Hình trên net.
Ra suối, chúng tôi còn cái nghịch là, móc đất
sét về, nặn người, nặn heo, nặn chó, nặn gà, trâu, bò, nồi niêu và cả ma qủy,
rắn, rết, nặn pháo để ném cho kêu bôm bốp, nói chung là cái gì cũng nặn, cũng
nghịch, để chân tay mặt mũi vàng đầy một mầu đất sét, rồi nhà cửa cũng đâu có
thoát những bẩn thỉu mà chúng tôi lôi về.
Cũng chuyện đi tắm, tắm suối gần riết đâm
chán. Chúng tôi rủ nhau xuống Suối Cúng. Suối này nằm phía thấp hơn nên cũng
rộng rãi hơn. Nó còn là khúc nhập của hai con suối lại với nhau nữa, nên nó lớn
hơn con suối ở khu vực suối sau nhà chúng tôi. Tuy vậy, nhưng nó cũng chẳng có
khúc nào sâu. Ngày đó, suối còn sạch. Chứ bẩn như bây giờ! Tắm xong chắc hết
đầu thai luôn.
Hết Suối Cúng, chúng tôi lại rủ nhau đi qua
Tân Bắc để đến Suối Đỉa, suối này có cái hồ, chẳng biết có đúng không mà có tên
là Hồ bà Ngô Đình Nhu. Đi bộ hơi xa, qua ấp Bắc Hoà, rồi mới tới Tân Bắc. Đến
khu nhà Viết có khúc quẹo vào phía trong ấp một tị. Có con đường mòn đi xuống
hồ. Chẳng biết tự bao giở, bao giờ, người ta đã dùng đá cục xây một con đập
ngang qua dòng suối để làm cái hồ, cũng rộng nhưng để hoang hóa qúa, nên trông
um tùm và bệ rạc.
Nước thì sâu hơn nên có thể bơi lội thoải
mái, nên ai cũng thích. Đấy cũng vì cái ai cũng thích, mà có một lần, tí nữa
chúng tôi choảng nhau. Chẳng là, Viết nhà ở gần Suối Đỉa, nhưng phải xuống Bùi
Chu học, chẳng biết xích mích thế nào với bạn bè cùng lớp. Bữa thấy mấy thằng
Bùi Chu xuống Suối Đỉa để tắm. Chó cậy gần nhà, Viết ra bắt nạt quân ta, chuyện
chỉ mới cù cưa đe dọa nhau chơi thôi, cũng chẳng có gì đáng nói cả. Thế nhưng
có một người trong nhóm quân ta đứng mãi đàng xa trông thấy. Trông gà hoá cuốc.
Anh ta hoảng nên rút lui là thượng sách, hắn chạy một mạch về Bùi Chu khẩn
thông báo là:
-Thằng Toán bị thằng
Viết nó đánh gục ở trên Suối Đỉa, còn lại mấy thằng khác thì bị bao vây không
có đường về, anh em nên lên cứu viện, đưa thằng Toán về. Thế là chúng tôi tập
trung lực lượng, rủ được anh Cung, anh này có võ mà, kéo nhau lên thì tẽn tò,
chuyện chỉ nhỏ bằng cây kim, thế mà suýt gây ra thế chiến!
Hình trên net.
Không đi bắt cá, chẳng biết có phải là chúng
tôi có bị ảnh hưởng của thời chiến không? Chúng tôi cũng quay ra chia phe làm
lính đánh trận giả, thế là cũng quấn lá ngụy trang, rồi dùng đất nhỏ mà ném
nhau. Mấy tàu lá chuối bị anh em quân đội và đoàn vệ binh phát sạch để làm
súng. Cứ một anh quân nhân là một tàu lá chuối, lá tuốt sạch đi, còn cái cuộng,
dùng dao lạng lách cái sống lên như cái lưỡi gà, trên một cuộng lá, làm năm ba
cái, xong bật đứng ngược lên, rồi dùng tay vuốt xuôi nhanh ra phiá trước, các
lưỡi gà cùng bật xuống vỗ vào thân tàu lá chuối, có những phần xốp kêu bèm bẹp,
giống như tiếng súng liên thanh, cái tàu lá còn dài được gấp lại, lấy que tăm
ghim làm gỉa báng súng. Cứ vậy chúng tôi quần thảo nhau say mê, như những người
lính làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Chỉ đến khi nghe tiếng chân quân ta chạy
huỳnh huỵch, đẵm nát hết cái vườn rau lang mất, bà xã Tường mới từ trong nhà
chạy ra, tay cầm cái cây, miệng chửi:
-
Bé
mẹ con cái nhà ai mà kéo vào phá nát cái vườn của bà rồi!
Đến lúc đó, đoàn quân bách chiến, bách thắng
mới bừng tỉnh, bỏ cả
súng đạn, lô cốt chạy ngược hướng người chửi,
tập kết lại một nơi nào đó an toàn để quân ta với quân mình bình luận và trách
cứ lẫn nhau là quân mày ăn gian, quân tao tại, bị..vv.
Miệng buồn buồn, những cây chuối non còn bị
chúng tôi đốn, bóc lấy cái nõn chuối ăn nữa, khiến chủ vườn cũng đau khổ về nỗi
nghịch tinh của bọn tôi ngày ấy!
Nới tới súng. Khi lớn hơn, có thời chúng tôi
đã chế súng bắn đạn thật. Ngoài bãi rác, có mấy cái vỏ đạn súng 57 ly không
giật, cái vỏ đạn nhà sản xuất nó khoan chi chit lỗ thủng, trong lõi nó có một
cái ống bằng sắt nhỏ như cái ngón tay, bên trong có cái lỗ đút vừa cái đầu viên
đạn. Trong bọn có thằng nào đó có sáng kiến, nó tháo cái lỏi ra làm cái nòng
súng, lấy gỗ đẽo báng súng cẩn thận. Khéo tay nên nó làm trông cũng giống súng
thật lắm. Thế là cả bọn, đứa nào cũng thích, nên mỗi đứa cũng cố làm lấy cho
mình một cây. Chưa hết, chúng tôi còn phát huy sáng kiến, chế thêm con chó lửa
bằng cọng kẽm lớn, đầu mài nhọn, dùng đinh đóng chết nó ở một điểm, rồi dùng
giây thun thay lò xo kích hoả. Đạn thì thiếu gì, thời chiến mà! Chúng tôi chế
cái khe để đặt viên đạn vào, rồi kéo cần cơ bẩm, khi bật ra kim hoả đánh vào
đít hạt nổ, đạn nổ, đầu đạn cũng văng đi, tuy không chính xác, nhưng súng bắn
được, nổ nghe cũng đã con ráy.
Thế là hằng chục cây súng đủ kiểu được mang
ra chơi, chúng tôi kéo nhau ra chỗ sân banh nằm bên ngoài ấp chiến lược bắn lộp
bộp. Trẻ con theo xem đông lắm, anh cu Thiên, Đinh Viết Thiên (Thiêu) cũng có
một khẩu, bắn thế nào cái vỏ đạn tét ra văng xước vào đầu một thằng khác, máu vọt
ra. Nó khóc rống lên, Thiên hết hồn. Quăng súng đi, chạy một mạch về nhà thằng
Tuất cụt, Thiên mếu máo nói với Tuất: Tao mới giết người, làm thằng Tuất cũng
cảm thấy xanh mặt. Ôi thiện tai, thiện tai! Chạy ra coi thì không phải. Hú hồn.
Chuyện đến tai người lớn, họ thấy bọn trẻ nghịch nguy hiểm quá, họ báo với ông
trưởng ấp. Ông Nhụ đi hỏi ra danh sách những thằng có súng, ông đi tịch thu
súng về đốt. Thế là những nhà chế súng cụt hứng. Xẹp! Cũng may, mà cũng rủi,
chứ nếu không bị tịch thu và cấm, dám chúng tôi phát triển thêm để có công binh
xưởng lớn lắm, không khéo xuất khẩu cả súng ra nước ngoài không chừng?!!
Có anh Tụng người cùng xóm. Anh lớn hơn tôi
vài tuổi. Anh có bịnh động kinh, những lúc lên cơn, dù đang làm việc gì, anh
cũng không còn tự chủ được, cứ nằm lăn đùng ra người co giật, mắt lạc thần trợn
trừng, miệng sùi bọt mép, ai gặp anh thế vào lần đầu cũng sợ. Ở vào thời điểm
ấy, người ta coi những người bệnh hoạn dưới con mắt một tí, nghĩa là coi
thường, nên anh hay bị gọi là thằng này, thằng nọ. Được một cái anh khéo tay,
hay làm đồ chơi, cái mà anh hay làm nhất là thằng người tập thể thao. Anh lấy
lưỡi dao lam bẻ ra rồi dùng mảnh tre làm cái chuôi, xong anh dùng tre để làm
thành hình người, với hai tay, hai chân. Hai tay được dùi hai lỗ, sỏ hai sợi
chỉ qua, lấy tay kéo cũng được, mà làm cần tre cũng được. Khi để hai sợi chỉ
chùng thì hình người trong tư thế bám vào xà ngang, còn kéo căng sợi chỉ thì
hình người được hất ngược lên, hai tay chân vung vẩy như người tập thể thao ở
mọi động tác, coi cũng thích. Thấy anh làm, bọn tôi hay lại gạ gẫm để xin. Còn
không cần thì bọn tôi lại chọc anh, nhiều khi anh tức anh đuổi bọn tôi để bắt
doạ chơi. Nhưng chúng tôi cứ như chơi trò cút bắt, khi nịnh anh, khi chọc anh,
ngày nào cũng vậy, sau này anh về Sài Gòn ở và chúng tôi chẳng bao giờ gặp lại
anh nữa.
No comments:
Post a Comment