Saturday, October 25, 2014

25/10/14. Tôi đi Mỹ bài 8. Hai chú Vìệt và Hiệp.

Trong chuyến đi chơi thăm nước Mỹ, ngoài mục đích đi chơi, chúng tôi cũng có một chủ đích là được gặp lại những người anh em bị chia cách sau Ngày 30/4. Và cả những người anh em đi Mỹ lúc sau này. Ước nguyện của chúng tôi đã trở thành hiện thực, anh em chúng tôi đã gặp được nhau..



Chú thím Việt và Hiệp.


Nhà chú thím Hiệp

Chụp tại Phước Lộc Thọ



Chú Việt và Hiệp với tôi là anh em con chú con bác, tôi vai anh. Khi còn nhỏ, chúng tôi rất thân nhau, mặc dù nhà tôi ở Hố Nai còn gia đình chú tôi thì ở Sài Gòn. Tuy xa, nhưng chúng tôi có thời gian cũng ở gần nhau, nhất là thời chúng tôi còn trẻ, tuổi còn cắp sách đến trường.

Cho đến khi chúng tôi tới tuổi gia nhập quân đội, thì ít gặp nhau hơn. Chú tôi có ba người con, hai trai, một gái. Và cả hai người con trai của chú cùng đều gia nhập Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Vì thế, khi ngày 30/4, các chú đều ở trong đơn vị là Bộ Tư lệnh Hải quân, và đơn vị đã đưa cả hai chú em tôi rời Việt Nam.

Với thời gian 40 năm xa cách như vậy, chúng tôi không liên lạc được với nhau dù bằng một lá thư, nhưng cách nay mấy năm, chúng tôi mới liên lạc được với nhau qua Internet, nhờ đó mà chúng tôi cũng có dịp gặp nhau qua hình ảnh và nhìn nhau qua màn ảnh computer. Như các anh em khác, hai chú cũng từng ngỏ lời mời tôi khi nào có dịp thì sang Mỹ chơi.
 
Cây ổi sau nhà.
Các chú là thế hệ người Việt Nam đi khai phá, lúc đầu đến xứ người với hai bàn tay trắng thật sự. Mọi thứ từ ngôn ngữ, công việc làm ăn đều xa lạ với những người trai lính chiến, lại nhớ quê hương bản quán, gia đình, cha mẹ anh em, đôi lúc cảm thấy cô đơn buồn tủi, chứ không được như các lớp người đến Mỹ sau này.

Số người ít ỏi thường tìm gặp nhau sau mỗi cuối tuần, gặp nhau mà chẳng biết làm gì hơn là tìm vui qua những buổi nhậu lai rai nói chuyện. Thời gian dài trôi qua, nay người Việt mình ở đây đông vui thì hai chú lại thu nhỏ mình lại, ở nhà vui thú điền viên. Khi tôi sang, các chú cũng mừng lắm, nhưng đi đến những chỗ đông người Việt mình sống, thì các chú đã không nhớ đường, phải nhờ đến các thím vì công việc chợ búa, các thím phải đi lại hằng ngày, nên rành rẽ đường đi nước bước hơn.

Có chúng tôi sang, các chú mới có dịp gặp người này, người khác, mà nhận ra ở quanh mình cũng còn nhiều người đã quen nhau từ rất xa xưa. Biết vậy, nhưng các chú đã quen với các nếp sống mới là khép kín mất rồi. Chẳng phiền ai mà cũng chẳng ai phiền. An nhiên tự tại và vui với riêng mình âu đó cũng là một trong những cách sống.

Vậy mà khi có chúng tôi sang chơi, chú Hiệp lại trở thành người giúp chúng tôi phương tiên đi lại, đi đón, đi đưa, cứ khi cần là gọi cho chú và chẳng có khi nào chú từ chối dù cho sớm trưa chiều tối, cứ gọi là có chú Hiệp chạy tới đưa chúng tôi đi về.

Nhìn phía sau nhà chú Hiệp, những cây Bonsai, cây ăn trái nào những ổi, mít, bưởi, nhãn, quýt cây nào cũng trĩu cành thấy mà mê, mới biết cái thú vui chăm bón cây cảnh cũng tốn nhiều thời gian. Trước nhà, sân cỏ với mấy cây Palm đang lớn, có một khúc hàng rào xanh mướt mà được tỉa tót gọn gàng, nhìn cũng mát mắt.
 
Chú Thím Việt
Chú Thím Việt khi nghe tin tôi tới California, thím Việt đã liên lạc mời chúng tôi đến nhà ở. Tôi chỉ muốn đến thăm gia đình chú thím trước đã nên hẹn ngày hôm sau. Vậy là sáng hôm sau, chú thím Việt đón chúng tôi chở thẳng đến Nhà hàng bò 7 món Hồng Ân ở khu Bolsa dùng bữa. Sau cả hơn 40 năm anh em mới gặp lại nhau. Lúc xa nhau, chúng tôi còn là những thanh niên còn đầy nhựa sống, nay nhìn nhau thấy ai cũng râu tóc bạc phơ!
 
Chú Việt và tôi
Kêu bốn phần ăn, với mấy chai bia hai anh em cùng với hai người bạn dâu hỏi thăm nhau và kể đủ mọi thứ chuyện, từ gia đình đến xã hội, những ngày tháng xa nhà, xa anh em, gia đình, thời gian dài có biết bao chuyện để nói. Sau bữa ăn, chú thím chở chúng tôi về thăm nhà ở khu Riverside.
 
Nhà chú thím Việt
Riverside, nằm về phía Đông, Đông Bắc và cách Westminter 45.5 Miles và chừng 50 phút lái xe. Dân California gọi vùng này là vùng núi, xa biển nên có khí hậu nóng hơn khu Bolsa. Nhưng những khu này thường là nhà mới, nhiều khu riêng biệt, có hàng rào an ninh, ra vào phải có sự bảo lãnh của cư dân. Dân Mỹ, cũng như các dân châu Âu, thích sống ở những vùng núi, và vùng núi đồi thường là những vùng đắt tiền vì cảnh núi đồi làm tăng vẻ đẹp thiên nhiên kết hợp với kiến trúc của con người.

Nhà chú Thím Việt nằm trong khu vực có bảo vệ an ninh. Đến cổng, vì là cư dân trong vùng, chú thím có remote để mở cổng vào. Mặc dù vùng cao, nhưng cây cối xanh tươi, lại có cả những dòng suối chạy quanh thật thơ mộng.

Ngôi nhà hai tầng cao, có tới hai gara với hai cây Palm hai bên cũng xanh, cao, tươi tốt vậy. Chắc trong dòng tộc riêng của chúng tôi, tôi là người hạnh phúc nhất, vì tôi có cơ may được gặp nhiều anh em trong dòng họ ở khắp mọi nơi, từ Âu qua Mỹ, Úc.
 
Hình kỷ niệm ở nhà.
Ngồi trong căn nhà lớn, tôi mới biết chú Việt hiện nay nghỉ làm cho hãng Boeing, chú là một kỹ sư tin học. Giờ ở nhà làm việc nhà, một người mà trước kia không biết đóng cái đinh, mà nay đã biết làm đủ thứ, sửa chữa nhà cửa, từ lót gạch bông, làm plaster vv. Nói chung, với hai vợ chồng chú, có thể tân trang lại một ngôi nhà cũ trở thành một căn nhà mới đẹp hơn.

Ngoài ra, chú còn viết lách chút đỉnh, hiện nay chú đang phụ trách trong ban biên tập Đặc san của Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Đức Mẹ lên Trời Riverside, thuộc Giáo phận San Bernardino. Với những thời gian nhàn rỗi, chú tìm thêm niềm vui qua sáng tác nhạc, tự đàn Piano hát và thu âm và gửi cho tôi nghe những bài: Về thăm biển Mẹ và Màu mắt em, Bây giờ là Tháng Mười. Chú thím có một cháu trai, học xong rồi, nhưng cháu có thú vui chụp ảnh, nhìn đồ nghề của cháu tôi cũng thấy mê luôn, không thiếu loại ống kính nào, cháu đã có thể kiếm tiền bằng nghề chụp hình rồi.

Dù chú thím có nhã ý mời chúng tôi ở nhà chú thím, nhưng chúng tôi thấy xa qúa, muốn đi chơi mà mỗi lần đi về mất nhiều thời gian nên cám ơn chú thím, chỉ muốn gặp nhau để trò chuyện mỗi khi có dịp là quý hóa rồi. Chúng tôi là anh em, gặp nhau mừng lắm, nhưng với thời gian ít ỏi, mà tôi lại muốn dành để đi chơi, nên anh em chúng tôi cũng dành gặp nhau có vài ngày. Tôi cũng xin các chú thông cảm và gửi các chú những lời cám ơn chân thành về những tình cảm quý báu mà các chú và gia đình đã dành đặc biệt cho chúng tôi. Có gì không vừa ý, chúng ta cùng bỏ qua cho nhau, hy vọng có ngày gặp nhau nữa nha.

Còn tiếp..

No comments:

Post a Comment