Tuesday, July 20, 2010

Tài liệu gia phả Tộc Trần Gia Thoại.



-->
Mục Lục
Trang.
Phần Tiểu Sử 2
A:-Khởi tổ. 5
Cụ tổ: Phanxico Trần Văn Phẩm. 4
1.1:- Ông Phanxicô Trần Gia Thoại. 5
Bà Maria Nguyễn thị Huệ. 6
1.11:- Bà Maria Trần Thị Sa. 8
Ông Giuse Trần Đình Riệm. 11
1.12:- Ông Phanxicô Trần Văn Thuyết. 13
Bà Phan Thị Hồng. 14
1.13:- Bà Maria Trần Thị Tôm. 14
1.14:- Ông Phanxicô Trần Văn Thìn 15
1.16:- Ông Phanxicô Trần Văn Tuyển. 16
1.17:- Ông Phanxicô Trần Văn Thi. 17
Bà Maria Phan Thị Đỏ. 17
1.18:- Ông Phanxicô Trần Ngọc Quảng. 19
Bà Maria Vũ Thị Tý. 20
Phần thống kê. 21
Nguồn cội.
Tản mạn về những ngày còn bé ở Quần Lạc. 26
Ông Thành Hoàng Làng Quần Lạc. 36
Đây, Làng Quần Lạc. 38
Ông Tổ Tứ Đại thứ Hai của Dòng họ Đoàn. 39
Cháu Oanh. 40
Những điều cần ghi lại cho mai hậu. 49
Về sự thịnh suy của dòng họ. 45
Ông Tổ Tứ Đại. 46
Ông Tổ Tam Đại. 46
Ngôi mộ của bà. 51
Thế hệ hiện tại. 52
Về cách tính năm sinh của các cụ tổ. 53
Phần Tiểu Sử
Lời thưa của người viết:
Kính thưa các đấng bậc trưởng thượng trong dòng họ. Con xin mạo muội viết mấy dòng này để kính trình đến toàn thể mọi thành viên trong dòng họ về nguồn gốc của dòng họ Trần Gia Thoại. Đã từ lâu, con có thành ý muốn thực hiện một cuốn gia phả cho dòng họ. nhưng cứ bị lúng túng mãi, không biết bắt đầu từ đâu? Chính con cũng biết rằng, kiến thức của con còn rất hạn hẹp về nguồn gốc của mình, nay lại sống xa quê hương bản quán, mọi thông tin liên lạc bị giới hạn trong mọi phạm vi, từ địa lý, không gian đến những khó khăn khi tra cứu các chứng liệu về dòng dõi của tiền nhân, do bởi những lý do khách quan chung của vận nước nổi trôi.
Nay con muốn tìm một vài dữ kiện, chứng tích về dòng họ nhưng không thể tìm đâu ra một tài liệu nào có để mà tham khảo, vì đơn giản là trước con đã không có ai làm. Nên, nếu hôm nay con cũng không làm, thì trong tương lai, nếu như các thế hệ kế tiếp, có ai muốn viết về nguồn gốc của mình, sẽ lại vấp phải những trở ngại mà con đang gặp hôm nay. Tệ hại hơn nữa là sẽ bị thiếu sót thêm các thế hệ tiền nhân, vì càng chần chừ lâu thêm nữa, không bắt tay vào làm ngay hôm nay, thì càng ngày, càng khó khăn cho việc tra cứu. Đơn giản là các đấng bậc trưởng thượng sẽ không còn nữa.
Nay con xin bắt đầu từ nguồn gốc của dòng tộc ông Trần Gia Thoại. Các tư liệu này mặc dù chưa được tra cứu đầy đủ, nhưng nó được dùng như là bộ khung để từ đó, dần dần được mọi bàn tay trong dòng họ, ra sức đóng góp, tô bồi cho cuốn gia phả này ngày một rõ ràng, đậm nét. Dễ dàng cho con cháu sau này dùng làm tài liệu tra cứu tìm về nguồn cội. Nó như chiếc cầu nối giữa các thế hệ đi trước với các thế hệ đi sau. Mặc dù cho đến khi hoàn chỉnh, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và kể cả tài chánh, nhưng con quyết tâm làm. Như là nén hương lòng thành kính dâng lên tổ tiên, vì các ngài thương mến đã tạo dựng, nuôi nấng, nâng đỡ, phù trì cho gia đình chúng con được vinh hạnh có mặt trên đời này.
Chúng con cũng biết rằng, con người được tạo dựng ra vốn đã bất toàn, dù ở vào thứ bậc nào trong xã hội, tốt xấu gì cũng vẫn là một dòng tộc. Như muôn muôn, ngàn ngàn, triệu triệu tinh tú trong không gian, vũ trụ, có ngôi mờ, ngôi tỏ. Cho nên chúng con xin phép chỉ ghi lại những gì tra cứu được, từ cuộc sống thực tế của tiền nhân, để con cháu không những được hãnh tiến về nhũng thành quả tốt lành, mà còn phải chấp nhận cả những thiếu sót trong cuộc sống của các ngài, để cái tốt thì noi gương, phát huy, cái xấu thì nhận thức ra mà né tránh, để không vấp phải những sai lầm mà tiền nhân đã đi qua. Dù các ngài có sai phạm thế nào đi chăng nữa, chúng con cũng hết lòng tôn kính tổ tiên, dòng họ.
Tài hèn sức mọn, chúng con mong muốn được sự giúp đỡ, chỉ bảo cho những thiếu sót không tránh khỏi, để cho bộ gia phả này càng ngày càng trở nên đầy đủ hơn. Kính mong được sự giúp đỡ chân thành của toàn thể mọi người. Con xin chân thành ghi ơn mọi người qua sự giúp đỡ quý báu này.
Nếu có ai khi đọc được những dòng nhỏ này, mà biết thêm về thân thế và sự nghiệp về ông, xin vui lòng cho chúng tôi biết để bổ sung vào phần tiểu sử của ông, thì thật là quí hóa và xin vô cùng đa tạ.
Ngôi mộ tổ hợp táng 1/11/2003.
Cây có cội, nước có nguồn.
Chim có tổ, người có tông.
Cần, Kiệm, Liêm, Chính
A:-Khởi tổ.
Cụ tổ: Phanxico Trần Văn Phẩm.
(Cụ Tuần Phẩm)
(Sinh khoảng năm 1858-1860)
Cụ sinh trưởng tại lại Làng Quần Lạc. Lập gia đình và sinh hạ được ba người con, một trai, hai gái gồm ông Trần Gia Thoại, người thứ hai không biết tên lập gia đình với ông Cao Văn Quýnh (Binh Quýnh) người thứ ba không biết tên, lập gia đình với ông Hạp tại Thanh Hóa và biệt vô âm tín. Với bản tính thật thà chất phác, cụ chí thú làm ăn và có cơ ngơi lớn ở trong làng.
1.1:- Ông Phanxicô Trần Gia Thoại.
Ông Trần Gia Thoại (Xã Thoại) sinh khoảng năm 1880- 1882 tại Làng Quần Lạc, Huyện Đại An, Tỉnh Bùi Chu. Qua đời ngày tháng năm. Mộ phần tại Nghĩa trang Làng Quần Lạc. Kết hôn cùng bà Nguyễn Thị Huệ. Sinh được 8 người con.
Vì không biết rõ về người, nên chúng tôi chỉ ghi lại đây những điều nghe kể lại, như là một phần rất nhỏ, về cuộc đời của người, đã đứng đầu chi họ Trần Gia Thoại.
Ông Trần Gia Thoại sinh trưởng trong một gia đình có 3 người con, ông là con trai trưởng duy nhất, còn lại 2 người em gái, trong đó có một người lập gia đình tại làng Quần Lạc, là ông bà Binh Quýnh có 3 người con là bà Cơ, bà An, ông Cao văn Oanh. Còn một người em khác của ông lập gia đình tại phương xa, không hiểu vì lý do gì, mà bặt tin, không còn liên lạc được với gia đình.
Theo như những người biết về ông kể lại. Thì ông Trần Gia Thoại là một người rất hiền hậu, trung tín, vui vẻ và có một đời sống bình dị.
Ông qua đời và mộ phần tại nghĩa trang Làng Quần Lạc. Vào cuối Tháng 10 Năm 2003, Hài cốt của ông Trần Văn Phẩm và ông Trần Gia Thoại đã được con cháu di dời vào Nghiã trang Bùi Chu Hố Nai hợp táng cùng với bà Nguyễn Thị Huệ (Thoại)
(Bà Maria Nguyễn thị Huệ.1866- 26-10 - 1956.)
Bà Maria Nguyễn Thị Huệ.
Cũng sinh trưởng ở Làng Quần Lạc, năm 1866, Cụ Cố Phượng, sinh cụ cố Đoàn Đĩnh, Cố Đoàn Đĩnh có 9 người con, gồm 3 gái, 6 trai, bà là cả, còn lại là ông bà Trùm Thiều, cụ cố Nguyễn Văn Long, Ông Xã Thực, ông Nguyễn Văn Châu (xã Châu), ông bà Ngô văn Tòng (quản Tòng), ông Nguyễn Văn Mai (Trương Mai), ông Nguyễn Văn Hào, và ông Nguyễn Văn Sinh.
Kết hôn cùng ông Trần Gia Thoại. Sinh sống tại làng Quần Lạc. Di cư vào Nam năm 1954, sống tại trại định cư Bùi Chu, cho đến ngày 26 tháng 10 năm 1956 thì qua đời. Thọ 90 tuổi mộ phần tại nghĩa trang Ấp Bùi Chu, Hố Nai.
Cũng như ông, người viết cũng rất hạn chế về phần tiểu sử của bà, chỉ biết rằng người viết còn may mắn đã được gặp và gần gũi bà mấy năm cuối cùng trước khi bà về với Chúa. Do đó đã biết về bà như hình ảnh một bà già nhân hậu, hiền lành, với hàm răng móm, miệng tóm tém nhai trầu, thường âu yếm, vỗ về các con, các cháu. Cũng do nghe kể lại về bà, đúng sai không dám có ý kiến. Chỉ xin góp một chút vào phần tư liệu nhỏ nhoi, may ra sau này có ai đọc được, thấy điều gì sai mà chỉ dậy cho, hoặc bổ túc cho thì quý hóa lắm.
Bà hầu như sinh ra và lớn lên ở vùng quê, phương tiện giải trí thời các cụ vô cùng thiếu thốn, cả năm may ra mới được xem một vở kịch, vở chèo, do dân làng tổ chức, thường được diễn ra ở sân chùa, sân đình với các vở diễn mang nội dung lịch sử hoặc tôn giáo, mà phần đông là Phật giáo mà bà tôi là tín đồ Công giáo, ở vào thời đó với các luật lệ còn khắt khe, các tín đồ Công giáo bị cấm đến Chùa xem văn nghệ, sợ bị đầu độc, dù biết là bị cấm, nhưng bà tôi khi nào biết có kịch, có chèo là thế nào bà cũng phải trốn đi xem.
* Ghi chú thêm:
Trong dịp về quê sưu tầm nguồn gốc. Được biết thêm một chút về dòng dõi của bà như sau:
Ông Bà Cố Lục (Lại thị Mừng).
Sinh được năm người con gồm:
1:- Ông Quang.
2:- Bà Trùm Hùng.
3:- Bà Đoàn Đĩnh.
4:- Ông Cố Tụng.
5:- Ông Trương Giản.
Ông Bà Đoàn Đĩnh sinh được 9 người con, đó là chi tộc của bà Xã Thoại. (10-4-2003)
Hiếu Là Đạo
Công cha, Nghĩa mẹ.
Ở cho có đức, có nhân.
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.
(trích ca dao)
.
11:- Bà Maria Trần Thị Sa
.
(Bà Maria Trần Thị Tha (Sa) 1903 – 1975.)
Bà Trần Thị Tha (Sa) sinh năm 1903, tại Làng Quần Lạc, Đại An, Bùi Chu BV. Kết hôn cùng ông Trần Đình Riệm.
Bà là chị cả trong một gia đình có tới 7 người em, trong đó có tới 6 người em trai. Trong tình yêu gia đình, bà đã lo lắng làm ăn từ những ngày mới lớn, bà buôn bán, tảo tần, ngược xuôi khắp vùng, sống tằn tiện để chắt bóp, dành dụm, chăm lo cho gia đình, khi bà kết hôn cùng ông Trần Đình Riệm. Ông mở tiệm thuốc Bắc, thì bà kết hợp bán buôn ngay tại nhà ở khu chợ Quần Lạc.
Năm 1954. Khi đưa gia đình di cư vào miền Nam, bà đã chọn cách sống khác với các người em. Khi hầu hết gia đình các em, thích sống gần các vùng đô thị, thì bà với bản tính năng động, chỉ biết lo làm ăn, bà cùng gia đình đã lặn lội đi khắp nơi, nghe nơi nào dễ làm ăn là bà đưa gia đình tới. Do vậy mà bà đã từng sống ở nhiều nơi như: Vùng Cái Sắn, Thành Ông Năm, Võ Dõng, Phương Lâm và cuối cùng là ở Bùi Chu, trong các nơi bà đã sống, nơi nào bà cũng buôn bán nhưng có lẽ Phương Lâm là nơi bà làm ăn nhiều nhất, với một cơ ngơi có đại bài buôn bán gạo, bà đã cung cấp gạo cho khắp mọi nhà trong vùng, khi Phương Lâm chưa sản xuất gạo.
Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, bà chẳng ngại khó khăn gian khổ, mặc dù mang tiếng là chủ đại bài gạo, nhưng có ai mua lẻ, ít nhiều và muốn giao gạo tại nhà, bà cũng chiều khách, chờ những khi rảnh, bà huy động gia đình chia bao gạo ra nhiều phần, mỗi người một ít, kẻ vác người đội, cùng bà mang đến tận nhà cho khách, mà thủa ấy, Phương Lâm đường xá còn khó đi vì lầy lội, trơn trợt, có những khúc đường lội nước cao trên đầu gối, khi mang vác nặng, người nọ phải dìu đỡ phụ người kia cho khỏi té, nhất là những khu nằm phía trong sâu, nhờ chịu thương chịu khó như vậy nên bà là người có đời sống kinh tế tương đối khá giả và ổn định nhất trong dòng họ.
Bà là người trực tính, phải trái phân minh, thấy trái tai gai mắt, đố có ai cản nổi bà nói ra những điều mà bà đã quyết định, không sợ mất lòng bất cứ là ai, thấy đúng là bà nói ra, không để bụng, xong rồi thôi. Dù ở xa anh em nhưng lòng bà luôn gần gũi, quan sát, theo dõi đến từng gia đình các em, các cháu với một tình thương bao la của một người mẹ. Gia đình nào khó khăn thiếu thốn, ít nhiều, bằng cách này, cách khác không trực tiếp, cũng gián tiếp giúp đỡ, không cho tiền cho gạo, cũng tìm công ăn, việc làm rồi nhắn nhe con cháu đến, nuôi ăn, nuôi ở để đi làm lấy tiền về cho gia đình.
Trong công việc làm ăn, lúc nào bà cũng để một phần nhỏ nhoi riêng biệt, cố tạo ra một phần qũy tiết kiệm đặc biệt dành cho anh em khi cần đến, lúc nào thiếu thốn phải chạy đến bà, thế nào bà cũng cho một vài lời khuyên nhủ, có khi mắng mỏ, nhưng sau cùng bà cũng giúp cho, chứ chẳng có bao giờ phải ra về với bàn tay không cả. Còn với những người biết và thích làm ăn thì khỏi phải nói, cần gì là bà giúp ngay, nếu như không có, bà cũng chạy vay mượn đâu cho, miễn là thực sự có ý làm ăn. Trong gia đình bà chính là chỗ dựa, là cây cột chống giữ vững vàng để nâng đỡ cho cả các em, nhưng vì khả năng hạn chế, bà không thể kéo mọi thành viên trong gia đình khá hơn được. Nhưng bà đã sống cùng mọi người với tất cả tấm lòng nhân hậu, bao dung, khuyên răn con cháu chiụ khó làm ăn và luôn luôn trung tín, cho nên bà vô cùng xứng đáng là tấm gương sống cho con cho cháu noi theo. Bà qua đời ngày 02 tháng 12 năm 1975. Thọ 72 tuổi, mộ phần tại nghĩa trang Ấp Bùi Chu, Hố Nai. (Mộ đã được di dời tới nghiã trang mới cuối Tháng 10 Năm 2004.)
Ông Giuse Trần Đình Riệm.
(Ông Giuse Trần Đình Riệm 1895 – 1973.)
Ông Trần Đình Riệm, sinh năm 1895, tại Làng Quất Lâm, Du Hiếu, Tỉnh Bùi Chu BV.
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho phong, đạo đức, ông và người em trai là ông Trần Quang Chuẩn cũng đã được theo học đến nơi
đến chốn, và cả hai đã theo chân của cụ Hải Thựơng Lãn ông, chọn nghề thầy thuốc cứu nhân độ thế, ở Bắc ông đã hành nghề ở Quất Lâm, Quần Lạc. Sau ngày di cư vào Nam, ông vẫn tiếp tục theo nghề này và có mở tiệm thuốc ở các nơi như: Võ Dõng, Phương Lâm và cuối cùng ở Bùi Chu cho đến ngày mãn phần. Thọ 78 tuổi. Với vóc dáng to lớn, trán cao, hơi hói với mái tóc lưa thưa, mắt sáng, nghiêm nghị, ít nói khiến người mới gặp có vẻ hơi e dè. Nhưng thật ra trong ông chứa đựng một tính tình bao dung, dễ mến, sống hòa đồng, bình dị với một tình thương yêu chan chứa, được sự thương yêu, kính mến của mọi người thân hay quen biết ông. Với một người có nhiều kiến thức nho học. Ông chọn câu (hòa vi qúi) không những để răn dậy con cháu, ông còn nhờ người khéo tay làm chữ lớn để trưng trong nhà, với dụng ý để mọi người khi đi ra, đi vào nhìn thấy mà học cách sống cho mình, cùng đối xử với đời, hay rèn luyện nhân cách.
Ông qua đời ngày 30 tháng 10 năm 1973, thọ 78 tuổi, mộ phần tại Nghĩa trang Ấp Bùi Chu, Hố Nai. (Mộ đã được di dời tới nghiã trang mới Ngày 29-10-04.)
(Hoà Vi Quý)
1.12:- Ông Phanxicô Trần Văn Thuyết.
Ông bà Vũ Thị Nội và Trần Văn Thuyết.
Tục danh là ông Chánh, hay ông Trương Thuyết, vì ông làm Chánh hay Trương tuần ở Làng Quần Lạc
Sinh năm 1906, tại Làng Quần Lạc, Đại An, Bùi chu, BV. Kết hôn cùng bà Phan Thị Hồng, cũng ở Quần Lạc sanh được 8 người con, sau tục huyền với bà Vũ Thị Nội sanh thêm được 1 người con.
Là trai trưởng trong gia đình, mặc dù nhỏ người nhưng bù lại ông rất nhanh nhẹn, tính toán lanh lợi, dám nói, dám làm, mới ở tuổi trung niên ông đã có cơ ngơi lớn ở trong làng, với hai dãy nhà xây lợp bổi dầy, nằm ngay cống phiá tây của làng Quần Lạc mà ông đã phải bỏ lại, khi di cư vào miền Nam và sau khi bà mất vì trúng đạn khi tản cư qua Phát Diệm để lại cho ông 8 người con.
Khi vào miền Nam, ông đưa gia đình vào ở trại định cư Bùi Chu, ở đây ông mua xe tải, làm nghề khai thác lâm sản, cho đến năm 58 ông tục huyền với bà Vũ Thị Nội và về Sài gòn sống ở Hòa Hưng, được mấy năm, ông cùng bạn bè, tổ chức cùng nhau mua đất ở khu Bà Quẹo lập nên giáo xứ Tân Phú, ông được bầu làm chánh trương xứ cùng thời với linh mục Hải xây dựng thánh đường Tân Phú. Ông qua đời ngày 9 tháng 5 năm 1967, thọ 61 tuổi, mộ phần tại nghĩa trang Ấp Bùi Chu, Hố Nai.
Bà Phan Thị Hồng.
Bà Phan Thị Hồng là con gái cả trong gia đình có 5 người con, gồm 4 em trai là các ông: Phan Văn Lâm (Dục), Phan Văn Thiệp, Phan Văn Luyện, Phan Văn Tập con của cụ Phan Văn Khải (Biểu Khải) cùng sinh trưởng ở làng Quần Lạc, Bùi Chu. Sau khi sanh hạ được 8 người con, gia đình tản cư qua Phát Diệm, bà bị trúng mảnh đạn và từ trần tại đây, sau năm 1975, các con bà đã di dời hài cốt bà vào an táng tại nghĩa trang Xứ Bùi Chu, kế bên mộ phần của ông. (Mộ đã được di dời tới nghiã trang mới)
Bà Vũ Thị Nội qua đời lúc 11 giờ 25 tối Ngày 18/1/07. Hưởng thọ 83 tuổi, an táng tại Canada.
1.13:- Bà Maria Trần Thị Tôm.
Sinh năm 19 , tại Làng Quần Lạc, Đại An, Bùi chu, kết hôn cùng ông Nguyễn Văn Doanh. Đã từng sinh sống tại Nam Vang, Ngã Bảy Sài Gòn và cuối cùng là Ấp Bùi Chu, Hố Nai.
Giản dị, vui vẻ và rất rộng rãi, đời sống phóng khoáng, ảnh hưởng những tháng năm phiêu bạt, bà theo chồng đi làm ăn xa, đâu mãi tận bên Nam Vang, không sống gần gũi gia đình, cho mãi đến sau năm 1955, chồng mất bà mới trở về Việt Nam, gia đình mới gặp lại.
Sống ở Nam Vang và Sài gòn lâu ngày như vậy, nhìn bà có dáng dấp một người đàn bà Nam Bộ hơn là người đàn bà miền Bắc, từ cách sống, cách ăn nói, giọng nói, ăn mặc và đặc biệt khác hẳn mọi người trong gia đình.
Mặc dù có hai chị em gái, nhưng cách sống thì khác biệt gần như đối nghịch hẳn nhau, chị cả thì chí thú làm ăn vun quén cho gia đình, trong khi bà em thì sống không cần lo cho ngày mai, có đồng nào tiêu đồng nấy, trong khi vẫn còn tiếc là không đủ tiền để tiêu.
Bà có với đời chồng trước ông Nguyễn văn Doanh, hai người con là: Nguyễn Văn Cung và Nguyễn Thị Hai, sau này tái giá với ông Micae Vũ Văn Ngoạn không có người con nào. Bà cùng ông và người con gái cùng một cháu ngoại chết những ngày cuối tháng 4 năm 1975, mộ phần không được rõ.
1.14-Ông Phanxicô Trần Văn Thìn
(Và bài thuốc chữa rắn cắn.)
Vì không rõ phần tiểu sử của ông, nay chỉ xin ghi lại một chút tư liệu về ông qua câu chuyện về bài thuốc chữa rắn cắn mà ông đã tình cờ học được.
Chuyện được kể lại như sau:
Ông đi chơi ở xa mãi trên mạn ngược (vùng cao). Nơi sinh sống của đồng bào Thiểu số Mường, Mán. Khi trở về, ông đang đi trên đường để về lại nhà thì gặp được mấy đứa trẻ chăn trâu trên triền đồi, người dân tộc. Chúng đang ngồi quanh đống lửa được nhóm lên để nướng mấy củ khoai ăn. Bên cạnh chúng có một đứa nằm bất động. Mặt mày xanh mét, trông như đứa chết rồi. Ông hỏi: Nó làm sao vậy? Mấy đứa nói nó bị rắn độc cắn chết. Nghe thế ông nói sao không đưa nó đi cấp cứu? Chúng nói ăn nhằm gì, để lát nữa ăn xong đi lấy thuốc chữa cho nó khỏi ngay thôi mà. Nghe thế ông rất đỗi ngạc nhiên ngồi xem bọn trẻ làm ăn ra làm sao. Sau khi khoai chín, chúng để phần lại cho đứa bị rắn cắn, rồi chia nhau vừa ăn vừa đi hái thuốc. Loáng một cái chúng mang thuốc về nhai ra đổ vào miệng đứa bị rắn cắn. Chỉ ít phút sau nó hồi tỉnh ngồi dậy cầm củ khoai ăn ngon lành trong sự kinh ngạc của ông. Thuốc hay thật! Thấy thế, ông xin chúng chỉ cho các cây thuốc để trị rắn cắn, và chúng đã chỉ cho ông. Về làng, ông kể lại cho mọi người nghe chuyện trên, và ông đã chữa cho rất nhiều người thoát khỏi bàn tay của tử thần khi bị rắn cắn.
1.16:- Ông Phanxicô Trần Văn Tuyển.
Ông Trần Văn Tuyển 1915- 24-10-1998.
Sinh năm 1915, tại làng Quần Lạc, kết hôn cùng bà Nguyễn Thị Mến người cùng làng, sinh được 8 người con. Ông qua đời ngày 24 tháng 10 năm 1998, mộ phần tại nghĩa trang Phương Thọ, Phương Lâm, thọ 83 tuổi.
Trong anh em, ông là người chậm chạp và yếu kém về mọi mặt, có lẽ do ảnh hưởng vì bị bịnh lãng tai, nên khó giao dịch. To lớn và khoẻ mạnh, chiụ khó làm ăn nhưng không được may mắn, nên đời sống ở mức trung bình.
Như hầu hết anh em, ông cũng rất hiền lành, chân chất, thật thà, an phận.
Ông là mẫu người được mọi người trong dòng họ hay mang ra kể, khi có dịp cùng nhau hội ngộ, thường là để vui với nhau, chứ không có ý nhạo báng, thường nhất là về bịnh lãng tai, vì gặp nhau ông hỏi gà bà nói vịt, hiền lành nên ông chẳng giận gì ai, và chỉ cười theo mọi người, nên ai cũng mến và thương ông.
1.17:- Ông Phanxicô Trần Văn Thi.
Ông Trần Văn Thi 1923–13-3-1974. Bà Phan Thị Đỏ. 1925 – 4/11/2003.
Sinh năm 1923, tại Quần Lạc, kết hôn cùng bà Phan Thị Đỏ người cùng làng, sinh hạ 10 người con, ông qua đời ngày 13 tháng 3 năm 1974, hưởng dương 51 tuổi, mộ phần tại nghĩa trang Bùi Chu.
Cũng như hầu hết anh em trong gia đình, ông cũng không có nghề nghiệp gì chuyên môn, do đó mà ông đã làm đủ mọi nghề, khi còn trẻ, ông gia nhập quân đội, đến năm 1954 ông trở về làng, mua thuyền đi buôn, chở khách từ làng quê đi Nam Định, cuối năm 54 ông đưa gia đình di cư vào miền Nam, sống hết cuộc đời tại đây. Ở đây ông làm đủ mọi nghề, ai nhờ làm gì ông cũng làm.
Hiền lành, vui vẻ, hay pha trò, ông được mọi người trong làng xóm qúi mến.
Bà Maria Phan Thị Đỏ.
Bà Phan Thị Đỏ sinh năm 1925, trong gia đình có 5 người con gồm 1 trai là ông Phan Văn Huyến, bà trưởng Thọ, bà Khiên, bà Tú, thân sinh là cụ Phan Văn Huyên (trương Huyên), sinh trưởng tại Làng Quần Lạc. Là con út trong gia đình, mồ côi mẹ ngay từ hồi còn nhỏ, sống cùng cha và anh trưởng cho đến khi lập gia đình với ông Trần Văn Thi.
Hình chụp gia đình bà Thị. 1993.
1.18:- Ông Phanxicô Trần Ngọc Quảng.
Ông bà Trần Ngọc Quảng & Vũ Thị Tý.
Sinh năm 1927, tại làng Quần Lạc, Đại An, Bùi Chu, BV. Kết hôn cùng bà Vũ Thị Tý quê Quần Liêu, Đại An, Bùi Chu.
Sống ở Quần Lạc cho đến năm 1954 ông di cư vào Nam, sống ở Bùi Chu, sau đó ông chuyển về Sài Gòn, sống ở Xứ An Lạc, Ngã Ba Ông Tạ, rồi Tân Phú, Bà Quẹo, cuối cùng ông chuyển về Bùi Phát, Trương Minh Giảng cho đến ngày qua đời.
Là em út trong gia đình, với tính tình phóng khoáng, rộng rãi, lịch thiệp. Ông
giao du với nhiều thành phần trưởng giả, sống nhiều ở thành phố, nên ăn mặc chải chuốt, lịch sự. Với anh em bạn bè ông sống rất nhiệt tình, chân thành nên ai cũng thương yêu quý mến.
Cuối đời ông không được khoẻ, đau yếu luôn nên ít có dịp đi đây, đi đó như trước. Ông sống rất tư cách, được mọi người yêu mến. Họ hàng ai cũng phục và quý mến thương yêu.
Ông qua đời ngày 14 tháng 10 năm 1981, hưởng dương 54 tuổi.
Mộ phần tại Nghĩa trang Ấp Bùi Chu.
Bà Maria Vũ Thị Tý.
Bà Vũ Thị Tý sinh năm 1935, tại Làng Quần Liêu, Đại An, Bùi chu. Là con út trong gia đình có 5 người, gồm các ông Vũ Duy Cơ, Vũ Cao Triều (Tiêu) Vũ Văn Mậu, Vũ Thị Hãng, Vũ Thị Lược. Đã từng sinh sống tại các nơi như trong phần tiểu sử của ông, nay bà sống tại Hoa Kỳ.
Bà qua đời 20 Tháng 6 Năm 2010. Hưởng thọ 83 tuổi.
Melbourne, đầu xuân Nhâm Ngọ. 2002.
Phần thống kê.
Đời thứ nhất: 3 người gồm 1 trai, 2 gái.
Đời thứ hai : 8 người gồm 6 trai, 2 gái.
Đời thứ ba : 35 người gồm 19 trai, 16 gái.
Đời thứ tư : 208 người gồm 79 trai, 129 gái.
Đời thứ năm:
Người thọ nhất: ông Trần Văn Tuyển (83 tuổi)
Người mệnh yểu: ông Trần Văn Ngữ. (ở tuổi đôi mươi)
Người có đông con nhất: ông Trần Văn Thi. (15 người)
Người có ít con: ông bà Trần Thị Sa. (Riệm) (1 người)
Người đầu tiên có học vị: ông Trần Quang Việt. (đại học, đời 3)
Những người sinh sống tại nước ngoài:
Mỹ: Gđ. Bà Quảng và Gđ. Trần Quang Việt, Trần Thế Hiệp, Gđ. Trần Thị Minh Nguyệt. Gđ. Trần Thị Yêu (Trừ). Gđ. Trần Văn Tuyến. Cháu Nguyễn Thị Oanh, Trần Ngọc Công.
Canada: Bà Chánh Thuyết. Chị Trần Thị Hoa.
Hoà Lan: Gđ. Chị Trần Thị Ký.
Úc: Gđ. Trần Văn Minh. Các cháu Trần Thị Bạch Yến, Trần Ngọc Long.
Những người nối dòng:
Đời thứ nhất; Ông Trần Văn Thuyết.
Đời thứ nhì : Ông Trần Văn Tường.
Đời thứ ba : Ông Trần Quốc Chiến.
Đời thứ tư : Ông Trần Hoàng Duy
Thế hệ hiện tại.
Qua đến đời chúng tôi thì có một số thay đổi, khách quan mà nhận xét như sau: Tuy cùng một đời nhưng có người sinh trước, kẻ sinh sau mà lớn nhất là các anh trong gia đình bác cả trai, có các anh lớn gần bằng với chú út, do đó mà thế hệ này trải dài theo vận nước từ Bắc vào Nam, các anh do không ít, thì nhiều bị ảnh hưởng bởi cuộc di dời nơi ở to lớn này, do bởi ngoài ý muốn cùng không có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước, lại còn bị chi phối bởi cuộc chiến tranh dai dẳng ở nước ta thời ấy, nên chẳng có được ai thành công trong lãnh vực nào! Về đường học vấn chỉ duy nhất có một người là con trưởng của chú út tôi theo học lên đại học và cũng chỉ ngưng lại ở đó vì thời chiến tranh, và cấp bậc trong quân đội cũng mới chỉ đạt được là trung úy trong binh chủng Hải Quân. Sau này qua Mỹ không biết chú có học thêm và có bằng cấp nào nữa không?
Nguồn cội.
Chắc chắn một điều là: Trong dòng họ tôi có rất nhiều người lớn hơn tôi về đủ mọi lãnh vực, do đó, mà trong số đó cũng có rất nhiều người am tường về nguồn gốc, nhất là nơi khai sinh ra dòng họ. Đáng lý ra mà nói thì giá như những người đó kể về nguồn gốc thì đầy đủ hơn tôi. Nhưng do các vị đó không có điều kiện để làm việc này, nên tôi xin phép để kể lại với một chút kiến thức nhỏ nhoi của mình. Chắc chắn là với nhiều thiếu sót, với ý tưởng là; thôi thì “có còn hơn không’’. Mong bà con thương mà tha thứ cho khi đọc.
Cả hai bên nội và ngoại tôi đều sinh trưởng tại làng Quần Lạc. Ngày còn nhỏ, tôi chẳng biết, cũng chẳng bao giờ để ý đến Quần Lạc nằm ở đâu, thuộc tỉnh nào? Huyện nào? Sau này chỉ khi phải dùng đến giấy tờ tùy thân, tôi mới để ý, thấy trong giấy khai sinh ghi là Quần Lạc thuộc Huyện Đại An, Tỉnh Bùi Chu, Bắc Việt. Kể từ lúc đó tôi mới biết đến tên của huyện và tỉnh mà làng tôi phụ thuộc và bây giờ, sau bao thay đổi, Quần Lạc đã thuộc về Xã Nghiã Phong, Huyện Nghiã Hưng, Tỉnh Nam Định.
Nhà thờ Quần Lạc và nhà thờ giáo họ Thánh An Tôn. GX Quần Lạc.
Quần Lạc, nơi chôn rau cắt rốn của bao nhiêu con người trong dòng họ tôi nằm ở đâu? Có tự bao giờ? Ai là người sáng lập ra? Vì chưa có dịp trở lại Quần Lạc sau gần 50 năm xa cách, nên tôi chỉ xin viết ra đây những gì tôi có thể nhớ ra được. Với ký ức nhỏ nhoi của một người trẻ nhỏ mới năm tuổi đầu, tôi lõm bõm nhớ ra rằng: Làng tôi là một làng nông ghiệp, nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, nằm dọc theo hai bên bờ một con sông nhỏ, chảy theo trục Đông Tây, có thêm một nhánh nữa nằm ở khu gần chợ hay đình làng, hai đầu có hai cống chặn ngang sông. Cống có ba cửa, hai bên cống xây thành cao cỡ gần một mét, nối hai bờ lại với nhau, vừa làm cầu để đi lại vừa để dùng vào việc điều tiết mực nước tưới tiêu cho ruộng đồng.
Chẳng biết dòng sông này do tự nhiên mà có, hay là do người ta đào ra nó, để dùng vào việc dẫn thủy nhập điền. Chỉ nhớ những đêm trăng sáng. Đứng trên cống nhìn xuống dòng sông lóng lánh như được giát bạc trắng xoá, lao xoa làn sóng nhè nhẹ vì bị khua động bởi mái chèo của con thuyền nhỏ bơi trên sông. Vẳng vọng tiếng người chèo đò xin người cất vó cho bơi qua, hay những chiều thu nhẹ gió, đứng trên cống nhìn mặt sông phẳng lặng như gương, phản chiếu cả bầu trời trong xanh với những giải mây trắng lững lờ trôi, sống động và đẹp như tranh.
Cũng như hầu hết các làng quê miền Bắc. Làng cũng có lũy tre xanh bao bọc, vì tre thường được dùng với nhiều công dụng như; Trước hết, rễ tre giữ cho đất khỏi bị lở, tre mọc dầy làm kín dậu, ngăn chặn người lạ xâm nhập, và thân những cây tre già còn dùng vào việc xây dựng, và măng tre cũng là một món ăn khoái khẩu nữa. Thân tre non còn được dùng làm nan đan rổ rá, rế và lạt để bó mạ, bó rơm, bó rạ hoặc cột, đánh đai, néo trong xây dựng, và cho bóng mát những ngày hè. Nói chung, trong các làng quê, tre rất hữu ích cho con người. Cho nên thường được trồng ở làng quê cùng với hình ảnh cây đa đầu làng và bóng các cây soan trong vườn mỗi nhà.
Nói tới soan, tôi lại nhớ mỗi độ hoa soan nở thơm nức là đúng vào mùa thương khó. Chả là khi ấy ở giáo xứ tổ chức lễ Chúa chịu chết, người ta hay rang gạo nổ, trộn một chú hoa soan cho thơm rồi đổ vào trong áo quan, nơi táng xác Chúa cho bọn trẻ con chúng tôi, sau khi hôn chân Chúa, thế nào cũng phải bốc một nắm gạo nổ nhâm nhi. Mùi hoa soan ngày ấy đã ăn sâu vào tiềm thức tôi, để đến nay khi ngửi thấy mùi hoa soan là y như tôi lại liên tưởng đến mùa thương khó xưa.
Có một điều hơi kỳ cục đối với tôi là: Tôi nhớ rất mù mờ về ngôi nhà của thầy mẹ tôi, nhưng tôi lại nhớ rất rõ những ngôi nhà của bà con dòng họ tôi, (có lẽ do gia đình tôi bỏ làng tản cư qua Hòa Lạc, Phát Ngoại, nhà được bán đi, sau đó trở về chúng tôi sống trong nhà của bác tôi chăng?).
(Một số cảnh quê hương Quần Lạc tôi mới chụp được nhân chuyến về thăm Năm 2009)
Này nhé: Nhà bác chánh Thuyết ở đầu bắc cống phía Tây, phía sau là nhà ông Long. Đối diện bên kia sông cũng ngay đầu nam cống, gần gốc đa là nhà ông quản Hào. Ngược vào sâu phía sau trong dong là nhà bác Thiệp. Ông Phó Cung. Đi về hướng đông ra chợ qua khu nhà ông Tổng Ninh là ngõ vào nhà ông Xã Thực, Xã Tích. Mỗi ngõ đi liền bên đường đều có cái rạch mà hình như người ta đào để lấy đất đắp đường. Vẫn suôi về hướng chợ thì đến nhà bác Tú rồi mới tới nhà bác Huyến. Hai nhà này tôi nhớ như vậy không biết có đúng không? Suôi nữa đến chợ là nhà bác lang Riệm. Bác vừa bán thuốc vưà bán tạp hóa. Từ chỗ chợ, ngay ngã ba sông phía bên kia bờ có cái vó bè là nhà bác Khiên tôi đấy. Đi qua chợ là đường đi đến nhà thờ. Đối diện với nhà thờ bên kia bờ là nhà của ông Trùm Thiều. Đi thêm ít nữa là đồng rộng và nghiã địa của làng. Quần Lạc cũng có Chùa, nhưng tôi không biết rõ lắm. Chỉ biết đích xác là có hai nhà thờ, một nhà thờ chính ở đàng Đông và một nhà thờ hội, ở phiá Tây của làng, Thờ Thánh An Tôn, nhỏ hơn ở phía ngoài cống. Đàng trước hình như có cây gạo, lối đường đi Giáp Phòng, Giáp Nghĩa gần nhà bác tôi. Còn nhà thờ chính có một cái hồ phía trước, được xây bậc để giáo dân có thể bước xuống rửa chân trước khi vào nhà thờ dự lễ.
Mới đây ghé nhà chú Bảo ở Sydney chơi. Thấy Bảo khoe em mới về làng chơi. Tiện Bảo cho xem lại một vài hình ảnh của làng xưa, trong đó có cảnh toàn thể ngôi thánh đường Xứ Quần Lạc. Giữa hồ giờ có ai đó nghe nói ở Úc dâng cúng, đã xây lên một đài Đức Mẹ La Vang, gồm một nhà thủy tạ mái lợp ngói, có cầu nối từ bờ hồ lên đài, giữa nhà đặt tượng Đức Mẹ.
Cha Lương Trí Thức đã từng là cha Xứ Quần Lạc. Do đó khi vào Nam gia đình chúng tôi đã theo cha về cư ngụ tại Xứ Bùi Chu do cha lập nên. Ngoài ra còn có cha Tuyên, sau này ngài coi Xứ Bùi Đức cũng đã từng coi Xứ Quần Lạc.
Làng tôi không biết có từ bao giờ? Lớn nhỏ bao nhiêu? Dân số nhiều ít? Nhưng hồi nhỏ tôi cũng đã nghe đến danh các cụ, Tổng Tuyên, Tổng Ninh, Chánh Khắc, Lý Mỹ, Chỉ Tời, Phó Viên và nhiều lắm. Ngay trong dòng tộc tôi thì ông nội tôi nghe cũng có tí tước là ông Xã thoại và bên ngoại là ông Trương Huyên chứng tỏ làng cũng không nhỏ lắm. Tôi cũng chỉ nhớ là hai đầu sông nối vào hai sông lớn, một hình như là Sông Ninh Cơ, còn một là Sông Đáy. Chẳng biết nó lớn cỡ nào một đầu đi Giáp Nghiã, Giáp Phòng, Lạc Đạo hay đến ngã rẽ quẹo về Qũy Nhất, Giáo Dục, sông cũng dẫn thuyền bè đi Nam Định được. Đầu ngược lại đi Thành An. Nghe thì nhớ vậy thôi, chứ kỳ thực tôi chẳng biết tí gì về các địa danh ấy.
Tản mạn về những ngày còn bé ở Quần Lạc.
Vì thời cuộc chăng? Mà gia đình tôi bỏ làng đi rất sớm. Tôi nhớ hình như là tôi còn bé lắm. Thầy tôi đi lính quốc gia. Mẹ tôi dắt díu anh em tôi theo họ nội tản cư qua Hòa Lạc. Ở nhờ nhà Ông Bà Phó Phượng. chúng tôi được đi học. Người thầy đầu tiên trong đời đã khai tâm cho tôi là thầy giáo tên Cừ (?) Thầy rất dữ. Đánh chúng tôi rất tận tình. Nhờ đi học và cũng nhờ ở Hòa Lạc, chúng tôi có hai anh em. Tôi và người anh tên Thanh, hai người anh con bác tôi là anh Bách và Cảnh cộng với hai người bạn mới là Cung và Cảnh nữa thành sáu ông mãnh chuyên đi nghịch phá. Cho nên học được chữ nào ban sáng thì ban chiều đã rơi rụng mất. Hậu quả gây ra là thầy giáo rất buồn nên trút lên đầu bọn tôi những ngọn roi thước kẻ đau nhói. Ngày nào đi học về, chữ đâu không thấy, chỉ thấy mỗi đứa đều có vài cục u trên đầu. Nghĩa là trong đầu thì rỗng tuyếch mà ngoài đầu thì nổi u.
Nghịch lắm, chúng tôi chia phe chơi trận giả. Bốc bùn, bốc đất đánh nhau, chán! Thấy đối phương không ngán đất. Chúng tôi bốc luôn cả cứt trâu choảng nhau nữa đấy trời ạ! Nhà Cung và Cảnh có bể nước uống. Trong đó có bát đĩa kiểu, qúi, bố mẹ giấu cho khỏi bị vỡ. Chúng tôi mò lên chọi nhau nữa, gây bao phiền hà cho cha mẹ. Hết nghịch, chúng tôi theo ông Thừa Bò, người mất trí trong làng xã để chọc ghẹo, hay bắt chiếc. Trời thì nắng chang chang, ông cởi truồng lồng lỗng, rồi lấy lá khoai che. Chúng tôi cũng học theo kết qủa là cả bọn bị ngứa, và cả bị đòn nữa.
Sau Hòa Lạc. Chúng tôi được chuyển lên Phát Ngoại, ở nhờ nhà ông cố Tải. Do đó mà biết được nhà Thờ Đá và Cầu Ngói. Ở được một thời gian thì được tin thầy tôi bị bắt ngoài mặt trận, đã được trả về nguyên quán. Mẹ tôi đưa anh em tôi về lại làng, nhờ đó mà tôi còn biết một tí chút về nơi tôi đã sinh ra.
Về đến làng, nhà bác tôi đã bị trưng thu làm kho lúa, cả nhà trên lẫn nhà dưới. Chỉ còn lại hai bên chái. Đầu phía trái đã được cấp cho một ông phó rèn, thuộc gia đình có công với kháng chiến. Đầu phía phải cấp cho gia đình tôi. Chúng tôi không được đi học. Suốt ngày chỉ có chơi với nghịch. Ở quê thì có gì khác hơn sông nước. Nên chúng tôi hay mò mẫm ở ven sông để nghịch. Ra cống xem người ta bắt cua hay đóng mở phai cống, để điều hòa mực nước. Buồn buồn, qua nhà ông phó rèn xem ông rèn dao, rèn liềm. Ông nghiện thuốc phiện, nên ở ông có nhiều chuyện lắm. Muốn nghe ông kể chuyện thì chịu khó kéo bễ cho ông rèn. Bễ là hai cái ống giống cái bơm xe đạp bây giờ nhưng lớn và dài hơn. Người kéo bễ ngồi trên chiếc ghế cao. Hai tay nắm chặt hai cây thụt ống bễ kéo lên, đè xuống, để tạo gió thổi vào lò than đá cho cháy đỏ rực. Dùng nung đỏ những cục sắt trước khi rèn thành dao, thành liềm v.v. Khi nào cục sắt được lấy ra thì người kéo bễ được nghỉ, ngồi xem ông phó và người phụ, chân đứng tấn rồi dùng cả hai tay, cầm cán búa, đưa ra sau lưng lấy đà, rồi hất ngược vòng từ dưới lên và từ sau tới trước, đúng một vòng tròn, mà dân trong nghề gọi là quai búa, quai búa chan chát, ông hay đùa kể rằng:
”Nghề này vất vả mà không khá được, này nhá: Búa đập vào đe phát ra tiếng “cùng kiệt,” mà sắt nóng thả vào thau nước nó kêu “nghèo.’’
Mỗi lần ông đập cho đến khi cục sắt bớt mềm, từ đỏ rực đến khi trở nên xám ngắt ông mới ngưng lại, để vừa thở, vừa quạt. Cái nghề của ông coi cực quá, vừa nặng nhọc, vừa nóng,. Lúc nào ông cũng chỉ trần xì chiếc quần đùi đen đúa, bẩn thỉu, dầy và mo đất cát, bóng lưỡng chất mồ hôi. Đôi khi tôi cũng phụ ông, ngồi tháo những mắt gai từ những sợi dây kẽm gai chiến lợi phẩm, ông đi gỡ ở những đồn bót ở đâu đó đã bỏ hoang rồi mang về.
Khi về làng, thầy tôi không làm gì cả. Đôi khi ông dẫn chúng tôi đi đánh giậm ở bờ sông đẻ bắt tôm, bắt cá. Mẹ tôi buôn bán vớ vẩn sống qua ngày. Sau này thầy tôi chung với người ta làm đò dọc, chở hàng hóa cho con buôn từ làng lên Nam Định và ngược lại. Thuyền đậu ở bến ngay cống trước nhà. Chúng tôi hay chạy lên xuống thuyền chơi mỗi khi thuyền về bến. Cũng vì chạy lên, chạy xuống mà có lần tôi đã suýt chết đuối ở cái miệng cống này. Chẳng là một bữa, tôi và lũ nhóc trong xóm chạy đùa rỡn với nhau từ bến lên thuyền, một thằng con bà Rung ngố, tôi không còn nhớ tên, nó trợt chân rớt xuống sông. Không chần chừ, tôi nhảy ngay xuống nắm tay nó kéo vào bờ. Cũng may mà tôi kéo được nó vào, chứ mà nước rút chúng tôi đi ra xa bờ một chút, chỉ một chút xíu nữa thôi là kể như hai thằng tôi bị cống ở cửa bà Hiện nuốt chửng. Nước sẽ cuốn trôi đi, mà nếu như nước không cuốn thì chúng tôi cũng chẳng ngoi lên nổi. Hai thằng đều không biết lội. Mặc dù chúng tôi sống ngay ở bên sông từ lúc mới lọt lòng mẹ.
Cũng ở bến sông này mà mỗi lần chúng tôi muốn đi Nam Định. Xin thì chắc chắn thầy tôi không cho đi rồi, vì thầy tôi phải làm nhiều công việc trên thuyền, như chèo, chống, kéo, đẩy mỗi khi thuyền vượt ghềnh, và nhiều công việc khác nữa, chứ đâu có phải đi chơi mà cho đi. Nhưng khi chúng tôi muốn chúng tôi cũng tìm cách đi cho bằng dược. Thường thì chúng tôi xuống thuyền chơi, rồi không có ai để ý, chúng tôi chui vào trong tấm vải buồm đặt nằm trên mui thuyền, đợi cho đến khi thuyền đã nhổ neo đi một đoạn khá xa, mới từ từ chui ra, thầy tôi có muốn không cho đi, cũng không còn đuổi xuống được nữa. Chính nhờ những chuyến đi như vậy, tôi đã chứng kiến những thủy thủ như thầy tôi, phải nhảy xuống bờ, mỗi người khoác vào vai một sợi dây thừng để cùng nhau kéo thuyền vượt dòng nước chảy siết, mà lúc nhỏ các vị hay kể là qua ghềnh ở Hải Lạng.
Lên đến Nam Định rồi, chờ cho thầy tôi lo xong mọi việc, thường thì đến tối mới xong, thầy tôi mới có chút đỉnh thời giờ rảnh rỗi dắt tôi đi chơi phố, mua bánh trái cho tôi ăn, và mua cả đồ chơi cho tôi nữa. Hỏi sao mà lâu lâu không trốn đi một lần cho được! Tôi nhớ rõ lắm, ngày ấy làm gì đã có đồ chơi tinh xảo, và các loại đồ điện tử nữa, nhất là lại ở quê như chúng tôi. Nên lúc bấy giờ, thầy tôi mua cho tôi một con chuột, làm bằng giấy bôi lọ đen thui, có cái bánh xe bằng đất khiến cho nó chạy được. Khi mình kéo sợi giây ở lưng nó lên, sợi giây thung làm cót xoắn vào, khi mình thả nó xuống đất, cót nhả ra cái bánh xe quay theo, con chuột sẽ tự động chạy. Chẳng có gì đặc biệt lắm, tuy vậy mà nó đã làm cho anh em tôi hãnh diện với các bạn cùng trang lứa trong làng.
Vẫn cái chuyện ở cái cống này (Chúng tôi sống ngay cống mà!). Một lần khác, tôi và người anh tên Thanh, nô đùa trên mặt cống. Lúc anh tôi đang ngồi trên thành cống, tôi đã đẩy anh xuống sông. May mà anh lóp ngóp ngoi được vào bờ, còn tôi bị một trận nên thân vì cái tội nghịch ngợm ngu dốt của mình.
Khi chưa tản cư, hàng ngày chúng tôi hay lang thang ra nhà các bác tôi chơi. Nhưng có lẽ nhà mà chúng tôi hay đến nhất là nhà bác cả. Vì nhà bác ở chợ, bác lại buôn bán, nên bác hay mua quà bánh cho ăn. Nhà bác có hai bà chị cỡ tuổi chúng tôi, thế nên chúng tôi cũng hay cùng nhau chơi bán hàng, chơi trốn tìm, cùng chia nhau đồ chơi nữa.
Không thì đôi khi chúng tôi theo các anh lớn, lội đồng đi sang các làng kế cận, bắt chim, bắt cò, nghịch hay là cả gây sự đánh nhau nữa. Thường chúng tôi hay theo các anh Ngọc và Lực (Rạng) hai người anh bà con, vì hai ông này lỳ và chịu chơi nhất bọn. Ngày đó, anh Ngọc dám ngậm dầu hôi, rồi cầm đuốc lửa phun dầu cho cháy. Giống như súng phun lửa ngày nay, làm kinh hãi nhiều người và cảm phục trong đám lâu la là chúng tôi. Trong các anh lớn cũng cần phải kể đến một người nữa là anh Chi, tuc gọi là Chi Chóp. Không rõ vì nguyên cớ gì mà anh có cái tên này. Nhưng hồi đó anh đã ở trong dân quân, có cây súng trường đeo lủng lẳng. Thỉnh thoảng anh mang ra trước nhà ngắm máy bay bắn, hay tháo đầu dạn ra rồi nút lại đầu đạn bằng giấy, khi bắn thuốc đạn bay lên làm thủng những lá cây lỗ chỗ, trước sự ngưỡng mộ của bọn con nít chúng tôi.
Lúc ấy, nhà bác Chánh tôi đã đi hết, chỉ còn sót lại anh Bách. Anh này hơn tôi mấy tuổi, nhưng về nghịch thì lại vào bậc thầy. Không chừa một ai! Có lần anh đại tiện vào lá khoai môn, xong dúm lại. Thấy ông Long tôi là người thích đi câu, anh mang vào nhà ông nói, con bắt được ít con dun, mang cho ông đi câu, ông tôi tưởng thật mừng lắm, đang thiếu mồi câu mà. Nhưng khi mở ra, ông tức chửi um, may mà anh nhanh chân chạy được, chứ không thì anh phải một trận no đòn chứ chẳng chơi!
Thời ấy, những năm đầu thập niên 50, con nít ở nông thôn mà, (vì tôi không biết ở thành thị họ sống ra sao). Cỡ tuổi chúng tôi, 4, 5 tuổi còn ở truồng lồng lỗng, cũng có đứa còn lớn hơn nữa, đâu có ai cười ai đâu. Với lại của đáng tội, quần áo cũng chẳng dư dả gì. Nên cứ thế, để vậy chúng tôi chạy rông suốt từ đầu làng đến cuối làng, rất ư là tự nhiên. Tôi và anh tôi cũng vậy, chỉ trừ những ngày đông giá, lạnh quá, phải bận quần, nằm ngủ trong ổ trải rơm, mà trần truồng ra ngoài trời rét thì chịu sao cho nổi?!
Chính vì cái sự thiếu quần áo, vào cái thời xa xưa ấy, mà tôi còn nhớ đến cái sự nghịch tinh của nhân vật có tên là Cá, tục gọi là Cá Câm, vì hắn bị câm. Hình như có họ hàng với gia đình tôi, (chi chòm nhà ông Xã Thực) vì có tật nên anh ta hay cục lắm. Nóng bất thường. Tức lên anh ta cãi lại. Nhưng không nói được, chỉ phát âm ra mấy tiếng chẳng có ý nghĩa gì là (mứng ca, mứng cửng), và gặp ai anh cũng bị trêu là mứng ca, mứng cửng. Một hôm, chúng tôi, có nghĩa là tôi và ông anh, đang lang thang thì gặp Cá Câm. Cũng như mọi người, chúng tôi trêu mứng ca, mứng cửng. Không biết Cá đang tức chuyện gì? Hắn nổi sùng rượt đuổi bắt hai anh em tôi, và để trừng phạt cái tội chúng tôi dám trêu hắn. Hắn dùng chỉ đan vó cột chim hai anh em chúng tôi nối với nhau. Vừa sợ lại vừa đau, anh em chúng tôi khóc inh ỏi. Bố mẹ chúng tôi phải chạy đến gỡ mãi, mới cởi nổi nút thắt cho chúng tôi. Chửi hắn, hắn gân cổ lên cãi. Cũng chỉ mấy tiếng: Mứng ca, mứng cửng.
Có rất nhiều nhân vật nổi danh trong làng như: Thiều trám, Tự xít, Chi chóp, hình như có cả ông ăn thịt người năm đói, tôi quên tên. Nhưng đáng kể nhất, phải kể đến là: Ông Xã Tích, một nhân vật mà hình như chẳng một ai ở làng mà lại không biết. Người ta cho rằng ông nói phét (người miền Nam gọi là nói dóc) vì những chuyện do ông nói ra, chẳng có chuyện nào mà lại có thể xảy ra trên cõi đời này. Trước kia tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng khi lớn lên, tôi đã nghĩ lại và rất phục ông. Ông không phải là người nói phét như người ta tưởng. Ông chính là người có óc khôi hài, thâm trầm, ý nhị. Chuyện do ông kể để lại trong dân những tiếng cười sảng khoái, lâu dài. Nó giúp cho những đám đình, chè chén thêm vui hơn, giòn giã hơn với những tiếng cười bất tận, khi đã ngà ngà hơi men. Tôi còn nhớ được vài mẫu chuyện nhỏ của ông đã kể đại loại như sau:
Một hôm, thấy mấy người trong làng đang cùng nhau chuyện trò. Ông bước đến, mặt làm ra vẻ rầu rầu. Thấy ông đến, trong đám ai cũng biết là ông sắp có chuyện gì để nói đây, sau vài câu chào hỏi thông thường, một người hỏi: “Ông Xã có khỏe không?’’ Thế là ông từ từ, thong thả, tiếng bấc, tiếng chì, gây cho người nghe phải chú ý. Ông kể:
”Khỏe gì, có cái răng, nó hành đau quá, chịu không nổi, chưa bao giờ tôi bị đau đớn vì răng như lần này. Thế nên tôi phải đi nhổ cái răng đau. Thật là khủng khiếp, mình cứ tưởng như mọi lần, ai dè, nhổ được nó ra rồi, trông mà phát kinh! Cái chân răng, dễ có chừng, nó dài đến hai tấc.’’
Mọi người nghe thế đều kinh ngạc, cùng thốt lên: “Hai tấc!! Biết là cụ xạo ke, một ông xỏ cụ:
-“Thế hàm trên hay hàm dưới?’’
Cụ đáp:
-“Hàm trên.’’
Ông kia dùng tay gang lên mặt rồi nói:
-“Vậy nó mọc qua đỉnh đầu hả cụ.’’
Không biết vì cụ ngọng hay giả ngọng mà sau mỗi câu chuyện của cụ bị ai hỏi lại, cụ đều phán câu:
-“Vậy cư cứ!!!’’
Hay như một lần, người ta đi qua nhà cụ, thấy cụ đứng ở cửa, một người hỏi:
-“Không đi làm à cụ xã? ‘
Cụ đáp:
-“Làm gì hôm nay, đang bực mình đây.’’ Người kia hỏi:
-“Có chuyện gì vậy cụ?’’ Lại thong thả, chậm rãi, cụ từ từ kể lại:
-“Chăm bón mãi, mấy tháng trời nay, được mấy bụi sắn (củ mì). Thấy nó tốt, tưởng kì này thu hoạch khá. Sáng nay, ra nhổ một bụi, tính luộc một bữa, ăn sáng. Không dè, cây thì tốt, mà không được lấy một củ! Kinh ngạc nhất, là chuột, dưới gốc. Chuột chạy cứ như là tắc xi ở Hà Nội.’’ Đại để là như vậy, chuyện thì không có thật, mà vô thưởng, vô phạt. Nhưng ở làng tôi ai cũng cho là cụ là người nói phét, do đó mà khi ai nói gì hơi nghi nghi, người ta thường hay hỏi: “Có phải con cháu ông Xã Tích không?’’ Và ai cũng hiểu là họ muốn hỏi ông có nói phét không?
Còn một nhân vật nữa mà hồi nhỏ tôi hay được nghe kể về ông, nhớ cái biệt hiệu của ông là ông Sĩ Tém. Ông nói hay lắm nên mới có cái biệt hiệu như thế. Người ta hay kể về ông hai mẫu chuyện, chuyện thứ nhất là: Trong một lần, giáo xứ có lễ quan thầy, sau lễ, hàng xứ tổ chức mua lỡi tạ cha. Năm ấy, người ta mua được mấy con cua biển, người ta cử ông Tém đi cùng với ông trùm, mang lỡi vào cha. Vì ông trùm thì hiền lành, nhưng không khéo ăn khéo nói, nên phải nhờ ông Tém đi cùng, trên đường đi, ông Tém dở trò tán cụ trùm:
-“Cụ trùm ạ, của vào quan như than vào lò, bao nhiêu cho đủ? Chi bằng mình bớt lại một chút, chiều về con với cụ đánh chén.’’
Nghe thế ông trùm giẫy nẩy:
-“Ấy chết, lạy Chúa tôi! Không được đâu, tội chết, với lại người ta mà biết được thì có mà đeo mo vào mặt. Tôi không dám đâu. Tôi không dám đâu.’’ Giằng co đi lại thế nào mà cuối cùng ông Tém thuyết phục được ông trùm sa ngã, đồng ý nghe theo lời Tém. Thế là ông Tém nói cụ trùm vạch cạp quần ra (cạp quần của các cụ ngày xưa, nó là nguyên một miếng vải cỡ hai tấc, được may thêm vào lưng quần, dùng để vắt qua sợi dây cột sẵn ở bụng, quần thì đen mà có khi cạp quần trắng, hay màu đỏ, mà người ta hay gọi là quần cạp điều) cho ông Tém cột con cua biển vào bụng cụ.
Khổ một nỗi, ông Tém đâu có ý ăn bớt đồ lỡi đâu, ông cố ý là cố ý trêu cụ trùm, nên khi cột con cua biển vào bụng cụ, ông Tém đã để hai cái càng cua vào phía trong bụng cụ. Đến khi vào đến nhà cha, lúc cha ra tiếp thì con cua nó dở trò, càng cua nó kẹp vào bụng cụ, mà cụ càng nói thì nó càng kẹp. Cha xứ thấy cụ nhăn nhó hỏi cụ làm sao vậy? Cụ thưa: “Lạy cha con đau bụng.’’ Cha nói: “Có cần dầu không, tôi có dầu đây.’’ Cụ trùm thưa: “Lạy cha con đau bụng nhưng không xức dầu được.’’ Khi xong việc ra về, cụ trùm vừa đau vừa tức, chửi ông Tém dữ lắm, ông Tém vẫn mồm năm miệng mười, làm ra vẻ vừa thương hại cụ trùm, vừa phân bua không phải lỗi ở mình. Cụ trùm tức quá, moi con cua ra đưa cho ông Tém, nói dỗi.
-“Đây cho ông đem về nhà mình ông ăn luôn đi.’’ Thế là ông vừa lỡm được cụ trùm lại được sơi luôn chiến lợi phẩm.
Chuyện thứ hai, khi ông Tém đi ở nhà phú hộ kia. Một hôm, nhà phú hộ mua được mẻ rươi còn tươi, ngon lắm, sai ông Tém bỏ vào nồi chưng. Rươi tươi mà chưng ăn ngay thì còn gì ngon bằng? Chẳng biết có đúng không? Nhưng người ta kể rằng: Khi chưng rươi, ông Tém mở vung ra đánh vào nồi rươi một cái trung tiện (rắm) rồi đậy vung lại. Đến khi nấu xong đưa lên, nhà phú hộ chịu. không ăn được. Quái sao nồi rươi ngon thế này mà lại có mùi hôi không chịu được! Hỏi ông Tém lý do, ông cũng trả lời không biết. Ông cũng chưng như mọi khi thôi. Thế là nhà phú hộ sai ông Tém mang đổ đi, ông Tém nói đổ đi thì hoài của! Con xin cụ, nhà phú hộ nói mày ăn được thì đem đi mà ăn. Thế là ông Tém ăn tất tần tật.
Hồi đó, mỗi độ đông về. Trời mưa phùn. Gió bấc thổi, rét căm căm. Ai có công việc gì phải đi đâu đó thì cực ôi là cực! Giầy dép thì chẳng có, mà có cũng chẳng mang được. Vì đất làng tôi là đất thịt, loại đất mến người, nó bám chắc vào dép, vào guốc mà đi chừng vài bước thì đã không thể nào cất bước lên được, vì đất nó bám đầy. Thế cho nên, có guốc, dép chỉ có cách là bỏ ra, cầm trên tay, rồi vén quần mà đi. Đường trơn trợt, lầy lội cứ phải bấm chặt mười ngón chân xuống đất, đi cho khỏi ngã. Thế mà nào có thoát được, khéo lắm thì cũng phải ngã một lần. Tôi còn nhớ những ngày xa xưa ấy, thấy nhiều người bị ngã quá, những nhà gần đường, họ thương hại, họ mang tro, hoặc trấu ra vãi những khúc đường trơn cho người đi khỏi bị té, làm phúc.
Đấy là đi, còn để chống lại cái mưa và cái lạnh. Người ta lúc ấy đâu đã có áo đi mưa, áo chống rét, thế nên họ phải làm những áo tơi mưa, dùng lá nón, hay chiếu rách đan lại thành tấm phên, một đầu cột lại, dùng khoác lên người, hay bện rơm thành mảng rồi phủ lên người để chống rét. Cái lạnh mà ai có công việc gì phải xuống nước thì thật là dễ sợ. Đưa cánh tay xuống sâu rút lên, cánh tay đỏ rực, buốt cóng. Nhiều người da không chịu được lạnh nên chân tay bị nứt nẻ, đau đớn vô cùng. Ấy vậy mà nhiều người vẫn phải lội xuống ruộng làm, hay là xuống ao vớt bèo cho lợn!
Còn ở nhà, cũng chẳng khá hơn. Thời đó đâu đã có nệm êm, chăn ấm! Giường chõng cũng chẳng được ngon lành gì. Thế là người ta phải dùng rơm khô trải ở góc nhà thành cái ổ, trên trải chiếu, rồi cả nhà nằm chung vào đấy, đắp chiếu nhờ hơi nóng của nhau cùng tỏa ra mới đủ ấm. Ăn ở thiếu vệ sinh nên rận ra nhiều vô kể, trời hơi ấm áp, người ta mang áo quần ra phơi nắng cho rận chết, hoặc giết rận. Có câu chuyện về cách giết rận như sau: Người ta trải cái áo hay quần hoặc chăn mền ra sân, rồi dùng chai lăn qua gấu áo quần để giết rận, chai lăn đến đâu rận bị cán nổ như thiết đỗ vậy. Ngày nay, tôi chắc mọi sự đã khá hơn. Người ta đã biết khắc phục, để sống thích nghi với mọi thời tiết.
Kể từ ngày bỏ làng ra đi đến nay tôi chưa một lần trở lại. Những điều mà tôi biết về làng không nhiều, nhưng trong ký ức tôi nhớ về làng khi hỏi lại những bà con có dịp ghé thăm, có nhiều người cho là tôi còn nhớ về làng rất chính xác. Thì ra, với tuổi tác, những điều gần gũi có thể không nhớ rõ, nhưng những gì xa xưa thì lại hiện về rõ mồn một, và cảm thấy mình đã già, nên cần viết lại. Chẳng hay ho gì, nhưng cứ viết, để giảm bớt thời gian nhàn rỗi và để ôn lại tiếng Việt của chính mình. Và cũng muốn dùng làm một thứ tài liệu riêng dành cho con cháu sau này. Dù ít ỏi, nhưng cũng có cái mốc, để từ đó mà tìm về cái cội nguồn của mình, của dòng họ, thân tộc và quê hương, nơi cha ông, tổ tiên đã sinh ra. Nếu như chúng muốn.
Còn một điều nữa là tôi muốn ghi lại những dòng này để tri ân tổ tiên tôi và các đấng bậc trong dòng họ. Những người đã có công sinh thành, tạo dựng ra dòng họ Trần Gia Thoại, với con cháu đông đúc xum vầy hôm nay và mãi mãi, cũng nhờ công ơn các ngài nâng đỡ phù trì, mà tôi và gia đình cùng dòng họ có được ngày hôm nay. Trong một câu nói bất hủ của cố Tổng Thống Mỹ John F. Kenedy như sau:
”Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc.’’
Tôi xin phép mạo muội đổi lại cho nó nhỏ hơn trong khung cảnh gia đình, dòng tộc rằng:
”Đừng hỏi dòng họ đã làm gì cho ta, mà phải hỏi rằng ta đã làm gì cho dòng họ.”
Và tôi cảm thấy mình nhỏ nhoi, yếu đuối, đã chẳng thể đóng góp được gì, làm được gì, cho dòng họ, để xứng đáng với công lao mà tổ tiên dòng họ đã vun xới phù trì cho tôi. Nghĩ lại đôi khi rất áy náy, nhưng lực bất lòng tâm, chỉ xin nguyện cố gắng sống làm sao, để không làm cho các đấng bậc tiền nhân phải hổ thẹn hay mang tiếng về mình.
Chỉ xin ghi lại là ở làng hiện nay, tại nghĩa trang, có mộ phần của ông bà là; Trần Văn Thìn, Trần Văn Ngữ bên nội, còn về bên họ Ngoại, ông bà Phan Văn Huyên thì hầu hết sống tại miền Bắc và mộ phần cũng nằm trong nghĩa trang của làng. Tất cả đã được xây lại mộ đàng hoàng, có bia mộ ghi rõ để cho con cháu sau này dễ dàng tìm kiếm khi có dịp về thăm lại quê hương.
Viết xong ngày 28 Tháng 7 Năm 2002
Melbourne, Australia.
Trần Văn Minh
Hành trình.
Như đã viết ở bài Nguồn cội. Tưởng chừng như sự hiểu biết của tôi về Làng Quần Lạc chỉ đến thế là cùng. Nếu muốn biết thêm, ắt hẳn là tôi phải làm một cuộc hồi quê. Việc này đòi hỏi tôi phải có nhiều thời gian, đòi hỏi này và vào thời điểm này thì tôi không có. Chuyến về thăm quê lần này tôi có 6 tuần lễ để làm hai việc chính, đó là: Tổ chức lễ mừng đại thọ cho mẹ tôi và tìm cội nguồn của dòng họ tôi. Tôi đã cẩn thận chia thời gian trước khi lên máy bay về Việt Nam, ba tuần đầu dành cho mẹ, còn ba tuần kế tiếp dành cho việc tra cứu về nguồn cội. Ấy vậy mà khi về đến nhà, công việc và thời tiết đã làm đảo lộn cái chương trình ấy, phần của mẹ tôi thì mọi chuyện đều tốt đẹp cả, nhưng đến phần về lại quê thì coi như không thành, chủ yếu là về thời gian tôi không có đủ.
Không làm được việc về quê tìm nguồn, tìm cội, tôi rất buồn. Lòng hẹn lòng sẽ có ngày trở lại, chỉ tiếc rằng những dòng viết trong cuốn gia phả mà tôi đã viết khi còn ở Úc, cứ nghĩ rằng khi về quê sẽ có thêm nhiều chi tiết mới, nhưng cớ sự này thì ắt hẳn là sẽ chẳng thêm được trang nào mới!!! Nhưng. Có một sự may mắn bất ngờ mà tôi cho rằng tổ tiên đã phù trợ cho tôi, đó là vào tuần lễ gần chót, trước khi tôi sắp phải rời quê hương, thì người anh họ tôi, người mà tôi nhắn hoài nhưng không có tin gì đáp trả lại đột nhiên xuất hiện, sau vài câu chuyện, tôi nói cái ý định của mình thì anh cho biết, có một cuốn gia phả của dòng họ Đoàn có kể rõ về ông Thành Hoàng của Làng Quần Lạc. Nghe xong tôi nghe như bắt được vàng, đề nghị anh giúp tôi tìm đến người giữ cuốn gia phả ấy.
Tưởng ở đâu xa cho cam, ai ngờ cuốn gia phả nằm gần kề bên tôi mà tôi không biết! Anh nói ông Sĩ hiện ở ngay Đồng Sông Mây đang giữ cuốn gia phả này. Chẳng chần chờ, tôi lấy xe rủ anh đi ngay vào Sông Mây để coi có đúng như vậy không? Việc kiếm nhà ông Sĩ chẳng khó khăn gì vì cái khu vực Sông Mây đâu có gì xa lạ với tôi. Sau khi chào hỏi xã giao, tôi ngỏ ý với ông về mục đích của cuộc viếng thăm đột ngột của mình là muốn tìm một chút tư liệu về nguồn gốc của mình, nơi mà dòng họ đã sinh ra, cụ thể là cái Làng Quần Lạc, nếu được thì xin ông cho mượn tập tư liệu ấy, tôi xin phép mang ra Bùi Chu photocopy và hoàn trả lại ông ngay. Ông đồng ý và lên lầu lấy tài liệu cho tôi. Hai anh em tôi ngồi đợi ở dưới nhà và bà Sĩ ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Một hồi lâu ông trở lại, trên tay cầm một cuốn sách miệng nói:
‘‘Tiếc quá, tôi chỉ có cuốn sổ liên lạc của dòng họ Đoàn, còn cuốn gia phả thì giờ tôi mới nhớ ra là đã cho ông Tuân ở Sài Gòn mượn, nếu muốn, bữa nào tôi lên Sài Gòn lấy về cho.’’
Nghe thế tôi hơi thất vọng. Tôi đề nghị với ông: “Nếu không có gì phiền phức, tôi xin thuê xe đi ngay lên Sài Gòn coi tập tài liệu ấy’’. Ông trả lời: “Phiền thì chẳng phiền gì, nhưng giờ đã là chiều Thứ Bảy, đi ngay thì lên Sài Gòn cũng đã trễ, mà đi đột xuất sợ không gặp ai thì uổng công của tôi’’, ông đề nghị để sáng mai Chủ Nhật đi lên gặp ông Gia luôn thể. Biết làm gì hơn, mặc dù rất nóng ruột tôi cũng đành phải chấp nhận đề nghị của ông.
Sáng hôm sau, tôi nói em tôi chuẩn bị thức ăn sáng đàng hoàng đâu đó, tôi lấy xe vào Sông Mây chở ông ra nhà tôi để ăn điểm tâm, sau đó, tôi thuê chiếc xe 12 chỗ để cùng kéo nhau về Sài Gòn. Gần trưa, chúng tôi đến nhà ông Gia, sau khi chào hỏi xã giao và giới thiệu nhau, ông cho biết ông với chúng tôi có họ với nhau về bên ngoại tôi, tôi phải gọi ông Gia và ông Sĩ bằng chú.
Trong tình thân mến, tôi được ông Gia, một người cao lớn, vui vẻ, kiến thức rộng, hiền hoà, hiếu khách kể cho tôi biết rõ ràng, chi tiết về nguồn ngạch từng chi, từng họ trong Làng Quần Lạc, chỉ tiếc là tôi không có mang máy thu âm, hay là chuẩn bị giấy mực để mà ghi chép, mà trí nhớ của tôi không còn nhạy bén như xưa nên mọi lời nói của ông nó vào tai tôi bên này thì lại chui ra khỏi lỗ tai tôi bên kia mất. Như gío thoảng, mây trôi. Cuối cùng, tôi ngỏ ý muốn mượn ông cuốn gia phả để xin sao lại, ông đồng ý và mở tủ lấy cuốn gia phả đưa cho tôi và nói:
“Cháu cứ ngồi đây, để chú Sĩ đi photo cho’’.
Tôi xin phép ông để được cùng đi với ông Sĩ. Cách nhà ông ở cỡ hơn trăm mét có tiệm photo, chúng tôi mang đến nhờ họ chụp lại cho, để chắc ăn, tôi nói họ sao cho 3 bản, tôi muốn tặng ông Sĩ một bản, còn tôi hai bản cho chắc ăn. Họ hẹn chúng tôi cỡ một giờ sau trở lại. Quay lại nhà, trò chuyện với nhau nửa giờ sau, gia đình đã sửa soạn cho chúng tôi bưã ăn trưa tươm tất. Xong bữa, chúng tôi lên lầu ngồi chuyện vãn với nhau một lúc rồi mới xin phép đi lấy tài liệu. Cầm tập tài liệu trên tay, dù chưa biết trong đó viết gì? Có đáp ứng được phần nào yêu cầu của tôi hay không? Tôi không biết. Nhưng dù không biết rõ, lòng tôi lúc ấy cũng cảm nhận một niềm vui khôn tả. Mặc dù rất muốn tôi cũng nán lòng chờ cho đến khi về được đến nhà mới mở sách ra coi. Cuốn sách đã hấp dẫn tôi, những lúc rỗi tôi thường mang ra đọc, sau nhiều lần đọc, tôi đã hiểu về nguồn gốc về nơi tôi đã sinh ra.
Đây, Làng Quần Lạc.
(Tài liệu được trích từ cuốn ’Tộc Phả Họ Đoàn’ do ông Đoàn Văn Tuân cháu năm đời của cụ tổ Đoàn Ngọc Chấn biên soạn với sự bảo trợ của Linh Mục Đoàn Kim Thanh, xuất bản năm Quý Sửu 1973. Tại Sài Gòn)
Nằm giữa hai giòng sông lớn là Sông Ninh Cơ và Sông Đáy, với hàng ngàn mẫu đất được khai hoang và lập lý vào khoảng những năm 1840- 1847. Cụ tổ Đoàn Trái Thái dòng dõi quan lại trong kinh đô Huế, đã theo cha và gia đình ra đây khẩn hoang, lập ấp, sau khi đã gây dựng xong làng Tân Lác Lý. Ông tiếp tục tìm kiếm đất hoang để khai khẩn, và ông cùng gia nhân đã tìm được vùng đất nằm cách Làng Tân Lác Lý 10 dặm về hướng Tây- Nam. Với cánh đồng hoang hoá mênh mông, ông cho đào sông theo trục Đông- Tây nối với hai con sông cái, dùng đất đắp đường, đắp đê ngăn mặn, vượt thổ, phân lô xây dựng cầu cống, tạo dựng các công trình thủy lợi, tưới tiêu cho ruộng đồng, xây dựng nhà cửa, đình, chợ, ruộng, vườn, mộ dân rồi cùng nhau tổ chức thành làng, chia làng ra từng khu, từng giáp, trại. Ruộng ông chia thành Tiền Đồng, Hậu Đồng, dành hẳn ra hàng trăm mẫu đất làm đất chung, gọi là kỵ điền, dùng lợi tức của những mẫu đất chung để chi tiêu các việc trong làng, xóm. Cùng ra sức chăm bón, ông đã cùng dân làng biến vùng đất hoang hoá trở lên phì nhiêu, thẳng cánh cò bay, rồi đặt tên là Làng Quần Lạc.
Sau đó ông giao lại cho ngừơi em kế ông là ông Đoàn Công Triêm coi sóc cùng các chức sắc khác trong làng, ông trở về sống ở Tân Lác Lý. Dù không ở đó, nhưng ông có công khai sáng nên được dân chúng và các họ khác trong làng công nhận ông là Ông Thành Hoàng của Làng Quần Lạc. Sau khi qua đời, mộ phần của ông được an táng tại đầu nhà thờ Tân Lác Lý về phiá Bắc, cạnh tháp chuông. Đó là nơi an nghỉ danh dự nhất trong làng dành cho ông. Ngày giỗ ông là ngày 25 tháng 10 Âm lịch. Tên thánh là Dominico.
Để kính nhớ ông, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân, hai làng cùng mở hội ăn mừng, chèo hát linh đình, tổ chức các cuộc vui như: Đánh vật, đánh đu, chọi gà, cờ người, v.v... Bên Lương thì cúng tế rượu xôi, lợn quay, tứ linh, ngũ quả. . . Bên Giáo thì xin lễ, cầu kinh giảng thuyết để nói về công đức và sự nghiệp của ông cho dân chúng và con cháu biết.
Ngày nay, tại làng Quần lạc, vào dịp đầu năm, tại Chuà Quần Lạc thường tổ chức lễ tế tổ, trước hết họ mời đại diện con cháu Ông Thành Hoàng, kế đến là các họ có công trong việc khai sáng ra làng trong đó có họ Trần, họ Lưu, họ Nguyễn rồi đến các dòng họ nhỏ hơn.
Ông Tổ Tứ Đại thứ Hai của Dòng họ Đoàn.
Đoàn Ngọc Triêm.
Ngành Quần Lạc.
Trích nguyên văn trong gia phả họ Đoàn (trang 11).
Ông Đoàn Ngọc Triêm là con thứ hai của cụ tổ Đoàn Ngọc Chấn, ông là người nối nghiệp di dân, lập lý ở Làng Quần Lạc do ông anh là Đoàn Trái Thái để lại.
Ông mộ thêm dân, khẩn thêm ruộng, đắp đê ngăn mặn, khơi sông ngòi để dẫn thủy nhập điền, biến khu đất này nổi tiếng là mầu mỡ, trù phú, đa đinh, đa điền.
Cũng như các bậc cha anh, thủa thiếu thời ông theo đòi nghiên bút, nhưng ông không thích về khoa bảng và Đông Y. Ông chỉ ‘Canh nông vi bản’. Cũng vì thế nên sau này con cháu trở lên giầu có, có người làm chủ hàng trăm mẫu tư điền./.
Cháu Oanh.
Ở đời, chỉ cần một biến cố nho nhỏ đến với mình thôi. Dù rất nhỏ, cũng đã đủ biến đổi cuộc đời của một con người, đang từ một cuộc sống êm đềm, lặng lẽ, trở thành sóng gió, bão bùng ngay. Thế mà ở Oanh, với tấm thân bé nhỏ, yếu đuối đã hứng trọn những biến cố rất lớn trong đời, ngay từ khi còn rất nhỏ. Để những ngày ấu thơ, Oanh đã không được hưởng những tháng ngày thơ dại êm đềm, ấm cúng đầy mộng mơ, trong vòng tay thương yêu, trìu mến của gia đình.
Đang sống trong gia đình đông đủ, có ông bà, cha mẹ, cô, chú, dì, cậu, nội, ngoại đề huề. Thế mà chỉ vỏn vẹn trong vòng có mấy năm, nhiều biến cố dồn dập đổ xuống đầu Oanh. Cứ y như là người ta hành tội một đứa trẻ quá ngỗ nghịch, bằng cách đánh hội đồng. Người này chưa buông ra thì người khác đã nắm lấy mà đánh tới tấp.
Khởi đầu là người bác, anh ruột của mẹ Oanh chết trận. Từ vùng ven đô trong một trận đánh nào đó. Đưa xác bác về chôn cất ở quê ngoại, nơi gia đình Oanh ở, chưa được bao lâu, thì biến cố thứ hai to lớn hơn đối với Oanh là tin Ba tử trận. Thế là đời Oanh quẹo sang một khúc quanh khác để...
Thật không thể ngờ được! Bé Oanh lại có thể trở thành người côi cút, cô độc! Đành rằng cha bé, anh Nguyễn Văn Phím tử trận năm 1972 tại Quảng Trị, nhưng bé còn mẹ, chị Nguyễn Thị Hai và hai em. Sống trong sự thương yêu đùm bọc của bà nội và ông bà ngoại. Lúc ba mất, bé còn bé lắm, mới có năm tuổi đầu, tuổi mà bé chưa biết gì về cuộc đời rồi sẽ ra làm sao? Cứ tưởng như ba đi vắng đâu đó, như ba vẫn từng đi lâu nay. Nên chẳng một chút tư lự gì, vì thế bé vẫn hồn nhiên vui sống.
Ngày tháng êm đềm trôi, hàng ngày, bé vẫn cùng các em vui đùa, nghịch ngợm. Má thì vừa phụ giúp ông ngoại làm nghề rèn, vừa trông nom chị em bé. Trong khi bà ngoại lo nấu nướng, vừa phụ coi các cháu. Cuộc sống tuy không khá giả gì nhưng cũng không đến nỗi nào tệ lắm, êm đềm và hạnh phúc. Cho đến một ngày, một ngày mà không những cháu Oanh mà toàn thể nhân dân miền Nam Việt Nam không thể nào quên được. Đó là những ngày của tháng tư năm 1975. Ngày đánh dấu sự đổi thay, đã đưa đẩy, hất tung nhiều gia đình bay đi nhiều ngã rẽ, trong đó có gia đình Oanh.
Chiến tranh, nói đến chiến tranh thì xin thú thật, mặc dù sống ở đất nước đang phải khốn đốn về nó. Về cuộc chiến khốn kiếp đã cướp đi người chồng thân yêu của chị, nhưng chị Hai không thể ngờ rằng là: Có lúc chị và gia đình lại có thể trực tiếp phải đối diện, sợ hãi, và trốn chạy nó. Vì rằng, khu chị ở là Bùi Chu, Hố Nai, nơi mà mấy mươi năm của cuộc chiến, chưa hề có những trận đánh nào kề cận. Kể cả những ngày nóng bỏng nhất ở miền Nam, như Mùa Hè Đỏ Lửa hay Tết Mậu Thân. Nơi mà hầu như an bình nhất, an toàn nhất, để cho các nơi khác chạy về đây lánh nạn. Thế mà giờ này, cuộc chiến đang đến, đang từ từ bò đến nơi này.
Khi chiến cuộc ập về tới Xuân Lộc, Long Khánh. Dân cư sợ chiến tranh, họ đành bỏ gia tài, sự nghiệp. Bỏ cả, để lo tìm về nơi an toàn cho bản thân và gia đình nên họ ra đi. Trước nhà chị con đường số 1 đầy người. Họ đi bộ hay đi trên những chiếc xe đủ mọi loại, từ xe đạp, xe thồ, xe bò, xe máy cầy, máy xới, xe lam, xe đò, xe tải, xe lớn, xe nhỏ ôi thôi! Đủ cỡ, đủ kiểu, nó phụ giúp con người mang vác những thứ mà họ không thể mang được. Nó chở đồ đạc, súc vật, và cả con người, lườm lượp kéo qua suốt ngày đêm. Với nét mặt hoang mang, hoảng sợ, dáng vẻ bơ phờ mệt mỏi. Từ những vùng xa xôi, và cũng cả những nơi gần đây nữa. Mệt thì họ ngừng lại đâu đó để nghỉ ngơi, nấu nướng, tắm giặt, ăn uống nhờ nhà của cư dân sống dọc hai bên đường mà họ đi qua. Rồi nghe ngóng, tìm tin tức của thân nhân, bạn bè chưa tới, bình luận thời sự, chiến sự, suy đoán, dự phóng cho những ngày sắp tới, rồi lại bỏ đi.
Với sự suy nghĩ đơn giản của mình, chị nghĩ: ‘Ở đây mà cũng mất, thì đâu còn nơi nào mà chạy đến!’’ Vì Hố Nai cách Sài Gòn có bao xa? Nhưng vì lo sợ mình không đủ sức bồng bế một lúc 3 con thơ dại, cùng cha mẹ già đi di tản. Để cho chắc chắn, chị Hai, mẹ bé Oanh đã đưa Oanh và Tuấn về bên nội các cháu ở đường Lý Thái Tổ, cạnh nhà thờ Bắc Hà, Sài Gòn, gửi cho bà Nội trông coi dùm ít bữa. Còn lại mình, chị nghĩ có thể bế thằng út cùng dìu dắt ba má chạy khỏi nhà, nếu như tình hình sẽ xấu hơn và bắt buộc gia đình chị phải rời bỏ nhà. Lúc đó, chị em Oanh đâu biết, đó cũng là ngày cuối cùng, trước khi mẹ con và ông bà vĩnh biệt nhau!!! Vì đâu chỉ cách có mấy ngày sau, chiến cuộc cũng bò về tới Hố Nai nơi mà gia đình Oanh ở.
Nghe kể lại, vào phút cuối, ngày 28-4 mọi người trong làng, trong xóm bỏ đi hết, láng giềng chẳng còn một ai, đường xá đã thưa thớt người, vắng tanh, vắng ngắt. Chỉ còn lại một vài tốp lính, đang lo làm nhiệm vụ chiến đấu. Thế cho nên gia đình gồm ông, bà, má Oanh đành phải theo mọi người cùng bỏ nhà mà đi. Trong cơn hoảng loạn, tiếng đạn bom bủa rít khắp nơi. Làng xóm điêu tàn hoang vắng, cảnh tang tóc thê lương lởn vởn khắp vùng. Cái nắng tháng tư rực lửa, phụ thêm khói bom đạn bao phủ bầu trời âm âm vàng rực đe dọa. Nóng hừng hực, nóng như muốn cháy da, chảy mỡ, nhìn đường hơi nóng bốc lên, sợ đến hoa cả mắt. Những con chó hoang, sợ tiếng súng đạn, chạy rông ngoài đường, tru chéo lên, càng làm cho cảnh vật đã thê lương, càng tăng thêm vẻ tang thương, hoảng loạn. Mọi người đều vội vã, chị Hai cũng chẳng thong thả gì, hơn nữa chị còn phải lo giúp cha thì già, mẹ lại yếu chân. Chị nghĩ không biết có đưa nổi gia đình ra khỏi vùng tử địa, thoát ra khỏi cảnh địa ngục này không?
Mới đi khỏi nhà được một đoạn, dưới cái nóng như thiêu đốt, lại mang vác cồng kềnh, mồ hôi vã ra như có ai mang nước xối vào người, chị vừa bế con, vừa cố dìu mẹ bước những bước khó nhọc, lòng hoang mang, hoảng sợ. Thầm trách mình không lo chạy sớm, để đến bây giờ ra nông nỗi này. Trong khi đó, cha chị gánh chút gia tài khiêm nhường, trên đôi vai gầy gò ốm yếu. Đúng trong cơn thất vọng cùng cực đó thì may mắn thay, có một chiếc xe tải chạy đến và người tài xế tốt bụng ngừng lại, cho mọi người cùng lên. Chạy được mấy cây số, khi mọi người còn đang khấp khởi mừng thầm vì sự may mắn đã đến với mình, họ mong sao cho mau chóng đến được nơi an bình ngoài vòng lửa đạn. Chứ đâu có ai hay biết gì về chiếc xe đang chở họ, mà họ cho là do may mắn mà họ gặp được, lại là chiếc xe do tử thần phái đến để rước họ về bên kia thế giới. Vì khi xe chạy đến dốc Thái Bình, Ngọc Đồng, Văn Côi, nơi mà đã được để đặt mìn chống tăng, hầu làm chậm lại cuộc tấn công của đối phương. Do không biết và cũng vì vội vã, tài xế đã không kịp ngừng lại, tránh mìn. Chiếc xe đã cán, không phải một mà nhiều trái mìn, nên bị nổ tung cháy rụi, do đó mà ông bà, má và em Oanh đã vĩnh viễn đi về cùng cát bụi. Đó là ngày 28-4-75.
Cũng phải mất đến hai tuần sau Oanh mới biết được tin. Khi chiến cuộc kết thúc, mọi người đã lục tục kéo nhau về lại nhà cũ, Oanh và em mong mãi mà không thấy mẹ đến đón về. Cháu cứ sụt sùi khóc suốt ngày. Miệng không ngớt lải nhải hỏi bà nội mẹ con đâu? Sao lâu quá không thấy mẹ con đến đón. Sốt ruột bà nội về Hố Nai coi thì ông bà ngoại, mẹ và em vẫn chưa trở về. Hỏi ra kẻ nói thế này, người kể nẻo khác, cuối cùng mới vỡ lẽ ra là ông bà, mẹ và em đã cùng đi trên chiếc xe định mệnh kể ở trên, và không bao giờ trở về với chị em Oanh nữa. Chị em Oanh nhớ mẹ, nhớ em, nhớ ông bà khóc mãi, khóc mãi, khiến bà nội và những người biết chuyện, đều thương cảm cho cảnh ngộ của các cháu, làm cho ai cũng phải đổ lệ xót thương. Tội nghiệp các cháu mồ côi, bà nội càng ra sức thương yêu, dỗ dành, chiều chuộng các cháu nhiều hơn. Do đó ngày tháng cũng từ từ qua, trong sự nguôi ngoai thương nhớ gia đình chị em Oanh.
Thời thế đổi thay, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Vì chính quyền mới không chịu trách nhiệm gì về những người cũ làm cho đời sống đảo lộn, mọi sinh hoạt không còn giữ được nề nếp như xưa cũ nữa!! Mọi nguồn trợ cấp của chính quyền cũ, cho gia đình cô nhi, tổ phụ của gia đình bà nội, đã bị chính quyền mới cúp mất, giờ không còn. Lại thêm chính quyền mới quản lý chặt chẽ mọi mặt, nên đời sống thiếu hụt mọi bề. Khó khăn chồng chất khó khăn, bà nội Oanh, ngày càng già đi nhanh hơn thấy rõ, vì lo đối phó với cuộc sống thiếu thốn mọi mặt. Nuôi thân bây giờ đã khó, lại còn phải lo thêm cho hai đứa cháu mồ côi.
Bà đã tính đưa hai chị em Oanh về Hố Nai, nơi có đông bà con họ hàng bên ngoại của cháu, xem có ai có khả năng nuôi dưỡng được các cháu hay không? Lại nữa, còn căn nhà và bao nhiêu đồ đạc mà ông bà ngoại và mẹ Oanh đã đổ biết bao mồ hôi và tiền của mới tạo dựng được. Liệu có ai trông coi dùm hay lại để người ta hiểu lầm là nhà không có chủ? Người ta lại lấy đi, phá đi thì thật là bất hạnh cho các cháu! Nhưng khi về Hố Nai xem xét tình hình, bà thấy khó có ai có thể giúp bà trong việc trông coi các cháu cho được. Còn căn nhà và tài sản? Thì cũng may, có người cháu họ của ông bà ngoại Oanh đi lính chạy về. Không có nhà cửa, lại là trưởng tộc xin vào ở nhờ cùng trông coi hộ cho các cháu, cùng với một gia đình người em nữa. Mà nếu như không có hai bác đấy, trong họ cũng còn nhiều người có thể trông coi dùm. Không sợ mất nhà, mất đồ đạc của các cháu bà được. Bà nghĩ: Thôi thế cũng được, vậy là bà đã yên trí được một phần, sau này các cháu bà khôn lớn, không ở thì bán đi làm vốn làm ăn. Không lẽ các bác lại cướp luôn cả của đưá cháu mồ côi hay sao? Giờ bán đi cũng có tí vốn đấy, nhưng các bác ấy đang trong lúc khó khăn, lại con cái đùm đề biết sống vào đâu đây? Thôi cứ để đấy, coi như đất hương hỏa của các cháu sau này).
Nghĩ được thế nên bà an tâm lắm. Giờ chỉ còn lo sao để có thể nuôi cho hai cháu lớn khôn lên thôi. Thế là bà phải bày ra công việc để làm mà mưu sinh. Với tí vốn liếng còm cõi, bà mở một nồi bún bán ngay tại nhà, bán cho bà con chòm xóm ăn mỗi buổi sáng. Nhờ trời, và cũng nhờ khéo nấu, được bà con trong xóm và các vùng lân cận thương mến chiếu cố, nên bà cháu Oanh cũng lây lất sống qua được những gian truân buổi giao thời.
Nhìn các cháu bà luôn thương hại tội nghiệp. Người ta mất cha cũng còn có mẹ, đàng này.. Mới chạnh nghĩ đến đây là cổ họng bà như có một cục gì đó chặn ngang, tắc nghẹn, làm bà nấc lên, nước mắt tự trào ra khiến bà sợ, bà không dám nghĩ ngợi tiếp, vì bà sợ rồi chính bà cũng chẳng cầm nổi lòng mình, về nỗi cám cảnh éo le bi thảm của gia đình, mà bật khóc nức nở, làm các cháu buồn hơn và lại khóc theo thì khốn. Thế nên bà lo kiếm ba công chuyện vớ vẩn trong nhà mà làm cho nguôi ngoai. Nhưng những lúc đêm về, với giấc ngủ chậm đến ở người già. Nằm trằn trọc mãi, bà chẳng sao có thể xua đuổi được những ý nghĩ chua xót của cuộc sống thực tế phũ phàng mà bà đang phải đối diện. Bà lặng lẽ âm thầm khóc thương cho mình và cho các cháu. Đôi khi bà cũng còn nhận đuợc chút an ủi là các cháu cũng may mắn còn hai đứa, mai này khôn lớn dựa dẫm, an ủi lẫn nhau, khi bà không còn nữa. Nghĩ thế nên bà cũng cảm thấy nhẹ nhõm đôi phần.
Rồi các cháu cũng đến tuổi cắp sách đến trường. Đói no gì bà cũng có thể chịu được, nhưng để các cháu không được đi học thì bà không chịu, nên bằng mọi cách, bà lo cho các cháu được đi học như con người ta bình thường. Oanh buổi sáng, còn em Tuấn buổi chiều. Hai chị em hai lớp, học xong về nhà học bài, ở nhà chơi, chờ xem bà có sai bảo, nhờ vả gì không? Được cái, nhờ trời thương, các cháu cũng ngoan ngoãn, dễ bảo, nên bà cũng cảm thấy an tâm. Ngày ngày, bà cháu quấn quýt bên nhau, nghe các cháu ríu rít, líu lo kể về chuyện chơi đùa, chuyện học hành, bà cũng cảm thấy vui. Hôm qua con Oanh đi học về hí hửng khoe với bà:
-‘’Bà ơi tuần này lớp con đăng ký thi đua làm kế hoạch nhỏ.’’
-‘’Kế hoạch nhỏ là kế hoạch gì?’’ Bà hỏi lại Oanh trong khi đang làm công việc vặt trong nhà.
-‘’Là lớp con đi lượm lặt giấy vụn, bao nylon, sắt thép vụn vặt cho nhà trường.’’
Oanh thưa, nghe thế bà lại hỏi:
-‘’Để làm gì hả cháu?’’
-‘’Để đóng góp với đội Thiếu Niên Tiền Phong bán lấy tiền đóng một con tầu chở các cháu đi thăm miền Bắc.’’ Oanh thưa.
Nghe cháu kể thế, bà nội đâm lo. Với kinh nghiệm mà bà đã từng sống, bà không dám nói ra ý nghĩ của bà. Nhưng làm sao mà ba tờ giấy vụn mà có thể đóng được con tàu đây? Bà nghĩ: (khốn nạn thật, họ lừa cả lũ trẻ, học không lo học, lại lo đi kế hoạch lớn với kế hoạch nhỏ, rồi đây cháu bà lại phải giang nắng, giang nôi mất thôi, khổ quá). Kể từ lúc đó, bà thấy Oanh lo lượm lặt mọi thứ trong nhà, từ tờ giấy vụn, cái bao nylon cũ, cái lon sữa bò bẹp, cái chai, cái lọ, cái nồi nhôm thủng, cái nắp vung méo, rồi dồn cả vô bao để mai mang đi học. Hết trong nhà, các cháu lại ra đường, ra phố để lượm. Hết cá nhân lại đến tập thể, rồi cả thầy cô giáo cùng tham gia. Thế là thay vì đi dậy học, thầy cô lại dắt díu đám học trò đi nhặt phế liệu.
Ngoài đường phố lúc đó, cứ từng tốp, từng tốp học sinh nhỏ, được các thầy cô hướng dẫn, đi lôi kéo, khuân vác những thứ gì mà người ta vất bỏ lại bên lề đường, kể cả vũ khí và xe cộ. Chẳng riêng gì Oanh cháu bà, mà tất cả trẻ trong khu phố đều phải làm như vậy cả. Bà nghĩ: (cứ cái đà này chẳng bao lâu, nhà trường sẽ biến thành bãi rác phế liệu mất!!!) Sau những lần tham gia như vậy, về đến nhà bà thấy Oanh mặt mũi đỏ gay, đen nhẻm, không khéo còn bị cảm nắng nữa chứ, rõ khổ!! Nhưng bà chẳng làm gì được để giúp cháu.
Hết lớp này, lại đến lớp khác. Nhỏ như lớp của thằng Tuấn cũng không thoát khỏi. Mới mấy tuổi đầu thì biết gì mà cũng bắt kế hoạch lớn, kế hoạch nhỏ? Và mọi việc được lặp lại y như chị nó đã làm vậy.
Một hôm, đưa thằng Tuấn đi học. Hôm nay lớp Tuấn đi làm kế hoạch nhỏ. Bà đã cẩn thận lo mặc quần dài, áo dài tay, và mũ rộng vành cho cháu. Cái thằng rõ ương! Bảo nó đội cái nón cho nó đỡ nắng, nó sợ bạn bè trêu nên không chịu, nói mãi nó mới chịu đội cái mũ rộng vành. Dắt đến sân trường, bà dặn dò cháu cẩn thận rồi mới ra về.
Ngang qua nhà thờ như thường lệ, bà ghé lại vào quỳ gối đọc kinh cầu nguyện thêm mấy phút. Về đến nhà, bà đang định đi nằm nghỉ trưa một tí thì nghe có tiếng nổ ở đâu đây. Như đâu mãi bên phía đường Trần Quốc Toản thì phải! Không dám tin vào tai mình. Cháu Oanh thì đang ngồi ở bàn học, bà hỏi:
-‘’Cháu có nghe thấy gì không hả Oanh?’’
Oanh đáp:
-‘’Hình như có tiếng nổ ấy bà ạ.’’
Tự nhiên bà đâm lo. Quái! Sao hôm nay bà thấy lòng không được yên, linh tính báo như có điềm gì không lành đang đến với bà. Nghĩ thế nhưng bà chẳng dám nói ra. Bà nghĩ: Chắc do mình lo nghĩ nhiều quá nên nó ám ảnh vậy thôi, chứ nào có chuyện gì. Ai dè, chừng năm phút sau, có người chạy đến báo tin Tuấn bị thương vì bom nổ. Nghe tin bà chẳng còn hồn vía gì nữa. Hỏi cháu tôi giờ ở đâu? Người đưa tin cho biết là họ đã đưa cháu vào bịnh viện Nhi Đồng gần đấy.
Chỉ kịp dặn dò Oanh mấy câu ở nhà coi nhà, rồi nhờ mấy người hàng xóm trông chừng nhà, bà hớt hải chạy sang bịnh viện. Nhìn thấy cháu thương tích đầy mình, bà oà khóc, kể lể hoàn cảnh cháu. Mọi người có mặt ai nghe qua cũng xót xa, thương cảm. Thầy giáo chủ nhiệm lớp Tuấn nhìn bà ái ngại, lúc sau chờ cho bà bớt xúc động mới từ từ lên tiếng kể lại: Lớp Tuấn đang dọn một chiếc xe hơi phế thải bên đường để lấy sắt vụn. Một đứa thấy trái đạn, không biết là nguy hiểm cầm giục ra ngoài. Thế là trái đạn nổ làm mấy em bị thương. Cũng may là Tuấn không đến nỗi nào nặng lắm, mặc dù bị nhiều mảnh đạn, nhưng chúng đều nằm ở những phần mềm. Thế mà cũng phải mất hơn tuần lễ nằm bịnh viện Tuấn mới tạm bình phục và trở về nhà được.
Tưởng thế là đã thoát nạn. Nào ngờ hai tuần sau Tuấn bị sốt, người co giật. Chở vội vào bịnh viện, bác sĩ chẩn đoán cháu bị bịnh phong đòn gánh. Vì khi bị thương, bịnh viện điều trị tắc trách, đã không chích ngừa cho cháu, họ đưa cháu vào bịnh viện Chợ Quán chữa trị, nhưng không còn kịp nữa. Gần tuần lễ sau, Tuấn qua đời!!!
Tưởng chẳng còn bút mực nào có thể tả nổi hết nỗi đau đớn của bà. Oanh cũng buồn lắm, cứ khóc hoài vì thương nhớ em, nhưng cũng chỉ biết đến thế mà thôi. Chẳng biết gì hơn, để trách trời cao, khéo gây cảnh tang thương tan tác, khiến cho gia đình đang đông đúc, yên vui, đầm ấm. Vậy mà chỉ có mấy tháng trời bỗng chốc tan hoang, chia lìa, ra đi hết, chỉ mình Oanh còn lại, trơ trọi giữa đời!!
Nếu như không có bà nội lo lắng, cáng đáng mọi sự, không biết đời Oanh sẽ đi về đâu? Vì lúc bấy giờ cả đến sự đi lại cũng trăm bề khó khăn, do đó mà bà tự lo hết, chẳng báo cho bên ngoại cháu biết, nên chẳng một ai giúp bà một tay trong việc của các cháu.
Oanh thương mến, cậu viết lại những dòng chữ này, chắc là cháu không biết có đọc được không? Vì cậu cháu mình đã lâu lắm rồi không gặp được nhau, nhưng cậu cứ viết. Vì cháu có biết rằng, giờ cháu là người duy nhất còn lại trong một chi của dòng tộc Trần Gia Thoại hay không? Mặc dù là bên ngoại, mọi người trong dòng họ đều thương mến cháu. Bà nội cháu là người nhân hậu, chí tình, chí nghĩa. Cháu có nhớ không? Những ngày còn nhỏ, để cháu không quên nguồn cội. Hàng năm cứ vào ngày lễ các linh hồn. Thế nào bà cũng đưa cháu về Hố Nai thăm mộ ba cháu, nhân thể ghé thăm gia đình bà con bên ngoại cháu luôn.
Nghĩa cử của bà nội cháu, giúp cho mối dây liên hệ gia tộc giữa cháu với bên ngoại luôn được bền vững. Nhờ vậy mà mọi người bên ngoại ai cũng vẫn nhớ đến cháu. Có lần bác Ký đã muốn bảo lãnh cháu qua Hòa Lan, nhưng cậu nói cháu có chồng ở Mỹ và cháu sẽ đi Mỹ, nên bác cũng mừng cho cháu, và thôi không làm bảo lãnh nữa. Có một lần cháu có gửi cho cậu tấm hình cháu đi Đà Lạt chơi khi chồng cháu ở Mỹ về, , hai cháu vui vẻ đi chơi cùng nhau, nhìn hình thấy cháu hạnh phúc, cậu rất vui. Cậu mong rằng cuối quãng đời còn lại, cháu có được một cuộc sống nhiều hạnh phúc hơn, vì những ngày thơ dại của cháu đã đầy bất hạnh mà cậu tưởng chừng như cháu đã không thể nào chịu đựng nổi trong tấm thân mảnh mai, bé nhỏ ấy. Chắc là cháu đã được mọi người thân đã khuất của cháu nâng đỡ, phù hộ cách riêng, để cháu có nghị lực mà sống. Riêng cậu lúc nào cũng nhớ đến cháu, người cháu đơn côi./.
Melbourne, những ngày cuối năm con rắn. 21/1/2002
Trần Văn Minh
Những điều cần ghi lại cho mai hậu Về sự thịnh suy của dòng họ.
Tôi không biết gì nhiều về sự thịnh suy của dòng họ mình, bởi thế cho nên tôi phải hỏi dò nhiều người, người có lẽ biết nhiều về dòng họ mình là chị Ký, chị biết không phải là vì chị lớn tuổi, cái biết ở chị là do được mẹ chị kể lại cho, cũng nhờ chúng tôi có điều kiện liên lạc thường xuyên với nhau nên cũng biết được đôi điều, sự chính xác tuy không cao nhưng cũng có chút tư liệu để mà lưu truyền lại:
Ông Tổ Tứ Đại.
Dòng họ tôi không phát về văn hay võ, còn sĩ, nông, công, thương thì cụ tổ tôi chọn canh nông làm căn bản cho nên đời ông cố tôi, người mà đối với tôi phải gọi là ông tổ Tứ Đại là thời cực thịnh của dòng họ, theo như sự suy nghĩ và tính toán sơ khởi của tôi, cụ cố thuộc vào đời thứ 2 của những bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng ra làng Quần Lạc, tôi chưa truy cứu được nguồn gốc của ông từ đâu đến, vì chắc chắn một điều là ông phải là di dân đến đây, còn nếu như ông được sinh trưởng ở làng thì cụ tổ Ngũ Đại là người thuộc đợt di dân thứ 1. Vì làng được lập lý vào khoảng giữa những năm 1840- 1847. Cụ cố tôi sinh vào khoảng những năm 1860- 1864. Ở vào thời điểm đó các cụ chỉ chú mục vào việc khai thác ruộng đồng, với lượng phù sa lớn lao của vùng Đồng Bằng Sông Hồng, được tích lũy bao đời, đã vun bồi cho ruộng đồng phì nhiêu đem lại những vụ mùa bội thu cho nên cụ tổ tôi đã trở lên giầu có, ông lại có ít con (ba người) nên cơ ngơi của ông cũng thuộc vào loại trung lưu ở trong làng. Trước khi ông mất, gia tài đã bắt đầu suy, lý do đơn giản là vì ông chỉ có một mình ông nội tôi là con trai, do đó mà ngài được nuông chiều quá mức, để cuối cùng đi vào con đường đam mê cờ bạc. Tuy vậy, khi ngài qua đời cũng còn để lại cho ông nội tôi một gia tài với cơ ngơi đồ sộ. Căn cứ vào những gì chúng tôi biết được thì do chí thú làm ăn, cần kiệm mà ông tổ tôi giầu có.
Ông Tổ Tam Đại.
Qua đến đời ông nội tôi thì mọi sự đã thay đổi, người rất mê đỏ đen, chỉ cần được đánh bài, đánh bạc là ông thích rồi, chẳng cần biết đối tượng là ai, người lớn, kẻ nhỏ, người lương thiện, lũ bịp bợm, ai rủ người cũng đi, mà bài bạc thời đó như được khuyến khích ngầm của nhà cầm quyền Pháp thuộc, dùng các đam mê để ru ngủ dân ta, cùng làm cho lòng yêu nước trong thanh niên bị lu mờ và yếu kém nên cờ bạc, thuốc phiện được chúng khuyến khích nghiện ngập. Dần dần trở thành những tập quán xấu, thế cho nên ở các vùng nông thôn ta ngày ấy, khi nhà có đám, có đình, trong những nhà chủ tiệc, thế nào cũng có vài bàn dành cho các cụ vui chơi như: Tổ Tôm, Tài Bàn, Chắn, thậm chí còn cả Xóc Đĩa nữa. Ông tôi cũng không thoát ra khỏi, để có những giai thoại về ông như sau:
Thủa ấy ông dậy học, (tôi đoán là ngài dậy chữ quốc ngữ) trong giờ giải lao, thầy cùng rủ trò chơi quay đất, (môn chơi này nay đã thất truyền) nên tôi xin kể sơ qua về cái môn chơi bình dân này của dân ta vào cái thủa xa xưa ấy, đại để nó như sau: Khi đã có mấy người chơi, một người cầm cái bát, dùng miệng bát cào cào sơ trên nền nhà cho mặt đất hơi trũng xuống một tí để khi búng đồng tiền không chạy ra ngoài, thế là đã có điểm để búng tiền, khi chơi, người làm cái dùng một đồng tiền cắc có hai mặt hình khác nhau như cây lúa, con voi chẳng hạn, dùng ngón trỏ bàn tay trái đè nhẹ lên cạnh mép đồng tiền dựng đứng, rồi dùng ngón trỏ của bàn tay phải búng vào mép của đồng tiền làm sao cho đồng tiền quay tít, sau đó dùng cái bát úp kín lại, ai chọn hình nào đặt tiền khi mở bát ra mặt hình nào nằm ngửa thì mặt đó thắng. Có một cái rất vui khi chơi quay đất là khi nhà cái búng tiền, toàn thể người chơi đều áp mặt ngang xuống đất để coi khi đồng tiền quay xem hình nào rõ nét họ sẽ chọn hình đó để đánh. Thế mới biết sự đam mê đã đưa đẩy ông đến sự chỉ vui thôi chứ không màng đến giai cấp thầy trò gì cả.
Còn một câu chuyện này nữa về vấn đề đam mê của ông cũng được nghe kể lại: Thấy ông thật thà và luôn luôn coi trọng chữ tín, bọn người không lương thiện rủ ông đánh bạc, ông nói ông không có tiền, họ bèn bày cách đưa ông từng bó que và giao hẹn là mỗi que trị gía là bao nhiêu tiền để ông dùng que thay tiền mà đánh bạc, thế mà ông đồng ý và đánh thua sạch bó que, hôm sau bọn họ kéo đến nhà ông đòi tiền, ông không có tiền nên đành để cho họ dỡ nhà. Bà nội tôi là người hiền lành, biết kính trọng chồng nên cũng chỉ đành chấp nhận tất cả những việc làm của ông. Sau ngăn ông không được bà phải nhờ ông coi con dùm, ông dẫn luôn con đi đánh bạc, thế là các con của cụ đều rành rẽ về các môn cờ bạc này. Tôi không biết đến cuối đời ông sống ra sao, nhưng chắc chắn là không còn giữ được cái tài sản mà ông được thừa hưởng từ ông cố tôi để lại. Căn cứ vào những điều kể ở trên mà rút ra được những kinh nghiệm sống để cho con cháu sau này theo đó mà né tránh, thì vì do vui chơi mà ông tôi đã để mất cả gia tài, con cháu trong dòng họ nghĩ sao? Với sự thật thà và lòng trung tín thì ở ông lại là người có đầy đủ các đức tính ấy.
Ngôi mộ của bà.
Trong các bậc tiền nhân đã đi về với tổ tiên ông bà, người có vai vế lớn nhất có mộ phần gần gũi với con cháu nhất là mộ của bà nội tôi, nhờ được cái là khi dòng họ di cư vào trong Miền Nam bà cũng đã đi theo, cho nên khi người được Chúa gọi về thì phần thân xác trần gian được các con, các cháu chôn cất tại nơi quê hương mới, cũng nhờ vậy mà mộ phần của bà được nhiều con, nhiều cháu biết đến, để dễ dàng thăm viếng và chăm sóc, nhưng ngôi mộ mà hiện xác thân bà đang gửi gấm bên trong ấy có phải được chôn cất ngay từ lúc ngài mất hay không? Hỏi như vậy chắc là cũng có nhiều con, nhiều cháu không biết, vậy xin kể sơ lại để cho con cháu cùng biết là:
Về ngôi mộ của bà nội, nhờ tôi ở Bùi Chu liên tục mấy chục năm, nên tôi có cái hạnh phúc được chứng kiến toàn bộ những cuộc di dời hài cốt của ngài. Khi ngài qua đời năm 1956, mộ phần được an táng tại nghiã trang của xứ đạo lúc đó nằm phiá sau nhà thờ, nay cũng lại được chọn làm nghiã địa lại, vì ngày đó do ở phía trong sâu, đi lại khó khăn vì lầy lội, do đó mà cha xứ cho chuyển về phiá ngoài ngay sát Quốc Lộ 1. Thế là mộ của bà nội tôi được cải để dời ra ngoài nghĩa trang mới. Ngày đó, gia đình phải nhờ ông cụ Bằng người là bố chồng cũ của bác chánh gái sau này giúp cho việc cải mộ, gia đình mua một tiểu gỗ, còn ngôi mộ mới gia đình xây một cái hồ nhỏ đổ nước vào rồi mới đặt tiểu đựng hài cốt của bà vào giữa, ngày bốc mộ tôi được may mắn tham dự, và cũng được may mắn cầm được trong tay nắm xương của bà do ông cụ Bằng đưa cho để chuyển đặt vào trong tiểu. Được một thời gian vào khoảng mấy năm, một ngày tôi thấy bác và chú tôi ở Sài Gòn về bàn với cha tôi, chẳng biết mộ của bà làm sao mà các ông cứ bị bệnh nóng suốt, không biết căn cứ vào đâu các ông cho rằng mộ của bà do tấm bê tông đặt trên mộ cộng với cái không gian nhỏ bé bên trong đã giữ cho độ nóng hầm bên trong lâu hơn bình thường, nên con cháu bị nóng chăng?
Chẳng biết đúng sai, thế là bác, chú cùng cha tôi xuống nghĩa địa coi và quyết định dời hài cốt bà ra ngoài chôn, các ông cũng chọn chỗ đất gần sát với chân tấm biển quảng cáo, ở chỗ đó về chiều có bóng mát của cái bảng che phủ nên rất mát, sau này gia đình nhờ ông Khoản xây cho ngôi mộ, đến gần đây, có kẻ phá hoại đột nhập nghĩa trang đập phá, thánh gía đựơc ông Quản Hào là em út của bà tôi đúc từ ngày bà mất, được di chuyển theo mấy lần dời mộ cũng bị đập phá. Và mới đây bà chị con bác cả trai tôi ở Mỹ về là chị Nguyệt đã úp một ngôi mộ mới cho bà. Tôi chỉ còn nhớ trong ngày dời mộ cuối cùng này, bác cả trai có truyền lại cho tôi một câu như sau: Sống vì mồ vì mả chứ không sống vì cả bát cơm.
Qua đến đời các bác, cha và chú tôi thì có lẽ bác cả trai tôi là khá nhất, ở tuổi trung niên ông đã có danh vọng và cơ ngơi lớn ở trong làng, với hai dãy nhà xây mỗi dẩy ba căn với hai chái, nằm ngay đầu bắc cống phía tây của làng, điều này thì tôi biết rõ, vì chính gia đình tôi đã ở trong dinh cơ của bác. Nhưng không được biết rõ bác tôi làm ăn trong lãnh vực nào mà khá lên. Sau này vào khoảng những năm 1952, 53 gì đó xẩy ra cuộc chiến, gia đình bác cùng bao gia đình khác đều bỏ nhà cửa, gia tài, sự nghiệp, bỏ làng, bỏ xóm ra đi, qua đến Phát Diệm bác gái lại bị trúng đạn và qua đời, để lại cho ông 7 người con. Ông đưa gia đình di cư vào Miền Nam, tậu xe hơi để dùng vào việc khai thác lâm sản nhưng không thành công mấy, sau ông về Sài Gòn ở và tạo dựng nên Giáo Xứ Tân Phú cùng bạn bè, ông được bầu làm chánh trương cùng thời cha Hải xây dựng Thánh Đường xứ Tân Phú.
Người thứ hai là bác cả gái, bác là người duy nhất trong 8 anh em mà không có một tí máu mê cờ bạc nào ở trong gia đình và cũng là người chọn ngành thương nghiệp để kinh doanh nhờ đó mà gia đình bác có đời sống kinh tế vững vàng nhất trong 8 anh chị em. Tuy làm ăn có đồng ra, đồng vào nhưng bác sống chừng mực, thanh đạm và tiết kiệm chọn câu (tích cốc phòng cơ, tích lương phòng hàn) làm châm ngôn mà sống.
Người thứ ba trong anh em tương đối đỡ vất vả nhất là người chú út, tuy ông cũng chẳng có nghề nghiệp gì, nhưng được cái ông rất giỏi giao thiệp, lịch lãm và chững chạc nhất trong tất cả anh em, tính tình hào phóng, hiếu khách, còn một điều cũng kể là hơi quan trọng là ông có ít con (ba người) nên cũng dễ sống hơn. Chỉ tiếc là cuối đời ông lâm bịnh không còn phong độ như khi trước.
Còn lại thì phần đông sống từ trung bình trở xuống, cũng đôi khi thiếu ăn mà phần đông do con cái đông đúc mà công ăn việc làm thì không có, lại cũng do ham vui với cuộc đen đỏ mà ra nông nỗi.
Nếu kể về sự thịnh suy thì trong các đấng bậc vào hàng thế hệ thứ ba được kể là không được thành công cho lắm chỉ được cỡ trên 30% có đời sống trên trung bình, về danh vọng thì cũng chỉ có một mình ông Chánh Thuyết là có tí chức trong làng trong xứ, còn ngoài ra thì cũng chỉ là dân thường.
Đây cũng là một bằng chứng về sự thất bại do ham vui với đỏ đen mà thêm một thế hệ thứ hai trong dòng họ đã không tiến lên được, xin phép các đấng bậc tiền nhân cho phép chúng con được nêu ra, để cho con cháu sau này rút tỉa kinh nghiệm mà trau dồi bản thân, né tránh những sai lầm mà cha ông đã bước qua.
Người soạn.
Trần Văn Minh.
Cháu thuộc đời Thứ Tư cuả cố Trần Gia Phẩm.

No comments:

Post a Comment