Sunday, November 2, 2014

3/11/14. Tháng Các Linh hồn xin nhắc nhau.

Tháng Các linh hồn xin nhắc nhau.
Nhớ nhau xin hãy góp lời cầu

Ông bà bằng hữu, đà yên nghỉ
Thoát chốn luyện hình, thoát khổ đau.



 Tháng Các linh hồn, nhớ chuẩn bị cho mình chỗ ở cho phần linh hồn.

Thánh lễ an táng vừa xong, trước khi làm các nghi thức tiễn biệt cho người qúa cố. Các linh mục về chỗ ngồi, nhà thờ im phăng phắc, người ta chỉ còn nghe những tiếng sụt sịt thút thít khóc rất khẽ của thân nhân người chết. Thường thì đã đến phần thân nhân người qúa cố lên cám ơn các linh mục và cộng đoàn đang hiện diện trong thánh lễ tiễn đưa.

Nhà hiếu vẫn ngồi im tại chỗ, sao không thấy ai bước lên, mà chỉ có vài người đang sầm xì chỉ chỏ cho nhau cắm cái USB vào computer và đang điều chỉnh để máy chiếu hình lên màn ảnh phía cao trong nhà thờ.

Rồi bỗng nhà hiếu gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người hiện diện. Vì kìa, người qúa cố, người mà mọi người hiện diện trong thánh đường hôm nay là để tiễn biệt, người mà hiện chỉ còn là cái xác lạnh gía đang nằm trong cỗ quan tài đặt trịnh trọng trước mặt mọi người xuất hiện trên màn ảnh lớn, không xuất hiện như gia đình đem những hình ảnh cũ để chiếu lại, mà xuất hiện bằng đoạn phim quay sẵn để người qúa cố cám ơn mọi người.

Trên màn ảnh, người “qúa cố” ăn mặc chỉnh tề, nói năng chững chạc và hành động lanh lợi của những ngày hãy còn sống khỏe, tươi cười trong đôi kiếng trắng. Khi thưa gửi tới nhân vật nào thì quay về phía người đó, tuy không chính xác 100%, nhưng làm cho người được nhắc tới cũng hơi.. run.

“Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ, cộng đoàn, ca đoàn, quý ông, quý bà, bằng hữu và thân nhân. Thật là hân hạnh cho tôi, trong ngày cuối đời mình, lúc mà chúng ta vĩnh viễn chia tay nhau trong cuộc đời trần thế, tôi lại được đích thân ngỏ lời cám ơn đến toàn thể mọi người hiện diện. Thời tiết hôm nay nắng mưa thế nào tôi không biết, cũng như tôi không biết tình cảm mà quý vị dành cho bản thân tôi vậy.

Nhưng trước tiên, con xin cảm tạ Thiên Chúa, Đấng con hằng tựa nương, đã cho con đi trọn kiếp người và hôm nay, Ngài lại đang chờ đón con, hướng dẫn con bước vào nơi để con được thanh tẩy sạch sẽ, trước khi con được vào hưởng nhan Thánh của Ngài.

Thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà và anh chị em. Bởi vì, là thân phận con người mỏng dòn, yếu đuối. Bản thân lại nuông chiều những thói hư, tật xấu, chắc hẳn là đã không ít thì nhiều gây những phiền toái, bực mình cho quý vị, khi tôi còn đương sống trên dương thế. Mới đầu, tôi cho là những lời nói và việc làm của mình là đúng, mình phải. Cho đến khi biết là mình sai thì lại lờ đi, chống chế, không biết tu tỉnh, phục thiện để sửa lại bản thân, nên trở thành cao ngạo. Tôi cũng biết như vậy là không được tốt đẹp, nhưng như đã nói ở trên, do sự yếu đuối, nuông chiều bản thân, nên cái xấu đã thành cái tật, thành nếp xấu, nó bám theo tôi như hình với bóng, nên thật khó sửa chữa, mà hậu quả của nó đã để lại tì vết xấu trong đời tôi.

Nhưng hôm nay, quý cha và quý vị đến đây, cùng tham dự và dâng thánh lễ này là để dâng lời cầu nguyện cho tôi, để xin cho tôi được ơn tha thứ của Chúa, Đấng giầu lòng thương xót. Chắc quý vị cũng chẳng hẹp hòi gì mà không tha thứ cho tôi những lỗi lầm mà tôi đã xúc phạm đến quý cha và quý vị. Và hơn thế nữa, lại nghe từ chính miệng tôi, một người vừa nằm xuống vĩnh viễn ngỏ lời lần cuối, khẩn khoản xin quý vị để được hưởng ơn thứ tha ấy. Dù quý vị có quyết định thế nào, tôi cũng xin chân thành cám ơn quý vị.

Ngừng lại một chút cho lắng phần xúc động, người trên màn hình hướng mặt về nơi thân nhân, giọng chùng xuống, nhân vật chính nói ra những lời tâm sự, kể lể những tâm tư, tình cảm, mối giây liên kết ruột thịt mà gia đình và người qúa cố đã có với nhau, như tình nghĩa trong đời sống vợ chồng, tình thương cho con cái, những kỷ niệm gắn bó, thương yêu, lời nhắn nhủ. Mỗi lời nói, như gợi sâu vào nỗi đau của sự mất mát làm òa vỡ những tiếng khóc, những đôi vai rung lên theo tiếng khóc, tiếng nấc, làm cho cộng đoàn cũng có nhiều người cảm thấy nghẹn ngào, nhiều đôi tay cũng vội tìm trong túi những tờ khăn giấy đưa vội lên thấm mắt.

Cuối cùng, người qúa cố nói: các cụ ta xưa đã nói “ma chê, cưới trách” nên cũng như thông lệ, “trong lúc tang gia bối rối” chắc chắn là có những thiếu xót, tôi cũng xin quý vị thông cảm bỏ qua. Mọi nghi thức đưa tiễn hôm nay, gia đình đều làm theo ước nguyện của tôi, nên mọi thiếu xót đó do tôi mà ra cả. Xin tha thứ cho tôi vì chẳng ai có kinh nghiệm về sự chết và bản thân tôi cũng vậy. Xin chào tất cả, tôi đi.

Nói xong, người qúa cố giơ tay vẫy chào và quay lưng bước đi, từng bước nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút. Màn hình cũng trở về với màu trắng tinh. Cả nhà thờ lặng thinh trong giây lát trước khi các nghi thức tiễn biệt được tiếp tục.

Đương nhiên, câu chuyện trên đây chỉ là tưởng tượng. Nhưng gía có một đám tang như thế, thì người đó hẳn đã biết đặt mình trong sự quan phòng vào Chúa. Nó nhắc chúng ta, sống là chuẩn bị cho sự chết, biết chờ đón sự ra đi của đời mình. Đấy cũng là một trong những sự chuẩn bị sẵn sàng, như nhiều sự chuẩn bị khác mà ta thường gặp trong đời sống ngày trước ở quê nhà. Chắc nhiều người còn nhớ, đôi khi vào nhà ai đó, nơi phòng khách có một hay một đôi hòm trùm tấm vải, mà trong đó còn có thêm áo đã được làm phép dành cho cha mẹ, và cả những nơi an nghỉ đã được chọn sẵn, theo như ý nguyện của các ngài.

Nhiều người còn thản nhiên khoe những cỗ áo quan của mình, khoe nơi nằm trong nghĩa trang, khoe phần mộ nơi cất giữ phần tro cốt. Có cả những tấm mộ bia nằm cạnh người thân với đầy đủ tên tuổi, chỉ còn thiếu phần ghi ngày qua đời vì, họ vẫn còn đang sống.

Đấy là nói đến những chuẩn bị vật chất cho phần xác của chúng ta. Vì người ta đã không sợ chết, nhưng lại sợ khi mình chết không có hòm để chôn, không có nơi để chôn cái phần xác sẽ mục rữa ấy. Ngày nay, đất đã chật và người thì đông, đâu đây đã có cảnh người sống đang tranh dành chỗ nằm của người chết. Đủ lý do đưa ra để giải tỏa các nghĩa trang, để mong kiếm ra những miếng đất mà làm việc khác. Mồ mả phải di đi, dời lại! Nhìn cảnh đó khiến người sống đau lòng, nên không còn mong tìm những mảnh đất lớn lao làm gì, mà đã chọn gửi phần tro cốt mình trong khuôn viên các nhà thờ.

Trong khi đó, phần linh hồn chúng ta, khi rời khỏi thân xác sẽ đi đâu? Về đâu? Nơi nào chúng ta sẽ đến ở? Lời Chúa theo Thánh Gioan đoạn 14. 2-3 chỉ rõ rằng: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở.” Vậy chúng ta là con cái Chúa, chúng ta tin tưởng và chắc chắn rằng, chúng ta sẽ được một chỗ ở vĩnh viễn nơi nước Trời. Và muốn vào nơi tốt lành ấy, chúng ta cũng noi gương sống của Chúa, biết nhìn nhận tội lỗi và xin ơn tha thứ. “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. (Mc 1,15)

Người Công giáo chúng ta, ai lại đã chẳng từng ít nhiều lần nghe qua bài tin mừng  “Dụ ngôn 10 trinh nữ” nói về “năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan đi đón chú rể.” Mt 25, 1-13. Để được nghe lời Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta nên luôn sống trong sự chuẩn bị sẵn sàng. Và ước gì mọi người chúng ta nghe theo, chuẩn bị sẵn sàng hành trang để khi nghe tiếng Chúa gọi là bước ra thưa cùng Chúa: Lạy Chúa xin Ngài phán bảo vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe. “1 Sam 3,9”

Tháng 11. Tháng mà Giáo hội Công giáo dành để cầu cách riêng cho các linh hồn. Và cùng cầu nguyện cho mỗi người chúng ta, để sống làm sao cho xứng đáng là một người Kitô hữu. Luôn chuẩn bị sẵn sàng để “khi Chúa thương gọi con về.” Thì “lòng con hân hoan như trong một giấc mơ.” Xin Chúa thương cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con và các linh hồn mồ côi được sớm về hưởng nhan Thánh Chúa.

Tháng Các Linh hồn 2014.

Trần Văn Minh.




No comments:

Post a Comment