3. Hạ Long 11/2/09.
4 giờ sáng, 11/2/09. Chúng tôi dậy tắm rưả vệ sinh xong thì thu xếp hành lý trả phòng, vì sau khi đi Hạ Long về, chúng tôi sẽ suôi Nam. Xuống phòng tiếp tân, nhân viên thay vì thu 400 ngàn một đêm, nay đòi 470! Đúng là có vấn đề, hơi bực mình nhưng không có nhiều thời gian để làm cho ra lẽ, vì giờ này mọi người liên hệ đều còn ngủ cả. Chúng tôi lại qua bên đường ăn sáng và lên đường trực chỉ Hạ Long.
Xe chạy qua Cầu Chương Dương, anh tài xế khoe cầu này có là nhờ sau khi Liên xô giúp ta xây Cầu Thăng Long, còn dư vật liệu ta xây tiếp được Cầu Chương Dương? Anh nói cứ như ở gần cuối Thế kỷ 20 thật, thông tin một chiều có khác! Bà chị tôi buột miệng nói: “hèn gì mà cầu cống hay sập!” Cái gì nói nó cũng vưà vưà phai phải thôi, nói sạo mà bắt người khác nghe cũng hơi nghịch nhĩ!
Dậy sớm, ngồi xe đâm buồn ngủ, chẳng còn hơi nào ngắm cảnh trên đường đi, mà cũng sớm quá, đường lại lắm sương mù và chạy trên xa lộ nưã nên cũng chẳng có gì để ngắm, nên quân ta rì rầm nói chuyện và gật gù suốt chuyến đi. Đến ngã tư xe quẹo đường ra Hòn Gai, Quảng Ninh. Đường tương đối tốt nên cũng mau tới nơi.
Hương gió biển ngạt ngào, xa xa những ngọn núi trên biển trùng điệp Hạ Long là đây, ven bờ tầu thuyền chật bến, đủ kiểu đủ cỡ, một tầng, hai tầng neo đậu san sát nhau, người người qua lại tấp nập mời chào, chèo kéo cũng hơi bực mình, giá cả đẩy lên cao chót vót!
Cò kè bớt một, thêm hai, cuối cùng chúng tôi lên con đò lớn, theo phép thì đò chở được đến 48 khách, chúng tôi có 9 người và thuỷ thủ đoàn chừng 4 người nưã nên đò rất rộng, chúng tôi chọn hành trình 1 là hành trình ngắn đi trong vòng có 4 giờ đồng hồ. Biền ở Vịnh Hạ Long êm đềm như mặt hồ, bên trái là đảo Tuần Châu, nơi đang là khu du lịch nổi tiếng, trước mặt là những đảo lớn nhỏ xanh tươi, trời xanh, nắng nhẹ, lý tưởng cho một ngày đi chơi. Tầu bè tấp nập, tiếng máy âm vang hoà cùng gió biển, giờ này chỉ thấy tầu tấp nập khởi hành ra hướng biển, tuỳ theo hành trình mà tài công cho hướng tàu chạy, nhưng phần đông tàu đến Động Thiên Cung trước.
Lên bờ, chúng tôi theo cầu tầu lên động, những bậc thang, những bậc đá đưa chúng tôi lên cao, lên cao để đến cưả vào trong hang động, những ngọn đèn mầu làm tăng vẻ đẹp cuả thiên nhiên lên nhiều lần. Người hướng dẫn viên thêu dệt cho câu chuyện thêm phần linh động để mọi người hiểu vì sao động có tên là Động Thiên Cung. Ai là người tìm ra động và tự thuả nào cảnh hùng vĩ này còn nằm dưới mặt nước vv.
Lên cho cao rồi lại tìm đường đi xuống, mấy người em coi mòi không quen đi bộ, cứ đi tí lại nghỉ, ra khỏi Động Thiên Cung lại leo lên trèo xuống đến động Đầu Gỗ (?) Động này cũng lớn nhưng cảnh không đẹp bằng bên Động Thiên Cung, mà hầu như cũng không được chăm sóc mấy nưã, cưả động lại lớn nên mưa gió làm cảnh trong động rêu phong hơn. Đến đây, chúng tôi cũng đi thăm cho hết một vòng, hình như động không có người giữ gìn, để du khách mang sơn vào động viết chữ lên thạch nhũ, và tiếc thay, chúng lại viết toàn chữ Tàu!
Có lẽ mọi hành trình cuả chuyến đi, các tàu thuyền đều đưa du khách đến khu động này, sau đó, tuỳ theo hành trình mà tàu thuyền đổi hướng đi, vòng qua những ngọn núi nhô lên từ biển, vưà hùng vĩ mà vưà đẹp, sơn thuỷ hữu tình, gió mơn man mát tung làn tóc, cứ đưa du khách hết thích thú ngạc nhiên này tới thích thú khác. Tàu như lách vào các khe núi mà đi, đến nơi mà hầu như biển được bao bọc bởi núi, lác đác những bè nuôi cá và cũng là trạm nghỉ chân. Tuỳ theo hãng tàu, mỗi hãng có một trạm riêng, du khách được mời xuống trạm coi và nếu thích thì chọn mua hải sản, cá, tôm, mực, cua và ốc, tất cả đều còn đang tuơi sống tung tang bơi lội, nếu du khách mua ở đây, đưa lên tầu, trên tàu có đầu bếp nấu nướng theo yêu cầu. Ở trạm nghỉ này, cũng là lúc nhà tầu nếu du khách đặt ăn bưã trưa, thắp dọn bưã cơm trên bàn cho du khách, tuỳ theo thực đơn, thịnh soạn hay bình dân là tuỳ ở bạn.
Nếu giờ còn dài, nhà tầu chờ bạn ăn xong thì tiếp tục hành trình, còn như thấy không còn nhiều giờ, bạn vưà ăn và con tàu cũng vưà tiếp tục lướt trên mặt biển. Con tầu chở ta qua một vài thắng cảnh nưã và kết thúc chuyến đi là tại Hòn Trống mái. Tầu quay mũi về bến.
Đường về, trời nắng, mọi người đi cũng hơi mệt gật gù tiếp chứ không có thích thú ngắm cảnh lạ, chiếc xe cứ bon bon, rồi lại từ từ khi đi qua những thị trấn. Luật đi đường giờ đã ép các tài xế tuân thủ, tự giác thì không, nhưng cứ “già đòn non nhẽ, đánh khoẻ nên phải chịu.” Tiền phạt và bằng lái xe bị tịch thu, khiến tài xế tuân thủ nhưng trên đường, những cái giơ tay, chớp đèn báo cho nhau những trạm đột xuất trên đường cứ liên tục gửi đến nhau trên suốt con đường dài.
Tối nay chúng tôi xuôi Nam, vé xe đã được Đức mua dùm từ sáng, bến xe cũng đã được Đức cho điạ chỉ, hai người ra sân bay Đức cũng phái tài xế chở đi. Đức chu đáo lo cho chúng tôi quá thể coi chúng tôi như những người thân ruột thịt trong gia đình, cám ơn gia đình Đức và Phượng nhiều nhé.
Chúng tôi đến hãng xe An Phú. Khu Đê Yên Phụ, Hà Nội gần Cầu Long Biên, công ty xe du lịch mở, chuyên cung cấp dịch vụ cho du khách theo tuor để đi Huế, nhưng chúng tôi sẽ xuống Quảng Trị với ước muốn thăm khu Thánh Điạ Đức Mẹ La Vang.
Rời Hà Nội vào buổi chạng vạng tối, lên xe, chúng tôi bỏ cơm mới mua ở dưói phố ra ăn, vì nghĩ con đường đi cũng xa mấy trăm cây số lận. No cái bụng xong ngồi ngó phố xá Hà Nội, xe luồn lách tìm đường ra đường cái quan. Xe ra tới xa lộ mới thấy chạy êm mà đỡ lắc lư đôi chút.
Ngồi trên xe trên đường xa Hà Nội, nhớ tới câu cưả miệng thân tình cuả những người dân xứ Bắc “gia đình ta” để khi nói với đoàn chúng tôi, vì đoàn cũng chỉ gom gọn trong hai tiếng gia đình. Xe chở khách mà hơn nưả là người ngoại quốc, sau xe là một dẫy ghế nằm, còn lại là ghế ngồi cũng thoải mái.
Trời càng lúc càng tối dần, xe qua những đia danh như: Hà Nam, Phủ Lý, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá thì chúng tôi cũng gật gù trong giấc ngủ ngồi, mà trời cũng tối nên chẳng biết cảnh quan hai bên đường số 1. Càng vào sâu nơi Miền Trung thì trời càng khuya. Vinh, Hà Tĩnh, Quảng bình. Xe ngừng nghỉ cho khách xuống đi vệ sinh, ăn khuya trên một khu vực, một bên là vách núi, một bên là một vài quán ăn khuya dọc đường, những tô cháo, bát phở, bát bún và vài ba chiếc bánh với mật và lạc.
Gần tới vùng đất Quảng Trị thì trời sáng dần, những Vĩnh Linh, Đồng Hới. Tôi căng mắt nhìn bảng chỉ đường mỗi khi xe qua những dòng sông, để cố nhìn xem khi nào mình tới dòng Sông Bến Hải, để ngắm Cầu Hiền Lương cuả một thời chia cắt đất nước tôi ra làm hai miền Nam, Bắc! Phải công nhận những cái bảng chỉ tên cầu ở vùng này khó nhìn, nếu không chú mục vào, có lẽ tôi đã hụt mất cơ hội để được biết cây cầu lịch sử cuả đất nước, mặc dù đã đi qua nó. Nhưng nhờ chú tâm, nên tôi đã thấy dòng sông, một buổi sáng muà Xuân, tôi đã được đi qua, đã biết và cảm nghiệm khi xe chạy qua chiếc cầu lịch sử. Sông vẫn hiền hoà, và cầu cũng thân thương như tên gọi Hiền Lương. Chỉ vì tham vọng và với ý thức hệ ngoại lai mà dòng sông trở thành chia cắt!
Xe cứ bon bon, khi nhanh, lúc chậm theo bảng tốc tộ trên đường, qua những điạ danh nổi tiếng máu xương như: Gio Linh, như Cam Lộ, Ái Tử, Đông Hà cứ lần lượt tới, cho đến khi xe qua cầu Thạch Hãn mới chừng 200 mét, thì chúng tôi xin xuống để đón xe vào La Vang.
No comments:
Post a Comment