

Akarao nhìn trên bản đồ là một bán đảo, nó lồi ra như cục thịt thưà, ở giưã có một đường vào vịnh dài. Đây cũng là một nơi được giới thiệu cho khách du lịch nên đến, nhất là phiá Banks Peninsula. Lên bờ, trời mưa và gió lớn làm cho lạnh hơn. Đây là ngày lạnh nhất kể từ lúc bắt đầu chuyến đi, nhưng những ngày tới sẽ lạnh hơn vì mỗi ngày, tầu mỗi đi gần với Biển Tasman hơn, mà biển này thì gần với Nam Cực. Thị trấn Akaroa rất nhỏ, chúng tôi mặc áo mưa vào để tránh ướt và đi một chút là hết vùng trung tâm thị trấn. Chẳng biết đi đâu và làm gì với cảnh trời mưa gió trong một thị trấn nhỏ bé này nên đứng ngó trời mây. Máy chụp không lấy ra khỏi giỏ, chỉ có máy quay mang ra quay cảnh mưa gió và mặt nước điểm bông trắng bạc rồi bàn nhau lại quay về bến đón tầu (Tender) chở về tầu lớn nghỉ. Mặc dù những người trên tầu lớn vẫn còn đang chờ tới phiên để được tàu nhỏ chở vào bờ. Chúng tôi về sớm nên tàu cũng ít người hơn, dù cho cũng có một số người như chúng tôi cũng ra bến quay về tầu lớn, nhưng tàu vẫn chưa đủ sĩ số như lúc chở khách vào. Nhưng không phải vì thế mà sóng không nhồi, cũng trồi, sụt, nhấp nhô, nghiêng ngả. Cũng sợ, nhưng cái sợ có giảm đi nhiều so với chuyến lên bờ, vì ai cũng đã hiểu và không còn bất ngờ vì biết rằng con đường trở về tầu cũng phải đi qua những cơn sóng trong Vịnh Akaroa một ngày mưa gió.



Như đã kể ở trên, đêm trước một động cơ trên tàu bị liệt, tàu chạy với tốc độ chậm và kéo dài cuộc hành trình thêm 5 tiếng đồng hồ. Thay vì đến bến lúc 7 giờ sáng, thì mãi tới 12 giờ 30 trưa tầu mới thả neo trong vịnh. Suốt thời gian chúng tôi lên tàu nhỏ lên bờ chơi, tầu nằm yên trong vịnh, các kỹ sư và thợ máy làm việc hết sức mình để sưả chưã máy tầu, nhưng họ đã không thể làm gì hơn được và chịu thua! Thuyền trưởng tầu xin lỗi du khách vì đã không thể hoàn thành trọn tour như chương trình chuyến đi, mặc dù chỉ còn hai điểm đến cuối cùng. Ông cũng nói, tàu chỉ còn một động cơ, nếu đến đủ hai điểm du lịch cuối cùng thì tầu sẽ không về bến kịp ngày. Do đó, ban giám đốc ở Úc quyết định tàu nên quay về Úc ngay.

Thông báo vưà ban ra với sự bồi thường mỗi điểm đến là 50 Dollars, chúng tôi còn đang to nhỏ chuyện trò, thì đã thấy một vài du khách Úc phản ứng tức khắc bằng cách đeo ngay trước ngực tấm bảng: “No go P & O” Và nghe đâu họ còn tổ chức biểu tình phản đối quyết định huỷ các điểm đến cuả ban giám đốc hãng tầu du lịch.





(Đường về thay đổi ngay giưã hai đảo thay vì cuối đảo Nam.)

Thế là Ngày Thứ Bảy cuả chuyến đi, thay vì chúng tôi được ghé bến ở Port Chalmers để thăm Dunedin với vùng có những chú hải cẩu, thì tàu quay ngược lại vùng biển giưã hai đảo Nam và Bắc New Zealand để đi tắt về Newcastle, Sydney ngay. Chúng tôi sẽ lênh đênh trên biển với hải trình dài ngày hơn để quay trở về. Tàu chạy rất chậm và nếu như máy móc vẫn không sưả được, chúng tôi sẽ cứ hưởng cái thời gian chầm chậm trôi trên đại dương cả năm ngày dài, thay cho ba ngày như kế hoạch. nhiều người mong sao cho con tàu về bến đúng ngày để không bị trễ chuyến bay trở về nhà. Trên tàu, thuyền trưởng và ban điều hành lại mở thêm nhiều chương trình cho du khách giải trí, các show diễn, đấu giá tranh ảnh, khiêu vũ, diễn thuyết, cưả hàng bán đồ trang sức và các máy đánh bạc giết thời gian lại được mở ngay từ sáng. Lầu 9 và 10 lại tấp nập phố xá đông vui như trên các phố chính trên bờ. Buổi sáng, mọi người nằm ngủ nướng trễ hơn mới chịu dậy, và phòng ăn thưa thớt người hơn bình thường, mãi tới hơn 8 giờ mới thấy người ta kéo nhau đi ăn sáng thật đông.





(Sơ đồ các khoang trên tàu.)

Nhóm Việt Nam đi chung chuyến tàu có 28 người, đôi khi mới có dịp đi chung, còn lại nhóm nhỏ cỡ 13 tới 14 người, sau mỗi ngày, chúng tôi đều gặp nhau đấu láo. “Giá có nhóm bạn bè blog đi chung thì tha hồ mà off, ngồi bên song cưả kính lớn ngó trời nước mênh mông cuả đại dương quên đi hết mọi việc trên đời thường, không còn phải lo chuyện ăn, chuyện ở mà off chuyện trên trời dưới biển bao la bát ngát thì vui biết mấy.” Nghe như chuyện ảo, ấy thế mà với chúng tôi lúc này là thật. Bà xã tôi suốt hơn tuần lễ rời nhà đi chơi, chưa một lần phải động tay vào bếp, ăn đã có người nấu cho, chỉ còn phải nghĩ suy có tí là chọn món gì họ bày trên quầy để lấy ăn, ăn xong có người dọn, chọn thứ gì để uống, uống xong có người đến bưng ly đi. Ngủ dậy có người lo thay khăn, thay gối ngày tới hai lần lận. Chỉ mỗi việc hai vợ chồng dung dăng dung dẻ đi lên, đi xuống, đi tới, đi lui hay những buổi cùng nhau xuống bến thăm thành phố, cảnh quan cuả một nơi nào đó. Về tầu lại ăn và ngủ, ở đây không còn thời gian để xem tin tức và cảm thấy như mình cách ly hẳn với thế giới bên ngoài.

No comments:

Post a Comment