Hình trên net.
Giờ lại nói đến cái thủa mà người ta gọi là:
Làm ăn trông lên. Đó là chơi diều. Diều có nhiều loại lắm, sàng sàng như bọn
con nít chúng tôi thì chỉ có mấy tờ giấy trong vở xé ra, hoặc tờ giấy báo cũ,
kiếm miếng tre làm càng để dán vào, rồi xé giấy làm đuôi, thả quanh khu sân
trường, sân nhà thờ hay sân banh. Gió ít thì cứ phải chạy suốt cho diều nó bay.
Những người lớn họ làm diều công phu lắm. Làm khung phải vót nan, nan dọc, nan
ngang, uốn cong, uốn thẳng sao cho cánh diều đón gió mà không chao đảo, nó đứng
hàng tháng trên không, đón gió muôn chiều để đổi hướng. Bộ giây diều cũng là
một bộ phận quan trọng, nó phải bền, dài để chịu được sức nặng của diều, sức
kéo của gió. Trên diều còn bộ sáo tre nữa, tiếng vi vu lúc bổng, lúc chìm ru
hồn người chơi diều bay bổng theo cánh diều bay.
Ở quê tôi ngày ấy, nói tới diều là phải nói
tới ông Quỷnh, ông Liễm. Trong hai ông thì ông Quỷnh hơn. Thi thoảng chúng tôi
mới được xem lúc họ đâm diều. Một người cầm diều hứng gió, một người cầm giây.
Họ chuẩn bị sẵn đứng đợi cơn gió mạnh, đợi tiếng hô, người nâng diều lên rồi
phóng mạnh diều lên không trung, người cầm giây chạy ngược chiều gió để tăng
thêm sức gió, cho diều bốc cao lên, tay cứ thả giây từ từ. Nếu thấy diều hơi hạ
xuống thì lại giật giật sợi giây để lấy thêm gió cho diều lên cao thêm. Khi đã
thả hết giây, và diều đã đứng im để hấng gió trên cao rồi, thì chủ diều cột
giây vào cột hay cây mà ngẩng đầu lên nhìn diều thích thú, bởi đó mới có câu:
Làm ăn trông lên. Để chỉ những người chơi diều.
Ngày bé, tôi hay nghe lóm được các người lớn
nói chuyện với nhau về diều, những con diều xa xưa nơi quê hương các cụ ở ngoài
Bắc. Sau những vụ gặt, thời gian rảnh rỗi còn lại trong năm, người ta nghĩ ra
nhiều cách giải trí, trong đó có cách chơi diều. Vui vui nên có cụ kể, có con
diều bay cao lắm, diều bay cao nên diều cũng sợ, mà diều sợ, diều cũng lôi tên
cực trọng ra diều kêu, diều cứ Giê Su, Giê Su diều kêu suốt. Thì ra đó là tiếng
sáo diều, cây sáo nhất, lớn như cái cổ tay gặp gió mạnh nó cứ vi vu, vi vu vọng
xuống trần ai được các cụ nhà ta phiên âm thành Giê Su, Giê Su từ trời vọng
xuống.
Cũng vẫn ngày đó, xe đạp hiếm lắm, hiếm lắm
nên nó cũng qúy lắm, qúy lắm. Đã có vị dám tuyên bố hẳn rằng: ai mượn vợ thì
cho còn xe thì không, nhất định không. Cũng có các vị xe đi đâu về làm hẳn cái
đồ treo sẵn lên mái nhà để treo cái xe đạp. Đi xe cũng phải nương xe dữ lắm. Ai
đã nhìn cảnh các cụ đi cái xe ngày ấy mới thấy các cụ qúy xe. Các cụ nâng cái
xe ra khỏi nhà, lấy kẹp, kẹp cái ống quần lại, rồi hạ chân chống xuống, một
chân bỏ lên bàn đạp, chân còn lại đẩy để lấy đà, khi xe đã có đà mới nhẹ nhàng
nhảy lên xe và đạp cho xe chạy. Khi đi đã vậy, khi ngừng lại các cụ cũng nhảy
xuống hãm phụ với thắng xe. Muốn quay xe lại, các cụ nhấc bổng xe lên rồi xoay
đầu xe lại. Về đến nhà, lau chùi cẩn thận rồi treo xe hổng lên cho bánh xe
không chỗ nào phải chiụ lực cả.
Đấy, các cụ qúy xe như vậy lấy đâu ra xe để
tập. Cũng may, có nhà ông Khảm có hiệu chữa xe đạp ở khu chợ cũ Bùi Chu, chuyên lắp ráp bán xe đạp và đặc biệt cho thuê xe
đạp nữa. Cứ một giờ mấy đồng, mấy đồng tôi không còn nhớ nữa, nhưng nó là chỗ
cho chúng tôi có thể mướn xe về tập. Cứ thay nhau, một thằng giữ, còn một thằng
ngồi tập lái. Tập lái xe đạp thật mỏi cái mông và cái eo, vì để giữ thăng bằng,
chúng tôi không biết điều khiển tay lái lên cứ ưỡn ẹo thân mình để lấy thăng
bằng, mà càng ưỡn ẹo, càng làm mất thăng bằng, nên thằng giữ xe cũng không giữ
nổi để xe đổ xuống. Thắng không biết thắng, cứ ủi vô hàng rào hoài hoài. Nhưng
cũng chỉ thời gian sau, là chúng tôi cũng chạy được. Có nhiều kiểu chạy. Xe cao
chúng tôi luồn chân qua khung, một tay ôm khung xe, còn một tay lái, còn leo
lên thì cái chân đạp không tới, cứ phải đảo thân qua lại liên tục. Gía mà có xe
khung đầm thì đỡ qúa, cứ việc ngồi bệt lên khung dưới khỏe re.
Một buổi tối giao thừa năm hồi ấy. Đường xá
vắng hiu. Tôi, Khuất, ai nữa nhỉ? Mấy thằng vớ được cái xe của ông Ca, Đinh
Viết Ca, ông đến nhà Khuất nhậu. Để cái xe trước nhà, Khuất mượn dắt ra đường
rong ruổi chơi đêm giao thừa. Ba bốn thằng leo lên cái xe đạp, đạp lên chỗ gần
nhà ông Dụng thì xe bị cụp vành, phải vào năn nỉ nhà ông Dụng chữa dùm. Tức
cảnh sinh tình, chúng tôi liền đổi lời bản nhạc (Phiên gác đêm xuân) của nhạc
sĩ Nguyễn Văn Đông, với câu: Đón giao
thừa, một phiên gác đêm. Mừng xuân đến súng xa vang rền. Thành: Đón giao thừa mình đi chữa xe, vành nó méo
cứ hay chạm dè. Đấy cũng là một kỷ niệm xuân ngày còn nhỏ của chúng tôi.
Ôi. Cái tuổi con nít mà được cho ăn sao mà
sướng thế. Cứ nghe cụ Nguyễn Vỹ tả thằng cu Tí (?) được ăn miếng miến, thấy nó
được ăn, nó sung sướng đến bậc nào! Nghe cũng đủ biết cái thủa xa xôi ấy, miếng
ăn nó hiếm nên cũng qúy biết là dường nào? (Mới thả miếng miến vào miệng chưa
kịp luốt nó đã chui tuột xuống đến củ
tỷ.) Bây giờ bọn trẻ con sướng lắm, sướng hơn thời bọn tôi rất nhiều lần. Thịt
thà ê hề, bánh trái đủ cỡ mà lại đa dạng nữa. Nước còn khiếp hơn, nào Coca,
nước ngọt, trái cây, nước yến, còn thêm nước bí đao, bò húc nữa chứ, làm sao mà
tôi có thể kể hết ra đây. Vậy thời chúng tôi thì sao nào?
Ngày nhỏ, không có tiền, tuổi hay ăn vặt, bọn
tôi phải đi tìm cái mà ăn, nên có những buổi trưa, cả bọn rủ nhau vô rừng tìm
hoa trái, từ những cành bứa xanh non, nõn là bẻ ra bỏ vô miệng, cái vị chua sao
mà dễ thương thế nhỉ? Cứ từng đoạn ăn dần dần, rồi những cái lá non mơn mởn,
đều được anh em ăn ngon lành. Những trái hồng tiên vàng ươm, có vị vừa chua vừa
ngọt, cứ lần theo giây mà hái, vẫn còn thèm thì hái cả những trái còn xanh ăn
cũng được nhưng chua hơn và không ngon bằng. Rồi dâu gia rừng, trái cò ke, trái
mây ăn xong cái lưỡi đen xì, trái bứa, soài múc ngọt lịm, trái gùi, táo giai
chua chua, chat chát, trái cà na, trái xim. Gặp gì hái nấy, ăn không hết thì
cũng mang một ít về cho các em ở nhà.
Chiều chiều, buồn mồm, buồn miệng, lang thang
vào khu nhà ông Thủ Điều, nay là nhà ông Khoản, xem họ làm bún, nhìn cục bột
trắng phau nằm trong cái thau nhôm cứ được ngắt ra từng cục như cái đùi người
lớn, rồi bỏ vào trong cái ống khuân, ở dưới được đục những lỗ tròn, người ta
lấy một khúc cây tròn bằng với cái khuân, trên đặt một cần dài, rồi hai ba
người đánh đu lên để ép cho cục bột chui qua lỗ dưới đáy khuân thành những sợi
bún dài, chảy xuống nồi nước đang đun sôi bên dưới, cho sợi bột chín thành bún.
Những miếng bột không chiụ chui qua lỗ khuân, mà chen vào kẽ hở khác cũng rớt
xuống nồi, chín được vớt ra với dủ mọi hình thù được bỏ riêng ra, đó là những
cục bột luộc, họ cho đám trẻ con chúng tôi ăn, cũng được. Đỡ buồn miệng chứ
ngon lành gì, nhạt thếch.
Có cả những lúc sang nhà thờ chơi, vào nhà
ông Trùm Am xem làm bánh lễ, cũng chờ đợi được cắt bánh lễ trong khuân, để xin
những phần rìa của bánh, cái này ngon hơn ạ, vì nó được làm bằng bột mì, và con
được ép nướng nữa chứ, ăn thơm và nhất là có mùi nướng làm tăng khẩu vị.
Còn những thức ăn phải có tiền mới mua được
thì sao? Chỉ nói cái cây cà rem thôi, cà rem thôi nhá. Giờ thì kem cây, kem
hộp, kem dừa, kem trái cây, kem bảy, tám, chín, mười, mười một mùi gì cũng có.
Nhiều đến độ người ta phải đặt thêm tên rất lạ cho kem, để kem hấp dẫn người
ăn. Những ly kem còn được trình bày cho đẹp, cho bắt mắt, màu sắc hài hòa, mùi
vị thơm tho, ly đựng cao cấp bằng thủy tinh trong vắt, đã thế, trên ly kem còn
cắm thêm cây dù màu nhỏ xíu để làm cảnh nữa, nhìn qua cũng đủ thấy mê ly, rụng
rốn rồi. Chúng tôi ngày ấy thì xa vời vợi, xa tít tắp nghĩ thôi cũng chẳng thể
nào bắt kịp được bọn trẻ ngày nay. Chẳng gì cũng 50 năm rồi chứ còn ít ỏi chi
đâu! Năm mươi năm cũng hẳn là một đời người đứt đuôi con nòng nọc, Một thế hệ
đã đi qua. Trịnh Công Sơn cũng đã có câu: Bao nhiêu năm làm kiếp con người,
chợt một chiều tóc trắng như vôi… nhìn lại mình đời đã xanh rêu. Mà xanh rêu
thật, nhìn bọn trẻ con, rồi cháu mình, thấy chúng xanh non mơn mởn, thì mình
xanh rêu là cái chắc. Kem ngày ấy là kem thùng ướp đá, kem cây cũng có nhưng ít
hơn. Kem thùng như cái bánh khảo, dẹp và dài, ai mua người bán kem mở nắp thùng
lấy ra một thanh, mua nhiều hay ít tiền thì họ dùng dao cắt cho một miếng, rồi
dùng que tre cắm vào đưa cho mình, chẳng biết đắt hay rẻ, nhưng mình không có
tiền, mà thèm qúa, cứ phải lẽo đẽo theo thằng có kem xin mút một cái cho đỡ vã.
Gặp thằng kẹo thì đừng hòng nó cho mút, còn đứa thảo nảo thì nó cho mút, nhưng
mút phải nhanh, chứ mút lâu qúa mòn hết kem của nó. Chẳng vậy mà có thằng cho
bạn mút kem nhờ, nó thèm quá, không chịu nhả ra, thằng chủ kem tiếc của rút cây
kem ra, miệng nó không chịu há, cây kem nằm lại trong miệng nó, còn thằng chủ
kem chỉ còn cầm được cái que tre! Thằng chủ que kem khóc ầm ăn vạ bắt đền thằng
kia, cuối cùng, cả hai thằng phải kéo nhau về nhà mách bố mẹ phân xử dùm. Để
còn bồi hoàn cho nó.
Rồi đá nhận, món giải khát này, nay đã thất
truyền. Mà gỉa như chẳng thất truyền đi nữa, nay có còn chắc cũng ngắc ngoải.
Chứ giờ ai còn thèm ba cái món uống kỳ cục ấy nữa. Người bán cái món này phải
có một cái bàn bào đá, đá bào nhỏ ra xong, lại được cho vào ly ấn cho chặt, cho
chắc, sau đó lại lấy ra, người ta đổ vào cục đá ấy một ly xi rô màu, tùy theo ý
thích của khách hàng, nào màu đỏ ngọc phách, màu vàng cam, hay màu xanh bạc hà,
màu nào khi ngấm vào ly đá cũng óng ánh đẹp cả. Bọn trẻ chúng tôi trong buổi
trưa hè, tay cầm cục đá nhận đưa vào miệng hút một cái, chất ngọt của xi rô
được ướp lạnh chảy vào miệng trôi qua cái cổ họng, chạy qua tới đâu thấy mát
tới đó. Đời thấy sướng qúa ôi mê ly. Rồi sương sâm, sương sa, hạt é, thêm tí
dầu chuối thơm vô cùng, rồi còn đậu đen, đậu đỏ bánh lọc vv, những món mà vừa
uống lại vừa ăn, giờ chắc chẳng còn hấp dẫn được ai, nhưng hồi bọn tôi cũng là
thèm nhỏ rãi. Còn những miếng soài, miếng ổi, miếng cóc ngâm trong cái bình
thuỷ tinh màu vàng óng nữa kia. Thôi chẳng dám tả tiếp nữa đâu, vì chưa gì mà
trong miệng đã dầy ứ nước thèm. Thôi đành chiụ vậy để cho tất cả chúng vào
trong kỷ niệm. Những kỷ niệm đẹp của cả một đời thơ ngây trong trắng, sống vô
lo, chỉ có ăn rồi nghịch, rồi ăn.
Kẹo kéo, kẹo bông với
những bàn quay số, đổ hạt me, vừa có tính cách giải trí, vừa có tính cách đỏ
đen, bò khô, đu đủ nạo sợi, mía ghim, mía hấp, sôi chè vv. giờ nghe lạ lẫm của
một thời xa lắc xa lơ.
Thời chúng tôi nói
tới giải trí thì thật là nghèo nàn! Nhà nào khá lắm mới có cái đài (radio) sau
này chính phủ họ có phát cho mấy nhà một cái radio mà dân ta hay gọi là máy
radio ấp chiến lược. Giữ kỹ lắm. Nhiều người có máy, để cho máy sạch sẽ, họ còn
may thêm cái áo bọc cho radio và trang trọng đặt nó lên bàn thờ như một thứ trang
sức qúy hiếm. Tối Thứ Bảy, khi đài phát tuồng cải lương nhà có đài người ta đến
nghe nhờ cũng đông đúc lắm, hay những chương trình thoại kịch, tao đàn, chèo
cổ, những người mê đâu dễ gì quên không ghé nhắc nhở chủ máy mở đài để nghe.
Văn nghệ thì họa hoằn một năm mới có một lần, mà chỉ cây nhà lá vườn, còn phim
thì lâu lâu có xe chiếu phim lưu động của phòng thông tin đến chiếu, vào những
dịp có bầu cử hay những dịp lễ lớn vv. TV. thì mãi sau này mới có.
Chúng tôi những khi
rảnh rỗi, tai nghe tiếng loa xa xa từ khu chợ vọng vào, biết là có xe quảng cáo
tới, rủ nhau cùng kéo nhau ra chợ để xem. Nào là những xe của nhà thuốc Kim
Khuê, Kim Tân chữa bá bệnh, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, những chiếc xe nhỏ dài
có một ông đông y sĩ ngồi chẩn mạch cho bệnh nhân, còn thuốc thì đã chế biến
sẵn đóng chai để bán cho khách hàng. Nhiều hãng thuốc không tên tuổi bán đủ mọi
thứ thì có thêm màn múa võ hay cho khỉ làm trò để câu khách đến xem, các chú
khỉ được mặc quần áo, chạy những chiếc xe đạp con khiến bọn trẻ chúng tôi trầm
trồ thán phục. Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm của bản thân về một nhà quảng cáo
thuốc. Bữa đó có ông đến quảng cáo thuốc xổ giun, tôi cũng độc chiếc quần đùi
đứng xem ông quảng cáo, nghe ông nói hay qúa, đã có một vài tay được bố mẹ đẩy
vào cho uống thử, đúng lúc ấy mẹ tôi đi chợ cũng dòm qua, thấy ông quảng cáo mẹ
tôi cũng đẩy tôi vào, nhìn cái bụng ỏng của tôi, ông đưa cho mỗi đứa một liều
thuốc, cho uống và còn tặng thêm cái kẹo. Uống xong ông tụt ngay quần chúng tôi
xuống rồi bảo ngồi ngay xuống đấy. Ông lấy tờ giấy kê ngay phía dưới hậu môn
chúng tôi chờ đợi, chúng tôi mặt nghệt ra vì phơi chim cò giữa chợ, và chỉ mấy
phút sau. Khiếp, giun trong bụng chúng tôi từng búi quyện vào nhau được bài
tiết ra ngoài, trắng phếu cục nào cục ấy như nắm dao, có con còn ngo ngoe coi
phát ớn. Chính vì cái sự quảng cáo không công này mà tôi bị bạn bè nó trêu phát
khóc.
Ôi kỷ niệm, tất cả đều là kỷ niệm. Lâu lâu nhớ
đến tôi lại khe khẽ ca lên câu: Cho tôi lại ngày nào…
Tuổi thơ và kĩ niểm bao giờ cũng đẹp.Cô em láng giêng sang thăm anh ,Chúc anh và chị nhiều sức khỏe .
ReplyDeleteMột buổi tối giao thừa năm hồi ấy. Đường xá vắng hiu.
ReplyDelete