Hình minh họa trên net.
....tiếp theo...
Sáng ngày hôm sau, ông bà
cùng lo đi chợ sớm, lúc này các nải chuối trông đã có vẻ chín đều hơn coi đã đẹp mắt lắm, Ông
nói với bà:
“Hôm nay mình đi chợ sớm, chắc phải chở thêm ra chợ mấy
nải nữa bà ạ, nó cũng chín đều đều cả rồi, bán được nải nào hay nải đấy, không
có mà ngày mai ngày mốt nó chín quá thì lại bán không kịp đâu.’’ Nghe ông nói
thế bà trùm nói ngay:
“Ừ thì ông mang ra chợ cho
tôi được bao nhiêu thì mang, may ra bán được càng nhiều thì càng tốt chứ sao’’.
Thế là ông trùm chất lên xe
được nửa số chuối, ra đến đầu chợ cũng lại gặp bà Tâm và các con buôn khác bu lại,
nhưng bà Trùm không bán cho ai, bà vào chợ kiếm chỗ ngồi rồi bày hàng ra, nhìn đám
chuối ai đi qua cũng phải đứng lại hỏi, nhưng thấy lớn quá không ai mua cả, mãi
cuối buổi chợ bà mới bán được một nải, thế mà bà cũng mừng lắm, ông bà chất
hàng lên xe chở về nghĩ chắc cũng phải mất vài buổi chợ nữa mới bán được.
Hôm sau may mắn hơn, chả là
trong xứ có vài đám cưới, ông bà trùm vừa bày hàng ra xong thì có người hỏi mua
cho mấy nải, họ mua cả hai nải đầu buồng, thật là may vì hai nải này mà không
bán được thì vài ngày nữa chín quá, không bán được, có để mà ăn trừ cơm là cái
chắc. Ông bà trùm mừng lắm, có vậy chứ cứ tưởng ế thì bao công lao đổ cả xuống
ao, còn nửa số chuối mai mà bán được nữa là xong. Về đến nhà, nhìn phản chuối
vàng ươm coi thì thật thích mắt nhưng ông bà trùm đâm lo. Sao mà nó chín nhanh
thế, đúng là loại chín cây, già ngày nên chín nhanh, không khéo bán không kịp mất,
bà kéo mấy cái lá chuối khô ra khỏi mấy nải chuối, không che không đậy gì nữa,
giờ chỉ mong cho nó lâu chín, để dễ dàng cho bà đi chợ bán cho kịp. Nghĩ thế rồi
bà trùm bỏ đi nấu cơm trưa, đang lúi húi với nồi canh thì nghe có tiếng chó sủa
ở trong sân, rồi tiếng ông trùm chào hỏi ai đó, bà chạy ra ngó thì ra là ông bõ
của cha xứ, không biết có chuyện gì vậy? Bà chạy ra coi thử thì thấy ông bõ đang
khệ nệ bê nải chuối bỏ lên bàn rồi nói:
“Cha nhờ tôi mang nải chuối
ra phiền nhờ ông bà trùm bán giùm, chả là họ mang vào tạ cha, mà cha thì có một
mình, lại là kẻ tu hành, ăn uống có là bao, mà họ cho nhiều quá cha ăn đâu có nổi,
cho mấy cậu giúp lễ ăn thì tiếc, nên cũng muốn bán lại kiếm tí tiền, để ngài dùng
vào việc khác, thôi nhờ ông bà trùm lo bán giúp cho cha, được bao nhiêu thì được’’.
Nghe thế ông bà trùm rất ư là ngại nhưng chẳng dám nói ra, vì chưng nhà ông bà
cũng còn nhiều chuối lắm, nhưng cha đã nhờ thì biết từ chối làm sao! Thôi thì cũng
đành lòng mà nhận vậy, coi lại thì ra nải chuối đầu mà ông bà vừa mới bán hồi
sáng, nó lại trở về nhà ông thêm một lần. Nhận ra được nải chuối của nhà mới
bán, ông trùm nói:
“Chết thật! Chuối này thì
phải bán gấp kẻo không kịp nữa bà ạ, nó chín quá rồi, cái cùi thấy đã thâm
thâm, chắc chắn là sáng mai phải mang ra chợ bán sớm may ra, còn chuối của nhà
hãy từ từ đã, làm sao bán được nải này trước cho cha nhỉ? Không bán được, có
khi không được ăn mà còn phải đền nữa ấy chứ.’’ Ông trùm nói với bà như thể
than thở vì nỗi lo chợt đến. Của ai còn chần chừ được, chứ mà cha đã tin tưởng
mà nhờ cậy đến mình, thì ông bà trùm phải hết lòng lo lắng, làm sao mà thanh
toán được cái của nợ này cho sớm, cho nhanh.
Chẳng riêng gì ở xứ ông,
chắc chắn khắp đất nước này, do ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, trong suốt
gần 1.000 năm Bắc thuộc, phong kiến đã tự nhiên ăn sâu vào huyết quản mỗi
người, thế nên trong cuộc sống, người ta biếu sén nhau là chuyện bình thường,
nhất là sự biếu sén ấy thường từ những người dân đến với các vị có chức có
quyền. Họ biếu sén nhau vì nhiều nguyên do, người thì bị kẹt phải biếu như hình
thức hối lộ, người thì biếu để tạ ơn cho sự giúp đỡ, người biếu để được núp bóng
ô dù trong sự che chở, người biếu để nối nhịp cầu giao hảo và cũng có người
biếu như là một bổn phận của người dân thấp hèn làm nhiện vụ. Ở những lẽ trên,
nên có nhiều đối tượng để người đời dâng cúng, biếu sén.
Ngoài đời thường thì từ ông
trưởng khu, trưởng ấp, ông xã, ông huyện, ông tỉnh, ông trung ương, rồi còn
được chia ra các ngành, các ban, các sở, các bộ, ai thuộc về đâu thì theo ngành
mình mà làm bổn phận. Rồi trong đạo cũng có, các cha, các thầy, các sư, các
chức sắc, các hội đoàn, đoàn thể. Mỗi phía có cách gọi khác nhau, nhưng tựu
trung hình thức đều là một, như ngoài đời thì mọi lỡi, ngãi, cà phê, lót tay, quà
tặng, ăn nhậu, tiệc tùng đều bị coi là hối lộ, nhưng tôn giáo thì được gọi văn
hoa hơn cho có vẻ bớt thế tục, thành ra những câu những chữ để chỉ cho sự biếu
sén ấy được đổi là: Cúng dường, dâng cúng, xin lễ, bổng lễ, tạ ơn, cầu phước
vv. Sự thực thì chẳng ai bắt ai phải làm cái sự biếu sén ấy cả, nhưng do cuộc
sống tự nhiên, tự ngàn xưa để lại, trong văn học ngay từ thời trước cả cụ
Nguyễn Du và trong thời cụ cũng thế nên trong Kiều cũng có câu: ‘Phải ba mươi
lạng việc này mới xong.’ đấy sao?! Người nhận quà biếu mới đầu còn thấy kỳ, sau
quen dần, lâu không thấy biếu, đôi khi lại nhớ đến, không khéo giữ mình có khi
lại đâm ra vòi vĩnh nữa, hay là đổi ra hình thức xin, mà xin không cho thì đâm
xỏ. Cũng có nhiều người tốt, từ chối ngay từ đầu sự biếu sén mình, nhưng nay
những người tốt như vậy bị coi là đồ gàn dở! Và cũng hiếm hoi lắm, không khéo
giữ gìn còn có nguy cơ thành phần này bị tuyệt chủng không chừng!
Người thanh liêm bao giờ
cũng được mọi người nể trọng, ngược lại những người không giữ được lòng trong
sạch, người đời chắc chắn là coi thường, họ chỉ có thái độ lễ phép trước mặt,
chứ sau lưng người ta cũng nói hành nói tỏi chê bai đủ điều, Người trong sạch
thì không nhận đồ biếu và họ cũng chẳng bị người khác sai khiến, còn những
người nhận quà thì phải làm theo yêu cầu của người biếu quà cho mình, đôi khi
phải làm cả những việc trái với lương tâm.
Nói tới biếu với sén cũng
thật là nhiễu sự, người nhận quà biếu tự nhiên có trách nhiệm để tìm cách giúp
đỡ đối tượng, cán cân chắc chắn sẽ nghiêng về bên những người biết điều. Còn
người đi biếu thì với cả tấm lòng thành kính, ước ao để làm sao mà người mà
mình mang đến biếu nhận cho, có nhận mới an tâm, còn như người ta mà từ chối
thì khổ sở lắm, lo lắng lắm vì việc mình nhờ sẽ hỏng. Chẳng thế mà ngày trước
ông Lữ Hồ trong mục (ngược đời) đã khéo ví von nhân năm con Hợi, đã có câu khẩu
hiệu; Mỗi ông quan là một con lợn, (ý nói các quan cũng nuôi lợn,) còn dân là
người nuôi, nghe cũng đến là hay mà lại thâm thúy, này nhé: Ai nuôi lợn mà lại
chẳng mong cho lợn mau lớn nào! Mà muốn lợn mau lớn thì lợn phải ăn nhiều, mà
lợn càng ăn nhiều thì người nuôi lại cũng càng vui, càng mau giầu. Ngược lại,
lợn mà chê cám, chê ăn, ôi cái phần ăn dư thừa ấy trở thành là nỗi lo lắng của
chủ. Ai đã từng chăn nuôi ắt đã từng đau khổ, lo lắng về nỗi lợn bỏ ăn! Trở lại
vụ biếu sén, như nhà ai đó có việc mà mang lỡi đi biếu mà không được nhận nhỉ,
nó cũng trở thành nỗi lo mất ngủ chứ chẳng bỡn được đâu.
Nay trở lại với ông trùm,
ngồi nhìn nải chuối mới được mang đến nhờ bán, ông trùm cứ miên man nghĩ ngợi,
nhớ lại người xưa có câu (của vào quan như than vào lò) chẳng biết bao nhiêu
cho đủ, mỗi người biếu một tí cũng đủ dùng hàng tháng, nhưng cũng đâu có để lâu
mà dùng dần cho được, mà nhiều quá cho thì tiếc nên cũng tính đến bán để đổi nó
ra tiền cho tiện.
Sáng hôm sau, vừa bày hàng
ra xong thì cái nhà bà mua chuối hôm qua đi đến. Mặt tươi tỉnh chào bà trùm rồi
ghé tai nói nhỏ:
“Hôm qua cháu mua của bà mấy
nải chuối, về lựa nải to và đẹp nhất mang vào tạ cha, cha qúy lắm, cứ là ngài
khen rối, khen rít, gớm sao kiếm được ở đâu ra nải chuối ngon thế này? Cháu phải
nói dối là của nhà trồng được, cha cứ tấm tắc khen mãi, sao mà khéo chăm, khéo
bón. Bà để cho có 2.000 đồng, vậy mà cha thích lắm, giá có biếu ngài 10.000 đồng
chắc ngài cũng không thích bằng’. Nghe chị ta nói thế bà trùm cũng ậm ừ cho chị
vui thôi, chứ bà cũng đang rầu thối ruột về cái qúy lắm của chị. Qúy lắm nhưng
mà ngài cũng đâu có ăn được, chẳng qua là nhận cho người biếu mình vui lòng mà
thôi, sau đó thì lại phải nhờ đến bàn tay bà lo liệu giúp đây.
Chợ nông thôn là nơi trao đổi
mua bán hàng hóa cho nhau, nó cũng còn là cái thông tấn xã chung dùng làm nơi
trao đổi tin tức trong làng, trong xóm. Nhịn ăn, nhịn nói ở đâu không biết, chứ
cứ ra chợ nghe người ta nói mà mình biết được gì mà không nói ra được thì thật
bực mình còn hơn đeo đá! Cho nên vừa để khoe là mình mới được dịp biếu sén cha
xứ, lại còn được cha xứ khen lại nữa mà không nhân cơ hội này mà đi vừa úp úp,
mở mở, nửa như muốn khoe cho mọi người cùng biết, mà nửa thì lại muốn người ta đừng
nói với ai, thế nên vừa mới nói với bà trùm xong, chị đã tạt sang hàng khác gỉa
vờ hỏi han mấy câu xong là chị đã xà ngay xuống nói nhỏ với chủ hàng để khoe
chuyện mình, thế là chả mấy chốc cả chợ đã biết chuyện, rồi cứ thế mà lan truyền
ra, ngài thích cái này, ngài ghét thứ kia vv. Và vv.
Nhờ cái loa phát thanh lưu động
của chị mà đến tai được một người đang tìm cái cớ vào cha, nhân dịp may này bà
vồ ngay lấy, ra ngay chợ tìm đến hàng bán chuối của bà trùm mua luôn ngay nải
chuối to nhất, chẳng phải nói bà trùm mừng như trút đi được gánh nặng, vừa giúp
bà hoàn thành trách nhiệm cha giao phó cho, lại vừa đỡ phải lo nải chuối mai
chín quá khéo không còn dính vào cuống được nữa, nó rụng ra thì vỡ nợ. Bán thêm
được vài nải nhỏ nữa là bà trùm mừng húm, bà lo mua thức ăn về nấu cơm. Đi tìm
vài món mà lâu nay ông trùm thích, nhưng chưa có dịp ăn, nay nhân cơ hội vừa
bán được hàng, cũng có tí tiền thêm, thôi thì tiện thể mua về cho ông ấy bồi dưỡng
chút chút.
Loanh quanh lo đi mua, đi sắm
cũng mất khá thì giờ, quay lại chỗ ngồi thu dọn đồ để về thì chợ đã vãn người,
bà cắp cái rổ lên lững thững đi về, ngang nhà con gái bà ghé vào cho mấy đứa
cháu ngoại mấy cái bánh rán, lâu không ghé, gặp bà, các cháu mừng rỡ chạy uà cả
ra ôm chằm lấy bà, thế là bà lại phải ngồi lại, được cái mai cũng rảnh thôi ngồi
lại chơi với các cháu bà một chút, nghe các cháu líu lo kể hết chuyện nọ tới
chuyện kia, khoe cái này, cái nọ làm bà cũng vui lây với các cháu, hỏi han các
cháu mỗi đứa vài câu, rồi bà nói: Thôi để bà về thổi cơm cho ông ăn kẻo trễ mai
bà lại ghé chơi. Mãi các cháu mới chiụ buông cho bà trùm về.
Trời nắng đã lên cao, nóng đã
làm trán bà lấm tấm mồ hôi, về được đến nhà, bước vào đến hè thì mắt bà hoa
lên, trong nhà đen thui, chẳng còn nhìn thấy gì, cửa nhà lại không đóng, không
biết ông ấy đi đâu mà không khoá cửa lại vậy? Đứng một tí cho mắt dịu đi, giờ
thì bà mới nhìn rõ mọi sự, chợt trông lên bàn ở giữa phòng khách, bà kinh ngạc,
như không tin ở mắt mình, bà lấy tay dụi đi, dụi lại rồi mở mắt nhìn thật kỹ,
thì rõ ràng là nải chuối, cái của nợ mà bà mới bán, mới vừa trút đi được, mới đây
thôi, sao lại đã quay về đây nằm chình ình ngay trên cái mặt bàn, bên cạnh cái
bình nước trà và mấy cái ly uống nước. Bà đi đến gần coi, có mấy trái chuối
chín quá rồi, như chực rời khỏi cuống, chắc là không còn bán được nữa, thôi chết
thật, chắc là bà phải đền tiền mất, cái ông nhà này rõ đoảng, chuối này mà còn
nhận bán hộ sao được! Thật là khổ vì chuối! Chưa gặp được ông ấy nhà này để biết
ra môn ra khoai. Chợt thoáng nhanh trong đầu bà trùm ý nghĩ:
“Chẳng còn thể nào nghĩ sao
mà lại sai cho được, chắc bà mua chuối sáng nay lại mang đi biếu.’’/.
Melbourne, Tháng 2 Năm 03.
Rõ khổ cho của vào quan.
ReplyDeleteBắn vài bi rồi xin chủ tích trái chuốc rụng cuống mang về nhé!
Nhà quê ngày xưa cũng lắm chuyện hay Bác Từ nhỉ?
DeleteKhổ cho bà Trùm bán chuối quá. Bà già này cũng vừa ăn chuối (cho thêm tí kali) vừa đọc bài của Chủ tịch nè...!
ReplyDeleteCám ơn TTM Gốc Mai nhé..
Delete