Saturday, August 10, 2013

10/8/13. Một thời ngang dọc 2 (tiếp)


Chúng tôi xuống xe, hướng dẫn tài xế de gần với những giây củi chất trong khu vực đề bô, sao cho gần và dễ dàng khiêng lên xe, rồi hạ bửng xe xuống, hay kê cho thoai thoải nếu như củi lớn, phải hai người khiêng lên bửng để lăn vào trong xe cho hai người trên xe chất lại theo ý của lái buôn, nhưng thường thì củi trung trung, một người tiều, một người vác, hay tự nâng lên vai, to thì lăn lại gần cuối xe rồi đủ sức thì như ôm trống cái mà mang lên xe, một người thỉnh thoảng lấy búa chẻ củi để chêm vào những chỗ khe lớn. Nhanh chậm là ở mình, cùng lòng mà lại hợp rơ thì chất củi lên nhanh lắm, mau đầy xe và cũng mau về. Thôi thì đủ cỡ, ba tấc, bốn tấc, sáu tấc, tám tấc, cứ dài cây thì dài tiền, hết Hàng gòn, Ôn Cung, Bảo chánh, Suối Cát, Ông Đồn, Gia Rây, Trà Tân I, 2, 3. Rồi Võ Đắt 1, Võ Đắt 2, Võ Xu, Tánh linh, Hàm Tân vòng qua Rừng Lá, Căn Cứ bên Quốc lộ I. Chuyển qua Quốc lộ 20 với Dầy Giây, Túc Trưng, Là Ngà, Định Quán chủ mua củi, mua cây ở đâu thì chở chúng tôi đến đó.
Chất củi xong nếu có giấy thuế thì về ngay, còn chưa tách được giấy thuế thì phải nằm đâu đó đợi người đi lấy giấy thuế mang về, rồi mới có giấy thuế mà cho xe về được, có khi cả đoàn xe mấy chục chiếc nằm xếp hàng dài đợi giấy thuế, đến khi có giấy là đua nhau chạy như đoàn xe chạy giặc. Đây cũng là lúc quân nhà ta tụ họp nhau lại, có cỗ bài ai đó thủ sẵn móc ra, rồi những trò chơi đỏ đen của những tay có nhiều máu mê cờ bạc bày ra như: Bài cào, cát tê, xập xám, xì phé. Kẻ ngồi tụ, người đứng ké, sát phạt nhau mà quên đi những nhọc nhằn, gian khổ của công việc với bao mồ hôi đả đổ ra, mới kiếm được những đồng tiền nhỏ nhoi, và những con bài lôi cuốn cũng quên đi những người trong gia đình đang ngóng chờ người đi làm mang tiền về đong gạo! Ai thắng thì mừng vui, còn ai thua thì thật đúng công toi, ra về với dáng vẻ thiểu não.
Cũng có những chuyến xe chở hàng về nhưng không có người bỏ củi, bỏ cây xuống, lái lại hỏi trong chúng tôi có ai muốn theo xe về thành phố bỏ hàng không? Bỏ cây hay củi xuống thì không cần nhiều người, chỉ cần cỡ hai người là làm được. Nếu đi thì được lái bao ăn và trả thêm tiền, trong anh em cũng có người chịu đi bỏ hàng, sau khi bỏ hết hàng xong, chủ dẫn đi ăn rồi chia tay, chủ về nhà, còn thợ thuyền lao động thì theo xe về bến xe, mình không được đi đâu, phải nằm trong thùng xe mà ngủ, để sáng mai đi làm tiếp. Xe hay đậu ở bến xe trong Chợ lớn, nằm ngủ trên sàn xe mà không có mùng để cho muỗi thịt bằng thích, lại còn được ngửi mùi khai nồng của nước tiểu, vì ai ai cũng ngại vào nhà vệ sinh công cộng, lại cũng còn có cái tật là hay chĩa súng vào gầm các xe mà xả cho tiện, lại còn cả mùi dầu nhớt và khói xe tất cả tạo nên một mùi hằm bà lằng rất khó chiụ. Trong đêm đang ngủ ngon, còn bị đạo quân chị em ta leo lên xe đánh thức lùng sục, rủ rê ngủ chung để kiếm tí tiền còm, chúng tôi là dân lao động, tuổi còn thơ ngây trinh trắng lắm! Cứ như những vị chân tu? Nên chẳng có ai dụ dỗ được, kệ ai đó làm gì, mời mọc gì thì cũng mặc họ. Ai muốn làm gì thì làm, nhưng xin cho nhà chúng em xin hai chữ bình an là được. Còn lại mình dù mệt, chúng tôi cũng cố tỉnh mà thủ làm sao cho cái túi tiền còm cõi đừng bị ai đó rinh đi là mừng rồi, chứ bị ai đó rinh mất thì thật là phiền lắm lắm!

Thường thì chúng tôi cứ đi làm một ngày một chuyến, và cũng được trả lương theo chuyến mà thôi. Ngày nào về sớm, mà trên đường về có xe nào họ thiếu người làm, họ gọi qua, nếu như còn sức thì đi làm thêm chuyến nữa. Thế nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, như đường bị đắp mô, không đi được phải quay về coi như bỏ, hay xe bị hư, bị lầy không đưa xe lên được, cũng có cả những ngày không kiếm đủ củi cho chuyến xe. Ở vào một trong những trường hợp trên thì đôi khi chúng tôi phải ngủ lại đêm để sang ngày hôm sau về sớm, hoặc là về trước các xe khác một tí. Tôi còn nhớ một lần, xe vào Trà Tân 2 mua củi, chị Tư đặt mua củi tám tấc Bằng Lăng, nhà ông Quy thầu cưa củi, đợi hoài mà cũng chưa đủ củi, xe cứ phải chạy vòng vòng chung quanh ấp để bốc củi, gặp mấy anh thợ rừng lớn hơn bọn tôi, vừa làm họ vừa nghêu ngao hát, chủ yếu là hát chọc ghẹo cho nhau cười cho vui, cho chạy công, chạy việc, hứng tình một anh đổi lời bản nhạc ‘Ngày hạnh phúc’ có câu mở đầu như sau: “Trời hôm nay thanh thanh, gió đưa cành mơn man tà áo’’ anh ấy hát vang góc rừng với câu: “Trời hôm nay thanh thanh, dái ông Thành to như qủa chuối’’ nghe thế đến chó mà biết nghe cũng chẳng thể nhịn được cười và bọn tôi cũng chẳng thể nào mà không cười, không những từ lúc đó và cho cả đến lúc sau này, cứ mỗi khi nghe ai hát bài ngày hạnh phúc thì lại nhớ đến câu hát phịa của cái nhà  anh phải gió nào đó đã hát hôm xưa mà cùng cười.
Cũng vẫn đêm hôm đó, chúng tôi phải ở lại Trà Tân để ngủ vì xe bị lầy, đất Trà Tân là đất thịt trơn hơn mỡ. Tài xế Kháng cứ cho xe nhích lên được một vài tấc thì lại bị tụt xuống, chúng tôi phải lấy củi, lấy đá đổ xuống lấp chỗ trũng cho xe có chỗ bám mà leo, còn phải đội bánh xe lên để kê củi vào. May mà có chiếc xe đốt nhỏ của chính phủ đi đến, nhờ họ kéo lên dùm, nhưng cũng không thể về kịp. Cũng nhờ vậy mà đêm ấy chúng tôi được dự một đêm văn nghệ của thanh niên trong ấp. Có anh tên Tiên Rồng hát chọc chúng tôi là dân Hố Nai ăn rau muống, nhưng chúng tôi chỉ cười vì anh cũng là dân Bắc kỳ như bọn tôi.
Còn một lần nữa, chúng tôi cũng phải nằm đợi ở trong Gia rây, chẳng là có trạm kiểm lâm lưu động đột xuất, trạm này làm việc rất nghiêm nên đám lái cây rét không ai dám cho xe cây về. Bảy tám giờ tối rồi mà chưa có tin của người đi canh đường báo lên cho xe chạy, nên trời đêm ở rừng muỗi bọ nhiều, chúng tôi chui cả vào trong xe, nhờ có khoảng trống sát với kèo mui, chúng tôi sáu anh em nằm mà cũng vẫn còn rộng. Mệt mà lại đói bụng, thế nhưng không ai ngủ được vì anh Cung kể chuyện tiếu lâm, cứ hết chuyện này lại lôi chuyện khác ra kể, phải công nhận cái nhà anh Cung này cũng lắm chuyện. Đã thế anh lại hay trêu, mà người anh hay trêu chọc nhất là anh Cảnh. Bố Cảnh nhà này thì chúa cục tính, ăn nói nhát gừng, mà lại hay văng tục. Biết được tính anh Cảnh, anh Cung cứ từ từ nói: Anh Cảnh ăn, anh Cảnh ăn, anh Cảnh ăn, nghe riết anh Cảnh tức khí văng tục ra, vậy là mặc dù không muốn ăn cái món bậy bạ đó, nhưng tự anh Cảnh văng ra câu gì thì chính anh Cảnh phải ăn thứ đấy. Mỗi lần như vậy chúng tôi lại cùng bật phì cười, khổ nỗi khi thở mạnh bụi lại bị thổi tung lên khiến chúng tôi ngộp thở.
Còn một chuyện này cũng tức cười không kém. Hôm đó lái không kiếm ra cây, cho mãi đến chiều mới tìm mua được một số cây, kiếm được cây rồi nhưng còn phải kiếm thợ rừng dứt ra cho ngắn lại mới chất lên xe được. Cây nằm ở bãi gần mấy cái lán trại của đám thợ rừng, một dúm cư dân sống ở đó nên để đi vệ sinh, họ cứ leo lên cây ngồi thả bom cho mát mà lại không sợ những rắn, những rết, những bọ cạp cắn chích gì cả. Cây dứt xong thì trời đã chập choạng tối, chúng tôi kê đòn cái để lăn cây lên, mỗi khúc cây nằm một chỗ, chỉ có cây đèn dầu nhỏ của lái chỉ cây nào lăn, cây nào không cho chúng tôi, còn lại, chúng tôi cứ phải lăn mò.
Người xưa có câu: Chấm mật phải mút, chấm kít phải ngửi. Câu nói này những ngày còn bé, khi chúng tôi chơi ô ăn quan với nhau, thường hay mang câu này ra dùng để mà giao hẹn là khi chơi, ai đã bốc quân lên thì phải đi không được thay đổi. Tưởng như câu trên chỉ để nói đùa cho vui, chứ ai lại đi chấm kít mà ngửi nhỉ? Ai dè hôm nay chúng tôi phải ngộ mà nghiệm ra câu nói trên thật là chí lý. Thật vậy, ai vô tình đụng vào kít, có đi rửa tay cho kỹ, cho sạch sẽ xong sau đó cũng cứ phải ngửi xem còn mùi của hắn không? Nếu chưa hết mùi lại đi rửa và lại ngửi tiếp, nên đụng vào hắn thì phải ngửi hắn! Hôm đó khi cả bọn lăn cây, mỗi lần tay chúng tôi đụng vào một chút đất nhao nhão, dù không còn nhìn rõ, nhưng chúng tôi biết đích thị là kít rồi, thế nhưng không thể nào cưỡng lại lòng cho nổi, cứ phải đưa tay lên mũi mà ngửi, để cầu may ra mà không phải hắn thì đỡ qúa, thế nhưng làm thế nào mà tránh được hắn nhỉ. Mà không ngửi thì làm sao mà xác nhận được hắn hay không! Vì ở cái bải khô cằn này, chỉ có hắn là được bà con cư dân gieo rắc, thả vương, thả vãi cùng khắp nơi nơi, còn lại thì toàn là bụi, nên bao nhiêu lần đưa tay ngửi thử thì bấy nhiêu lần cái mũi bị quăn lên, phải văng tục vì cái mùi khốn khổ của hắn, trong tiếng cười vang của bạn bè. Cáu tiết người bị trước tức khí phán: Cười đi con, hãy đợi đấy, rồi cũng tới phiên và qủa nhiên là ai cũng có phần cả, cứ hết người này thì tiếp theo là người khác gặp hắn, để cùng cười và cùng văng tục. Chuyến xe đấy khi về, chúng tôi phải bò cả lên mui leo lên bửng thờ mà ngồi để còn được hít thở tí không khí trong lành.
Quên chưa kể về cái công việc mà chúng tôi lăn cây, thường khi xe đi đến qua khu Suối Cát, chúng tôi đã đánh thức nhau giậy để thay đồ, rồi nhớ chỗ dấu hai cây đòn cái, hô tài xế ngừng lại để chúng tôi xuống khiêng chúng lên, lùa vào gầm xắc xi để đến bãi không phải đi kiếm đòn. Đến bãi cây, chúng tôi chờ xe de vào khu vực bốc cây, lại nhảy xuống, trước tiên là lôi hai anh chàng đòn cái ra, sau đó mới hạ bửng rồi bắc đòn cái, đào tí lỗ ở chỗ chân đòn cái cho nó nằm yên vị và cũng để dễ lăn cây lên, những cục căn được anh em nhặt vất rải rác gần với hai cây đòn cái để lúc cần là có mà căn ngay. Gặp ngày cây to mà tròn, chúng tôi lấy đà lăn một phát là lống cây đã vào gọn lỏn trong thùng xe, nhưng những lống cây có bạnh thì đến là khổ, cứ như người khập khiễng, bắn, bẩy cho nó vừa qua được cái bạnh, lăn thêm tí nữa nó lại đến bạnh, lại bắn, lại bẩy nhưng cũng phải có ngày nọ ngày kia, hôm nào cây xa qúa thì anh em cũng kỳ kèo mấy ông chủ cây cho thêm tí chút chè thuốc, thường thì họ cũng dễ tính và cho tiền nên anh em cũng đỡ vã.
Cây lên thùng rồi, chúng tôi lại phải đưa cây lên lớp hai lớp ba nữa, cây hôm nào lớn lên lớp hai cũng nhanh, chúng tôi lúc nào cũng có thêm cặp đòn cơi ngăn ngắn ở trên xe, còn cây nhỏ thì có khi lên lớp bốn, những từ dùng cho công việc, như xeo, bắn, bừa, chịu lưng, chiụ vai, bê, ôm, căn, chêm, tơi, quay là những từ chúng tôi được mang ra dùng trong công việc thường xuyên nhất. Công việc kể cũng có nhiều khi rất nguy hiểm, cây nó đè, kẹp cũng có thể gây thương tích chứ không chơi đâu, nhưng chúng tôi không bị lần nào, chỉ xem xém tí chút, tôi nhớ có lần, chúng tôi chia hai toán, toán trên thùng xe chất cây, còn toán lăn ở dưới đất, trên xe chưa làm xong thì toán dưới đất đã lăn cây lên nửa đòn rồi căn để đấy chờ trên xe làm xong lăn cây lên tiếp, anh Thanh tôi đứng cầm nêm, trên thùng lống cây tụt xuống, xe rung rinh cặp đòn cái nhún nhảy, cái căn tụt ra ngoài, lống cây lăn trở xuống, anh tôi cuống, thay vì chỉ cần ngồi thụp xuống cho lống cây lăn qua, hay anh chạy tạt ngang là thoát, nhưng anh lại quay đầu chạy thẳng với đường lống cây lăn, lống cây có trớn rượt anh tôi chạy thục mạng, cả bọn há hốc miệng kinh ngạc đứng ngó, vừa sợ cho anh tôi mà lại vừa tức cười, may mà anh chạy thoát.
Lần khác, chúng tôi lên trên thùng, sáu người quay lưng chịu lống cây, một anh xeo cho hai cây đòn cơi tụt ra thì cây mới lọt kèo mui, cây của hàng trong xập xuống, đẩy lống cây chúng tôi đang đưa lưng ra chiụ, Mãn la không thằng nào được chạy, thế là chúng tôi cùng đưa lưng cố đỡ, nên cây không bị lăn xuống, nếu không đủ sức chiụ chắc chắn có tai nạn chứ chẳng chơi.
Đường đi làm thì xa, hàng ngày, xe chở chúng tôi đi xa hàng trăm cây số, đường đi cũng rất ư nhiều đoạn đường nguy hiểm, những Đèo Mẹ bồng con (sau này Mỹ làm lại chạy thẳng từ Dầu giây lên đồi An lộc) nên không còn đường đèo, Cua Heo là những chỗ nguy hiểm nhất. Một hôm, hai xe của chúng tôi cùng chung một chủ, xe 4441 tài xế Sáu lái, còn chiếc 5811 tài xế mới, xe mới, tài xế mới chạy cứ như bay, xe đó qua mặt xe tôi một đoạn đến khúc đường quẹo, trời lâm râm mưa, đất Long Khánh là đất đỏ, gặp trời mưa lâm râm đường trở nên trơn trợt, tài xế xe mới không quen đường, không kinh nghiệm, chúng tôi ngồi phía sau xe thấy xe chạy chầm chậm qua khúc cua chỗ lò heo, chúng tôi thấy ông Tản đứng dưới đường. Ủa sao ông này lại đứng đây? Ông đi xe 5811 mà, cả bọn bám kèo mui đứng giậy dòm thì chiếc 5811 bị lật nằm ngang dưới lề dốc của đường, may mà không ai bị thương tích gì.
Cây chất lên đầy xe, chúng tôi phải dùng một số củi lợp bên ngoài sao cho giống chiếc xe chở củi thường. Xong xuôi, chúng tôi lại lùa hai cây đòn cái vào trong gầm xắc xi chở đến chỗ nào đó dấu, cho chuyến sau lên có đòn sẵn mà dùng, rồi nhặn tài xế kiếm con sông hay suối nào ngừng cho chúng tôi xuống, siêng thì tắm, mà lười thì rửa mặt mũi cho sạch sẽ. Bởi vì sau cái công việc, mồ hôi cùng bụi bặm, vỏ cây bám vào, trông chúng tôi nhem nhuốc lắm. Mọi công việc xong xuôi tất cả, chúng tôi leo lên phía sau xe, ngồi hàng ngang phía cuối xe trò chuyện, mệt thì ngồi ngủ gục, tỉnh thì ngắm cảnh trên đường về, muốn hóng gío thì trèo leo qua mui xe lên phía bửng thờ phía trước, nhưng khi về ngang Long Khánh thì lại phải bò xuống phía sau, vì theo luật chúng tôi không được ngồi phía trên bửng thờ.
Chúng tôi đi làm như vậy tưởng rằng cái thùng xe ngang hai mét hai, thì cây có dài cũng chỉ dài cỡ đấy thôi, ai dè sau này lái đề nghị chúng tôi lên cây 3 mét, chúng tôi cũng làm được, rồi lên dần 4 mét, rồi 4 mét rưỡi là hết cỡ. Cây càng dài thì tiền công cũng càng nhiều, từ 60 đồng một người khi chất củi, giờ chúng tôi đã được trả 150 tới 180 đồng một chuyến, sau này có xe cần câu nó kéo cây chạy ngờ ngờ, đây là lúc lệnh lạc trở lên lỏng lẻo, tham nhũng dễ dàng hơn nên những người buôn cây trở nên mạnh thế hơn xưa, cây lậu ngày trước chúng tôi còn phải làm một lớp củi lợp bên ngoài để che mắt thế gian, nay đôi khi cũng chẳng cần, người lái lấy tiền dán bên ngoài rồi! Còn chúng tôi cũng đã lớn, tuổi đã đủ để đi làm nghĩa vụ, nên chúng tôi phải nghỉ, không ai còn đi làm được nữa, các thế hệ kế tiếp còn đi làm, nhưng đi làm cho những lái buôn củi ngắn mà thôi.
Xong công, xong việc cái bụng cũng đã vơi đi rất nhiều, nhưng chưa phải là chỗ nghỉ để ăn uống, mặc dù trên đường về nhiều nơi bán cơm cho khách ngang đường lắm chứ như: Ở Suối Cát có các Quán Nguyệt Nương, Trường Giang, Chứa Chan mà bọn tôi hay đọc lái lại là (chán chưa), Xuân lộc cũng có quán Ba Tiều vv. Nhưng thường là phải về Hưng Lộc nơi mà sáng sáng chúng tôi đã ăn khi đi làm. Trên đường về, tại mỗi trạm kiểm soát, cũng có một đạo quân bán dạo, nào mía ghim, cà rem, trà đá, cóc, ổi, soài, mít, bánh mật, bánh dừa, bánh chưng, nem, chả, bắp luộc, bắp nướng, khoai vv. thuốc lá cứ ơi ới rao đều khắp, khiến cho các cậu hay ăn vặt cứ là lúng ta, lung túng phân vân không biết phải chọn ăn thứ nào, mà bỏ thứ nào.
Cũng thường là chỉ khi về trên đường. Lúc mà mặt trời đã ngả bóng, nắng về chiều, nên cũng có nhiều sinh hoạt thường xẩy ra dọc theo đường dài của con đường số Một, mà chúng tôi thấy được, nên cũng có nhiều chuyện để nói, nào là khi thấy trời mưa lớn, nhiều anh leo lên mui xe nhân cơ hội tắm mưa, để có một lần phải đau khổ. Chả là hôm đó mưa lớn lắm, tay lơ xe đang ngồi trong ca bin, lấy bánh xà bông leo lên mui ngồi để tắm, khi nước đã ngấm đều khắp thân thể, anh xoa xà bông khắp đầu tóc, mình mẩy để kỳ cọ, bọt xà bông còn đang nổi đầy trên da thịt thì trời cứ mưa nhẹ hạt dần và vì xe cũng chạy đến khu vực hết mưa. Thật chẳng còn gì khổ cho bằng, vì gió càng làm cho người anh mau khô và xà bông cũng càng có cơ hội cứ bám rịt vào người, khiến anh rất khó chịu, nhưng anh đành phải chiụ, vì sông thì xa mà suối cũng chẳng gần, thật là cười ra nước mắt. Cũng về trời mưa, nên nhiều khi gặp cảnh trú mưa hay chiụ mưa trên đường do công việc, mà có một lần anh Khảm đã đổi câu tục ngữ: Thâm như dái anh đánh dậm thành: Thâm như vú chị lục lộ.
Ngày còn đi theo mấy loại xe Renault, xe thì bự và khoẻ nhưng chạy chậm, nhất là gặp đường dốc, nhất là những dốc cao như đoạn chỗ qua Long Khánh, khu đường vào Suối Tre, xe bò cứ như rùa, anh chàng Mãn hay nghịch cứ leo xuống đất, lúc tà tà đi tản bộ theo làm như người nhàn hạ đi bách bộ, khi thì nằm ven lề cỏ giả vờ ngủ, lúc ngồi ăn vạ, sau đó đợi xe leo gần tới đầu dốc mới đứng lên đuổi theo mà vẫn còn kịp, trên cả đoạn đường dài từ Long Khánh về là khu vực nhiều đoạn đường dốc nhất, những chiếc xe đời mới sau này, nó chạy có trớn đổ dốc rồi leo dốc cũng cứ nhẹ re.
Qua ngã ba Dầy giây là chúng tôi chuẩn bị để xuống nghỉ chân ăn cơm, thường xe ghé vào quán Hưng Long ở Hưng Lộc, cả bọn xuống xe rồi ra bên hông của quán, nơi có nhà vệ sinh để xả cái bầu tâm sự, sau đó ngay bên cạnh có cái hồ nước lớn, dành để dùng cho khách rửa mặt mũi, chân tay cho mát mẻ, khoẻ khoắn trước khi vào trong quán dùng bữa, rửa ráy xong, anh nào cẩn thận cũng nhìn qua gương để coi lại cái dung nhan, diện mạo của mình xem nó ra làm sao, chải lại mái tóc cho tươm tất một chút, không có lược chạy lại anh Chấn, anh này lúc nào cũng có cái lược thủ sẵn trong cái túi ở bên nách, sẵn sàng cho anh em mượn để điểm trang lại mái đầu, để làm dáng tí chứ. Mọi việc hoàn tất thì ung dung vào quán, chủ cùng thợ vui vẻ ăn cơm, với những món mình tự kêu cùng với ba thố cơm đầy, ăn uống chuyện trò nổ như pháo rang vậy.Xong được mọi sự, lại leo lên xe tiếp tục cuộc hành trình về nhà, chờ xe về đến khu trước nhà thờ thì ngừng lại, chủ trả tiền cho anh em chia nhau, ai siêng lấy khúc củi vác về cho mẹ dùng đun bếp nữa là chu toàn bổn phận, về nhà tắm rửa rồi thay bộ quần áo vía, rồi lại tự động ra điểm hẹn hàng ngày ngồi tán phét cho đến khuya (cỡ 8 giờ rưỡi là cùng) chia tay nhau về ngủ để sang ngày hôm sau tiếp tục công việc của một ngày như mọi ngày.

Bạn đọc đến đây chắc cũng đã hơi hơi thắc mắc, thằng cha này viết gì dậy cà? Có lạc đề không đó cha nội? Sao cái tựa cha nổ dữ dậy mà đọc có thấy dọc ngang gì đâu? Xin thưa với bạn rằng: Dọc ngang tôi đã nhớ mà viết đủ, tôi viết để nhớ lại những ngày mà anh em tôi, cùng các anh Khảm, Chấn, Mãn, Bách, Cảnh, Nhân (khổng lồ) Cung, Ngọc đã đi làm cùng nhau. Có đến hàng ngàn khối cây, hàng ngàn thước củi, đã được chúng tôi mang vác, chất xếp trong cả một thời gian dài khi đi làm. Khi chúng tôi còn đi chất củi từ 3 tấc đến 8 tấc thì đấy là những ngày chất dọc, còn khi chúng tôi chuyển qua lăn cây, từ cây 2 tới 2 mét 2, thì đấy là chúng tôi chất ngang, rồi khi lăn những cây 3 mét đến 4 mét rưỡi thì lại trở về chất dọc, thế nên chúng tôi đã có một thời dù rất hiền lành nhưng cũng vẫn phải được gọi cho đúng, đó là một thời ngang dọc. Thưa có đúng không ạ?

No comments:

Post a Comment