Tuesday, August 20, 2013

20/8/13. Góc nghĩa trang.. buồn. Bài 2.


Hình minh họa lấy trên net.
(... tiếp theo và hết.)
Nãy gìơ bạn đọc phần trên tôi viết về nghĩa trang xứ đạo tôi ở ngày cũ. Tất cả những gì tôi thấy thật tốt lành nếu như! Nghĩa trang không có thêm cái “góc nghĩa trang buồn” mà cha xứ ngày đó lập ra. Dù xấu tốt, đúng sai tôi cũng xin kể thêm sau đây:

Lâu lắm không về, nay lại về đúng vào dịp lễ, tôi may mắn và hân hạnh được hòa nhập tham dự vào những ngày lễ chính này, (hình như có hai ngày chính, một là lễ các linh hồn và một vào ngày mùng 2 tết) và cảm nhận được nỗi xót xa về thân phận con người, cùng chứng dám được mọi người trong xứ tôi, đã tỏ lòng hiếu thảo của họ với thân nhân. Đây cũng lại là dịp mọi người có cơ hội gặp nhau, tôi thật ngỡ ngàng khi gặp lại bạn bè với những kinh ngạc khi hỏi ra mới biết là những người bạn này còn, nhưng những người bạn kia thì đã mất. Lòng chạnh bùi ngùi xúc cảm, không thể làm ngơ được, và để nhớ về bạn, về nhau với đầy ắp những kỷ niệm êm đềm của cả một thời thanh xuân. Tôi lấy một nắm hương, đốt sẵn cầm trên tay, tìm gặp thân nhân bạn bè đã khuất của tôi, để xin họ dẫn tôi đến thăm viếng nơi an nghỉ của những bằng hữu cũ. Để ít ra cũng còn có nén hương tưởng nhớ về nhau, thay cho lời từ biệt. Tôi được dẫn ra sát chân tường phiá trái của nghiã trang, đi trên con đường đất gồ ghề, lủng củng những gạch cùng vữa, một bên là bức tường rào nghiã trang, một bên là rừng cây bạch đàn để đi sâu vào phía cuối của nghiã trang hoang vắng, trong cùng kiệt của một góc xa, tưởng như ai đó dẫn tôi đi lạc vào một vùng hoang vắng, xa lạ! Nhưng không phải, họ đã dẫn tôi đến đúng nơi có mấy ngôi mộ, tuy cũng được xây mồ mả khang trang đẹp đẽ, đèn nến, hương hoa đầy đủ, kinh kệ râm ran dòn dã, nhưng nhìn mặt những người thân yêu của họ không có được những nét của sự bình yên như phần đông những người mà tôi gặp ở khu lễ đài, họ có thái độ khác, một sự tự ti, mặc cảm! Trên nét mặt họ hiện rõ lên một nỗi buồn tủi đớn đau, vì người chết cũng không còn bình đẳng được với nhau nữa. Tôi hỏi họ bộ ngoài kia không có đất sao mà lại đưa vào nơi này mà chôn cất người thân? Họ cho biết thân nhân họ bị phạt! Bị phạt! Nghe sao mà đau xót qúa!!! Nó như là một dấu ấn đóng vào trán những thân nhân, sự việc này làm cho tôi hơi bị hẫng.

Ông Phạm Văn Ngọ, hay người ta thường gọi là ông Ngọ già, để phân biệt với Ngọ trẻ, ông Tư Ngọ. Khi di cư vào Nam, ông còn trẻ lắm, mới hơn 20 tuổi, sống bình thường với mọi người nơi xứ đạo ở Tân Mai. Qua mai mối, ông cưới vợ, vợ ông là con của một ông trùm họ trong xứ. Vợ chồng cưới nhau chưa được bao lâu, ông bị vướng vào một việc có liên quan đến pháp luật, ông bị truy tố ra tòa và bị tù. Ở nhà, người vợ trẻ không chờ ông, dù mới xa cách chưa được bao lâu, vợ ông đã bỏ ông theo người khác, đau đớn hơn nữa là người chồng mới của vợ, lại là người bạn thân của ông. Nên ông không những mất vợ, mà còn mất luôn cả người bạn thân!

Ra tù, ông kêu gọi vợ trở về, ông bỏ hết không chấp nhất những lầm lẫn của vợ, ông coi đó như những vận hạn phải có của con người, chuyện gì đã qua cho qua luôn. Ông chiụ như vậy, nhưng vợ ông không chiụ, bà bỏ đi khỏi xứ, dù chính cha mẹ của bà đã hết lời khuyên răn, rồi năn nỉ, bà mặc, bỏ ngoài tai nhắm mắt đi theo con đường sai lạc. Để đến nỗi, cha của bà nhục nhã với xóm làng, xứ đạo, và cũng buồn với chàng rể, không chiụ nổi tiếng thị phi, đã chấp nhận lỗi nghĩa cùng Chúa, ông nhảy lầu tự tử.

Ông Ngọ cũng buồn lắm, ông ở vậy và về Sài gòn theo làm cho linh mục Nguyễn Quang Lãm, làm việc trong toà báo Xây Dựng, ông vẫn có ý chờ tin vợ có hối lỗi mà trở lại với ông không. Không phải ông không lấy được vợ, nhưng theo luật đạo không cho phép ông được cưới vợ lần nữa, theo luật một vợ một chồng và có nghĩa ông phải sống như vậy suốt đời, nếu không sẽ mất phép thông công, dù lỗi không thuộc về ông. Chờ như vậy trong mòn mỏi đâu được cỡ gần mười năm, ông không còn hy vọng gì nối lại, khi hay tin người vợ cũ đã có con cái đùm đề với người chồng mới, ông nản chí. Đúng lúc ấy, ông gặp được một cô gái quê, người miền Nam quê ở Gò Công lên thành phố làm ăn, trai goá vợ gặp gái chưa chồng, cùng ở vào lúc cô đơn nơi xứ lạ, cần có người dựa dẫm, hợp cùng với sự yếu đuối dễ thương của con người, nên ông cũng chẳng thể nào mà không xa ngã, thế là hai người ráp lại thành cặp tình nhân, họ yêu nhau và quyết định đi đến hôn nhân. Khi cô gái viết thư về nhà xin phép cha mẹ, cha mẹ cũng đồng ý cho con lấy chồng Bắc kỳ và yêu cầu con phải dẫn chàng rể về gặp cha mẹ, gặp nhau, chàng rể so với bố vợ suýt soát tuổi nhau, nhưng ông cũng đành chấp nhận, vì cũng chẳng thể nào làm khác hơn được, họ sống với nhau như vậy, trong ngang trái của luật đạo, người vợ sau của ông do không cùng tôn giáo nên sống rất thanh thản vô tư, nhưng ông thì luôn bị dằn vặt trong tâm hồn vì những điều sai phạm luật Đạo.

Sau năm 1975, lúc này ông đã có cả một bầy con, và tuổi tác cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa, ông dắt bầu đoàn thê tử về Bùi chu sống nốt những ngày còn lại, mong được gần gũi với những người cùng quê hương, cùng tôn giáo, cùng lúc ông phải sống trong những lo âu phập phồng về những việc ông làm trong đời sống, mà ông đã phạm, mà ông đã lỗi nghĩa cùng Chúa. Đời sống giờ đây đã khó khăn hơn, kiếm ăn lúc này cũng cả là một sự nhọc nhằn, lại bị dằn vặt về đời sống tâm linh, ông ngày một héo hắt, tính tình ông trở lên cọc cằn, khó tính. Ông cố gắng đi lễ đi nhà thờ hàng ngày, cùng hối lỗi về những việc đã làm, cùng xin Chúa thứ tha cho ông. Nhưng ông chỉ có thể đưa những đứa con theo được đạo cha mà thôi, còn về người vợ và phép hôn phối ông sai phạm thì đành chiụ lỗi nghĩa trước mặt Chúa vậy. Do những lý do trên, ông Ngọ đã phải chôn nơi góc nghiã trang này, trước khi qua đời, ông cũng biết là như vậy, và chẳng phàn nàn gì.

Ở xứ người, cùng một tôn giáo và ở vào tình huống éo le như ông Ngọ. Họ có thể được giáo hội cho gỡ phép hôn phối nơi toà án hôn phối của giáo hội, nếu như hai người có phép hôn phối mà không ở được với nhau, căn cứ vào các điều luật có quy định rõ ràng, họ sẽ được giáo hội thứ tha, để được tự do và kết hôn theo giáo luật, và sinh hoạt bình thường trong hội thánh. Và nếu ông Ngọ sống ở nơi này, chắc chắn ông được về với Chúa trong an bình hạnh phúc.

Trần Hoài Ngọc, sống ở Bùi Chu liên tục từ những ngày đầu mới lập xứ, những ngày tháng còn trẻ, anh sống cũng bình thường như những người cùng trang lứa, có máu văn nghệ, chơi đàn và thổi kèn Clarinet, tiếng kèn cũng rất bay bướm, nhưng anh có tật mê đỏ đen. Sau năm 1975, anh do không có nghề nghiệp gì, nhà cửa lại bị cháy do chiến tranh, con cái đã đông, lo ăn đã khó nói chi đến chơi bời đen đỏ. Vợ chồng xoay buôn bán đủ nghề, từ cà phê, bún riêu, bún mọc, làm rẫy, làm nương, chẳng có cái gì mà anh không lao vào làm, nhưng chẳng có gì thành công. Nghĩ buồn, đôi khi anh tìm quên trong men rượu, những lỗi lầm ấy trong luật đạo cũng vẫn còn được tha thứ.

Ngặt có một điều, khi anh không uống rượu, anh rất ít nói, chỉ ai hỏi anh mới trả lời, ấy vậy mà khi uống vào mấy ly, anh không còn làm chủ được bản thân của mình, anh nói huyên thuyên và gặp người vui anh cũng nói chuyện vui theo, ai hát, anh hát theo, nhưng nếu gặp người xấu, nói chọc anh cũng dễ dàng nổi nóng, còn gặp những người can phá, anh cũng sẵn sàng đập phá tan hoang. Ai gây sự, anh cũng chơi luôn, lúc đó trời đối với anh cũng còn qúa nhỏ, gia đình anh thường xuyên bất hòa vì những lúc anh quậy phá trong men rượu. Sau những cơn sóng gió như vậy, khi tỉnh lại, ai gặp anh, ai cũng cảm thấy anh buồn vời vợi, như biết được lỗi mình đã làm, nên chỉ ngồi thừ ra hàng giờ không nói. Tưởng chuyện của anh cũng chỉ đến vậy rồi thôi, chẳng có gì đáng nói.

Vào một buổi tối, hôm mà cách nay cũng hơn mười năm, tuổi đời anh cũng đã bước vào cái tuổi tri thiên mệnh, chẳng biết ai đã cho anh uống mấy ly rượu, bước đi đã xiêu vẹo, chân nam đá chân chiêu, đi đứng đã chẳng còn vững vàng được nữa, từ ngã ba Trị An, anh đi vào khu chợ, đến nhà ai đó ngủ nhờ. Bỗng đi qua mấy quán chồm hổm bán đồ nhậu buổi tối, có mấy anh em dân quân đang nhậu, anh Ngọc đi qua miệng lảm nhảm, một người dân quân đe nạt anh: “Say rồi về ngủ đi ông tướng ơi.’’ Trong men rượu, máu anh bốc rất nhanh “Á đứa nào vậy nhẩy? Đứa nào mà dám chọc bố! Máu rượu trong anh bốc lên mặt bừng bừng khiến anh quát lại:

“Đứa nào nói tao say, ông đập thấy mẹ cả lũ bây giờ.’’ Mấy người dân quân thường thì thấy mấy tay hay nhậu xỉn họ bỏ qua, không chấp và còn dìu về nhà cho ngủ, cho yên ắng xóm làng, nhưng hôm nay, họ cũng đã uống hơi nhiều, họ cũng có rượu, nghe anh Ngọc nói thế này thì láo thật, (giờ thì họ chẳng gọi anh Ngọc là anh nữa, dù anh đã lớn tuổi,) thằng này láo; chẳng còn coi ai ra gì nữa hẳn? Ai nghe anh hỏi cũng tức, nên cũng chẳng ai can được ai, một người đứng lên sừng sổ tiến đến bên anh Ngọc nắm cổ áo:
“Đánh bỏ mẹ à, tao này, mày dám đánh không? Anh ta xô nhẹ, anh Ngọc già xỉn yếu xìu sao bì được với sức trai, anh té bò càng, mãi mới bò dậy nổi, nhưng cái miệng thì nào có chiụ thua, anh vẫn chửi bới om sòm, lại còn mạnh miệng đe giết mấy anh dân quân nữa chứ. Một hồi lâu anh bỏ đi, sau do men rượu hãy còn cao, chưa tỉnh lại ngay được, lại như tức qúa nên anh quay trở lại chửi tiếp, mấy anh dân quân hè nhau đánh, chẳng biết có ai đập vào đầu anh, khiến anh té nhào rồi nằm im. Anh nằm ngay bên vệ đường một đống, mấy người còn thức thấy anh nằm vậy không ổn, họ sợ xe cộ chạy qua không nhìn thấy anh, nhỡ cán phải người anh thì tội, người ta mới hè nhau khiêng anh vào hiên nhà anh giáo Lân cho nằm đó, cứ tưởng anh xỉn qúa, để cho anh ngủ cho yên giấc, rượu gĩa đi, khi thức dậy sẽ tỉnh. Sáng hôm sau, có người thấy anh cứ nằm im không nhúc nhích, mới gọi người nhà đưa anh đi nhà thương, nhưng không còn cứu kịp nữa, mới đầu người nhà cứ ngỡ anh say rượu trúng gió chết, sau mới nghe anh bị đánh, gia đình nhờ nhà chức trách điều tra, Hội đồng pháp y xác nhận anh bị đánh nên chết, Vinh (Thiên) bị bắt vì nghi là thủ phạm đã đánh chết anh, hồ sơ pháp y rành rành ra đó. Nhưng anh vẫn bị phạt, vì trước đó có ai đó đã báo với cha xứ là anh tự tử mà chết! Ngài cũng nhanh nhẩu ban lệnh: “phạt!” Khỏi điều tra.

Đinh Thành Tín (Toán) sinh ra trong gia đình ai cũng biết uống tí rượu, hình như có người em út thì ít uống, chuyện chẳng có gì đáng nói, rượu của Tín, Tín uống, lè nhè một tí rồi quay ra ngủ, chẳng phiền hà gì ai, cũng chẳng quậy phá chi, vợ con anh cũng hơi buồn với anh tí chút về tật nghiền rượu nhưng cũng vẫn phải chấp nhận anh như là người có cái tật xấu vậy thôi.

Hàng ngày, anh vẫn phụ vợ con tí chút trong công việc bán buôn kiếm sống, có đồng ra đồng vào để nuôi bầy con nhỏ dại, sáng anh vẫn thường dậy sớm đi lễ, chiều đi nhà thờ, con cái cũng được hết mực khuyên răn tham gia trong các đoàn thể trong giáo xứ. Chỉ có một điều, không có tí rượu vào người, thì hình như máu trong người anh nó không luân lưu được hay sao đó, nên không có rượu, người anh bả ra, trông thê thảm lắm, mặc dù anh cũng muốn bỏ, nhất là sau khi anh bịnh, phải đi nằm bịnh viện một thời gian. Sự nghiện rượu của anh, chỉ gây phiền hà tí chút cho gia đình, chứ riêng anh, anh chưa làm điều gì phiền phức đến ai, say chỉ nói lảm nhảm và làm trò để mọi người vui thôi.

Một hôm, anh thấy người anh khó chiụ, anh nói vợ anh dìu lên giường, vợ anh xốc nách anh nên, và ngạc nhiên thấy anh nặng qúa, lý do là anh không đủ sức nương theo vợ để gượng dậy được, nên cả sức nặng bản thân anh trì nặng lên đôi bàn tay gầy của vợ, hỏi sao không nặng được! Vợ thấy lạ la lên xin người giúp đỡ, người ta chạy vào giúp vợ anh, kêu xe đưa đi bệnh viện, nhưng không cứu kịp và anh qua đời, rất tự nhiên bình thường, thế mà anh cũng bị phạt, vì cũng ai đó đã nhanh chân, không biết có phải do động cơ thù ghét gì gia đình anh không? Họ đã báo với cha xứ là anh đã tự tử mà chết! Khỏi cần điều tra hư thực, cha xứ ban lệnh: “Phạt!” Trên đây là ba trường hợp mà tôi được nghe kể, không có lời bình về những người nằm trong góc nghĩa trang này.

Với sự hiểu biết kém cỏi về những tín lý trong đạo, bản thân tôi tự nghĩ. Nếu như Thiên Chúa không yêu thương loài người, Ngài chỉ cho liên tiếp những cơn đại hồng thuỷ để xoá đi những con người tội lỗi trên trần gian, cho đến khi nào con người đều trở lên tốt lành theo thánh ý ngài là xong. Cần chi phải hy sinh con một Ngài lặn lội xuống thế để ban ơn cứu chuộc. Chứ chỉ dùng hình phạt để tạo uy quyền thì quá dễ. Tiếc thay, xứ đạo tôi đã một thời dùng những hình phạt này. Tệ hơn nưã, khi cha xứ ban lệnh hình phạt với ai đó. Thì gia đình đó coi như cô lập hẳn trong cộng đoàn, thiếu hẳn đi tiếng cầu kinh của các đoàn thể, xóm thôn. Xác không được làm phép và giáo dân không được đi đưa tiễn theo kinh nhà đạo đã dậy: chôn xác kẻ chết! Dù ai cũng muốn được một lần đi tiễn đưa nhưng vẫn e dè cha xứ phạt luôn mình, nên chẳng ai dám néo hánh tới trừ người trong gia đình! Tôi cho việc làm đó thiếu tình thương và tính người. Nghiã tử là nghiã tận, và nếu như ai đó có sai phạm, thì mình cần phải cầu nguyện nhiều hơn mới đúng, chứ không lẽ còn đưa chân ra đạp!

Nhớ lại trong kinh thánh Tân ước, đoạn nói về người đàn bà ngoại tình với câu dậy bất hủ của Chúa; (Ai vô tội hãy ném đá người này) Thì ra xứ đạo tôi rất nhiều người sạch tội, có thật thế không? Nên những người đã chết nằm trong những huyệt mộ này, họ đã bị những người vô tội đó ném đá đúng như lời Chúa dậy trong kinh thánh, để chết thêm một lần nữa! Người chết thì đã yên vị, nhưng người sống phải đớn đau tủi hổ! Gần mươi ngôi mộ trong góc nghiã trang buồn. Tôi thắp những nén hương đi rảo cắm cho từng ngôi mộ, như để có thêm một chút an ủi cho những ai nằm tại nơi này, đứng đọc kinh cùng các gia đình họ để cùng thông phần với niềm đau chung của nhau mà nghe dâng lên một nỗi nghẹn ngào. Tôi chẳng biết nói gì hơn với lời an ủi những người còn sống: (Nếu Chúa cũng chấp tội Chúa ơi! Ai sống nổi!! Bởi vì Chúa từ bi và nhân hậu, ngài độ lượng và chan chứa tình thương). Rồi lầm thầm cầu xin để nếu được thì đừng có cái góc nghiã trang này, và xin từ nay đừng có ai phải mang ra đây an nghỉ nữa thì mừng biết mấy, mong lắm thay! Bởi vì cái góc nghiã trang này nó như vết bớt mờ mờ trên một khuôn mặt rất đẹp và thanh tú. Như cát lẫn trong ngọc. Ra về lòng tôi mang nỗi buồn day dứt.

Để nhớ Trần Hoài Ngọc, Đinh Thành Tín, Vũ văn Hưng, Ông Ngọ.

Melbourne Phục sinh 2004.  

No comments:

Post a Comment