Monday, August 19, 2013

19/8/13. Góc nghĩa trang... buồn. (bài 1)

Một gia đình thăm mộ thân nhân (Minh photo)
Phi lâu lm ri tôi mi có dp tr li x đạo, mà tr li vào đúng lúc có các dịp lễ lớn ở quê hương. Đó là vào dịp lễ các linh hồn. Chẳng riêng gì ở xứ tôi, mà cùng khắp các xứ đạo của người công giáo, đây là tháng để kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nó cũng như mùa vu lan báo hiếu của người Phật giáo vậy. Thế nên đi đến đâu dọc vùng Hố Nai vào chiều ngày 2 – 11 trong năm, nhằm đúng vào ngày lễ các linh hồn, thấy người người lũ lượt với bông hoa, hương nến, đi bộ, đi xe, bồng bế, dẫn dắt con cháu cùng kéo nhau đi ra nghiã trang để dự lễ cầu cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên cùng thân nhân bạn bè đã khuất. Mọi sinh hoạt bình thường trong những ngày này hầu như đều ngừng cả lại.

Trước đó hàng tuần lễ, người ta cũng đã phải bớt ra những thì giờ sinh hoạt thường lệ trong ngày để tự mang cuốc xẻng, dao liềm, vôi sơn, chổi cọ và nước đến nghiã trang để sửa sang cho các ngôi mộ của người thân đã khuất, nào dọn cỏ cho sạch, trồng thêm bông hoa, lau chùi hình ảnh, mộ bia, đắp bồi phần đất lở, sửa lại cây thánh giá cho ngay ngắn, hay nhân dịp lễ này mà xây lại mồ mả, úp mới lại mộ phần, tô lại chữ trên bia mộ với cả một sự thành tâm, kính nhớ. Có đến nghĩa trang vào dịp này mới được chứng kiến cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, đông đảo của thân nhân những người đã về nơi tiên cảnh, họ đến để chứng tỏ lòng nhớ thương trước mộ phần những người thân mến, khiến nghĩa trang không còn hoang vắng đìu hiu như những ngày thường. Cứ mỗi lần khi họ làm xong một công việc gì, cho mỗi một ngôi mộ, thì tiếp theo đó là những nến cùng hương được cung kính thắp lên với lời thành tâm khấn vái, cùng lời kinh râm ran cất lên hòa cùng tiếng hát làm cho không khí trở lên trang nghiêm, trầm lắng, khiến cho những người chung quanh cũng cảm nhận được sự thanh khiết bình an lắng đọng trong tâm hồn.

Xứ đạo tôi có hai nghiã trang, nhưng nghiã trang sau này mới thành lập lại trở thành nghiã trang chính. Phải công nhận công lao rất lớn của linh mục chánh xứ, với cái nhìn xa ngài đã chọn được vùng đất rất rộng, bằng phẳng và đẹp để xây dựng nghiã trang của xứ đạo. Một hàng rào xây cao kiên cố, với cổng chính theo lối kiến trúc đông phương, cổng tam quan, mái ngói cong với một lối đi chính rộng rãi và hai lối đi phụ, hai bên hông nghiã trang cũng có hai cổng phụ, tất cả đều có cánh cổng bằng sắt kiên cố để ngăn ngừa trâu bò và những người không tốt vào trong nghiã trang nghịch phá. Các đường chính nay cũng được tráng nhựa bê tông rất đẹp và sạch, hai bên lề đường, cha xứ cũng còn đặt những tảng đá chồng lên nhau theo thế đất và với các hình thù theo nghệ thuật tạo hình. Khu trung tâm, một tượng đài Chúa lên trời uy nghi hòanh tráng, với bàn thờ và sân được bọc đá hoa cương theo như những khuân mẫu xây dựng và trang trí cách đặc thù của cha chánh xứ. Theo như những cách xây dựng này, tất cả các công trình của xứ đạo đều na ná giống nhau ở cách thức dùng đá các loại để trang trí, cứ từng những miếng đá đủ cỡ, đủ màu và đủ mọi hình thù, được gắn chung lại với nhau, tạo ra thành những bức tường nhiều sắc màu hài hòa, khác lạ. Còn những nơi đất trống trong nghiã trang chưa sử dụng, được trồng cây bạch đàn tạo bóng mát và tận dụng cây làm củi đốt.

Các ngôi mộ ở đây, nằm trong nghiã trang này được thống nhất hóa về hình thức, mẫu mã. Với tiêu chuẩn là các ngôi mộ này phải được làm theo kiểu của nhà lập mộ Thiên Thu trước kia ở Bình Thắng nằm cạnh xa lộ Sài gòn - Biên hòa trước khu nghiã trang quân đội, với ba bậc nền cao, trên đặt một mồ dài có hình chữ nhật, mái tam giác hay nhiều bậc thấp bằng, phiá đầu mộ là một đài bia cao lên với mái tam cấp hình ngói cong. Khởi đầu được làm bằng xi măng, sau cải tiến hơn được tô bằng đá rửa, rồi đá mài, rồi cải tiến bọc đá xứ, rồi nâng cao lên để bọc bằng đá hoa cương, nay có những ngôi mộ đặc biệt được làm bằng cả một khối đá, tuỳ theo vật liệu mà chủ nhân thích, một ngôi mộ nay có gía từ năm ba triệu lên đến 20, 30 triệu đồng. Chỉ khác nhau về vật liệu bên ngoài mà thôi, còn hình dáng thì bắt buộc phải theo đúng mẫu đã được thống nhất, mà chủ yếu là bia mộ trên cùng phải có mái cong, nếu sợ không đúng mẫu, cứ việc nhờ những nhà làm mộ trong xứ để họ làm cho là chắc ăn như bắp.
Nơi chôn cất cũng được quy hoạch rõ ràng theo lô, theo hàng, theo thứ tự, theo đẳng cấp, theo phẩm trật, từ đại ân nhân, ân nhân, và dân thường. Nhờ vào tài tổ chức như vậy mà nghiã trang mỗi ngày mỗi đi vào quy củ, ngăn nắp trật tự, trở thành một trong những nghiã trang đẹp đẽ nhất trong vùng. Ai có thân nhân khuất bóng về già mà được an táng nơi nghiã trang của xứ đạo thì vô cùng an tâm, không còn phải e dè lo lắng gì nữa. Do đó, mà đã có những người ở nơi khác xin được chỗ để đưa thân nhân họ về đây an nghỉ giấc ngàn thu. Trong ngày lễ chính, các ngôi mộ được liệt vào loại đại ân nhân, đèn điện được thắp sáng trưng, và khu vực này cũng được ưu tiên nằm gần với lễ đài.

Ngày lễ chính, không thể tưởng tượng nổi, người ta hiện diện ở đây đông đến như vậy, hình như toàn thể dân trong xứ đạo đều tụ cả về đây, chắc chẳng có nhà nào mà lại không có người thân đã khuất được an nghỉ ở trong nghĩa trang này. Dân trong xứ đã đông, lại còn được sự đóng góp thêm của cả những khách từ phương xa đến, họ đến để cùng thăm viếng mộ phần thân nhân của họ nữa chứ. Tạo cho số người đã đông đúc ở trong xứ lại càng thêm đông lên. Các ngả đường đất trong xứ khói xe hai bánh với tiếng nổ máy xe cứ ầm ầm suốt buổi chiều, kéo theo bụi bặm bay lên trong không khí, xe cứ như con thoi chạy qua, chạy lại, để chở hết chuyến này tới chuyến khác, gia đình nào cũng phải chở như vậy mới đưa được đầy đủ người của cả mấy thế hệ con cháu trong mỗi gia đình đến đây. Vào bên trong nghiã trang, chen chúc những người là người, tiếng nói chuyện, tiếng cầu kinh, tiếng hát, tiếng loa, tiếng máy xe quyện lẫn vào nhau tạo ra những âm thanh hỗn tạp ồn ào huyên náo. Khói hương, khói nến bốc lên âm u cả một vùng trời bao phủ cả nghiã trang, mọi sinh hoạt chỉ lắng lại khi thánh lễ bắt đầu với lời kinh tiếng hát cất lên qua máy khuyếch âm vang vọng cả một vùng. Mọi người đứng ngay tại mộ thân nhân, yên lặng hướng về bàn thờ nơi lễ đài để cùng hiệp dâng thánh lễ.
Lễ gần dứt thì trời cũng ngả về chiều, khói hương bay tỏa khắp không gian lại được tô điểm bởi những ánh sáng lung linh của những cây nến hay đuốc dầu đốt trong những ống lon nhỏ thắp lên bập bùng, lập lòe theo những làn gió nhẹ làm cho không khí trở lên âm u trầm mặc. Lễ xong, tiếng ồn ào lại trở về với những tiếng nổ máy của hàng trăm chiếc xe Honda chở người về nhà. Tuy vậy, cũng có những người thân còn quyến luyến tập họp anh em bà con lại, rồi cứ từng tốp, từng tốp cùng nhau đảo qua, đảo lại đi đến từng mộ thân nhân nằm rải rác đâu đó để cùng nhau đọc kinh cầu nguyện tiếp. Trong suốt tháng các linh hồn, không khí tuy không được như trong ngày lễ chính, nhưng từ sáng đến chiều tối, lác đác nhưng suốt ngày người ta cũng kéo nhau đến thăm viếng nghiã trang để hưởng ơn toàn xá. Ai cũng hãnh diện là xứ mình có một nghiã trang đẹp và bề thế và mừng vì thân nhân được an nghỉ ở nơi đây.
..còn tiếp...


4 comments:

  1. Nghĩa trang của một xứ đạo với những cây Thánh giá, cảnh này buồn thật.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bác Hiệp ơi, nghĩa trang nào mà không buồn! Tôi ngắt bài viết ra làm hai cho ngăn ngắn lại, phần hai sẽ nói tới cái buồn của góc nghĩa trang, mời bác đón coi nhé.

      Delete
  2. Gia đình em từ sau năm 1975 cũng đã tụ họp với nhiều gia đình khác tạo một giáo xứ mới và rồi cũng hình thành một nghĩa trang mới. Mọi người nhận nơi ở mới làm quê hương bản quán.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mong rằng mọi người trong giáo xứ mới của Linalol sống trong yêu thương, hợp nhất..

      Delete